Thứ bảy, 20/04/2024,


Họa thơ lục bát, đôi điều tản mạn (18/08/2010) 

Từ xưa, xướng và họa thơ đã là một thú chơi thanh nhã dành cho tao nhân, mặc khách. Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên, khi ngao du sơn thủy, khi đối ẩm với tri âm… Gặp một bài thơ hay, cũng như một bản nhạc, sẽ đánh thức trong ta niềm vui và nỗi buồn, những cảm xúc tưởng chừng quên lãng lại đâm chồi, nảy lộc trong ta, khiến tâm hồn ta rung lên tiếng tơ lòng đồng điệu, đó là họa thơ.

 

Trước kia, các bậc túc nho thường chỉ họa thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt. Gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của thi ca và mạng internet,… thú chơi thơ, họa thơ cũng theo đó mà phát triển, là nhịp cầu nối giữa các bạn thơ. Thời bây giờ, những bài họa thơ Đường luật với những niêm luật chặt chẽ dường như không còn phù hợp và phổ biến nữa. Nhịp sống hiện đại với những cảm xúc mãnh liệt khi dồn nén, khi bay bổng thích hợp với các thể thơ khác hơn. Tất cả các thể thơ đều có thể họa được. Ở bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn nói riêng về họa thơ lục bát.

 

Trước đây chỉ thể loại thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt mới được xem là tứ tuyệt chính thống, tuy vậy theo thời gian, cho đến nay thì tất cả những bài thơ có 4 câu mà không phải là thể loại ngắt dòng tự do đều được đa phần mọi người gọi là tứ tuyệt. Riêng về thể thơ lục bát, hiện cũng có những ý kiến cho rằng: không nên xem 4 dòng lục bát là một bài tứ tuyệt, bởi một câu lục bát vốn phải là hợp thành của hai câu 6 và 8. Về điều này, tôi xin phép không được bàn tới vì nó thuộc phạm trù chuyên sâu của các nhà nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ. Và trong bài viết này cũng vẫn xin được gọi thơ lục bát 4 dòng là tứ tuyệt theo như số đông.

 

Cũng như sonnet, Haiku, thơ tứ tuyệt là thể thơ rất khó viết. Với lượng chữ hạn chế, mà phải gói ghém trong đó đủ ý, đủ tình, lại còn phải nâng lên một tầm khái khát, mang chất thơ nữa thì không phải tác giả nào cũng làm được. Trong thơ lục bát, tôi thấy có một số bài tứ tuyệt rất hay sau đây:

 

SÔNG LẤP

 

Sông xưa rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

(Trần Tế Xương)

 

 

HOA THÁNG BA

 

Tháng ba nở trắng hoa xoan

Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương

Không em anh chẳng qua vườn

Sợ mùi hương… sợ mùi hương… nhắc mình.

(Chế Lan Viên)

 

 

CHĂN TRÂU ĐỐT LỬA

 

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

(Đồng Đức Bốn)

 

 

Ngày đi học, giờ Tập làm văn, có loại đề như sau: “Em hãy dùng những từ x…, y…, z… để viết thành một bài văn hoàn chỉnh”. Với cùng những từ đó, trò giỏi chỉ bằng một bài văn ngắn đã đưa được tất cả các từ đã cho vào trong một mạch văn xuyên suốt. Trò kém trí tưởng tượng thì lúng túng, cần đến một bài văn dài gấp hai, ba lần mới đưa hết được những từ đã cho vào. Đoạn văn do đó kém súc tích, dĩ nhiên sẽ nhận điểm kém hơn.

 

Họa thơ cũng gần như vậy. Với những chữ cho trước của bài xướng, người họa phải viết thành một bài mới. Bài hoạ là bài theo được các chữ cuối của bài xướng, còn ý có thể theo mấy hướng: họa cùng ý, họa ngược ý, hoặc ý đi theo những chủ đề hoàn toàn khác với bài xướng.

 

Nhiều khi, đọc một bài thơ hay, hoặc gặp một tứ thơ hay, đưa lại cảm hứng ta cũng có thể viết thành bài. Bài mới này gần như không liên quan đến bài trước, có thể đi theo mạch viết khác hẳn, chỉ còn lại một chút dấu vết của ý thơ. Đây thường là những bài hay, nhưng không được coi là bài họa. Và người ta sẽ chua thêm: “Bài  này lấy cảm hứng từ…”

 

Dù họa theo cách nào, người họa cũng phải thổi được hồn thơ vào, phải đóng được dấu ấn riêng của mình vào bài họa và bám sát chủ đề đã chọn. Chữ là của người xướng đưa ra, nhưng bài họa lại là của mình, mang tâm tư, tình cảm của mình. Khi ấy, bài họa mới có thể đứng như một bài độc lập và hoàn chỉnh. Nếu chỉ chú trọng theo đúng vần mà coi nhẹ ý, bài đó chỉ dừng lại ở mức độ như một bài thơ chế, thơ nhại. Họa thơ do đó chẳng dễ chút nào.

 

Một câu thơ lục bát bao gồm câu sáu và câu tám, có ba vần. Chữ đầu của câu 6 và chữ đầu của câu 8 gọi là vần “đầu”. Chữ thứ sáu của câu 8 gọi là vần “lưng”. Chữ cuối của câu 6 và chữ cuối của câu 8 gọi là vần “chân”. Khi họa thơ lục bát, mọi người thường họa theo vần “lưng” và vần “chân” của tất cả các câu trong bài. Ví dụ:

 

PHẢI ĐÂU

 

Phải đâu được ở bên nhau

Là xoa dịu được nỗi đau riêng mình!

Phải đâu thỏa một chút tình

Băn khoăn tự hỏi: Phải mình thực không?

 

(Bài xướng của Nguyễn Thị Kim Ngân)

 

TRÒ ĐỜI

Trăm năm người vẫn phụ nhau
Buồn cho nhân thế nỗi đau một mình
Nào ai biết được duyên tình
Trò đời dâu bể bực mình như không.

 

(Bài họa của Nguyễn Minh Quang)

 

 

 

             

 

 

Cầu kỳ hơn, có người họa cả vần đầu, vần chân và vần lưng. Họa như vậy tương đối khó và ý cũng không thoát được. Ví dụ:

 

Bài xướng

 

Nghe anh tìm nửa chi chi
Vòng quanh trái đất, em đi tìm cùng
Dắt nhau ta lội qua sông
Ta trèo núi, vượt mênh mông biển hồ
Hành trang nặng một túi thơ
Một trời kỷ niệm, một bờ yêu thương
Ước chi ở cuối con đường
Tóc pha sương lại tựa nương vai gầy
Chi chi thơm ngát đường say
Dìu nhau qua cõi đời này... Người ơi...

 

(Chử Thu Hằng)

Bài hoạ

 

Nghe rồi!... Em muốn chi chi

Vòng sang anh đón Em đi… Nào cùng?

Dắt Em lội suối băng sông

Ta cõng nhau vượt vạn mông mênh hồ

Hành lý chỉ một nhành thơ

Một nụ hôn đắm bến bờ Yêu Thương

Ước ao dài suốt chặng đường

Tóc xanh trở lại để nương tình gầy

Chi chi hai đứa cùng say

Dìu tình Anh hết đời này… Em ơi!...

(Nguyễn Vĩnh Tuyền)

 

 

Trang lucbat.com có mục Tứ tuyệt thi họa, mỗi tuần đưa ra một bài xướng, số bài họa gửi về khoảng một vài trăm bài. Công bằng mà nói, những bài tứ tuyệt xướng mà lucbat.com đưa ra, chất lượng cũng chưa thật đồng đều. Tuy vậy, sân chơi này đã được bạn thơ trong và ngoài nước hưởng ứng sôi nổi. Cá biệt, có tác giả gửi từ dăm chục tới hơn trăm bài họa cho một bài xướng. Sự nhiệt tình đó là rất đáng trân trọng, nhưng vì các bài họa quá chú trọng hoạ theo bốn chữ cuối câu của bài xướng nên nhiều khi khiên cưỡng, gò ý, gò lời. Khi đưa ra bài xướng, ban biên tập và tác giả đã cân nhắc sao cho các chữ cuối câu không khó quá, không rơi vào các vần “chết” mà phải tạo hướng “mở” cho các bài họa có chỗ tung hoành. Ví dụ: chữ  xướng là “xanh”, chữ họa có thể là: trời xanh, biển xanh, cây xanh, ước mơ xanh, lá xanh, ngày xanh, chim xanh… Chữ  xướng là “thơ”, chữ họa có thể là: tiếng thơ, bài thơ, ngây thơ, tuổi thơ, con thơ, làm thơ, đề thơ, Nàng thơ… Một bài Tứ tuyệt xướng, có được ba chữ “mở” như thế cũng đã là khá thuận lợi cho người họa rồi.

 

Thường khi họa thơ tứ tuyệt, mọi người luôn cố gắng để bài họa của mình theo được 4 chữ cuối câu. Chính vì vậy mà câu chữ và ý tứ trong bài họa bị bó hẹp và đuối hơn, khó họa hơn. Thật ra, ta không nhất thiết phải họa theo đủ bốn chữ cuối trong bài tứ tuyệt. Thơ Đường luật, vốn từ xưa đã có niêm luật chặt chẽ về xướng họa, trong một bài bát cú cũng chỉ yêu cầu theo 5 chữ cuối của các câu 1, 2, 4, 6, 8 trong tổng số 8 câu của bài, 3 câu còn lại thì có thể họa tự do theo luật bằng-trắc. Thơ thất ngôn tứ tuyệt cũng chỉ yêu cầu theo được 3 chữ cuối của các câu 1, 2, 4 và chữ cuối của câu thứ 3 thì chỉ tuân theo vần trắc chứ không cần phải họa đúng chữ. Nay ta họa thơ lục bát, cũng là vừa kế thừa, vừa sáng tạo, học theo cách họa thơ Đường. Vậy, theo tôi, cũng chỉ cần họa được 3 chữ cuối (vần chân) trong bài tứ tuyệt và chữ còn lại có thể họa theo vần hoặc tự do là đã đạt yêu cầu. Cụ thể là bài họa lục bát tứ tuyệt phải họa theo chữ cuối của các câu 1, 2, 3. Chữ cuối của câu 4 có thể tự do, vì chữ này không phụ thuộc vào vần của các câu trên. Vả lại điểm nhấn của toàn bài thường dồn vào câu cuối. Nếu ta cho chữ cuối của câu kết được tự do, sẽ tạo điều kiện cho người họa có thể vận dụng linh hoạt tùy theo cảm hứng của mình để bài họa có thể thoát ý. Như vậy mới có thể có những bài họa hay, có hồn. Còn các chữ thứ 6 của câu 8 (vần lưng) chỉ cần họa vần, không cần họa đúng chữ. Đôi khi, có những bài lục bát lại kết thúc ở câu “lục” với dụng ý riêng của tác giả. Tuy là câu cuối, nhưng chữ cuối của câu kết này vẫn phải theo vần của câu 8 trên nó, vì vậy câu kết này không được tự do, vẫn phải hoạ theo đúng chữ.

 

Khi một bài thơ đem lại hứng thú muốn họa. Trước tiên ta nên nhìn lướt toàn bài, xem các chữ mà mình phải họa theo thường được dùng trong hoàn cảnh nào để xác định chủ đề bài ta sẽ viết. Chọn được chủ đề rồi, ta nên cẩn trọng trong việc sàng lọc câu chữ. Ngoài những chữ mà ta bắt buộc phải theo của bài xướng, không nên dùng lại những chữ bài xướng đã dùng. Cũng không nên vì quá chú trọng đến việc theo sát chữ của bài xướng mà viết ra những câu gượng ép hay vô nghĩa. Tiếp đó, phải thấy được những rung cảm thực sự của mình để có thể đem vào bài họa những nét tươi mới, tạo dấu ấn của riêng mình cho bài họa.

 

Đây chỉ là đôi điều tản mạn và nhận xét về họa thơ lục bát mang tính chất cá nhân của người viết bài này. Vì vậy, nó chỉ là quan điểm một chiều, hoàn toàn không có sự áp đặt hay định hướng nào cả, chỉ xin đưa lên để trao đổi cùng mọi người và rất mong sẽ nhận được những ý kiến phản hồi đa chiều, hòng mang lại cho việc họa thơ lục bát có được một sự chỉn chu và thống nhất.

 

 

Chử Thu Hằng

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Văn Năm - nguyennamds@gmail.com - 0916845195 - Trung tâm Dân số/ KHHGĐ Hà Trung Thanh Hóa  (Ngày 10/06/2011 8:09:24)

Đọc bài " Họa thơ lục bát, đôi điều tản mạn" của BTV lục bát. com - Chử Thu Hằng.

Tôi cảm nhận được nhiều điều thật bổ ích, không những cho mình và chắc rằng còn cho nhiều người yêu thơ, thích làm thơ còn nhiều lúng túng đều muốn biết cụ thể. Bởi vì hầu hết mọi người mới dừng lại là yêu thơ, thích làm thơ còn thời gian và điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu về thể thức, luật... của thơ lục bát thì chưa nhiều. Chính vì vậy nhà thơ Trần Mạnh tuân đã viết bài thơ "GIÁO KHOA, THI HỌA" dành cho mọi người xin được họa theo bài thơ để nói lên suy nghĩ lòng mình.

Trân trọng cám ơn

Bài họa 3 vần

Họa cùng thơ bạn cùng chơi

Nhưng chưa đồng nhất mong người cảm thông

Giáo khoa bài xướng mấy dòng

Đọc rồi mới hiểu mênh mông bao điều

Lâu nay chưa hiểu nên liều

Vần nào cụ thể là điều phải theo

Họa hay xúc tích chưa nhiều

Copy khi họa đa chiều mới hay

Cám ơn hướng dẫn thế này

Góp thêm kiến thức họa hay thắm nồng

Giáo khoa quy định để không

Họa sai, chưa sát ý lòng người đưa

Sách rằng thi họa giống xưa

Để người tổng hợp sớm chưa chỉnh bài

Họa đúng luật thì mới tài

Thôi giành hiểu biết cùng ai đo lường.

 

  Đào Tuyết Thành - daotuyetthanh@gmail.com - 0123 228 2766 - Phan Long Tân Hội Đan Phượng Hà Nội  (Ngày 24/08/2010 09:43:23 PM)
Kính gưi BBT và NT Chử Thu Hằng.
Nói dễ không ngoa, thơ không có trường nào dạy. Cũng chưa thấy ai được cấp bằng, chứng chỉ về thơ. mà nhà thì cũng không có thơ. thế nhưng làm thơ là công việc sáng tác nghệ thuật chớ không phải là chơi thơ. Cho nên tôi có ý khác một số anh chị em thích hoạ thơ, tôi thì không. Thơ phải từ cảm hứng của riêng mỗi người, và phong cách St cũng mang bản sắc riêng. Có vậy mới mang được nhiều cảm xúc cho người đọc và mới nhiều cái hay .
còn thơ hoạ thì đã phần nào theo ý hoặc theo từ của người đi trước, sao tránh khỏi sự sao chép... Cho nên, bài của Thu hằng viết rất công phu, đề cập đến những vấn đề về kỹ thuật thi hoạ thì cũng là bài học tôt cho những anh chị em mới vào " nghề " như chúng tôi để nâng cao trình độ làm thơ nói chung. Thế nhưng, nếu để phát triển hoạt động thơ vào lối hoạ ( theo kiểu thơ Đường ) thì mỗi ngày vào LB com, phải xem nhiều bài dựa nhau để sáng tác, mệt mỏi lắm. Có vị hoạ một bài bằng 50 bài của mình. Ghê quá!
CLB thơ VN, mới có LB com hoạt động mạnh, cập nhật hằng ngày, bao nhiêu TG và độc giả ngày ngày ngóng chờ. Nhưng mới chỉ có thơ lục bát, còn các thể loại thơ khác chưa có địa điểm để giao dịch, để đọc, để học và giới thiệu thơ của mình. Nếu có thể, một mai có một trang website tương tự, thì thoả sức hưởng thụ.
Trên trang LB com, chưa ai dám khen, chê bài hoạ hay, bài xướng hay... chứ ngoài đời, nhiều pha tranh luận cũng ... bổ ngang bổ dọc đấy. Cho nên, xin góp đôi lời, mong CLB tìm hướng cải tiến và nÂng lên tầm cao mới cho Thơ VN.
Nhân dịp này xin quý tặng Thu Hằng và bạn bè một bài của tôi nhan đề là :
Nên thơ
Làm thơ thường rất tình cờ
Nảy ra một ý bất ngờ thấy hay
Khi từ ngọn cỏ cành cây
Khi là cánh én vụt bay ngang trời
Tâm tư một khúc đầy vơi
Trào dâng cảm xúc nên lời, nên thơ
Có người tơ tưởng mộng mơ
Có người bày giãi như sờ tận tay
Hồn thơ như một sợi dây
Cuộn từ sâu kín lòng này cuộn ra
Tâm hồn nhẹ bỗng thăng hoa
Để rồi chẳng biết mình là của ai ?!
( Cảm ơn TG và BBT đã đọc ý kiến tham gia. Tuy nhiên, nếu không cần thiết, xin không đăng tải . ĐTT)
  Chử Thu Hằng - nguoibinhthuong1957@yahoo.com - 01663332171 - Sơn Tây. Ba Đình. HN  (Ngày 19/08/2010 11:28:52 PM)
CTH cảm ơn các bạn , các anh chị đã quan tâm trao đổi về bài viết. CTH cũng muốn lấy ví dụ là bài của một tác giả khác nhưng không tìm thấy. Nếu bạn nào có thể cung cấp bài xướng - hoạ lục bát cả ba vần đầu, lưng và chân để làm ví dụ, CTH sẽ rất cảm ơn.
Trân trọng. CTH.
  Nguyễn Xuân Tịnh - huyendieutho@yahoo.com.vn - 01688420762 - Quy nhơn, Bình Định  (Ngày 19/08/2010 04:31:54 PM)
Theo ý bài viết của Chữ Thu Hằng: "Cụ thể là bài họa lục bát tứ tuyệt phải họa theo chữ cuối của các câu 1, 2, 3. Chữ cuối của câu 4 có thể tự do, vì chữ này không phụ thuộc vào vần của các câu trên. Vả lại điểm nhấn của toàn bài thường dồn vào câu cuối. Nếu ta cho chữ cuối của câu kết được tự do, sẽ tạo điều kiện cho người họa có thể vận dụng linh hoạt tùy theo cảm hứng của mình để bài họa có thể thoát ý."
Theo thiển ý của tôi thì phải họa đúng chữ cuối của cả 4 câu, vần lưng chỉ cần theo vần , không nhất thiết phải đúng chữ. Đã nói "tứ tuyệt " thì phải bao gồm cả 4 câu, vì vậy không thể chỉ họa 3 từ cuối của câu 1,2,3 mà không họa câu 4.
Bài viết của Chữ Thu Hằng rất hay và đầy đủ, hy vọng những bạn mới yêu thơ, họa thơ lấy làm kinh nghiệm !
  Thảo Dân  - thcsts@gmail.com -  - Hà Giang  (Ngày 19/08/2010 09:12:16 AM)

ĐỜI HOA LỤC BÁT
Đời nay...thèm phở... chán cơm...
Hoạ thơ để giải nỗi buồn nguôi ngoai
Lục này biết ngỏ cùng ai !
Bát kia giang giở...tiếc hoài...ngẩn ngơ...?
Thảo Dân

  Trần Tuyết Hạnh - hanhtrantuyet75@yahoo.com -  - TP.Hồ Chí Minh  (Ngày 19/08/2010 08:26:20 AM)
Bài viết hay... Phải chi bài xướng là tên của một tác giả khác thì quả là tuyệt vời. Nhưng tiếc quá bài xướng đưa ra lại là của chính tác giả viết...
  Trần Mạnh Tuân - tuan_hwru@fulbrightmail.org - 091353 0266 - Hà Nội  (Ngày 18/08/2010 01:50:14 PM)


GIÁO KHOA THI HỌA

Cho tất cả mọi người!

Họa thơ ai cũng họa chơi,
Nhưng mà luật lệ... mấy người tinh thông.
Giáo khoa Thi họa đôi dòng,
Đọc ngay sẽ thấy... mênh mông bao điều.

Lâu nay ta cứ họa liều...
Vần chân cứ thế... một điều cứ theo.
Họa thơ thực khó hơn nhiều,
Copy về... họa sớm chiều sẽ hay!

Cám ơn tác giả bài này,
Góp cho một chút... thơ hay tình nồng.
Giáo khoa thi họa... cho không,
Họa theo sách... thoáng, khó lòng khi đưa!

Sách thì vậy... họa như xưa,
Dễ cho biên tập sớm trưa lên bài.
Họa theo sách... quả là tài,
Thôi thì tùy đấy sức ai mà lường!

Trần Mạnh Tuân

  Bùi thị Bình  - binhcuong206@yahoo.com  - 0912 129 748 - Tam Điệp - Ninh Bình  (Ngày 18/08/2010 11:42:46 AM)
Cảm ơn Nữ sĩ Chử thu Hằng có bài viết rất tuyệt .
Bài viết thật sự bổ ích cho những người thích Hoạ thơ nói chung và những người yêu Chuyên mục " Lucbat xưa nay và Thi hoạ thơ" trong Sân chơi của Lucbat.com nói riêng .
Các bài khác: