Thứ sáu, 29/03/2024,


Ngày không em (22/08/2008) 

I.

Không em ra ngõ kéo diều
Nào ngờ được mảnh trăng chiều trên tay
Luồn kim vào nhớ để may
Chỉ yêu cứ đứt trên tay mình cầm

II.

Em đi như chim về ngàn
Để rơi một cánh hoa tan nát chiều
Tôi đi tìm một tình yêu
Trên dòng sông chứa rất nhiều ban mai
Tôi đi trên dòng sông gai
Lốt chân chim đậu trên vai thành hồ
Không em từ bấy đến giờ
Bàn tay vẫn héo như cờ chịu tang.

                          ĐỒNG ĐỨC BỐN

 

     Đồng Đức Bốn là nhà thơ ý thức trở về với cội nguồn ca dao dân tộc, một cây bút lục bát khoẻ khoắn và độc đáo của nền văn học đương đại, đã góp phần làm nên cái duyên của thể thơ 6-8 hiện đại. Thơ lục bát anh có một sức thu hút kỳ lạ, đặc biệt là ở những câu thơ kết bài, cứ tạo một dư ba trong lòng người đọc:

Tôi nghe nẫu cả những chiều
Câu thơ ngã xuống đổ xiêu mái chùa
                (Quốc kêu)

hay:

Vớt buồn trên mặt sông trôi
Bây giờ vẫn chỉ mình tôi giữa dòng
                     (Đời tôi)

     Bài thơ “Ngày không em” cũng có một sức hút như thế. Giọng thơ nhẩn nha, chậm rãi đến thiết tha. Ba khổ thơ được chia làm hai phần, không dùng một dấu chấm câu nào, dường như không có sự kết thúc mà cứ mênh mông, dàn trải… Bốn câu thơ đầu là một bức thông điệp về một nỗi cô đơn, cô đơn vì “không em”. Không em, mọi giá trị thực của cuộc sống như biến thành ảo hết: diều biến thành mảnh trăng chiều, chỉ để may cứ bị đứt.

     Qua phần thứ II thì 8 câu thơ như đè nặng xuống, kéo toàn bộ bài thơ chùng xuống bởi sự không tương xứng giữa hai phần. Nếu phần I mới chỉ là lời thông báo “không em”, thì phần II lại là tâm trạng cô đơn của người con trai được nhân đôi lên bởi những câu lục bát:

Em đi như chim về ngàn
Để rơi một cánh hoa tan nát chiều

     Cấp độ của nỗi buồn đã nhân lên, giọng thơ đã chuyển sang cái xót xa, đau đớn đến “tan nát chiều” chứ không còn dừng lại ở cái nhẩn nha chậm rãi buồn như khổ thơ trên. Đến hai câu thơ kết bài:

Không em từ bấy đến giờ
Bàn tay vẫn héo như cờ chịu tang

     Nỗi buồn ở đây được đẩy lên tận cùng. Hình ảnh lá cờ tang như cứa sâu vào cả bài thơ, bao trùm lên toàn bài thơ là một sự lụi tàn, héo úa, chết chóc. Và chỉ đến câu kết này tác giả mới dùng dấu chấm hết duy nhất trong bài, nhưng bài thơ thì không kết thúc mà cứ lan tỏa một nỗi buồn mênh mang.

     Thơ Đồng Đức Bốn là thế, cứ ám ảnh lòng người bởi những câu thơ giàu hình ảnh, tứ thơ sâu sắc. Từ xưa đến nay, thơ viết về tình yêu, về nỗi buồn thất tình thì nhiều lắm, bởi những cung bậc tình cảm này không thể thiếu trong tình yêu. Song có thể nói Ngày không em là một sự thể hiện mới, bởi nhân vật trữ tình trong bài thơ không hướng đến một sự chia sẻ, cảm thông của “đối tượng” mà chỉ là tự bộc lộ cảm xúc thật của bản thân. Cảm xúc thật và ảo thẩm thấu vào nhau tạo nên những câu thơ độc đáo và rất Đồng Đức Bốn.

 

LÊ THỊ BÍCH HỢP

(Lớp cao học Văn K49- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn- Hà Nội)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - Ngọc NX1939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 04/04/2017 18:08:47)

NỖI NIỀM VẮNG EM

Vắng em giấc ngủ không yên
Vầng trăng dường cũng nỗi niềm cô đơn
Vắng em nhà rộng dài hơn
Bếp thi lạnh ngắt bữa cơm hững hờ

Vắng em viết chẳng nên thơ
Sai vần lệch ý bây giờ hỏi ai ?
Vắng em ngày tháng thêm dài
Mong đêm chóng cạn mong ngày chóng qua

Mong em mau trở về nhà
Cùng nhau hội tụ hát ca sum vầy
Để rồi tay lại cầm tay
Đi ra phố thị tình đầy uyên ương
Xuân Ngọc

Các bài khác: