Thứ sáu, 29/03/2024,


Khi tình yêu hóa thành nỗi nhớ (15/08/2008) 

Em chờ

 

Vũ Thị Khương

Chắc gì anh đến hôm nay

Mà em cứ đợi tàn ngày trắng đêm

Hết đi ra cửa ngóng nhìn

Vào nhà ngồi xuống, đứng lên thẫn thờ

 

Chắc gì anh đến bây giờ

Trà pha để nguội, nhạt mờ vị hương

Chắc gì?

Mà dạ cứ thương

Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng

Đã yêu yêu đến tận cùng

Đã thương thương đến nát lòng vì nhau.

 

Chắc gì?

Đã chắc gì đâu?

Hôm nay, cả những ngày sau. Em chờ

V.T.K 

         Sự chờ đợi, nỗi nhớ trong tình yêu đã trở thành một cái gì đó rất đỗi quen thuộc trong thơ ca nói chung. Tuy nhiên, không phải sự đợi chờ và nỗi nhớ nào cũng giống nhau. Có sự đợi chờ, mong ngóng trong vô vọng, có đợi chờ trong nỗi nhớ da diết, có những khoảnh khắc chờ đợi gấp gáp nhưng cũng có sự chờ đợi kéo dài tưởng như mãi mãi… Đọc “ Em chờ ” của VũThị Khương thấy một sự chờ đợi không ồn ào, nhẹ nhàng, như giản đơn nhưng thực ra lại sâu sắc và tạo được ấn tượng với người đọc.

          “ Chắc gì anh đến hôm nay” vậy mà sao em vẫn đợi “tàn ngày trắng đêm”. Em chỉ tự nhủ lòng thế, “giả vờ” như tin anh không đến nhưng thực ra trong lòng em rất nhớ anh, rất mong và hi vọng anh sẽ tới. Có nhớ, có đợi chờ thì em mới “hết đi ra cửa ngóng nhìn” lại “vào nhà ngồi xuống, đứng lên thẫn thờ”. Câu thơ gợi ta nhớ câu ca dao “ Nhớ ai bổi hổi bồi hồi – Như đứng đóng lửa, như ngồi đống than”. Sự đối lập trong việc đặc tả hình ảnh thơ vốn giản dị, quen thuộc đã giúp người đọc hình dung một cách rõ ràng tâm trạng của nhân vật trữ tình. Em hiện ra không bằng khuôn mặt, ánh mắt hay nụ cười mà xuất hiện qua hành động. Không nói em nhớ anh, em mong được gặp anh nhưng ta vẫn hiểu được nỗi lòng, được tâm sự cử cô gái. Thấy được nỗi nhớ da diết đang trào dâng trong cô.

         Lại “ giả vờ” nhủ lòng “ Chắc gì anh đến bây giờ” nhưng em vẫn đợi, vẫn chờ đấy thôi, minh chứng là trà em đã pha sẵn rồi mà anh chưa đến để “nhạt mờ vị hương”.

 

Chắc gì?

Mà dạ cứ thương

Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng.

 

       Tình yêu là thế đấy! Em nói chắc gì anh đã đến nhưng thực ra em lại rất mong được gặp anh, “ chắc gì” mà em vẫn cứ thương, cứ đợi chờ đến day dứt. Bởi một lẽ:

 

Đã yêu yêu đến tận cùng

Đã thương thương đến nát lòng vì nhau

 

        Không cầu kì hoa mĩ, không phức tạp trong cách nói, tác giả đã đưa ra một “chân lí” trong tình yêu mà ai cũng có thể hiểu được. Đó là sức mạnh của tình yêu, nó khiến con người ta sẵn sàng hi sinh vì nhau. Tình yêu trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng. Nó khiến em cứ mong ngóng, đợi chờ anh. Tấm lòng, tình yêu mãnh liệt của người con gái được sẻ chia với người đọc chính qua những vần thơ ấy. Độc giả chờ đợi sự xuất hiện của người con trai, cũng mong ngóng xem anh có đến thế nhưng Vũ Thị Khương có cách kết thúc của riêng mình.

 

Chắc gì?

Đã chắc gì đâu?

Hôm nay, và cả ngày sau. Em chờ

 

         Bài thơ kết lửng, anh chưa xuất hiện chỉ biết rằng em vẫn sẽ chờ, chờ trong hi vọng không cần biết anh có đến? Tất cả tình yêu, nỗi nhớ, sự mong ngóng hi vọng dừơng như cô lại cả ở hai câu thơ cuối tạo sức nặng cho bài thơ. Bởi yêu tha thiết nên nhớ da diết, nên mãi chờ đợi từ nay đến mai sau…

Huệ Văn

 

------------

Tác giả Huệ Văn:

Lê Thị Huệ

K9 sáng tác – lí luận – phê bình Văn Học

ĐH Văn Hoá Hà Nội

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenngochs20@gmail.com - 0377225720 - Hiệp Sơn,Kinh Môn, Hải Dương  (Ngày 08/04/2019 12:10:08)

EM CHỜ





Gái làng thắm sắc tươi hoa
Anh ơi! có thấu chăng là em mơ
Mơ cả khi thức từng giờ!
Mà thẫn thờ nhớ, ngẩn ngơ bồi hồi

Bao giờ anh đến anh ơi! ?
Trà pha để nguội mất rồi, nhạt hương
Nao lòng yêu mến vấn vương?
Dẫu là một nắng hai sương em chờ!

Tình như lửa bén bất ngờ
Những xôn xao dạ. lòng bơ vơ hoài

Xuân Ngọc

Các bài khác: