Thứ bảy, 20/04/2024,


Biểu tượng "nước" trong thơ ca dân gian và thơ ca hiện đại các dân tộc ít người (Nguyễn Thị Thanh Lưu) (29/08/2010) 

“Đọc thơ ca dân gian của các dân tộc ít người Việt Nam, chúng ta càng thấm thía sức ám ảnh của biểu tượng nước trong tâm thức dân gian. Những con người miền núi quen sống giữa thiên nhiên, quen tư duy qua lăng kính tự nhiên đã dễ dàng gửi gắm những suy tưởng, những tình cảm vào biểu tượng nước. Dù là ở dân tộc nào, Tày hay Mường hay Giáy, nước cũng là biểu trưng cho một giá trị, một quyền năng trong đời sống con người. Sự đồng điệu trong cách cảm, cách nghĩ này cho thấy nước là biểu tượng lớn của văn hoá dân gian các dân tộc ít người”. (Nguyễn Thị Thanh Lưu)

 

 

 

I. Biểu tượng và khả năng phái sinh, mở rộng nghĩa theo thời gian

 

Biểu tượng là sự mã hóa các giá trị tinh thần của loài người theo suốt chiều dài thời gian. Ở đó, những người đi sau khám phá và tri nhận được lối tư duy và những giá trị tinh thần hàm ẩn của những người đi trước, đến lượt họ lại tiếp tục đắp bồi thêm các lớp nghĩa mới. Như vậy, rõ ràng, trong sự tồn tại của biểu tượng, chúng ta thấy có một quá trình bồi tụ nghĩa.

Biểu tượng được hình thành với phương thức sử dụng một loại môi vật để môi giới tri giác cái bất khả tri giác. Với cách thức 'bằng một hình ảnh cụ thể mà nói lên một sự gì trừu suất hay vắng mặt'(1), biểu tượng có rất nhiều dạng thức khác nhau, như: biểu trưng, biểu hiệu, phù hiệu, dấu hiệu... Trong bài viết này, để tiện cho việc khảo sát, biểu tượng được quan niệm một cách đơn giản nhất là tất cả những hình ảnh mang những nét nghĩa phái sinh, trong đó, mang những so sánh mà 'vế thứ nhất bị dồn nén vào vô thức'(2), bị che lấp và đòi hỏi phải có những tri thức văn hóa đặc trưng của dân tộc để khai mở.

Biểu tượng luôn chứa đựng trong mình những giá trị đã được vĩnh hằng hóa, song không phải vì thế mà nó trở thành nơi tồn đọng những giá trị cũ mòn, nơi giam giữ các tầng ý nghĩa trong sự xơ cứng. Trái lại, biểu tượng là một thực thể sống động, luôn luôn có sự luân chuyển, đắp đổi nghĩa liên tục. Sinh thể ấy được nuôi dưỡng bằng những lối tư duy, những tưởng tượng phong phú của con người. Đời sống của con người không bao giờ bớt phức tạp đi, và biểu tượng vì thế cũng không bao giờ đơn giản hơn. Những phức tạp của cuộc sống dội vào tâm tư con người những suy tưởng không cùng, để rồi từ đó, chúng lại được dồn nén vào hệ thống biểu tượng. Đó là con đường tất yếu của đời sống và cũng là xu hướng tồn tại và phát triển tất yếu của biểu tượng.

Với xu hướng như vậy, biểu tượng là một sinh thể có khả năng mở rộng nghĩa theo thời gian. Xác định  xu hướng này, chúng tôi  lựa chọn khảo sát biểu tượng nước trong thơ ca dân gian và thơ ca hiện đại của các dân tộc ít người để bước đầu khám phá ra mạch nghĩa liên tục trong biểu tượng ấy cũng như sự phát sinh ra những lớp nghĩa mới. Hy vọng với phương cách như vậy, chúng ta có thể bắt đầu tiếp cận được với khả năng truyền dẫn lối tư duy của văn học dân gian tới văn học viết trong bộ phận văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam.

 

II. Biểu tượng nước trong thơ ca dân gian của các dân tộc Tày, Mường, Giáy

1. Các tầng nghĩa

 

Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, 'những ý nghĩa tượng trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh'(3). Khảo sát và tập hợp các câu ca dao có sự hiện diện của biểu tượng nước trong Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (4), cho thấy biểu tượng nước thường xuất hiện trong những câu ca dao tình yêu. Mà xét đến cùng, tình yêu cũng chính là một 'nguồn sống', một 'phương tiện thanh tẩy', một 'trung tâm tái sinh'. Tuy nhiên, để phân suất ý nghĩa một cách cụ thể hơn, sâu sắc hơn, cần thiết phải nhóm các câu ca dao mang biểu tượng nước vào những nhóm có tầng nghĩa đặc trưng của biểu tượng này.

 

a. Nước là một quyền năng, một giá trị

 

Nước là nguồn sống tự nhiên quan trọng bậc nhất của loài người. Chính vì thế mà những dòng sông lớn trên thế giới luôn luôn là khởi nguyên của các nền văn minh lớn. Đối với những cư dân miền núi, những con người quen nếp sống dựa vào thiên nhiên, nước càng trở nên thiêng liêng bởi nước cũng là sự sống. Sự sùng bái nước là một hành vi mang tính cộng đồng và đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng con người miền núi. Nước mặc nhiên trở thành một biểu tượng mang tính giá trị, mang một quyền năng, một sức mạnh đặc biệt đối với đời sống con người.

Đọc thơ ca dân gian của các dân tộc ít người Việt Nam, chúng ta càng thấm thía sức ám ảnh của biểu tượng nước trong tâm thức dân gian. Những con người miền núi quen sống giữa thiên nhiên, quen tư duy qua lăng kính tự nhiên đã dễ dàng gửi gắm những suy tưởng, những tình cảm vào biểu tượng nước. Dù là ở dân tộc nào, Tày hay Mường hay Giáy, nước cũng là biểu trưng cho một giá trị, một quyền năng trong đời sống con người. Sự đồng điệu trong cách cảm, cách nghĩ này cho thấy nước là biểu tượng lớn của văn hoá dân gian các dân tộc ít người.

Những câu ca dao dân gian của người Tày thường mượn biểu tượng nước mà định giá tình cảm:

- Thương nhau đựng sọt nước vơi

Không thương nước đựng cong rồi cũng khô.

- Thương nhau nước đựng vào sàng

    Không thương nước đựng trong cang còn rò.

(Ca dao tình yêu, Tày, tr.652)

Nước được xem như là một giá trị đã định hình, là cái hiển nhiên, mặc định. Nó là cái cớ vin vào cho sự khẳng định tình cảm vững bền của đôi lứa yêu nhau:

Nước không chảy ngược lên trời

Bắc thang thượng giới mấy người được nao

Thang lên trời thấy đâu nào

Hai ta nghĩa nặng khắc vào nhất tâm.

                                   (Ca dao tình yêu, Tày, tr.652)

Tính thiên biến vạn hoá mềm dẻo của nước khiến con người cũng liên tưởng đến những sự thay đổi trong hình hài biểu tượng này. Nó là một giá trị, có khi là vĩnh hằng, có khi là biến đổi:

Thương nhau chế nước thành dầu

Thương nhau đun cạn nước nâu thành chàm

(Ca dao tình yêu, Tày, tr.652)

Nếu các câu ca dao trên nhấn mạnh vào tính thuần nhất của nước để biểu thị sự chung thuỷ, vĩnh hằng thì câu ca dao này lại nhấn mạnh vào khả năng biến chất của nước để nói lên sức mạnh chuyển dời của tình cảm.

Người Mường lại có những câu ca dao đậm đặc chất suy tưởng về lẽ đời, trong đó, nước cũng là một biểu tượng chính gọi tên cho một giá trị của đời sống vô cùng:

            Thà nước đổ về sông

Còn mong có lúc được vác

Nước đã đổ xuống cát

Còn cầm bát đợi làm chi mà sầu

                             (Hát tàn nhau, Mường, tr.313)

Không đơn thuần biểu thị cho tình cảm, nước ở đây được nhìn nhận rộng hơn, sâu hơn, bao trùm mọi giá trị, mọi thành quả trong đời sống con người. Nó gói trọn tất cả mọi hy vọng, thất vọng, ngậm ngùi của con người. Trong lối suy tư này, nước trở thành một biểu tượng gần gũi – đại diện cho những giá trị, những thành quả thiết thực của đời sống con người.

Từ một góc độ khác, biểu tượng nước lại được thiêng liêng hóa, trở thành một mạch nguồn linh diệu của tình yêu:

Thương thiết, thương nồng!

Anh một lòng ước ao, ao ước

Ước sao anh biến nên mỏ nước lành

Cho em mái nhân tình rẽ chân về uống.

                             (Phát đường, Mường, tr.238)

Người đàn ông trong câu ca dao “một lòng ước ao, ao ước” “biến nên mỏ nước lành” cho người tình “rẽ chân về uống” hay anh ta đang tự thiêng hóa con người mình, tâm hồn mình, thiêng hóa nguồn tình nóng bỏng trong mình để quyến rũ người yêu. Trong thẳm sâu tâm thức mỗi con người, nước là nguồn cội, nước là những gì thanh khiết, trong sáng. Hẳn là tác giả dân gian cũng đã ướm chọn những giá trị vĩnh hằng ấy của biểu tượng nước để thể hiện nỗi khát khao yêu đương của một trái tim đang thổn thức.

Nước đã tỏ rõ quyền uy và sự chủ động của nó trong con mắt dân gian. Trong câu ca dao sau của người Giáy, tình cảm hay sự đáp tình của cô gái được ví như nước hay nói khác đi, nước được chọn làm biểu trưng cho một thứ quyền năng đặc biệt về tình cảm:

Anh muốn làm máng cho nước chảy

Chỉ e nước không chảy

Nước luồn qua giữa rừng

Nước chảy xuống vực sâu.

                                 (Chỉ e, Giáy, tr.480)

Uy quyền định đoạt số phận tình yêu của người con gái được tác giả dân gian gán ngay cho nước bởi những hàm nghĩa sâu sắc về sức mạnh ghê gớm đằng sau vẻ mềm mại của bản thân nó. Thật không có gì đẹp hơn, thẳm sâu hơn, hoàn mỹ hơn khi để biểu tượng nước xuất hiện như một giá trị đặc biệt, một quyền năng thiêng liêng trong những lời tình ấy.

 

b. Nước là số phận, định mệnh

 

Đặc tính về sự trôi chảy liên tục của nước khiến người ta thường liên tưởng đến dòng đời, đến số phận. Trong những câu ca dao của người dân tộc thiểu số, nước cũng xuất hiện với ý nghĩa là sự ám ảnh về số phận, về định mệnh. Trong nỗi thương yêu da diết, người tình nhân không khỏi có lúc ngờ vực, nghi ngại về số phận tình yêu về sau này. Lúc ấy, biểu tượng nước xuất hiện một cách thật tự nhiên, giúp nhân vật trữ tình bày tỏ lòng mình trọn vẹn nhất:

Ta hẹn gặp đôi lúc

Biết đâu về sau này

Nước mỗi sông khác chảy

Khác lờ lại khác bẫy.

                     (Tùy em, Giáy, tr.480)

Cũng trong một tình thế éo le, chàng trai trong câu xường – câu hát dân gian của người Mường đã tự giam mình trong một tưởng tượng buồn thảm, trong một tiên cảm về số mệnh của lứa đôi:

Tan đôi ai mặc ai

Tàn đôi ai mặc họ,

Đôi đứa ta, đêm ni phải tan nhau làm chi mà thương!

Em có cửa nhà sớm rồi em được ăn nhờ công con

Để anh vóc rỏ mình son

Ra bến sông con đứng đợi nước chảy

                             (Xường tự do, Mường, tr.285)

Nước chảy hay là số mệnh đang trôi? Dường như tất cả mọi nỗi sầu thương, đau đớn của chàng trai ấy đều lồ lộ xuất hiện bởi chính cái vẻ dửng dưng, điềm nhiên trôi chảy của nước. Tác giả dân gian đã chọn đúng biểu tượng mà vẽ nên sắc diện của một tâm trạng khó tả của con người.

Trong một bài lượn của người Tày, nước lại xuất hiện như một điềm báo tốt lành, một định mệnh:

Tối qua em mơ thấp

Tối nay em mơ lành

Mơ thấy lửa cháy nước

Hóa ra có trai ngoan vào làng

                             (Lượn phuối phác, Tày, tr.433)

Vốn là một biểu tượng lớn của văn hóa thế giới, biểu tượng nước có sức ẩn nghĩa rất lớn. Trên đây là một số lớp nghĩa cơ bản được tìm thấy trong  phạm vi hẹp của thơ ca dân gian 3 dân tộc Tày, Mường, Giáy.

 

2. Sự xuất hiện của biểu tượng trong trạng thái sóng đôi

 

Biểu tượng hoàn toàn là một thực thể độc lập trong môi trường văn hóa, bởi vậy, nó không nhất thiết phải xuất hiện trong một mối quan hệ nào đấy thì mới có giá trị biểu nghĩa. Tuy nhiên, qua khảo sát hệ thống biểu tượng trong kho tàng thơ ca dân gian các dân tộc thiểu số, một điều rất dễ nhận thấy là các biểu tượng thường được xuất hiện trong trạng thái sóng đôi. Biểu tượng nước cũng không phải là ngoại lệ. Có thể xem việc đặt các biểu tượng vào một trạng thái có tính chất liên hệ là một lề lối tư duy quen thuộc của con người Việt Nam. Đời sống đậm đặc tính cộng sinh giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người đã đem lại một lối tư duy đề cao quan hệ mang tính tổng hợp như vậy.

Phải thừa nhận rằng, xu hướng đặt biểu tượng trong trạng thái sóng đôi đã gia tăng giá trị biểu đạt cho các biểu tượng nhờ hiệu quả của sự cộng hưởng ngữ nghĩa, dù ở trạng thái tương tác, tương hỗ hay tương phản.

 

a. Cặp đôi tương phản

 

Biểu tượng nước xuất hiện trong một cặp đôi mang tính tương phản thường biểu đạt những điều kỳ diệu, mạnh mẽ, như câu tỏ tình của chàng trai dân tộc Tày sau đây:

Tình nghĩa hai ta lửa mặt nước

Chẳng ai mối lái để thề nguyền.

                                         (Lượn gà gáy, tr.95).

hay lời mơ mộng của một cô gái:

           - Tối qua em mơ thấp

         Tối nay em mơ lành

         Mơ thấy lửa cháy nước

         Hóa ra có trai ngoan vào làng

                                       (Lượn phuối phác, tr.433)

Tác giả dân gian gọi lên một giá trị tinh thần đặc biệt bằng cách xây dựng một cặp đôi biểu tượng tương phản. Tình cảm lứa đôi trong mấy câu dân ca trên đây được nhấn mạnh không chỉ bằng sự hiện diện của các biểu tượng mà quan trọng hơn là bằng sự tương tác nghĩa giữa cặp đôi biểu tượng nước - lửa. Sự tương phản càng mạnh thì mức độ mãnh liệt của tình yêu lứa đôi càng lớn.

Để biểu tượng nước có thể hiện diện dưới nhiều góc độ lấp lánh, tác giả dân gian không chỉ sử dụng những tương phản hoàn toàn (giữa nước với các sự vật khác) mà còn tạo ra những tương phản không hoàn toàn bằng cách khai thác nhiều phương diện biểu cảm của biểu tượng này.

Thương nhau nước lũ cũng qua

                Không thương nước vũng tránh xa là thường

                Thương nhau chế nước thành dầu

               Thương nhau đun cạn nước nâu thành chàm

                                             (Ca dao tình yêu, Tày, tr.52)

Đừng chê  giếng nước nhỏ không ăn

Đợi dòng nước máng cao hơn chết đói

                                    (Lượn phuối phác, Tày, tr.433)

Nhờ khả năng chi tiết hóa sự vật, biểu tượng nước đã có thêm nhiều sắc độ biểu cảm mới, trong đó, có những sắc độ tương phản như: nước lũ - nước vũng; nước - dầu; nước nâu - chàm; giếng nước nhỏ - nước máng. Sự tương phản các sắc độ khác nhau trong cùng một biểu tượng đem đến những hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Trong hình ảnh giếng nước nhỏ dưới cái nhìn đối sánh với nước máng, ta đọc thấy không chỉ là một nỗi ngậm ngùi mà còn là một niềm kiêu hãnh ngấm ngầm đằng sau đó.

 

b. Cặp đôi tương hỗ

 

Xuất hiện trong một cặp đôi tương hỗ, biểu tượng nước cũng bộc lộ nhiều nét nghĩa sâu sắc. Cặp đôi cá - nước là cặp đôi tiêu biểu trong mối quan hệ tương hỗ, thường được tác giả dân gian sử dụng trong chuyện thề nguyền của đôi lứa: 

- Lòng dạ còn yêu đôi da diết

Như thể cá dưới nước sóng xanh

Kết nghĩa cho một lời nên nghĩa.

- Thương nhau ta thương nhau nồng mặn

Như thể cá với nước không sai

                                   (Lượn phuối phác, Tày, tr.433)

 

III. Biểu tượng nước trong thơ ca hiện đại của dân tộc Tày, Mường, Giáy dưới cái nhìn đối sánh với thơ ca dân gian

 

1. Các tầng nghĩa và sự mở rộng nghĩa

 

Sự tồn tại xuyên qua thời gian, xuyên qua không gian của biểu tượng khiến cho các biểu tượng có khả năng bồi đắp thêm nhiều nét nghĩa mới. Vậy nên, chúng ta không thể coi những giá trị biểu cảm đã định hình trong văn học dân gian là những giá trị bất di bất dịch của biểu tượng trong dòng chảy văn học đương đại. Những khác biệt về lối tư duy, về cách cảm nhận đời sống của các tác giả văn học hiện đại so với tác giả dân gian chắc chắn đem lại những “tấm áo” mới cho biểu tượng. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, những hàm nghĩa vốn có của biểu tượng trong tâm thức dân gian vẫn không hề mất đi trong lối suy tư mới của lớp tác giả hiện đại, bởi lẽ, trong đời sống văn hóa tinh thần, cái mới sinh ra không nhất thiết phải là sự phủ định sạch trơn cái cũ. Cái mới thường được xây dựng trên nền tảng của những giá trị bền vững cổ xưa. Chính vì vậy mà khi khảo sát biểu tượng nước trong thơ của các nhà thơ dân tộc hiện đại, ta gặp lại những hàm nghĩa đã gặp trong thơ ca dân gian, và cũng nhận ra những nét nghĩa mới được bồi tụ thêm bởi sự sáng tạo của họ. Qua khảo sát 9 tập thơ của nhà thơ dân tộc Tày – Dương Thuấn(5), 14 tập thơ của nhà thơ dân tộc Giáy – Lò Ngân Sủn(6) và 3 tập thơ của nhà thơ dân tộc Mường – Bùi Thị Tuyết Mai(7), biểu tượng nước lại hiện lên với những trầm tích ngữ nghĩa cũ và cả những lớp phù sa ngữ nghĩa mới.

 

a. Nước là một giá trị

 

Cũng như trong thơ ca dân gian, biểu tượng nước trong thơ ca hiện đại của người dân tộc được sử dụng để cụ thể hóa một giá trị mang tính trừu tượng. Nhà thơ Lò Ngân Sủn đã viết những câu thơ mộc mạc mà gợi cảm bằng lối so sánh ấy:

Tình như ấm nước đang sôi

Đun bằng ngọn lửa cuộc đời của ta

Tình như nước khoáng Sa Pa

Lọc ra từ cõi sâu xa đất trời

                                               (Tình như)(8)

Cũng là một kiểu biểu đạt mức độ tình cảm như thơ ca dân gian trong so sánh: Thương nhau như bát nước đầy (dân ca Tày), nước trong mấy câu thơ trên của Lò Ngân Sủn đã chi tiết hóa trạng thái của nó để trở nên biểu cảm hơn nữa. Tính cá biệt trong sáng tạo cá nhân của nhà thơ đóng vai trò quan trọng trong việc khám phá thêm những khía cạnh biểu nghĩa mới cho biểu tượng.

 

b. Nước là số phận

 

Khía cạnh ý nghĩa này có thể xem là một giá trị biểu đạt đã ổn định trong biểu tượng nước. Tính trôi chảy, biến thiên của nước đem đến một hình dung sắc nét về số phận con người. Nhà thơ Dương Thuấn đã chớp lấy hình ảnh nước máng - một hình ảnh rất đặc trưng của cuộc sống vùng cao để khắc sâu nỗi nhớ thương đau đáu trong tâm hồn người phụ nữ giữa cái bình thản chảy trôi của số phận:

Ngày cưới

Anh đánh giặc ở chiến trường Nam Bộ

Tôi rất bé cũng đóng làm chú rể

Trèo non đi đón chị về

 

Đêm đó tôi nghe

Chị nấc

Đêm đó chị nghe

Nước máng đầu nhà rơi lắc tắc…

(Một ngày một đêm)(9)

Nước máng đầu nhà rơi lắc rắc hay là thời gian cứ thờ ơ nhỏ giọt, hay là đời sống cứ chậm rãi đi theo cái mạch tự nhiên, như thể đứng ngoài mong mỏi của con người. Người phụ nữ trong bài thơ cảm nghe được số phận qua tiếng nước máng chảy, và sự ý thức ấy càng khiến nỗi buồn sầu trĩu nặng, bởi số phận cũng như dòng nước kia, chỉ chảy trôi ơ hờ bằng lối riêng của nó, bất chấp nỗi lòng của một người đang chờ đợi trong khắc khoải.

 

c. Nước là cội nguồn

 

Mạch nghĩa này được các nhà thơ hiện đại người dân tộc khai thác khá sâu trong sáng tác của họ và đây cũng là mạch nghĩa mới so với những trầm tích nghĩa của biểu tượng nước trong thơ ca dân gian. Nhà thơ Dương Thuấn đã lấy nước làm hình tượng chủ đạo xuyên suốt bài thơ Theo nước đi:

Người làm nương ăn theo lửa

Người làm đồng ăn theo nước

 

Sinh ra tắm nước thơm

Mới là con của mẹ

 

Lớn lên tắm nước sông

Mới thành người của làng

 

Đóng tàu đi ra bể

Tắm giữa đại dương

Mới thành người của muôn nơi(10)

Viết về những người làm đồng mà thật ra chính là đang viết về dân tộc Việt Nam – dân tộc quen sống bằng nghề trồng lúa nước. Như thế cũng có nghĩa là nhà thơ đã đem hồn thơ cá biệt của người Tày mà viết nên những vần thơ chung cho đại đồng dân tộc Việt Nam. Nước trở thành biểu tượng cho mọi sự khởi nguyên: để thành con của mẹ, thành người của làng, thành người của muôn nơi, con người đều phải trải nghiệm cùng với nước.

Cũng nhấn mạnh vào khía cạnh nghĩa này, nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai đã đưa biểu tượng nước làm biểu tượng chính trong những câu thơ nồng nhiệt của mình:

 

Hỡi lửa thiêng, cha hiền, hãy nung nóng tim chàng!

Hỡi dòng nước mạnh, mẹ của muôn loài, hãy vỗ về tim con!

Hỡi không khí, căn nhà hãy ấm lên!

Ta lấy không khí làm thuyền, lấy lửa thiêng làm mái chèo

Cuộn vào dòng nước mạnh

Tìm người yêu ta về.

                                             (Bùa lá)(11)

Dòng nước mạnh kia là nguồn cội của sự sống, của tình yêu. Dường như, tất cả sức mạnh tinh thần của thế giới đều đã hòa nhập vào trong biểu tượng nước. Nỗi khát khao tìm được người yêu dẫn nhân vật trữ tình đi đến mạch nguồn thiêng liêng ấy một cách vô thức, tự nhiên như thể, trong cõi tâm linh sâu thẳm của con người, nước vẫn luôn luôn ngự trị với vai trò khởi nguyên. Hành trình ngược chiều lần tìm về gốc cội đã dẫn lối cho các nhà thơ hiện đại nắm bắt lấy biểu tượng nước ở một khía cạnh ngữ nghĩa mới.

 

2. Khả năng xuất hiện trong trạng thái sóng đôi

 

Nếu biểu tượng nước trong thơ ca dân gian các dân tộc ít người thường xuất hiện trong trạng thái sóng đôi, trong những tình thế tương phản hoặc tương hỗ như một đặc trưng thì biểu tượng nước trong thơ ca hiện đại của các nhà thơ dân tộc thiểu số lại không kế thừa nét đặc trưng ấy. Thơ ca dân gian thường chỉ lẩy ra một biểu tượng để làm biểu tượng căn cốt diễn tả tinh thần, tư tưởng trong một câu dân ca ngắn ngủi. Để tăng thêm hiệu quả biểu cảm cho biểu tượng, tác giả dân gian đã khéo léo 'kích hoạt' biểu tượng bằng một lối biểu đạt đặc trưng: đặt biểu tượng trong trạng thái sóng đôi. Còn trong thơ ca hiện đại - những sáng tạo nghệ thuật mang đậm phong cách cá nhân của nhà thơ, chúng ta thường gặp hoặc là một biểu tượng lẻ loi, đơn độc nhưng chuyên chở hết mọi hàm nghĩa sâu sắc của bài thơ, hoặc là một dãy nhiều biểu tượng san sát liền kề nhau. Với một dung lượng lớn, với sự tự do mở rộng biên giới của tư tưởng, các nhà thơ hiện đại không câu nệ đưa vào thơ của mình dày đặc các biểu tượng. Ở đó, không có biểu tượng nào là chính. Và hiệu quả nghệ thuật mà tác phẩm đạt được chính là ở sự giao thoa, kết nối của không phải một cặp đôi mà là một dãy biểu tượng có vai trò ngang hàng trong việc chuyển tải ý nghĩa, khơi mở những giá trị tiềm tàng của tác phẩm.

 

Chủ đích lấy nước làm biểu tượng xuyên suốt bài thơ Theo nước đi, nhà thơ Dương Thuấn đã khai thác đến tận cùng biểu tượng này dưới mạch nghĩa là nguồn cội. Chỉ sử dụng duy nhất một biểu tượng trong một mạch nghĩa, Dương Thuấn đã đưa độc giả đi đến thẳm sâu ý nghĩa về nguồn cội của con người. Hiện diện trong trạng thái đơn độc nhưng biểu tượng nước không vì thế mà trở nên đơn điệu trong suốt bài thơ bởi nhà thơ đã tạo ra những biến tấu đa thanh cho biểu tượng này. Những khía cạnh ngữ nghĩa chi tiết được khai thác triệt để nhằm đem lại một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về biểu tượng này trong mạch nghĩa đã được nhà thơ lựa chọn ký thác.

Trong một tình thế nghệ thuật khác, ở bài thơ Bùa lá, nhà thơ Bùi Thị Tuyết Mai lại lựa chọn một kiểu trình diễn khác cho biểu tượng nước, đó là một sự dàn trải biểu tượng bên cạnh nhiều biểu tượng ngang hàng. Trong bài thơ này, biểu tượng nước không còn là biểu tượng đơn độc nữa mà nó đứng giữa các biểu tượng khác như: lửa thiêng, không khí. Sự kề sát, liên tục của các biểu tượng này tạo ra một mối dây liên hệ ngữ nghĩa, gợi lên tinh thần chung của bài thơ.

Dù là ở trạng thái nào, đơn độc hay dàn trải, biểu tượng nước trong thơ ca hiện đại của các tác giả dân tộc thiểu số cũng là biểu tượng được lựa chọn bởi một cá tính nghệ thuật cá biệt. Được quy định bởi đặc trưng về quá trình sáng tạo độc lập ấy, các nhà thơ hiện đại đã đưa biểu tượng nước thoát hoàn toàn ra khỏi trạng thái sóng đôi thường được tác giả dân gian sử dụng trong thơ ca dân gian. Đó là một bứt phá về lề lối sáng tạo và cũng là một sự xoay chiều đổi hướng trong cách tư duy của con người thời hiện đại.

 

IV. Từ biểu tượng đến lối tư duy

 

1. Sự mở rộng nghĩa hay đặc tính hấp thu nghĩa của biểu tượng

 

Khi đặt biểu tượng nước dưới cái nhìn đối sánh suốt từ văn học dân gian cho đến văn học viết, chúng ta nhận ra một nét đặc trưng của biểu tượng là sự bồi đắp ngữ nghĩa liên tục. Biểu tượng tự làm mới mẻ nó bằng cách bồi tụ những ngữ nghĩa mới lên trên những lớp nghĩa cũ. Việc các nhà thơ hiện đại tiếp tục sử dụng các hàm nghĩa đã được định hình hóa trong biểu tượng nước không hề là biểu hiện của sự trì trệ trong tinh thần sáng tạo mà ngược lại, điều đó thể hiện sức mạnh của những giá trị cổ truyền trong tâm thức con người.

Bên cạnh những lớp nghĩa đã được định hình, biểu tượng có một nhu cầu tự thân hay có thể gọi là tính năng hấp thụ nghĩa mới. Qua những phần đã trình bày ở trên đây, biểu tượng nước đã thể hiện điều đó rất rõ. Sự mở rộng nghĩa hay tính năng hấp thu nghĩa mới của biểu tượng trong văn học các dân tộc thiểu số đã phản ánh lối tư duy tích hợp của con người. Đó là lối tư duy quen thuộc của những cộng đồng người sống giao hòa với đời sống tự nhiên, sống bằng những mối liên hệ mật thiết với đời sống tự nhiên. Trong ý thức của họ, không mấy khi có sự loại trừ, loại bỏ cái này cho sự tồn tại của cái kia. Họ muốn dung hợp tất cả mọi sự vật trong một quần thể chung với những mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Một phần đời sống của các dân tộc thiểu số đã được hé lộ qua lối tư duy ấy.

 

2. Sự kế thừa hay sự truyền dẫn lối tư duy?

 

Biểu tượng trong sự hiện tồn các hàm nghĩa vĩnh hằng và sự đắp bồi những hàm nghĩa mới mẻ đã trở thành một sinh thể sống động qua thời gian và không gian. Xem xét một biểu tượng từ văn học dân gian cho tới văn học viết, từ cái nhìn của dân tộc này cho tới dân tộc kia, thực chất, điều mà người viết kỳ vọng nhất vẫn là sự phác họa một đường nét cơ bản về sự kế thừa hay là sự truyền dẫn lối tư duy của con người từ xưa đến nay bộc lộ đằng sau biểu tượng ấy.

Trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết này, biểu tượng nước đã được khảo sát trên cả hai bình diện: các lớp nghĩa và phương thức biểu đạt trong từng tác phẩm cụ thể. Những khám phá chi tiết như vậy mở ra cho chúng ta con đường đi đến lối tư duy của tác giả dân gian và các tác giả văn học viết một cách tương đối sáng rõ. Qua cái nhìn đối sánh về các lớp nghĩa và phương thức biểu đạt của biểu tượng nước trong thơ ca dân gian của dân tộc Tày, Mường, Giáy và thơ ca hiện đại của các nhà thơ dân tộc tương ứng, chúng ta đã thấy rõ những kế thừa và cả những sáng tạo mới cho biểu tượng này.

 

Về phương diện ngữ nghĩa, biểu tượng nước xuất hiện trong thơ ca hiện đại của các nhà thơ dân tộc ít người vẫn chủ yếu ở hai hàm nghĩa đã tồn tại trong thơ ca dân gian. Có thể nói, đó là những hàm nghĩa đã được định hình của biểu tượng nước trong tâm thức cộng đồng các dân tộc ít người, mà đại diện là dân tộc Tày, Mường, Giáy. Chính vì thế, những nhà thơ hiện đại người dân tộc, dù là ở thế hệ nào, dù đã sống xa mường bản quê hương và đã hòa nhập rất nhanh vào thế giới người Kinh thì họ vẫn nuôi trong tâm thức họ những hàm nghĩa vĩnh hằng ấy của biểu tượng dân tộc. Như thể, những hàm nghĩa ấy đã thấm sâu vào từng mạch máu của họ, như thể, những hàm nghĩa ấy là linh hồn của biểu tượng - linh hồn đã được cộng đồng dân tộc họ xây đắp nên. Các nhà thơ hiện đại người dân tộc thiểu số dường như đã nắm được sợi dây cảm hứng vô hình giữa thế hệ xa xưa với thế hệ mình bằng cách gọi lại những hàm nghĩa đã tồn tại từ lâu của biểu tượng nước trong thơ của họ. Mối dây liên hệ ấy có thể gọi là sự kế thừa hay sự truyền dẫn linh hồn dân tộc.

 

Nếu như về phương diện ngữ nghĩa, chúng ta dễ dàng tìm thấy mối dây liên hệ giữa thơ ca dân gian và thơ ca hiện đại của các nhà thơ dân tộc thiểu số thì về mặt phương thức biểu đạt, dường như, sợi dây ấy biến mất. Quả vậy, nếu như tác giả dân gian lựa chọn kiểu trình diễn biểu tượng theo lối sóng đôi, hoặc với sắc thái tương phản, hoặc với sắc thái tương hỗ để đem lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất cho biểu tượng thì các tác giả thơ ca hiện đại lại có một sự lựa chọn hoàn toàn khác, dưới sự chi phối của cá tính sáng tạo và những luồng tư duy mới mẻ trong một thời đại khác biệt hoàn toàn so với thời của văn học dân gian, văn chương đại chúng. Các nhà thơ Dương Thuấn, Lò Ngân Sủn, Bùi Thị Tuyết Mai tùy thuộc vào ý đồ nghệ thuật của mình mà lựa chọn kiểu thể hiện đơn độc hay dàn hàng cho biểu tượng nước. Đối với họ, điều quan trọng không phải là xây dựng nên một bức tranh nghệ thuật có vẻ đẹp của sự hài hòa, đối xứng mà điều quan trọng là phải trình diễn được một tình thế nghệ thuật đặc biệt ấn tượng, có khả năng khoan sâu vào lòng độc giả những cảm xúc bất thường, đậm đặc. Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi các nhà thơ hiện đại không lựa chọn trạng thái sóng đôi truyền thống để thể hiện biểu tượng nước. Cũng nhờ thế mà biểu tượng này được mài giũa thêm nhiều nét nghĩa sắc cạnh trong thơ ca hiện đại của các nhà thơ dân tộc thiểu số.

 

Thông thường, khi xem xét một quá trình vận động của đời sống văn học, chúng ta thấy bao giờ sự thay đổi phuơng diện nội dung cũng là sự thay đổi trước tiên, sau đó mới đến sự thay đổi về phương thức biểu đạt. Nhưng, khi xem xét biểu tượng nước từ thơ ca dân gian cho đến thơ ca hiện đại, chúng ta lại nhận thấy, phương diện có sự biến chuyển mạnh mẽ hơn cả lại là phương diện hình thức. Trong thơ ca hiện đại của các nhà thơ dân tộc ít người, biểu tượng nước chỉ được khai thác thêm một tầng nghĩa mới. Trong khi đó, các nhà thơ hiện đại lại không hề để biểu tượng nước xuất hiện ở dạng truyền thống quen thuộc trong văn học dân gian. Như vậy, rõ ràng, họ đã để cái hình thức thay đổi mạnh hơn cái nội dung.

 

Thật không dễ để lý giải hiện tượng này, song theo ý tôi, điều đó cũng bị quy định, bị chi phối bởi đặc trưng tồn tại riêng của biểu tượng. Như chúng ta đã đánh giá từ phần đầu, biểu tượng không phải là một cái bình chứa đựng những giá trị khô cứng, cũ mòn của thời quá khứ. Nó là một sinh thể sống động, vừa già nua, vừa trẻ trung bởi sự hàm kết các giá trị truyền thống đã được định hình và sự đắp bồi các giá trị tươi mới.

Như vậy, biểu tượng không bao giờ xảy ra hiện tượng loại trừ cái cũ để đi đến cái mới. Những hàm nghĩa tồn tại trong biểu tượng, dù đã được nhận thức từ xa xưa hay mới được khai phá đều có giá trị như nhau chứ không phải là cái mới mẻ hơn thì được đánh giá cao hơn. Bởi thế, các nhà thơ hiện đại người dân tộc thiểu số đã tiếp tục sử dụng các hàm nghĩa lâu đời của biểu tượng nước trong thơ của họ mà không hề ngần ngại rằng mình đang sử dụng một thứ cũ mòn của quá vãng. Thậm chí, những giá trị cổ truyền ấy lại được xem như một nét đặc sắc trong thơ ca của họ với ý thức mạnh mẽ về việc phục hồi vốn cổ. Nhưng mặt khác, nhu cầu sáng tạo và nhu cầu khẳng định cá tính sáng tạo mạnh mẽ của mỗi nhà thơ đã khiến họ tìm đến những thay đổi về hình thức biểu đạt để làm tươi mới biểu tượng ấy trong thơ của mình.

 

Nguyễn Thị Thanh Lưu
(Phòng Văn học dân tộc ít người, Viện Văn học)

 

____________

 

(1) Đoàn Văn Chúc: Văn hóa học. Nxb. Văn hóa thông tin, H, 1997.

(2), (3) Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới.  Nxb. Đà Nẵng, 1997.

(4) Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia, Viện Văn học: Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số. Tập 1, quyển 1 và quyển 2, Nxb. Đà Nẵng, 2002. Các trích dẫn ca dao, dân ca trong bài đều lấy từ sách này.

(5) Gồm các tập: Thơ với tuổi thơ. Nxb. Kim Đồng, H,2005; Hát với sông Năng, Nxb. Văn học, H,2001; Đi tìm bóng núi. Nxb. Văn học, Trường Viết văn Nguyễn Du, H, 1993; Đêm bên sông yên lặng. Nxb. Hội Nhà văn, H,2004; Đi ngược mặt trời. Nxb. Văn học; Cưỡi ngựa đi săn. Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1991; Chia trứng công.  Nxb. Hội Nhà văn, H,2006; Bà lão và chích chòe. Nxb. Kim Đồng, H, 1997; Mười bảy khúc đảo ca. Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2000; Bài học mùa hè. Nxb. Kim Đồng, H, 1996.

(6) Gồm các tập: Suối Pí lè. Nxb. Kim Đồng, H, 1996; Con của núi. Ttập 1,2,3, Nxb Văn hóa dân tộc, H,1997; Những người con của núi. Hội văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, 1990; Đầu nguồn cuối nước.  Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1997;  Đường dốc.  Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1993;  Người đẹp. Nxb.Văn hóa dân tộc, H, 1999; Tôi là một ngọn gió. Nxb. Văn hóa dân tộc, H,1998; Bữa tình yêu. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2005; Dòng sông mây. Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1994; Chợ tình. Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1995.

(7) Gồm các tập: Trầu đỏ môi ai. Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1999; Mưa trong nhà. Nxb. Văn hóa dân tộc, H, 1998; Nơi cất rượu. Nxb. Văn học, H, 2003

(8) Lò Ngân Sủn: Bữa tình yêu. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2005, tr.122.

(9), (10) Dương Thuấn: Lính Trường Sa thích đùa. Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2006, tr.6, 17.

(11) Bùi Thị Tuyết Mai: Nơi cất rượu. Sđd, tr.36.



THÔNG BÁO VỀ LỄ HỘI LỤC BÁT CANH DẦN 2010

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: