Thứ sáu, 29/03/2024,


NGUYỄN DUY THI CHỈ (Mai Linh) (15/08/2010) 

“Nó lấp lánh không giải thích được. Gọi nó bằng gì cho đúng tên. Không gọi nổi. Nó là cuộc xếp chữ thần tiên giống như âm nhạc có bảy nốt cũng chỉ dành cho những thiên tài xướng lên mới là bất tận.

Tôi tin Nguyễn Duy có thể so găng vì nội lực thi ca hùng hậu. Với bút lực ấy tôi muốn xem ông vẽ lối ra thế giới thế nào”. (Mai Linh)

 

 

Nhà thơ Nguyễn Duy và Nhà văn Đặng Vương Hưng

trao đổi về Lễ hội Lục bát tổ chức vào ngày 6/8 ÂL

 

Đọc Nguyễn Duy cứ thấy áy náy trong lòng…

Tôi không nói đọc thơ - Nguyễn - Duy vì ông đã hóa… thơ. Ông đã dành trọn tinh thần và mạng sống cho thơ.

Áy náy vì mắc nợ và thương quê. Nghèo. Rách nát. Buồn. Một miền quê có bà và mẹ tôi ở đấy. Mẹ tôi phố cổ đã đi theo bố tôi và ở lại với quê nghèo, biến Hà Nội thành ngoại ô của đời mình. Mẹ đã ở đấy. Thế thôi…

Thế thôi nên tôi mới nghẹn ngào mỗi khi về thăm quê, qua lại Đò Lèn, một địa danh bình thường như bao nơi khác, nhưng sau Đò Lèn của Nguyễn Duy, con đò ấy không còn riêng Thanh Hóa nữa. Nó trở thành một địa danh và tên chung cho suốt dọc dài tâm trạng những người yêu thơ ông. Nguyễn Duy chở ta trên con đò quê và neo lại mãi ở Đò Lèn:

 

“Thuở nhỏ tôi ra Cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

 

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ Đền Sòng.
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.

 

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

 

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực
giữa bà tôi và tiên phật thánh thần
cái năm đói củ giong riềng luộc sượng.
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

 

Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

 

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”

 

Và đây là thơ về mẹ, đẹp từ trần gian đẹp đến thiên đường:

 

“Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

 

Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

 

Cái cò... sung chát đào chua ...
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

 

Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

 

Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

 

Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ... mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng

 

Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búm lưỡi lừa cá xương”

 

 

Đưa tin bài lên Website Lục bát

 

Thơ về bà, về mẹ của Nguyễn Duy tuyệt trần lục bát, nhưng thơ không lục bát viết về bố mình thì Nguyễn Duy đã tự đưa mình vào hàng cá biệt độc đáo. Các nhà thơ chỉ viết về mẹ thôi mà quên một người đàn ông lừng lững trong nhà. Một đàn ông cổ cày vai bừa. Biết uống rượu, biết nấu rượu, thỉnh thoảng vẫn liếc gái làng, sơ sẩy thì thành ba bảy vợ, nồng nàn gọi vợ bằng con, nhưng chung cục lại đó là đàn ông gánh vác đáng yêu. Vừa có tình, vừa mất sức, vừa quần quật như trâu để nuôi sống một đám con trong những tháng ba ngày tám, lũ lụt, giông bão, mất mùa…

Ông bố của nhà thơ Nguyễn Duy quả là đại diện cho khí phách của một vạm vỡ miền Trung. Tinh thần ấy lan sang cả “Ông già Sông Hậu”, đại diện cho khí phách Nam Bộ. Một Trung Bộ quắc thước trong thơ Nguyễn Duy:

 

“Ai qua Thanh Hoá về Quảng Xá
men rượu là hương vị của làng tôi
nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ
đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời

 

Nhà tôi đó không cổng và không cửa
ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
cha tôi chạm rất nhiều cửa sổ
gió nồm nam cứ thoải mái ra vào

 

Đường làng tôi tiếng xe thồ lọc xọc
chiếc xe thồ từng đẩy tới Điện Biên
ngược dòng sông Mạ lên Tây Bắc
ai xuôi về cũng sốt kinh niên

 

Những năm bom đạn như gieo mạ
lại chiếc xe thồ đi về nam
cha tôi qua cầu Bùng cầu Ghép
tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoằng

 

Cỏ đã mọc ai còn thấy nữa
vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn
ai thấy nữa ông già đầu bạc xoá
đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn

 

Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn


Cha tôi đó, suốt đời thồ nặng
trĩu cả hai vai việc nước việc nhà
bom rồi bão mấy lần nhà sập
lụi cụi tuổi già, con cháu đi xa...

 

Ngày họp mặt cha già như trẻ lại
bếp rượu giữa nhà và bè bạn vây quanh
con đường chiến tranh còn ngoằn ngoèo trong ruột
càng thêm say hương rượu nếp thanh bình.”

 

Và đây là vẻ ngang tàng sông nước của ông già Sông Hậu:

 

“Ông già giống cha tôi quá thể

đi làm đồng có xị đế giắt lưng

đang mùa cày không ngày nào bỏ buổi

khách tới thăm tìm chủ ở ngoài đồng

 

Khoanh rắn hổ nướng vàng trên lửa rạ

thịt rắn xé trắng ngần mâm lá sen xanh non

rượu trong veo muối tiêu và ớt đỏ

chủ khách cụng li nơi bờ cỏ chân cồn

Chủ giục khách nhậu đi đừng hỏi nữa

việc bán lúa dư đăng báo chi cho phiền

dư ít nuôi làng dư nhiều nuôi nước

thành tích gì mà phải nêu tên.”

 

Nguyễn Duy cũng thế: biết nấu rượu, uống rượu, biết cày ruộng, có một tâm tính trai làng. Có một ngày xưa đi đánh giặc và bây giờ… làm thơ vẫn hay, dù thơ đã bỏ ông đi hay ông dối lòng để tự ngậm ngùi…

Tôi nghĩ Nguyễn Duy là một người - điêu - khắc - chữ. Phải điêu khắc bằng hồn vía và nỗi nhớ khôn nguôi với người cha của mình mới viết nổi những câu thơ như thế này:

 

“Sớm mai đánh bệt trước thềm

đứ đừ phun khói thuốc lên tận trời

Cha tôi mất đã lâu rồi

tôi về ngồi chỗ cha ngồi năm nao”

Hay:

“Ta đi mơ mộng trên trời

để cha cuốc đất một đời chưa xong”

 

Tôi vẫn còn cha và mẹ. Nhớ như in thanh - xuân - cha - mẹ - cơ - hàn. Bao giờ cũng sợ mất cha và mẹ. Có lẽ đó là tổn thương lớn nhất và duy nhất của đời người.

Nguyễn Duy đánh thức cho con người một trách nhiệm cao cả của huyết thống. Bà, cha, mẹ, em cứ bám riết lấy thơ ông.

 

 

Tập thơ mới nhất dày 420 trang nhà thơ Nguyễn Duy tặng lucbat.com

 

Sự xu nịnh bao giờ cũng lỗi thời.

Thơ xu nịnh là thơ hàng mã, người xu nịnh là các manơcanh dựng trước những mặt tiền Hàng Mã. Nó làm mồi cho những cơn mưa và lừa dối thánh thần. Mưa dư luận là cơn mưa cay đắng nhất. Nó chuột lột những xu nịnh hàng mã.

Tôi đã chăm chú quan sát chữ của ông từ lúc bảy tuổi với tư cách một đứa trẻ không có ấu thơ. Từ thuở Trần Đăng Khoa lên ngôi thần đồng với những bài bình và giới thiệu của thi nhân Xuân Diệu. Thuở Phạm Tiến Duật nổi như cồn và cả dân tộc đang hát bài “đường ra trận mùa này đẹp lắm” cùng với máu xương và những khăn tang. Thuở Việt Phương mở cửa với “Cửa mở” viết về những đêm cuối cùng của những chiến binh bên Hồ Tây chia tay người yêu trẻ. Họ thề thốt có ngày trở lại. Trên lưng ghế của những toa tầu chạy thẳng về phương Nam nhằng nhịt những dòng chữ nguệch ngoạc của một thế hệ thanh xuân: “Em ơi đợi anh về”, “đừng buồn nhé em”, “anh rồi trở lại”, “tóc dài ơi, đợi nhé”, “Nhớ và yêu em vô hạn…”. Nhưng chiến tranh không giữ lời hứa bao giờ. Nó sinh ra những đứa con hoang, những vọng phu bằng xương bằng thịt, những đêm đông dài đằng đẵng không có tái giá. Họng súng đối diện với mạng sống. Một mất một còn. Không đắn đo.

Trong thơ Nguyễn Duy có nhắc đến bom đạn nhưng chỉ là “những năm bom đạn như gieo mạ” và “bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”. Trong rừng sâu, nằm cạnh cái chết, vẫn êm ru để “nghe sợi tóc bạc trên tay mình”. Đó là tinh thần ái quốc và bình tĩnh phản chiến. Đó là nhìn xa về một nhân loại hòa bình. Tức là đưa võng một lời ru, tức là MẸ. Một miền quê. Một cỏ và triền đê. Một tuổi thơ yêu dấu. Một ngậm ngùi kỷ niệm…

Tức là âu yếm một khát vọng yên hòa, làm ăn và sinh sống, chết đi và tái tạo, biến mất và hồi sinh. Đó là khát vọng PHẬT.

 

*

 

Tôi biết đến ông từ thuở mới thành danh. Từ thuở thi đại học chỉ có đề thi thơ Bác Hồ hoặc thơ Tố Hữu. Một nền giáo dục tinh mơ và nhân ái cho chúng tôi biết đến hai nhà thơ lớn đồng thời là hai nhà chính trị. Thơ Bác tuyệt diệu và thơ Tố Hữu thật hay. “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/ hiu quạnh bên trong một tiếng hò” - câu hay nhất của Tố Hữu cũng là trở lại với quê mình, trở lại với cánh đồng...

Lúc ấy, Nguyễn Duy và thế hệ của ông chưa phát tán trên văn đàn như những hạt giống quý. Họ chỉ hiện lên sau những con sóng bạc đầu của lớp lớp thủy triều. Như người ta vẫn nói, vẫn hỏi và lại tự trả lời: liệu Kim Tự Tháp có bạc đầu hay không nhỉ? Chắc là có chứ.

Lần đầu, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Duy là lúc ông đang mặc áo lính, đi xe biển đỏ (tất nhiên là xe đạp tiếp phẩm quân đội) đến thăm bố mẹ tôi ở làng sơ tán Đông Sơn - Thanh Hóa. Một ngày mưa tầm tã và lụt lội. Ông dựng xe ở đống rơm. “Hoa hậu” Bùi Thị Hào sau này thành vợ ông, xắn quần, cầm guốc lẽo đẽo trong lầy thụt. Ông đến mời đám cưới. Giấy mời thuở bom đạn màu hồng điều, một trái tim, một đôi bồ câu đang cùng tha dải lụa uyên ương. Đám cưới làng của một chiến binh và một thủ thư với nước chè xanh, thuốc lá Sầm Sơn và rượu chui làng Quảng. Anh lính thơ thật trẻ, thật thư sinh. Người thôn nữ mới thoát li thật dịu dàng, e lệ, đẹp như bóng tối. Thi nhân thế mới bõ đời.

Người ấy sau này mới “dìu ta những bậc thang mòn”. Ông đã yêu vợ như yêu bà, yêu mẹ nên mới có thơ “Mời vợ uống rượu”. Cá biệt thứ hai này là cá biệt ngồi cùng bàn với thi nhân lận đận Tú Xương. Lắm thơ tán gái quá làm nhão cả lòng, sũng cả tai vì em-hôn-nhân thường khiến thơ bất lực. Thơ Nguyễn Duy viết cho vợ chân thành, rung động, hợp pháp. Một miền thơ có giá thú, sâu sắc tình yêu và có cả tự thú giấu vào trong.

 

*

 

Đọc Nguyễn Duy, đọc thật nhiều, nhiều bài hay, ít dở. Đó là một cuộc chém gió. Đã. Thúc mạnh vào cảm xúc và cảm nhận. Lên đồng và gọi hồn đúng tên sự vật, chỉ đúng cái đẹp, nã thẳng cái xấu. Đó là một cuộc hoan lạc chữ nghĩa mà vẫn ân tình, vẫn thi điệu, vẫn nhạc, vẫn quê quê tỉnh tỉnh. Máu mê mà vẫn đê mê thế mới lạ. Đọc thử:

 

1. Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng

2. Bạn tôi nằm dưới trắng phau Đông Hà

3. Áo em trắng đi từ xa vắng lại

4. Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

5. Thế là ta mồ côi em mãi/ cái vu vơ chết đuối dưới sương chiều

6. Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ

7. Cột biên giới đóng từ thương đến nhớ

Thử mấy câu mới thấy sự “xảo quyệt” ngôn ngữ, uyển chuyển âm thanh, nhập hồn và ngộ năng bất thường.

Thơ của trí khôn mà vẫn bở, bùi, béo như khoai bột làng quê.

 

 

Nhà thơ Nguyễn Duy: Cảm ơn lucbat.com tặng bó hoa lan rực rỡ

(Từ trái qua: Lãng Ma - Lê Minh Đạt, BTV Đàm Thục Anh, Minh Phượng,

nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Đặng Vương Hưng)

 

Tôi xác quyết thơ Nguyễn Duy là thơ Quê. Thơ quê của một trí năng lấp lánh. Nó không chết ở ao bèo mà nó đang thách thức trong lòng nhân loại khi dân tộc hòa vào quốc tế. Đúng là “buồn vui đâu cũng giống nhau” nên công - chúng - con - người yêu thơ Nguyễn Duy là phải.

Một dân tộc mang cái chân quê ra cùng nhân loại thì phải có trí khôn. Đó là đặc điểm của sinh hoạt con người văn minh và học vấn. Ông Gamzatop đã cá cược với những nền văn học lớn nhất toàn cầu bằng Dagenxtan của chính ông ấy nên mới trường tồn, mới được độc giả toàn thế giới tìm đọc.

Thi sỹ Nguyễn Duy có dám cá cược với những cây bút lớn của thế giới hay không là chuyện không dễ dàng gì. Ông đã viết về thân phận dân tộc mình như “con cò lặn lội bên bờ đại dương” thì việc vận chuyển thơ ca, vốn là thứ hàng hóa siêu cao cấp của tinh thần đâu có chờ đến những cuộc hội thảo, móc nối tiểu ngạch lẻ tẻ, xưng tụng rượu bia, bạn bè thân hữu, “Diễn biến hòa bình”. Không. Thi ca rất khó xuất khẩu bằng những hợp đồng mờ ám. Nó lấp lánh không giải thích được. Gọi nó bằng gì cho đúng tên. Không gọi nổi. Nó là cuộc xếp chữ thần tiên giống như âm nhạc có bảy nốt cũng chỉ dành cho những thiên tài xướng lên mới là bất tận.

Tôi tin Nguyễn Duy có thể so găng vì nội lực thi ca hùng hậu. Với bút lực ấy tôi muốn xem ông vẽ lối ra thế giới thế nào.

 

MAI LINH

 

 

Ảnh: Lucbat.com

Chụp sáng chủ nhật 15/08/2010, tại tầng 2 Thebig1, số 2 phố Hoa Lư, Hà Nội.

 

THÔNG BÁO VỀ LỄ HỘI LỤC BÁT CANH DẦN 2010

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: