Thứ bảy, 20/04/2024,


Lời thề cỏ may và thơ lục bát (27/08/2008) 

  

   Giữa lúc chiều “chầm chậm xuống”, “người như nước chẩy vào thành phố”, Phạm Công Trứ lại thơ thẩn “ngược ngoại ô”. Giữa lúc các tác giả trẻ ưa làm thơ thể tự do, Phạm Công Trứ lại cho ra đời tập thơ quá nửa là lục bát, với tựa đề 'Lời thề cỏ may'(1).

     Vị luật sư làm báo không để lại dấu ấn gì của nghề nghiệp  trên các trang thơ. Hồn thơ anh vẫn là hồn thơ của một trai làng. Dẫu đã có thời lăn lộn chiến trường, đã có thời là sinh viên “bao nhiêu mơ mộng xây trên giường tầng”, hồn đồng ruộng, hồn làng quê vẫn ngấm trong máu thịt của anh. Có lẽ hồn thơ ấy hợp với thơ lục bát, thể thơ sinh ra và được nuôi dưỡng trên cái nôi của làng quê Việt Nam tự nghìn đời.

 

     Vào những năm ba mươi của thế kỷ này, trước sự tấn công dữ dội của Phong trào Thơ Mới, thể thơ Đường luật tuyệt vời mẫu mực về niêm luật cũng phải bung ra.Vậy mà thơ lục bát vẫn tồn tại, song hành cùng Thơ Mới. Đến cả bây giờ, giữa thời đại công nghiệp cuối thế kỷ hai mươi sôi động, hầu như bất cứ ai làm thơ cũng ít nhất đôi lần thử bút qua thể thơ truyền thống ấy. Trong nhiều lẽ, phải chăng thơ lục bát trường tồn được, vì nó là một nét của 'điệu tâm hồn dân tộc”.

 

     Dẫu tiến hoá, dẫu hiện đại, dẫu tiếp thu văn minh đông tây kim cổ, điệu tâm hồn dân tộc Việt Nam vẫn không xưa cũ, vẫn giống như chiếc bánh chưng bầy tết hàng năm mà Phạm Công Trứ đã có lần bàn đến như một tuyên ngôn (cũ và mới).

 

     Muốn có thơ lục bát hay, trước hết, nhà thơ phải có Hồn Lục Bát. Làm được một bài lục bát hay đã khó. Trong một tập có mấy chục bài, dễ trùng lặp và nhàm chán. Thơ Trứ tránh dược điều này. Tuy chưa có bài toàn bích, nhưng hầu như bài nào cũng có  những câu bất ngờ độc đáo, những câu thơ chốt vào trí nhớ của độc giả. Đó là ưu thế của Trứ so với các nhà thơ trẻ cùng lứa với anh.

 

     Bộ lọc cảm quan của Trứ thường chỉ lắng lại những gì buồn buồn, man mác, dịu êm. Nỗi buồn có sẵn trong hồn của làng quê. Ai đã từng sống ở đồng bằng Bắc Bộ êm ả, mênh mang, lớn lên đi xa đều có tâm trạng ấy. Đó là nỗi buồn mang vẻ đẹp, bao giờ cũng gắn với sự tiếc nuối.

 

     “Lời thề cỏ may” làm xao xuyến tâm  hồn người đọc bởi kí ức tuổi thơ, bởi cảnh quê có cây gạo đầu làng, trăng vàng giếng đá, có mùi thơm của nghìn đời mùa chiêm. Tuổi thơ của thế hệ ông bà, của Trứ và sau Trứ chắc sẽ mãi mãi còn cảnh 'góc vườn vẫn tiếng ve xưa, rình ve gốc sấu bây giờ con tôi'. Thơ Trứ gắn với loài cỏ dại mọc ngoài đồng. Cỏ may trong thơ anh trở thành biểu tượng của nỗi đau  khát vọng tuổi thơ (Sợi dây đứt cánh diều bay mất, ta một mình ngồi khóc với cỏ may), cũng là nhân chứng của mối tình đầu tan vỡ.

 

     Thơ Trứ là trang sử tình yêu của chàng trai mười tám đôi mươi vụng dại ngây thơ, của chàng trai ngoài ba mươi nhút nhát và mặc cảm. Tâm trạng ấy đậm đến mức  hai chữ ngập ngừng và những dấu chấm lửng giữa những dòng thơ, câu thơ, xuất hiện với tần số cao. Sự chuyển đổi thời tiết, sự giao chuyển hai mùa trong thơ Trứ cũng thường ngập ngừng, bối rối (Mới hôm qua còn hạ, Lỡ mùa, Vài nét biển…). Có lúc chàng trai lấy được can đảm thì lại sa vào kể những chuyện huyên thuyên về tình yêu của Trời với Đất (Cổ tích dưới trăng) để rồi chỉ còn là tiếc nuối (Vụng dại, Trái mơ rừng, Lời thề cỏ may, Khoảng trời tuổi thơ, Tự thú, Viết nữa hay thôi…). Những éo le muôn thưở của tình yêu qua mối tình của Trương Chi Mị Nương, Ngưu Lang Chức Nữ, vợ chồng chàng Trương trong cổ tích Người con gái Nam Xương cũng được soi qua hồn buồn của Trứ, nỗi buồn của đời tư và của thế sự.

 

     Trong thơ Trứ còn có chất Humour (hài hước). Có lẽ nhờ những câu thơ hóm hỉnh nên thơ Trứ buồn mà không nặng nề cay đắng. Hình như anh không cho phép mình  chìm đắm trong những nỗi buồn. Cũng vì thế đôi lúc anh có những câu thơ hơi lên gân, gượng gạo. Những câu thơ loại ấy không nhiều.

 

     Nhìn chung, có cảm giác Phạm Công Trứ làm thơ như chơi vậy. Nó tự nhiên, giản dị như cây đến thì, tất ra nụ, nở hoa. Người ta chỉ cảm nhận vẻ đẹp của hoa mà không thấy dấu vết của quá trình chuyển hóa. Tất cả ý thơ, lời thơ, hình ảnh, cấu tứ, giọng điệu thơ anh hòa nhuyễn trong tổng thể. Thơ Trứ là những mảnh tâm hồn chợt hiện, hầu như bài nào cũng rất ngắn. Ngỡ như gặp những bông hoa cúc nhỏ xíu, những cây rau khúc xinh xinh mọc ngoài đồng nội. Đọc thơ anh, những búc xúc ngoài đời chợt dịu đi, giống như giữa trưa hè nóng bỏng, ta gặp một cậu bé từ dưới đầm sen đi lên, mái tóc đẫm ướt, nhỏ từng giọt xuống  đôi vai trần mát rượi.

 

 

     Phạm Công Trứ viết chắc tay ở cả thể thơ Tự do lẫn thơ Lục bát. Tâm hồn anh nhạy cảm tinh tế với thiên nhiên hơn là các vấn đề xã hội. Khúc mùa thu viết theo thể tự do, có thể xếp vào hệ thống những bài thơ hay viết về mùa, về phong cảnh làng quê, hồn quê. Tuy nhiên, sở trường của Trứ vẫn là thơ lục bát. Anh có những câu thơ, nếu xếp vào một hợp tuyển ca dao nào đó, thì  chẳng dễ gì phân biệt ngay được. Những câu thơ mang dáng dấp xưa cũ vẫn tràn đầy khí sắc của thời hiện tại trong cách cảm, cách nghĩ của tác giả: Chuyện những cái tem thư, những mối tình lỡ làng, sự lãng quên quá khứ đẹp một thời, chuyện những cảnh ngộ éo le trong cổ tích… ngòi bút lục bát của Phạm Công Trứ thoải mái co duỗi, đôi chỗ gần như khẩu ngữ, ngẫu hứng, chấm  phá và vẫn đầy chất thơ:

 

Anh này chỉ giỏi huyên thuyên

Em cười nghiêng lúm đồng tiền đầy trăng

 

     Có người nói giọng thơ của Phạm Công Trứ giống với Nguyễn Bính. Điều đó không phải không có lí . Phải chăng hai nhà thơ đồng hương này cùng chắt từ nguồn mạch ca dao dân tộc lối diễn đạt nhuần nhuyễn trong trẻo, cùng cộng hưởng hồn quê dân dã thuần phát. Tuy nhiên Phạm Công Trứ đã biết chưng cất cảm hứng thơ ca bằng chất men riêng, cách thức riêng, tạo nên bản sắc của mình. Thiết nghĩ, tại sao chúng ta lại không mong có những trường phái thơ, dòng thơ, hay ít nhất có những “xóm thơ” như ngày xưa  Hoài Thanh đã từng khu biệt khi viết về phong trào Thơ Mới? Miễn là trong “xóm thơ”, mỗi người đều có gương mặt của riêng mình.

 

     Có điều, độc giả mong đợi ở Trứ và các nhà thơ trẻ có những cách tân thực sự cho thơ lục bát. Cách tân thực sự chưa phải là ở việc phá vỡ cấu trúc câu thơ, tăng giảm số lượng từ, hay ngắt những câu thơ lục bát thành năm bảy dòng như một vài tác giả đã làm. Đấy mới chỉ là những tiểu xảo. Cái quyết định là ở nhà thơ có Hồn Lục Bát thật sự hay không, tầm tư tưởng của nhà thơ có lớn hay không. Người làm thơ lục bát giống như người nghệ sĩ tài hoa, tạo ra hàng trăm chiếc bình kiểu cách khác nhau với những hoa văn độc đáo nhưng vẫn mang dáng dấp của bình. Nếu anh định thủy chung với thể thơ lục bát, tức là anh đã chấp nhận một thế đứng cheo leo, hoặc sẽ tạo nên được bản sắc của riêng mình, hoặc sẽ rơi vào sự tầm thường của những câu vần vè nhạt nhẽo. Ngay cả người viết bài phê bình này, khi bàn về thơ lục bát, cũng cảm thấy mình đang ở thế đứng cheo leo ấy…

            Châu Hồng Thủy

             (Liên bang Nga)

 

(1) Lời thề cỏ may - Thơ Phạm Công Trứ. NXB Thanh Niên. HN.1990

 

Bài in trên Phụ nữ Thủ đô, năm 1990.

 


 

Vài nét về tác giả: Châu Hồng Thuỷ

Các bút danh khác: Châu Đan Quế, Văn An, Lưu Phương Thuỷ, Đoàn Yên Ly, Đan Thanh...

Tốt nghiệp Cử nhân Văn khoa ĐHSP1 Hà Nội 1976.

Dạy học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc, nay là Trường Đại học Tây Bắc (Thuận Châu - Sơn La) từ 1976 đến 1987.

Tốt nghiệp Cao học Khoa Ngữ văn ĐHSP1 Hà Nội - Khóa 12-1989.

Tốt nghiệp Học viện Văn học Marxim  Gorki (Matxcơva) 1994 .

Từ năm 1990 đến nay sống tại LB Nga.

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga.

Tổng biên tập tạp chí  'Người Bạn Đường'.

Tổng biên tập tạp chí “Tao Đàn”.

Thư ký Toà soạn Tạp chí Đoàn kết (tiếng nói của Hội người Việt Nam tại LB Nga)

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: