Thứ bảy, 20/04/2024,


Đặc trưng nhịp điệu tiếng nói dân tộc (22/08/2008) 

     Từ đặc trưng nhịp điệu tiếng nói, ngôn ngữ của dân tộc mình, các thể loại thơ được sinh ra và phát triển theo thời gian, lịch sử. Vì thế không có một dân tộc nào trên thế giới không có những thể loại thơ riêng.

 

 

Niêm và luật

Điệu và vần

Không ai bịa ra đâu
Nó phục sẵn trong từng loài thanh quản
Ngay từ trong tiếng hú đầu tiên
Trong tiếng nói đầu tiên của bộ tộc ấy
Rồi cứ thế
Dần dần
Thản nhiên
Nó lùa các nhà thơ
Vào niêm, luật, điệu, vần
Như lùa vào trong rọ!
Thơ giả sẽ khóc ròng
Còn thơ thật sẽ thoát ra cùng gió
Thành những tấm áo
Thăm thắm sắc mầu riêng
Đến với gần xa bè bạn...

 

     Không phải ngẫu nhiên mà một nhà thơ đã viết về sự ra đời, rồi đến cả sự "bó buộc" một cách đáng yêu nào đó của các thể loại thơ mà chỉ dân tộc ấy có. Có lẽ vì vậy mỗi khi chuyển ngữ (dịch) thơ, các dịch giả thường thấp thỏm lo âu như đang đứng chênh vênh bên bờ miệng vực giữa "dịch" và... "diệt", nếu như không có khả năng tìm ra những thể thơ tương ứng, dù chỉ là sự tương ứng chừng mươi phần trăm.

     Việt Nam có thơ hai chữ, ba chữ, bốn chữ, bẩy chữ... thì Trung Quốc cũng có thể thơ tương tự vì tiếng Việt và tiếng Trung Hoa đều thuộc tiếng đơn âm. Nhưng qua rất nhiều công trình nghiên cứu, của cả ta và bạn láng giềng đều thấy chỉ có Việt Nam mới có thể thơ "trên sáu dưới tám" mà sau này, do hai từ "lục" (sáu) và "bát" (tám) dường như đã được Việt hóa qua hàng ngàn năm, chúng ta gọi tắt thể thơ trên là thể thơ "lục bát", như cách dùng một ký hiệu sao cho ngắn gọn. Mà ngẫm cho cùng, mọi ngôn ngữ bước đầu khi ngữ âm chưa thật uyển chuyển, tinh vi... để cất lên những vần điệu hàm chứa những trí tuệ, cảm xúc thật riêng, nó cũng chỉ là một thứ ký hiệu giao dịch đơn giản mà thôi.

    Cho nên trong quá khứ, để chứng minh thơ "lục bát" một thể thơ thuần Việt mà lại mang tên... Tàu, có lẽ cũng phát xuất từ Trung Hoa (?) có người đã lần ngược lên Tống Sử, Trung Dung, Kinh Dịch... cố tìm những câu hao hao dáng hình "lục bát" như "... Lục tam: hàm chương, khả trinh/ hoặc tòng vương sự, vô thành hựu trung..." rồi suy diễn. Nhưng thực tế đấy chỉ là một đoạn văn xuôi ngẫu nhiên trong một trang văn xuôi Kinh Dịch mà thôi. Và nếu xét về âm thanh, dù đã phiên âm ra Hán - Việt, đoạn văn xuôi trong Kinh Dịch trên cũng không đúng với luật âm thanh của thể thơ "sáu + tám" Việt...

     Đấy là một thể thơ kỳ diệu của dân tộc Việt! Chỉ với mười bốn "đơn vị", tức mười bốn từ (6 + 8) mà sự biến ảo của nó thật khôn lường.
     "Sáu tám" len lỏi trong từng hang cùng ngõ hẻm của đời sống bình dân để mà tâm tình:

 

Thuyền ai lơ lửng bên sông
Có lòng đợi khách hay không hỡi thuyền
Bóng cam bóng quýt sau nhà
Bóng trăng đen lại ngỡ là bóng ai
Anh buồn có chốn thở than
Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya
Cổ tay đã trắng lại tròn
Ai để ai gối đã mòn một bên...

 

     Để mà "tuyên ngôn" về một cung cách sống nhân ái, bao dung, thắm thiết:

 

Tưởng rằng đá nát thì thôi
Ai ngờ đá nát nung vôi lại nồng.
Thuyền than lại đậu bến than
Thấy anh vất vả cơ hàn em thương
Thương em chẳng biết để đâu
Để quán quán đổ, để cầu cầu xiêu
Thương em chẳng biết để đâu
Để trong tay áo lâu lâu lại dòm...

 

     “Sáu tám” vượt vào cả văn chương bác học, những đại nho gia cũng đắm say thể thơ dân giã này:

 

Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà sui phận bạc nằm trong má đào…

                     (Nguyễn Gia Thiều)

Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai
                   (Đoàn Thị Điểm)

Sầu ai lấp cả vòm trời
Biết chăng chẳng biết hỡi người tình chung
                      (Nguyễn Công Trứ)

 

     “Sáu tám” kéo dài 3254 câu thơ trong kiệt tác “Truyện Kiều”; trong “Tống Trân Cúc Hoa”; “Phạm Tải Ngọc Hoa”; “Thạch Sanh”; “Hoàng Trìu”… Hàng ngàn câu, hàng trăm nhân vật, cảnh ngộ, nỗi niềm… “Sáu tám” gánh chịu được hết! Có thể nói 14 chữ ấy là 14 phép thần thông biến hoá. Có thể thơ nào, có phép vận trù nào huyền ảo, phong phú như thế này không?

     Ấy là chưa kể đến một không gian dường như vô tận mà “sáu tám” đã dâng tràn lan toả là Dân ca!

     Hơn ba trăm làn điệu Chèo, ca từ là “sáu tám”. Hơn bốn trăm làn điệu Quan Họ, ca từ là gì? Là “sáu tám”. Trống Quân, Cò Lả, Ví, Dặm, Nam Ai, Nam Bình, Ả Đào, Chầu Văn, Ca Trù… Các nhạc sỹ dân gian xin cứ “phổ” cho “sáu tám” là đâu sẽ có đó!

     Ồ, mà sao các nhạc sỹ dân gian đẳng cấp chỉ “ngũ âm”, “bát âm”, “xang, xừ, xê, líu…” thơ “phổ” chỉ có “trên sáu dưới tám” thôi mà cộng các loại dân ca lại, ta đã có dư đến hàng ngàn giai điệu?

     Đây quả thật là một câu hỏi lớn cho Tân Nhạc. Đã mấy ai “phổ” được thơ “Lục Bát” thành công?

     Nhưng đấy lại là lĩnh vực khác, tôi xin phép không bàn thêm.

     Bình dân, đại nho gia, “tiểu thuyết trường giang” bằng thơ… tất cả, tất cả, đều không qua “phép biến hoá thần thông" có tên là “sáu tám” (hay “Lục Bát”).

     Thế còn các nhà thơ Tây học? Huy Cận, Tế Hanh, Xuân Diệu… Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Xuân Quỳnh… sẽ ra sao nếu bỏ đi những bài “sáu tám”?

     Và Nguyễn Bính, nhà thơ lớn vào bậc nhất của thể thơ này sẽ ra sao? Sẽ không là nói quá, khi bảo Nguyễn Bính, Bùi Giáng… sẽ là “phá sản”!

     Từ những số “Tổ Quốc” tiếp theo, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với đọc giả chừng vài “top ten” “sáu tám”. Và có thể cả những cuốn phim nghệ thuật về thể loại thơ kỳ ảo này:

 

 

Tương tư

(Nguyễn Bính)

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.


Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?


Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành;


Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi.
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai biết, ai người biết cho.


Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau.
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.


Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

 

(Sưu tầm)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: