NHỚ
Nhớ cồn cào
Nhớ nôn nao
Vẩn vơ anh nhớ ngôi sao cuối trời
Nhớ rộn ràng
Nhớ muôn nơi
Ngẩn ngơ anh nhớ cả lời gió bay
Nhớ trong mơ?...
Lúc xỉn say?
Rượu buồn khuất lấp...
Nhạc đầy...
Khúc em?
Nhớ
Không rõ ngày hay đêm?...
Vò đầu quên thức vùi miền chiếu chăn...
Em đang phía ấy tròn trăng
Nhớ sao da diết
... xa xăm:
Một người!
Nguyễn Vĩnh Tuyền
Thi tứ nhớ nhung trong thơ ca là một lối mòn quen thuộc, bởi vì đó là cảm xúc đẹp đẽ mà không ai không có, nhưng để thể hiện độc đáo thì phải nói đến bài thơ “Nhớ” của tác giả Nguyễn Vĩnh Tuyền.
Cả thi phẩm chỉ 71 chữ kể cả nhan đề, nhưng riêng từ “nhớ” đã chiếm đến mười. Nghĩa là cảm xúc nhớ ám ảnh và bàng bạc khắp cả bài thơ. Vậy thì sáu mươi mốt tiếng còn lại nhà thơ nói gì? Đó chính là cách thể hiện những cung bậc trạng thái của nỗi nhớ về đối tượng trữ tình hết sức mới mẻ, thú vị. Và nét độc đáo của bài thơ cũng nằm ở đây.
Trước hết đó là trạng thái “cồn cào, nôn nao, vẩn vơ” với “ngôi sao cuối trời”. Ai đó nông cạn hẳn sẽ mỉm cười mỉa mai mà rằng: ngôi sao cuối trời đêm nào chả mọc, vậy thì nhớ để mà làm gì, thật mộng tưởng! Thực ra không đơn thuần như vậy. Ngôi sao gợi cho ta nghĩ đến đôi mắt xanh long lanh nào đó, hoặc hình tượng biểu trưng cho niềm khát khao, niềm yêu mến thiết tha chan chứa đang thiêu đốt trong lòng tác giả. Điều đặc biệt là ngôi sao ở cuối trời cũng chính là điều kiện để người thơ bộc lộ hết thảy mọi cảm xúc nguồn cơn.
Và từ trạng thái nôn nao, cồn cào, vẩn vơ, có thể nói là nhuốm nỗi niềm bâng khuâng đó bỗng nhiên nhạc điệu của bài thơ reo lên “Nhớ rộn ràng/ Nhớ muôn nơi/ Ngẩn ngơ anh nhớ cả lời gió bay”. Ta thực sự thích thú khi tác giả đã vận dụng ý thơ truyền thống “lời gió bay” để tạo ra một màn sương mỏng ảo mộng để che nửa kín nửa hở những kỷ niệm rong rêu ngày nào quấn quýt bên “ngôi sao” kia. Rất duyên và cũng rất gợi cảm.
Nguyễn Vĩnh Tuyền mặc dù nấp bóng dưới cái vỏ đỉnh đạc, điềm đạm mang tính hoài cổ, nhưng trái tim lại thiết tha, cháy bỏng và rất nồng nàn, cuống quýt, thậm chí ồn ào, rộn rã, cuồng nhiệt đến mức hồn nhiên. Đó là nét dễ thấy trong thơ anh, cho nên sự nén để làm duyên làm dáng đến mức này cũng đã là một cố gắng. Tứ thơ đột ngột bung ra những gào thét trong tâm khảm:
Nhớ trong mơ?...
Lúc xỉn say?
Rượu buồn khuất lấp...
Nhạc đầy...
Khúc em?
Nhớ
Không rõ ngày hay đêm?...
Vò đầu quên thức vùi miền chiếu chăn...
Chao ôi, nhớ đến thế là cùng. Tác giả đã đẩy cái nhớ đến ngọn nguồn máu thịt, xương tủy với mơ, xỉn say, buồn, mụ mị, khờ dại, lăn lộn, vò đầu, bứt tóc... Tội nghiệp thay, đáng yêu thay, Nguyễn Vĩnh Tuyền! Nhớ như thế mới cực khổ làm sao? Đã đời làm sao? Thích thú làm sao?
Điều đáng mến trọng tác giả hơn nữa khi khổ cuối bài thơ bật ra nỗi đau “Em đang phía ấy tròn trăng”. Nỗi đau vô biên của một người mất mát. Dấu ba chấm trước từ “xa xăm” như vọng tưởng về một miền ký ức đã đi vào quá vãng. Vần thơ ngọt ngào lan toả, nhưng ta đọc lên ta vẫn thấy nhức nhối xót xa. Và cũng từ đây hiện lên chân dung một trái tim thực sự cao thượng và đẹp đẽ biết dường nào.
Với 5 cặp lục bát, ngắt nhịp và cấu tứ rất hiện đại, lối viết phóng khoáng, mang đôi chút hơi thở phồn thực, tác giả Nguyễn Vĩnh Tuyền đã thổi vào dòng thơ truyền thống sự mới lạ, quyến rủ về một đề tài không có gì mới mẻ.
Hương Sơn, tháng 5 /2009
Vũ Trọng Hoài
Email: vutronghoai_hs_ht@yahoo.com
Trương Nhất Vương - songngamtn@gmail.com - 01686888279 - 38 Y-Ơn-Tân Thành- Buôn Ma Thuột-Đác lắc
(Ngày 29/07/2010 12:46:34 PM)
Đọc bài thơ NHỚ của Nguyễn Vĩnh Tuyền đã thích! chữ thích đúng nghĩa, đây thật sự là sự rung động của tâm hồn; của trái tim chứ không là đãi bôi hay ưu ái mà tôi dành cho ông nữa...
Đọc bài cảm của Vũ Trọng Hoài thì cảm nhận về bài thơ không còn dừng lại ở chữ thích nữa mà phải là một bài thơ hay! Vũ Trọng Hoài đã khéo vô cùng khi chọn "Vò đầu quên thức vùi miền chiếu chăn... " làm tựa cho bài bình của mình và tôi cũng cảm thấy mãn nhãn cho sự chọn lựa của anh. Bài bình rất sát và sắc sảo, phân tích thấu tình đạt lý, lại vừa gợi mở khiến người đọc cũng cảm thấy tăng phấn phấn khích và có thêm cái cảm giác đồng điệu dễ gần, dễ mến..."Ai đó nông cạn hẳn sẽ mỉm cười mỉa mai mà rằng: ngôi sao cuối trời đêm nào chả mọc, vậy thì nhớ để mà làm gì, thật mộng tưởng! Thực ra không đơn thuần như vậy. Ngôi sao gợi cho ta nghĩ đến đôi mắt xanh long lanh nào đó, hoặc hình tượng biểu trưng cho niềm khát khao, niềm yêu mến thiết tha chan chứa đang thiêu đốt trong lòng tác giả." Ngoài cái góc nhìn sát và gợi mở, Vũ trọng Hoài như thấy cả con người thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền trong đó như câu nói" Văn cũng chính là người". Tôi cũng từng cảm thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền, cũng từng nhận thấy cái dáng vồn vã, hồn hậu rất hiếm thấy của người thành phố; nhưng gần gũi và có hồn như Vũ trọng Hoài thì tôi cũng xin ngả mũ chào một cái hihi "Nguyễn Vĩnh Tuyền mặc dù nấp bóng dưới cái vỏ đỉnh đạc, điềm đạm mang tính hoài cổ, nhưng trái tim lại thiết tha, cháy bỏng và rất nồng nàn, cuống quýt, thậm chí ồn ào, rộn rã, cuồng nhiệt đến mức hồn nhiên." Và đây nữa " Chao ôi, nhớ đến thế là cùng. Tác giả đã đẩy cái nhớ đến ngọn nguồn máu thịt, xương tủy với mơ, xỉn say, buồn, mụ mị, khờ dại, lăn lộn, vò đầu, bứt tóc... Tội nghiệp thay, đáng yêu thay, Nguyễn Vĩnh Tuyền! Nhớ như thế mới cực khổ làm sao? Đã đời làm sao? Thích thú làm sao?" Vũ trọng Hoài đã hoà chung cảm xúc với những thắc thỏm, mong ngóng, vật vã, khao khát...Với tác giả thơ. Sự đồng điệu không dừng lại ở đó, anh còn truyền được cả những cảm xúc cháy da cháy thịt ấy đến với tôi, với những người yêu thơ và đọc bài bình này ( tôi tin là như vây, ai không đống ý thì cũng xin giơ tay híc!) "Vần thơ ngọt ngào lan toả, nhưng ta đọc lên ta vẫn thấy nhức nhối xót xa. Và cũng từ đây hiện lên chân dung một trái tim thực sự cao thượng và đẹp đẽ biết dường nào." Không biết tôi có quá lời khi đã phải dùng quá nhiều chữ để có ý kiến cho một bài viết? Nhưng tôi hài lòng với Vũ Trọng Hoài! Chúc hai tác giả mỗi ngày một tấn tới trong con đường vui với thơ ca; nhất là ở thể thơ lục bát truyền thống, lấy được cảm hứng nơi người đọc không phải ai muốn là có thể làm được... |