Thứ năm, 12/12/2024,


Khoảng lặng giữa lời (15/09/2010) 

Tâm tình với người đến sau

 

Chắc là em giống tôi xưa

Dễ buồn vui với nắng mưa, với mình

Chắc là em trẻ em xinh

Tóc mây một sợi kéo đình đổ xiêu

Chắc là em hạnh phúc nhiều

Khi ôm hoa tặng, nhận điều hứa, cho

Chắc là...

sao tôi đắn đo

Thương em, nói thật...

mà lo bời bời

Rồi mai hoa cải về trời

Thì em sẽ hiểu những lời lá răm.

 

Nguyễn Thị Mai

(Rút trong tập Thơ tình các tác giả nữ - NXB Thanh niên 2000)

 

 

            Chắc là... Chắc là người phụ nữ đến sau sẽ cảm nhận được đôi  điều - bởi “thương em, nói thật...” - của chị Nguyễn Thị Mai trong bài thơ.

            Nói thật, sao lại phải đắn đo? Có lẽ cái khó ở đây là phải nói cùng em - người phụ nữ đến sau. Vâng, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”! Em là người đến sau, chưa “qua” những gì tôi đã trải nên chắc gì hiểu đúng những điều tôi nói. Và cũng bởi khó nói mà nhân vật “tôi” đã hết sức thận trọng khi giao tiếp:

           

Chắc là em giống tôi xưa

Dễ buồn vui với nắng mưa, với mình

 

            Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã chọn được cách vào đề dễ chấp nhận, dễ tìm thấy sự đồng cảm. “Chắc là...” thế thôi! Không hề khẳng định song “em” nào có khác gì “tôi xưa”. Người phụ nữ nào lại không có một thời xuân sắc, không rạo rực yêu đương. Và sao tránh khỏi chuyện  vui, buồn - mưa, nắng. Dường như, đây không phải là sự “rào đón” mà là sự thương cảm chân thành của người cùng giới:

 

Chắc là em trẻ em xinh

Tóc mây một sợi kéo đình đổ xiêu

Chắc là em hạnh phúc nhiều

Khi ôm hoa tặng, nhận điều hứa, cho

 

             Em trẻ. Em xinh. Em hạnh phúc. Rất có thể đó là sự thật! Nhưng còn có một sự thật cay đắng hơn mà nhân vật “tôi” đắn đo khó nói. Để thể hiện được những xúc cảm khó diễn tả thành lời, người viết đã khéo léo tạo nên những khoảng trống nghệ thuật:

 

Chắc là...

sao tôi đắn đo

Thương em, nói thật...

mà lo bời bời

 

            Cái điều muốn nói vẫn chưa thành lời. Nhưng người phụ nữ đến sau có thể cảm nhận được từ sự đắn đo, lo lắng xuất phát từ tấm lòng rất thực của người nói. Chính những khoảng lặng này mới là thơ. Nói như Octavio Paz: “Là thơ... Thơ trườn đi/ Giữa có và không/ Nói cái ta im lặng/ Im lặng cái ta nói/ Mơ cái ta lãng quên ...” (Lại nói về thơ). Quả thật, cặp lục bát đứt gãy của chị Nguyễn Thị Mai đã nói hộ được tiếng lòng nhân vật “tôi”.

            Không bộc lộ một cách bạo liệt như thơ của các nữ thi sĩ Dư Thị Hoàn, Đặng Thị Thanh Hương, Lưu Lam Thi... Nguyễn Thị Mai luôn giữ được cái tươi tắn, đoan trang vốn có của mình. Và cách khép lại bài thơ của chị cũng thật là ấn tượng:

 

Rồi mai hoa cải về trời

Thì em sẽ hiểu những lời lá răm

 

            Một kết thúc bất ngờ song không gây cảm giác hụt hẫng trong lòng người đọc. Bằng cách nói hình tượng, chị đã gợi sự liên tưởng về những giai thoại của câu ca dao xưa:“Gió đưa cây cải về trời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Chắc là em - người phụ nữ đến sau - và chúng ta sẽ nghiệm ra chất cay đắng từ những dòng thơ ngọt ngào của chị.

 

 

Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

Phòng GD&ĐT Quế Sơn - Quảng Nam

ĐT: 0905078457 - Email: maukiet@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: