Thứ tư, 15/05/2024,


Những kỉ vật cuộc đời của con trai người liệt sĩ (18/08/2008) 

 

Cựu chiến binh Lê Thành Khẩn (ĐT: 034 625449), hiện ở Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội. tên khai sinh là Lê Khả Khẩn. Ông sinh năm 1944, nguyên quán ở Quảng Bình, Quảng Xương, Thanh Hoá. Sau ngày rời quân ngũ, ông về sống cùng gia đình tại Ba Vì...

 

         Từ trái qua: Ba anh em Lê Khả Khẩn, Lê Khả Khoản và Lê Khả Khảm.

 

Dọc theo quốc lộ 1A, từ thị xã Thanh Hoá vào Ghép, đến cây số mười bốn. Đây rồi: Quê hương tôi. Ngưu Trung, làng nhỏ quen thuộc là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, có đồng ruộng phì nhiêu, có dãy dừa trĩu quả đung đưa bên đường làng. Và rất nhiều tre, cọ, chè... dịu dàng bao quanh xóm thôn đầm ấm. Làng tôi từ trước đã có truyền thống kiên cường đánh Pháp. Nay lại đang đánh Mỹ với khí thế thật đáng tự hào...

Đứng ở đường cái cũng dễ nhận thấy thôi. Đây: Bên cạnh đình làng, nơi có ba cây dừa cao lớn soi bóng xuống mặt ao luôn lao xao cá... là nhà tôi. Vườn chè, cau, dừa, chanh là sản vật của gia đình, được ông cha truyền lại.

Năm 1947, cha tôi vào bộ đội. Có những năm cha tôi cùng đơn vị hoạt động ở gần nhà. Nhưng mỗi lúc ông lại đi xa dần. Đến chiến dịch Hoàng Hoa Thám năm 1951, cha tôi đã xa mãi mãi...

Cha hi sinh rồi, mẹ tôi ở vậy, cùng với ông bà, nuôi dạy ba anh em chúng tôi khôn lớn.

Giữa đường toan lo bận rộn, ai ngờ mẹ cũng đột ngột giã từ tất cả để về với cha tôi. Đó là năm 1960.

Do hoàn cảnh khó khăn sau cải cách ruộng đất, anh tôi Lê Thành Khoản phải bỏ dở việc học để phụ giúp gia đình. Năm 1959, anh tôi vào lớp 5 bổ túc công nông. Anh đã học đến Năm thứ 2 của Đại học Bách khoa Hà Nội thì xung phong đi bộ đội. Hiện anh tôi đang cùng đồng đội chiến đấu tại đồng bằng Nam bộ, mặt trận Sài Gòn- Gia Định ác liệt xa xôi.

Năm 1962, đã hết lớp 7, tôi cũng phải nghỉ học để lo việc đồng áng cho em tôi Lê Khả Khảm được tiếp tục đi học. Sau đó, cậu em tôi đã trúng tuyển vào ngành Công an, công tác tại Công an tỉnh Thanh Hoá.

Sau những ngày thôi học, tôi đã về tham gia nhiều công tác tại địa phương như Quản trị Hợp tác xã, Bí thư Chi đoàn Thanh niên, công tác dân quân xã đội... Càng trưởng thành, càng nuôi dưỡng trong tôi ý chí trả thù nhà đền nợ nước sâu sắc. Rất nhiều lần tôi làm đơn tình nguyện lên đường  đánh giặc. Mãi đến ngày 26 tháng 2 năm 1964, nguyện ước đó mới trở thành hiện thực khi tôi đã hai mươi tuổi tròn...

Hồi tưởng xúc động trên được chép từ những mặt giấy pơluya của một cuốn sổ nhỏ bằng nửa bàn tay đã ố vàng bụi bặm thời gian qua chiến chinh lửa đạn. Đó là những kỉ vật thời chiến vô giá mà cựu chiến binh Lê Thành Khẩn còn giữ được.

Sau ba tháng huấn luyện, anh lính trẻ Lê Thành Khẩn đã vui sướng tự hào khi được biên chế về đại đội pháo cối 82 li, làm pháo thủ số 3. Phấn đấu rèn luyện tại đây chưa được bao lâu, anh lại được cấp trên cử đi học lớp đào tạo hạ sĩ quan thuộc Tiểu đoàn 7, Sư đoàn 304 tại Ninh Bình trong 7 tháng.

Ra trường với thành tích xuất sắc, anh Khẩn lại trở về với đơn vị cũ. Nhưng tình hình đơn vị và đất nước ở thời điểm đó không còn như “cũ” nữa rồi. Giặc Mỹ đang leo thang mở rộng bắn phá miền Bắc. Đòi hỏi quân và dân cả nước ta đồng loạt chung sức chung lòng. Đến bây giờ, anh Khẩn vẫn không thể quên những tấm lòng của những con người như: O Thức, o Vịnh, o Lịch, o Minh, chị Soi, anh Khanh, anh Dần, bác Linh, bác Mai... và đặc biệt là gia đình Cụ Hùng ở Quảng Lợi, Quảng Lưu đã chăm lo cho đơn vị và cá nhân anh như chăm lo cho những người con, dồn tất cả yêu thương vào từng củ khoai bú rau bát cháo.

Trong lúc đang say sưa phấn đấu công tác tại Quảng Lưu, anh Khẩn lại nhận được quyết định đi học sĩ quan tại Sơn Tây. Chính trong quá trình học tập tu dưỡng tại đây, ngày 23 tháng 10 năm 1966, anh Lê Thành Khẩn đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam, nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngày 14 tháng 11 năm 1966, đảng viên Lê Thành Khẩn tốt nghiệp khoá học và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại   trong sự nung nấu của chí hướng đền nợ nước trả thù nhà nơi anh.

Giữa lúc tâm trạng không vui, bất ngờ, anh Khẩn lại được lệnh cùng đoàn công tác đi B. Không thể nào quên được những chặng đường đã qua như Khe Sanh, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Ho... Đầu năm 1967, anh Khẩn đã cùng với bộ phận trinh sát đón Tết Đinh Mùi giữa rừng với măng le, rau tàu bay và cá câu được dưới suối tại đây. Thật may, còn có cả hai viên kẹo và một điếu thuốc lá do anh em bộ binh nhường cho nữa.

Sau quá trình trinh sát đo đạc cẩn thận, ngày 6 tháng 3 năm 1967, anh Khẩn thực sự bước vào trận đánh đầu tiên trên chiến trường B5 cùng với các đơn vị E 84, D11 Pháo binh. Cũng dịp này, Tiểu đội Một thắng hai mươi của Bùi Ngọc Đủ xuất hiện. Học tập tấm gương anh hùng đó, anh Khẩn đã cùng đông đảo đồng đội khác ra sức thi đua tấn công tiêu diệt bọn thám báo biệt kích lập nhiều chiến tích vẻ vang. Trận đánh kết thúc thắng lợi. Mọi người lại được ăn Tết lần nữa với quà của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho, cứ ba người một hộp thịt và một gói thuốc. Món quà tuy nhỏ, nhưng không nhỏ là tấm lòng của Đảng, của Bác và hậu phương Miền Bắc dành cho những người lính ở chiến trường.

Sau mấy ngày hưởng không khí Tết, nhóm trinh sát pháo binh của anh Khẩn lại khăn gói lên đường. Đúng theo kế hoạch, các anh vượt sông băng đồng luồn rừng đi Thọ Xuân, Thiện Chánh, đi Cát Sơn, Nhị Trung, Nhị Hà, Lâm Xuân, vào đến tận Cửa Việt và thị xã Đông Hà. Đây là lần đầu tiên, anh Khẩn trực tiếp vào sâu vùng địch hậu để bám sát, thăm dò, đo đạc và báo toạ độ phục vụ cho kế hoạch tác chiến mới.

Ngày 29 tháng 4 năm 1967, nhờ lối đánh thọc sâu kết hợp nghi binh tốt, với 400 quả đạn, Tiểu đoàn 12 của ta đã thắng trận giòn giã. Lực lượng địch bị thiệt hại nặng không chỉ do bị ta đánh, mà còn bị pháo, bom đạn và rốc- két của chính phe chúng rót nhầm.

Với tổn thất không đáng kể, quân ta rút về bờ Bắc trong niềm vui thắng trận, càng hoan hỉ ngoái nhìn kho xăng, kho đạn và rất nhiều quân trang quân dụng của địch còn bốc cháy ngùn ngụt đến hết ngày hôm sau.

Riêng nhóm trinh sát của anh Khẩn vẫn tiếp tục ở lại, vừa để nắm kết quả trận đánh, vừa chuẩn bị kế hoạch cho trận lớn hơn vào ngày 7 tháng 5, lập thành tích kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi nhiệm vụ đo đạc tính toán đã hoàn thành, trên đường từ thị xã Đông Hà rút ra, không may, các anh bị địch pháo kích dọc đường. Anh Khẩn và hai đồng đội nữa, trong đó có Tham mưu trưởng đơn vị tên là Hà, bị thương. Các anh đã hết lòng giúp đỡ bảo bọc nhau, nhưng nếu không có tấm lòng bao dung đầy cảm tình với cách mạng của những người dân và cơ sở của ta trong vùng địch tạm chiếm thì các anh đã không thể sống sót, chứ đừng nói gì đến việc trở về với đội ngũ của mình. Đến giờ này, anh Khẩn vẫn không thể quên được những người xả thân cứu mình và các đồng đội khác như cụ Tuyển, o Bướm...

Về tuyến sau khắc phục thương tật, để rồi ra trận; ra trận rồi vết thương tái phát, lại phải về phía sau. Qua một vài lần như thế, theo lệnh cấp trên, ngày 25 tháng 12 năm 1968, anh Lê Thành Khẩn có mặt tại Trường Sĩ quan Pháo binh ở Sơn Tây để tiếp tục học tập huấn luyện trở thành Cán bộ cấp tiểu đoàn.

Như vậy là đã hai năm trực tiếp chiến đấu tại chiến trường. Anh Khẩn trở lại mái trường xưa cùng với sự thức dậy tươi rói những kỷ niệm một thời. Nhiều người dân, nhiều gia đình thân quen từng chia xẻ cưu mang anh ngày nào, nay đón anh xiết bao mừng tủi. Trong đó, có cả những người con gái một thời trộm nhớ thầm yêu. Có thể nói, anh Khẩn đang được sống giữa những ngày không thể nào quên của đời mình tại Kỳ Sơn, Sơn Tây dạt dào tình nghĩa.

Cả năm 1969 và một hai tháng đầu của năm 1970, anh Khẩn cùng nhiều bạn học trong khoá phải tiếp tục học bổ túc văn hoá để bảo đảm tiêu chí tuyển sinh huấn luyện của nhà trường.

Chính trong thời gian này, tình yêu với người con gái sau này trở thành vợ anh đã phát lộ.

Khi tia sáng này phát lộ, đã át hẳn nhiều tia sáng từng hé lộ trong dĩ vãng xa xôi ở quê nhà. Anh Khẩn quyết định đi tới hôn nhân với người con gái như dành sẵn cho mình ngay tại nơi đang học tập công tác.

Chị tên là Nguyễn Thị Đàm. Chị và anh Khẩn đã từng biết nhau từ năm 1966, khi anh gần kết thúc khoá học trước, còn chị vừa tham gia lực lượng công nhân quốc phòng, ngay tại Sơn Tây này. Hôn nhân bây giờ chỉ là sự trả nợ của cả hai người cho một mối duyên tình đã được se từ trước. Như rồng gặp mây như cá gặp nước, anh Khẩn mạnh dạn đến thăm và đặt vấn đề với gia đình chị, chính thức báo cáo và nhờ đơn vị đứng ra tổ chức hôn lễ vào ngày 12 tháng 12 năm 1970, anh dẫn chị về thăm quê nhà ở Thanh Hoá, hai người sinh được con gái đầu lòng Lê Thị Thanh Hà - tên đặt đậm hương sắc hai quê (Thanh Hoá - Hà Tây)... và không chỉ trong ngày mới lấy nhau, cho đến mãi bây giờ, hôn nhân của hai người vẫn là sự hoà hợp hỗ tương kỳ lạ.

 

*

Sau khi học xong bổ túc, anh Lê Thành Khẩn được giữ lại trường công tác. Rồi anh lại được học qua khoá huấn luyện 18 tháng giáo viên xạ kích của lực lượng pháo binh. Tiếp đó, anh bước vào giai đoạn khắc phục những bỡ ngỡ ban đầu để trực tiếp làm cán bộ giảng dạy của nhà trường. Ngày 19 tháng 8 năm 1972, anh Khẩn chính thức được phong quân hàm trung uý.

Ngày 31 tháng 10 năm 1972, lần thứ hai, anh Lê Thành Khẩn cùng đơn vị hành quân vào chiến trường B3 ở khu vực Tây Nguyên. Mảnh đất này cùng với rất nhiều địa danh như Tân Cảnh, Võ Định, Đăk Pét, Ngã ba Đông Dương và nhiều địa danh khác trên đất bạn Lào, Campuchia... còn lưu dấu mãi trong tâm trí của anh cùng sự ác liệt tàn phá của chiến tranh, sự mênh mang thuỷ chung che chở của rừng xanh, sự gắn bó như máu thịt của quân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Anh Khẩn đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong rất nhiều trận, đã mở được nhiều lớp huấn luyện kỹ thuật xạ kích cho các đơn vị pháo binh tại chỗ, đã lội suối bắt cá, lên rừng làm rẫy và liên tục hành quân... đến bất cứ nơi đâu nhiệm vụ chiến đấu cần.

Tháng 1 năm 1975, anh Khẩn cùng đơn vị hành quân qua suốt chặng đường dài 310 cây số đến vùng Đăk Đam của Đăk Lăk để chuẩn bị cho cuộc tấn công bất ngờ đánh chiếm Buôn Mê Thuột và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Xin cùng đọc một đoạn nhật ký đề ngày 26 tháng 2 năm 1975 được ghi tại rừng Đăk Lăk của anh Khẩn: “Ngày này cách đây vừa đúng 11 năm, tôi lên đường nhập ngũ. Lần đầu tiên tôi làm quen với bát B52, chăn màn màu lá cây, với tập hợp đội ngũ đi ăn cơm, với thói quen nghiêm nghỉ trong sinh hoạt của một đơn vị bộ đội... Cũng ngày hôm nay, tại chiến trường Tây Nguyên này, vào lúc 10h15, tôi được Chính uỷ giao nhiệm vụ về làm Tiểu đoàn phó kiêm Đảng uỷ viên của Tiểu đoàn 2. Tôi không ngại về khả năng trình độ, mà lo lắng vì trách nhiệm mới trong quản lý, sinh hoạt... cần phải cao hơn trước. Song, có Đảng uỷ, có tập thể, có anh em cùng chí hướng và phải tự tin ở mình để củng cố quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Có vậy, mới thực hiện đúng lời Đảng dạy, đền đáp công ơn sinh thành và tâm nguyện của cha mẹ... giữa lúc tổ quốc đang cần.

Sáng ngày 9 tháng 3 năm 1975, anh Khẩn và đơn vị pháo binh của mình làm nhiệm vụ cùng với Sư đoàn 10 mở màn cho chiến dịch bằng trận tấn công cứ điểm Đức Lập ở phía Tây- Nam thị xã Buôn Mê Thuột. Tiếp đó, anh lại trực tiếp chỉ huy đơn vị tấn công căn cứ Đô Ri. Với hiệu suất chiến đấu cao, chỉ dùng đến viên đạn thứ 22 của pháo 155 li, các anh đã diệt gọn nhiều ổ đề kháng, bắn rơi cả máy bay F105... buộc địch phải kéo cờ trắng xin hàng.

Ngay sau đó là đánh chiếm Buôn Mê Thuột, đánh Sư đoàn Dù của địch ở Chư Cúc, hành quân đánh địch ở Phước An, Khánh Dương, Khánh Hoà, pháo kích vào căn cứ Gò Dầu, chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ Đồng Dù của địch... và ào ạt tấn công giải phóng Sài Gòn. Anh Lê Thành Khẩn đã thực sự là một lạch nước nhỏ hoà chung khí thế trong dòng sông lớn của toàn quân, toàn dân tộc chảy thẳng đến đại dương toàn thắng 1975.

Những năm sau giải phóng, theo sự điều động của cấp trên, anh Khẩn đã cùng đơn vị đóng quân và công tác tại nhiều nơi như Cam Ranh, Khánh Hoà. Có thời gian anh được đi học văn hoá tại Lạng Sơn. Nhưng lâu nhất là ba năm từ 1978 đến tháng 8 năm 1981, anh được theo học khoá đào tạo sĩ quan cao cấp chính quy tại Học viện Quân sự Đà Lạt.

Ngày 17 tháng 8 năm 1981, chấp hành lệnh điều động của cấp trên, anh Lê Thành Khẩn lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới ở Hà Nội, thuộc  Quân khu Thủ đô.

Suốt trong khoảng thời gian từ đây cho đến tháng 3 năm 1988, hầu như không có gì nhiều để anh Khẩn dụng tâm lưu lại trong cuốn nhật ký. Bởi đó là những ngày dài vô vị nằm chờ ở trạm khách, đi an dưỡng ở trại này trại kia, đi nghỉ phép hết lần này lần khác...

Rồi cũng vô vị không kém là khi anh nhận nhiệm vụ làm cán bộ quản lý học viên tại Trường Quân sự của Quân khu Thủ đô. Hình như những kinh nghiệm trực tiếp chỉ huy chiến đấu, những kiến thức đúc kết trong quá trình được đào tạo, nhiệt tình cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung... của anh Khẩn, đã ít được đoái hoài trong thời gian về công tác tại đây. Thậm chí, nhiều năm nhiều đợt anh Khẩn được bình bầu Chiến sĩ Thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng với phiếu thuận cao, không hiểu vì sao, vẫn không được cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận...

Ngày 01 tháng 3 năm 1988, Trung tá Lê Thành Khẩn nhận quyết định về hưu khi chỉ vừa 44 tuổi, mà không hiểu vì sao?

Sự việc đáng tiếc kia chỉ có thể xảy ra, nếu những bằng chứng hiển nhiên từ quá khứ đến hiện tại, tạm liệt kê dưới đây bị phủ nhận.

Một là, làng Ngưu Trung- quê hương đồng chí Lê Khả Khẩn (tên thật)- có ba Liệt sĩ chống Pháp, thì hai người mang họ Lê Khả.

Hai là, Thân sinh anh Khẩn là Liệt sĩ Lê Khả Ngôn.

Ba là, bố mẹ mất sớm, bà nội đã nuôi dạy và động viên cả ba anh em trai của gia đình anh Khẩn- cùng họ Lê Khả- tham gia lực lượng vũ trang lập nhiều thành tích trong các cuộc kháng chiến và dựng xây đất nước. Tất cả đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và đều đã vinh dự nhận được Bằng công nhận 30- 40 năm tuổi Đảng.

Bốn là, bản thân anh Khẩn, dù chiến đấu và công tác tại đâu, luôn xứng đáng là Đảng viên gương mẫu, từng được tặng thưởng nhiều Huân Huy chương và Bằng chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ, Chiến sĩ Quyết thắng... và chưa một lần bị cấp trên kỷ luật.

Ai là người dám phủ nhận những bằng chứng được đổi bằng máu này? Hay bấy nhiêu máu của cả một gia đình và lòng tận tâm phấn đấu hi sinh liên tục của mỗi người, là chưa đủ, để bảo chứng cho sự phát triển tưởng là lẽ thường như quy luật?!

Hai chục năm qua rồi, biết bao vật đổi sao rời, lời giải đáp ấy vẫn lơ lửng hay vấp váp ở đâu, để không chỉ một người mà cả gia đình và biết bao thân bằng quyến thuộc khác còn đó một nỗi buồn.

Bây giờ thì họ đều đã lên tuổi ông, tuổi bà và sống hạnh phúc bên nhau. Ông bà Lê Khả Khẩn (tức Lê Thành Khẩn) - Nguyễn Thị Đàm và đã có với nhau cả thảy ba người con. Người còn gái đầu lòng là Lê Thị Thanh Hà sinh năm 1971, con gái thứ hai là Lê Hoài Nam sinh năm 1976 và con trai Lê Minh Đức sinh năm 1979. Hai con gái của ông bà đều đã xây dựng gia đình. Anh con trai Lê Minh Đức đang công tác ổn định tại Công trường Thuỷ điện Sông Đà. Ba người con luôn lấy tấm gương phấn đấu hy sinh của cha mẹ làm lẽ sống, để hết lòng phấn đấu công tác phục vụ đất nước quê hương. Ông Lê Khả Khẩn luôn nhớ về thời trai trẻ sôi nổi của mình...

Những lúc nhớ về đồng đội, cựu chiến binh Lê Thành Khẩn thường sống cùng các kỉ vật đã gắn bó với ông một thời oanh liệt. Đó là những trang sổ tay ghi chép nhật ký, chúng như một người bạn tâm tình, giúp ông vững vàng hơn trong phần đời còn lại.

 

                                                   Tháng 05 năm 2008.

                                                       Ngân Thuỳ Linh     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: