Thứ hai, 14/10/2024,


Bài thơ “Giỗ trận” - Một nén hương thơm về ngày Thương binh - Liệt sỹ (25/07/2010) 

GIỖ TRẬN

 

Tháng năm nào có sinh cùng

Xót thương tiểu đội giỗ chung một ngày

Thằng Hà Bắc, đứa Hà Tây

Mặt còn non choẹt, chưa đầy hai mươi

Thế mà mấy chục năm trời

Thịt xương vùi lấp khắp đồi không tên

Sim cằn, cỏ dại mọc lên

Thản nhiên ai đó đã quên một thời

 

Giờ còn sống sót mình tôi

Thắp hương cúi lạy ngọn đồi cỏ may!...

 

Tân Quảng

(Rút trong tập “Bóng quê”)

 

 

Trong các cuộc kháng chiến trước đây đã có không ít cán bộ, bộ đội và thường dân ta bị bom pháo giặc sát hại hoặc bị nó càn quét bắn giết hàng loạt cùng một lúc. Những vụ ấy đã xảy ra ở một làng quê, một cánh đồng, một đường phố một căn hầm hoặc một trận địa. Sau đó, hàng năm cứ đến ngày cúng giỗ những người này, người ta gọi là “giỗ trận”. “Trận” đây là trận mạc, chiến trận, đồng nghĩa với chiến đấu, với đổ máu, với hi sinh, chết chóc trong bom đạn của quân thù. Thuật ngữ “giỗ trận” không rõ ai đặt ra từ bao giờ mà nó đã được nhân dân nhiều nơi sử dụng từ lâu nên nó mang tính dân gian. Tân Quảng đã mượn thuật ngữ ấy đặt tên cho bài thơ của mình nên chỉ cần đọc cái tên bài mà người đọc đã thấy xúc động.

 

Toàn bài thơ có mười câu lục bát thì tám câu trên mang nội dung thông báo. Sự thông báo ấy cứ được mở rộng dần nghĩa ra ở những câu sau. Trong chiến đấu cả tiểu đội hy sinh cùng một lúc có gì là đặc biệt? Họ chết để lại cho người còn sống một tình cảm xót thương vô hạn. Tác giả còn cho biết cụ thể về quê quán Hà Bắc, Hà Tây và tuổi đời còn “non choẹt” của những liệt sỹ này… Sự hy sinh mất mát nào cũng để lại niềm đau xót tiếc thương nhưng sự hy sinh mất mát của những người lính “mặt còn non choẹt” để lại cho những người còn sống một niềm tiếc thương xa xót hơn vì sự cống hiến của họ cho nhân dân, cho đất nước cũng như sự giúp ích của họ cho quê hương và gia đình sẽ là nhiều nhưng họ đành bỏ dở. “Non choẹt” là cách nói của người bình dân rất gợi cảm, nó vừa có sự trong trắng, thơ ngây hồn hậu, vô tư lại vừa có sức sống mãnh liệt, dồi dào. Bài thơ còn cho ta hiểu được cụ thể hơn về sự hy sinh đầy bi tráng của tiểu đội lính trẻ cách đây “mấy chục năm trời”. Có thể hiểu đây là một tiểu đội pháo cao xạ đặt trên một ngọn đồi cao hiên ngang nhằm thẳng quân thù mà bắn! Trong trận chiến đấu ấy, họ đã hy sinh oanh liệt, thịt nát, xương tan vung vãi bị vùi lấp khắp đồi. Những trận chiến đấu và hy sinh như thế không hiếm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây. Thời gian đã lùi xa, vết tích của trận chiến đã không còn nữa mà nay đọc lại những vần thơ của Tân Quảng, ta vẫn thấy bùi ngùi, xúc động.

 

Giá trị tư tưởng tình cảm của bài thơ như đọng lại ở hai câu cuối bài:

 

Giờ còn sống sót mình tôi

Thắp hương cúi lạy ngọn đồi cỏ may

 

Những người đã đi qua chiến tranh ác liệt mà còn được trở về chỉ là những người sống sót. Và không ai thương xót đồng đội bằng họ. Nhân vật “tôi” trữ tình xuất hiện đột ngột cuối bài thơ là một sáng tạo nghệ thuật của tác giả. “Tôi” tuy đơn lẻ nhưng lại rất to lớn và đầy cảm động bởi việc làm đầy thiêng liêng, thành kính và nhớ thương. Việc làm ấy như muốn nhắc nhở chúng ta, phải biết đền ơn đáp nghĩa những người đã dám chết để cho chúng ta sống hôm nay.

 

“Giỗ trận” là một nén hương thơm về ngày Thương binh – Liệt sỹ. Nó không chỉ hay về nội dung, nó còn là một bài thơ giàu chất dân gian truyền thống nên dễ đi vào lòng người đọc.

 

 

Ngô Văn Hiểu

(Báo Bắc Ninh)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thanh Tuyên - bsnguyenthanhtuyen@gmai.com - 0989094933 - Hải Phòng  (Ngày 27/07/2010 12:56:56 PM)

    Bài thơ xúc động, lời bình hay. Tôi rất thích thơ lục bát của anh Tân Quảng, nó vừa cổ điển vừa hiện đại, mượt mà nhuần nhuyễn và từ ngữ giản dị rất gần gũi với đời thường xung quanh ta và  đây đó.
    Tuy nhiên, tôi thấy cần phải suy nghĩ thêm 2 câu kết của bài. Hình như tác giả còn gửi gắm thêm một ý khác liên quan tới bản thân nữa “sót mình tôi” và “cúi lạy ngọn đồi cỏ may” thì  phải. Bởi đồng đội anh đã hy sinh ở đồi không tên. Tất nhiên thì giờ nhiều loại cỏ đã phủ dày, song anh lại chọn “Cỏ may”? –  Dụng ý này hiện tại chỉ mình tác giả của nó hiểu đúng nhất. 

     
XIN CHÚC MỪNG NHÀ THƠ VÀ CẢM ƠN NHỮNG LỜI BÌNH CỦA TG NGÔ VĂN HIẾU – CHÚC CÁC ANH MẠNH KHỎE - HẠNH PHÚC


              Nguyễn Thanh Tuyên - Hải Phòng


 

Các bài khác: