Thứ năm, 28/03/2024,


Tình yêu xưa - nay (21/08/2008) 

     Tình yêu luôn đi đôi với sự 'ngỏ lời' sau đó là hôn nhân ấy là sự bằng phẳng trong tình yêu, nhưng ai 'mở lời' ấy mới là điều quan trọng.

 

     Ngày xưa...

 

 

Chàng về thiếp chẳng cho về
Thiếp níu vạt áo thiếp đề câu thơ'.

 

     Chỉ mới vài câu trao tình ý nhị như thế mà đã là 'chàng', 'thiếp' rồi mạnh dạn hơn là 'níu vạt áo' rất tình tứ, nhẹ nhàng rằng 'đề thơ' ấy là sự ngỏ lời tuy hơi vượt qua khuôn phép 'nam nữ thụ thụ bất tương thân' nhưng lại rất nữ tính.
     Chỉ vì sự nhút nhát mà bao anh chàng thôn quê tội nghiệp để 'sáo sang sông' mà phải nhận lời trách cứ từ người yêu rằng:

 

'...Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn xuân
Bây giờ em đó có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra'.

 

     Chỉ với 'ba đồng' mà anh bị mất em để anh chàng tội nghiệp phải tiếc nuối ngậm ngùi cái ngày 'trèo lên cây bưởi hái hoa' nữa vì 'Em có chồng anh tiếc lắm thay'.
     Mạnh mẽ - tạo nên một tính cách phụ nữ Việt Nam, mạnh mẽ ở chỗ: 'Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay'.
     Có lẽ Thúy Kiều là người con gái đầu tiên trong lịch sử dám vượt qua lễ giáo phong kiến, vuợt qua định kiến xã hội khắc khe. Vì yêu Kim Trọng mà đang đêm vượt rào: 'Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình'. Mối tình ấy đã đi vào giai thoại và điển cố văn chương nhưng trong thực tế đã có chưa thì ông bà ta đó để lại. Cái vụng trộm tình yêu cỡ Thị Mầu:

 

'Không chồng mà chửa mới ngoan
Có chồng mà chửa thế gian chuyện thường'

 

     Để cuối cùng có câu cửa miệng 'oan Thị Mầu'!
     Và bao nhiêu người con gái vì yêu mà khổ, tuy biết khổ nhưng vẫn: 'Không yêu thì lỗ, mà yêu thì khổ. Thà chịu khổ chứ không chịu lỗ', đem sự lời - lỗ vào tính toán trong tình yêu tuy có ích kỷ nhưng điều đó minh chứng họ rất bản lĩnh. Thử đi vào kho tàng ca dao, dân ca để thấy rằng phụ nữ ngày xưa ngỏ lời và chung thủy sắt son trong tình yêu:

 

'Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dãi yếm, để chàng sang chơi!

“Đèn Sài gòn ngọn xanh, ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

“Cao ly sắc với ngưu hoàng
Uống không mát dạ bằng thiếp với chàng gặp nhau.

“Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây.

“Vì tình nên phải đa mang
Vì duyên thiếp biết quê chàng ở đây

“Đói lòng ăn nữa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.

“Anh về em nắm cổ tay,
Em dặn câu này anh chớ có quên
Đôi ta đã trót lời nguyền
Chớ xa xôi mặt mà quên mảng lòng.
Chừng nào muối ngọt, chanh thanh,
Em đây mới dám bỏ anh lấy chồng'...

 

     Công chúa, hoàng hậu Lê Ngọc Hân (1771-1799) đã Khóc Quang Trung trong Ai Tư Vãn:

 

'Kiếp này chưa vẹn chữ duyên
Ước xin kiếp khác vẹn tuyền nửa hương'

 

     Ngày nay...

 

 

     Những ngày cắp sách đến trường học và rất “khoái” bài thơ 'Hương thầm' của nữ thi sĩ Phan Thị Thanh Nhàn trong sự ngỏ lời rất thi vị và nữ tính:

 

'Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy'

 

     Rõ khổ cho nguời con trai sắp bước vào quân ngũ biết lòng mà không dám ngỏ để bị chê 'vô tình'.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh yêu Lưu Quang Vũ mà thổ lộ rằng 'Yêu anh em đã là dâu trong nhà' hay trong 'Tự hát', Xuân Quỳnh vì yêu mà:

 

'Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nếu cần em bỏ nó đi ngay.
...Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu'.

 

     Với Lâm Thị Mỹ Dạ:

 

'Khi hôn lên trang thơ hay
ép trang sách vào mát ngực
Em nghe tim mình thổn thức
Thương người làm thơ đó mất'

 

     Các chàng trai nghĩ gì về sự không dám 'ngỏ lời'? Thuận Hữu thì… có vợ rồi nhưng vẫn:

 

'Có thể vợ mình xưa cũng có người yêu
(Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế
Yêu một cô giờ cô ấy đã có chồng
... Có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng'.

 

     Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha công khai với sự 'ghen' của vợ rằng:

 

'Đưa người yêu ngang nhà người yêu cũ
Giữa cơn mưa ban trưa
Thấy lòng mình chia làm hai nửa
Nửa ướt bây giờ, nửa ướt xa xưa'.

 

     Sự ngỏ lời dẫu có nhẹ nhàng, tinh tế, dịu dàng nhưng không sổ sàng, táo bạo... ấy là thể hiện nữ tính trong tình yêu. Từ sự đúc kết qua kho tàng văn học dân gian và văn chương ngày nay mới thấy rõ rằng: phụ nữ là người 'ngỏ lời' đầu tiên trong lịch sử YÊU.

NGUYỄN TÝ

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: