Thứ năm, 25/04/2024,


Chơi chữ trong thơ Lục bát (26/08/2008) 

     Ngôn ngữ là cái vốn sẵn có ở mỗi người nhưng làm sao sử dụng ngôn ngữ đó, nhất là thơ lục bát đạt hiệu quả cao nhất thì phải “gia công” rất nhiều, thành một lối chơi nghệ thuật gọi là chơi chữ.

 

 

     Trong dân gian, lối nói chữ “dân dã” bằng lục bát dễ hiểu hơn và cũng có nhiều lối chơi bất ngờ, đầy thú vị. Đây là một cách chơi chữ đồng âm:

 

Bà già ra chợ Cầu Đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi (1) chăng?
Thấy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi (2) thì có lợi (3) nhưng răng chẳng còn

 

     Chỉ khi nhận ra ý nghĩa của các chữ (từ) đồng âm nhưng khác nghĩa, người nghe mới bật cười, vui tếu, nên không nỡ giận. Chữ lợi (1) và lợi (2) giống nhau vì đều chỉ cái lợi ích, cái thu được, còn lợi (3) chỉ phần thịt bao quanh răng. Người già răng rụng sạch chỉ còn trơ lợi, móm mém đến vậy mà còn đòi lấy chồng!

Với lối chơi chữ dân gian xưa kiểu này, ta cũng gặp những từ đồng âm tương tự:

 

Cóc chết bỏ nhái mồ côi,
Chẫu ngồi chẫu khóc: chàng ơi là chàng!
Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả cho làng, ngoé ơi!

 

     Chữ “chàng ơi!” là tiếng khóc của cô Chẫu đối với chàng Cóc, thế nhưng ở đây chỉ nói tới con chẫu chàng trong bộ 5 con vật: cóc, nhái, chẫu chàng, ễnh ương, ngoé.

 

Chị Xuân đi chợ mùa hè
Mua cá thu về, chợ hãy còn đông.

 

     Một câu thơ đủ cả 4 mùa, nhưng mùa xuân lại là tên cô gái: Xuân. Cá thu và chợ còn đông là những đồng âm khác nghĩa của từ mùa thu và mùa đông, người sáng tác đã khéo vận dụng tài tình.

Câu thơ sau cũng có có hiện tượng đồng âm rất đắt:

 

Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua bến Nghé, ngồi nhai thịt bò

 

     Đủ tên 4 con vật lớn: hươu, nai, nghé, bò. Hai địa danh được lấp ra phần sau (thành tố sau của một từ gồm hai thành tố) đồng âm với tên hai con vật nai và nghé. Kiểu đồng âm vẫn được vận dụng trong ca dao mới với cách thức trang trọng như:

 

Sầu riêng ai khéo đặt tên,
Ai sầu không biết, riêng em không sầu!

 

     Thời Pháp thuộc để mỉa mai thói học đòi, các nhà Nho đã có nhiều cách dùng từ ngữ “nửa ta, nửa Tây” như bài thơ nói về “bồi Tây, me Tây”:

 

Lạnh lùng một mảnh sơ – mi (chemise)
Li – ve (L’hiver: mùa đông) trằn trọc lơ – li (le lit :cái giường) một mình
Loăng – tanh (Lointain: xa xôi) ai có thấu tình
E – me (Aimer: yêu thương) đến nỗi thân hình biềng pan! (Bien pâle: rất xanh xao)

(Theo Người Viễn Xứ)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: