Thứ sáu, 29/03/2024,


"Nhớ Hồ Tây xưa" - Một bài lục bát tôi yêu (19/09/2010) 

NHỚ HỒ TÂY XƯA

 

Con thuyền lướt nhẹ lên mây

Giật mình trắng thức loang đầy sóng xanh

Giữa ngàn sen tực bức tranh

Cầm làn hương ngát ta dành cho nhau

 

Trắng trong ngơ ngác tình đầu

Môi hồng thơm ngọt một màu cốm xanh

Trái em chín bói trên cành

Đừng rung vội, sợ chòng chành nước mây

 

Bàn tay đan chặt bàn tay

Xôn xao tiên cảnh ở ngay bến trần

Em về trăng níu bước chân

Hồ Tây sen thoảng hương thầm về theo.

 

Đặng Thị Quế Phượng

 

 

           Bức tranh nghệ thuật Tây Hồ của Đặng Thị Quế Phượng hiện ra trước mắt người thưởng thức tại vị trí trang trọng trung tâm. Nó không thể hiện bằng chất liệu sơn dầu mà là một bức tranh lụa với những nét vẽ mỏng manh, mềm mại, hơi rung… Nó có đủ trăng, nước, mây, thuyền và cả ngàn sen nữa. Thật tuyệt vời, vùng thiên nhiên thơ mộng ấy chưa hề có sự tác động “nhân tạo” của con người. Chính cô gái “xưa” và ngôi thứ 3 nữa… đã rủ nhau tới đây (Phải chăng tác giả không chỉ rõ đối tượng trong suốt cả bài thơ, cho hợp ngữ cảnh e lệ ban đầu?).

                                     

“Con thuyền lướt nhẹ lên mây

Giật mình trăng thức loang đầy sóng xanh”

 

            Thời điểm đôi nam nữ gặp nhau vào cuối chiều, sắp ngả sang đêm. Trăng đã lên và mây còn in hình trên bóng nước. Ở đây đâu phải “trăng giật mình”, mà chính tôi giật thót, tôi bị khua dậy, khi vừa đọc đến từ “trăng thức” tại ngay câu bát đầu tiên. Sao mà tinh tế đến thế! Thuộc tính, ban ngày thì trăng ngủ chứ, còn trăng thức thuộc về đêm. Thuyền lướt đã làm chan bóng trăng, loang đầy theo bao con sóng tỏa. Bức tranh có hồn, rất sinh động nhờ những động từ mà chị sử dụng trong câu. Tại đây, còn thấy câu thơ cuối khổ đầu thiên về cảm giác: “Cầm làn hương ngát ta dành tặng nhau”. Chỉ sen đương rộ thì hương mới ngào ngạt. Và, họ “cầm” để trao nhau. Chủ động, mà trừu tượng quá. Tuy vậy, người đọc vẫn hiểu ra sự quý giá đó đến nhường nào.

             Tiếp theo, tác giả đã bộc bạch thay người con gái:

 

“Trắng trong ngơ ngác tình đầu

Môi hồng thơm ngọt một màu cốm xanh”

 

Em trẻ trung, xinh xắn, đương thì, nhưng tâm trạng mới vượt ngưỡng ngây thơ, rõ nét tại câu lục. Cùng cặp từ ẩn dụ “hồng thơm” và “cốm xanh” hòa với không gian Hồ Tây nữa, không thể lạc vào đâu được nét đặc trưng của người và đất Hà Thành xưa. Rồi:

 

“Trái em chín bói trên cành

Đừng rung vội, sợ chòng chành nước mây”

 

Nếu không nhầm có lẽ đây là cặp câu lấp lánh nhất trong bài “Nhớ Hồ Tây xưa”. Liệu có lời dặn dò nhắc nhở nào thi vị hay hơn thế với người mình yêu? Từ “bói ” còn là một sự tu từ vượt mức hoàn hảo cho ta liên tưởng tới vụ quả mùa đầu. Sự phát triển nào chẳng phải trải qua một quá trình dài mong đợi. Rất quý, nhưng trái thơm chưa quá lớn về chiều kích…

           Chịu khó ngẫm nghĩ thêm một chút thôi, ta sẽ nhận ra Đặng Thị Quế Phượng viết bài thơ vào thời điểm nào, từ đó chắc chắn ta càng nể phục tác giả hơn. Tôi dám khẳng định thi cảnh cho biết đây là ngày đầu tiên trong đời họ đến tự tình với nhau bên hồ. Bởi kể cả xưa nay không ai chịu để thời gian “dự bị” kéo dài, chậm trì nếu không bị những tác động khách quan.

           Là ngày đầu bỡ ngỡ ấy nên, đành:

 

“Bàn tay đan chặt bàn tay

Xôn xao tiên cảnh ở ngay bến trần”

 

           Giản dị, chẳng háo khát xô bồ. Nhưng sự rung động đầu đời của tâm hồn ví như trên “Tiên cảnh” quá hợp, bởi nó đẹp lắm, đẹp đến mức khó kể tả! Ta hãy thử liên hệ (có lẽ cũng chưa chính xác lắm) với từ “Tiên tửu” xem sao? Chỉ nhấm nháp cảm nhận men say và hương vị chứ nào ai trăm phần trăm, dốc cạn… Thế mà nó theo máu ngấm sâu vào ngóc ngách buồng tim. Cũng câu này càng thấy tác giả rất lành nghề khi không dùng “cõi trần” mà dùng “Bến trần”. Vâng, chỉ có thế mới đúng mạch, đúng ngữ cảnh của không gian hồ nước của bức tranh thủy mạc nói trên. Đến hai câu kết ta tiếp tục nhận ra nét đẹp về tâm hồn và tính cách của người con gái trong thơ:

                                                    

“Em về trăng níu bước chân

Hồ Tây sen thoảng hương thầm về theo”

 

            Chẳng biết có phải bố mẹ dặn dò hay chính cô ý tứ: Đi chơi  không nên về muộn. Vì thế mà trăng mới níu kéo, cảm thông. Đúng ra bước chân của cô cũng dùng dằng đấy, song đã bị lý trí vượt lên chi phối hành động của mình. Bạn đọc có thể cũng đồng cảm với suy nghĩ của tôi. Bởi, nếu trăng tà, trăng lặn thì làm sao mà dùng được động từ “níu” nữa. Phải chăng?

            “Nhớ Hồ Tây xưa” thực sự là một bài lục bát tôi yêu. Tác phẩm gần như toàn bích. Trong ta vẫn còn nguyên cảnh hồ xưa, người xưa và tình xưa… của một thời Hà Nội, để mà nhớ, mà yêu khi một lần ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bức tranh  Hồ Tây của Đặng Thị Quế Phượng.

             Song, tôi thiển nghĩ nếu như ở câu cuối cùng chị đừng dùng giới từ “về” nữa mà thay bằng một động từ khác, giả dụ như “bay” chẳng hạn, sẽ tránh được sự lặp từ không đáng có. Biết đâu sự thay thế đó “hương thầm” sẽ bay theo chị, phảng phất mãi tới lúc đầu bạc răng long…

        

 

Nguyễn Thanh Tuyên

(Hội viên Hội nhà văn Hải Phòng)

ĐT: 0989094933 - Email :bsnguyenthanhtuyen@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: