Thứ sáu, 26/04/2024,


Lục bát Mai Văn Hoan - Chín tới để tỏa hương (13/08/2008) 

Mai Văn Hoan lặn lội với nghề dạy học đã 27 năm, nhập vào thơ anh dễ thương như chàng trai mới lớn. Tôi và anh quen biết nhau gần hai mươi năm ; từng ngồi chong đêm với cút rượu làng Chuồn trong quán cóc đường Ngô Quyền, nghe phượng hoa vàng thấm ướt đường khuya. Nhờ sự gần gũi ấy, khi tôi đọc tập Lục bát thơ, tôi không ngạc nhiên khi dòng sáu tám của anh trữ tình, đa mang và sâu lắng.

 

     Anh sinh ra và lớn lên ở cửa sông, mở mắt đã chạm vào bao la của trời và nước, chạm vào cuộc rong chơi lãng mạn của gió và nỗi chờ đợi trầm kha về một cánh buồm:

 

 …Cha ra đánh cá ngoài khơi

 Những chiều ta đứng trông vời chân mây

 Thuyền về tôm cá chất đầy

 Tóc cha sém nắng, bàn tay chai sần...'

                       (Buồn trông cửa bể)

 

     Khi chạm vào tình yêu anh ngập ngừng thốt lên:

 

Hiện em đang có một người

Yêu em say đắm chưa lời nói ra

Em đang làm khổ người ta

 Bởi vì mái tóc mượt mà, nhung đen

 Bởi vì gương mặt hồng sen

 Bời vì những ngón tay mềm này đây!

…Bày trò cốt để đùa chơi

 Ngờ đâu anh ngõ được lời cùng em

                            (Xem tay)

 

      Nói về nữ sinh, anh có bài Nữ sinh Đồng Khánh, nhiều thế hệ học trò dưới mái trường Hai Bà Trưng, giữ mãi trong sổ lưu bút ngày xanh:

 

Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa

Xui hoàng hồn tím trang thơ học trò

Nữ sinh Đồng Khánh qua đò

Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi

Nữ sinh Đồng Khánh dạo chơi

Phấn thông vàng rải ngát trời Thiên An

Trống trường Đồng Khánh vừa tan

Trên đường phơi phới từng đàn bướm bay

 

     … Lục bát thơ của anh miết mải một dòng chảy mềm mại, ngay lúc thương đau, nói điều gan ruột, anh vẫn một giọng tha thiết:

 

Thuỳ ơi, bạn ở nơi đâu ?

Mình nhìn chỉ thấy một màu cỏ xanh

Mé đồi thấp thoáng mái tranh

Hắt hiu khói nhạt, Kỳ Anh vương buồn

Mình qua quê bạn hoàng hôn

Bóng hình bạn cứ như còn đâu đây…

                      (Tìm mộ bạn)

 

Nữ sinh Đồng Khánh xưa

 

     Bốn mươi bảy bài lục bát trong tập là những lời tự sự về cha mẹ, cuộc đời, bè bạn, tình yêu và nhất là lứa tuổi học trò trong sáng, mộng mơ của xứ Huế mà anh đã và đang được làm thầy. Hãy đọc lời tựa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về tập thơ Ảo Ảnh của anh xuất bản năm 1988 : 'Thơ Mai Văn Hoan chỉ xuất hiện thấp thoáng trên sách báo hơn mười năm trở lại đây, nhưng lại 'xuất hiện' khá nhiều trong trong sổ tay của nhiều lứa sinh viên, học sinh ở Huế. Phải chăng, thơ anh đồng cảm với tâm lý trong sáng tế nhị của những người mới bước vào ngưỡng cửa tình yêu ? Hiệu quả thơ Mai Văn Hoan chính là hiệu quả tâm lý ấy. Không ồn áo, không trang điểm, thơ anh có lực đẩy của ngọn gió tàng hình, mở ra cánh cửa giấu kín bao bí mật của tình cảm. Ở đây, lồng lộng những khoảng trời mây cao; âm thầm một hình hoa độc sắc và cũng có khi chỉ là một ảo ảnh không thể thiếu vắng trong đời…'

 

     Bao năm đứng trên bục giảng và lặng lẽ làm con tằm nhả thơ, thạc sĩ văn chương Mai Văn Hoan đã viết như một tuyên ngôn về thơ anh:

Cứ nói điều gan ruột

Hay dở có thời gian

Mong sao đừng bỏ cuộc

Dù còn chút hơi tàn...

 

     47 bài thơ trong Lục bát thơ là những lời tự sự tỏ tình có cánh, là 47 bông hoa khi đằm thắm thiết tha, khi thâm trầm triết lý mà nhà thơ Mai Văn Hoan dâng tặng cho đời, tặng cha mẹ. bè bạn và các thế hệ học sinh thân yêu của mình... Tính đến nay, anh đã in 8 tập thơ và nhiều tập tiểu luận, chứng tỏ sức viết của anh đang độ Chín Tới Để Toả Hương…

Huế, ngày 16 tháng 6 năm 2006

        Nguyễn Nguyên  An

 

Nhà tù Lao Bảo

(Trích trong tập Lục bát

 thơ của Mai Văn Hoan) 

Nhà tù Lao Bảo là đây

Một vùng rợp mát bóng cây ngô đồng

Lá xanh, xanh đến se lòng

Ai lên thuở ấy sao khống thấy về?

Hồn ai quanh quân suối khe?

Trập trùng núi dựng, bốn bê mây giăng

Ngày đi tóc hãy còn xanh

Bao năm tù ngục tóc thành bông lau

Mịt mù nào thấy gì đâu

Nhìn qua song sắt một màu khói sương

Gửi vào đất nắm tro xương

Gửi vào cây cỏ nỗi buồn nước non

 

Ngàn lau phơ phất sườn non
Câu thơ cảm khắi vẫn còn dư vang…

 

Nhà tù giờ đã tan hoang

Xà lim, song sắt thời gian lấp vùi

Bóng đêm đã quét sạch rồi

Xanh trên Lao bảo khoảng trời mùa thu.

 

 

Giếng làng

 

Về quê, tìm lại giếng làng

Lối quen mà cứ ngỡ ngàng bước chân

Bao phen trời đất xoay vần

Làng xưa, xóm cũ mấy lần đổi thay.

Nép sau vườn dưới vòm cây

Lòng băn khoăn : có phải đây giếng làng ?

Hỡi người duyên số dở dang

Nhớ chăng đêm ấy… trăng vàng chung soi

Lõ tay thương chiếc gàu rơi

Làm xao lòng giếng… một thời vụng yêu

Giếng làn thuở ấy trong veo

Chia khắp thiên hạ: giàu, nghèo, hèn, sang…

Gái làng tắm nước giếng làng

Tóc càng óng mượt, da càng mịn thơm!

 

Bây giờ nước có đầy hơn

Chạnh buồng tên giếng không còn từ lâu

Bâng khuâng cầm lại dây gàu

Buông tay nhè nhẹ… sợ đau giếng làng.

 

 

Xem tay

 

Anh nào có biết xem tay

Cái trò bói toán anh bày trêu chơi

Làm như thông thạo lắm rồi

Anh ngồi anh phán đường đời của em

Nói riêng về số nhân duyên

Em hơi rắc rối, hơi phiền chút thôi

Hiện em đang có một người

Yêu em say đắm, chưa lời nói ra

Em đang làm khổ người ta

Bởi vì mái tóc mượt mà, nhung đen

Bởi vì gương mặt hồng sen

Bởi vì những ngón tay mềm này đây !

Em cười… đôi má… đỏ hây

Còn anh cảm thấy ngất ngây trong lòng

Cái điều anh vẫn ước mong

Ngại ngần anh cứ nói vòng, nói quanh

Kẻ yêu em - chính là anh !

Bởi chưng líu lưỡi mới thành người ta

Và em cũng chợt hiểu ra

Ngón tay em khép như là hổ người

Bày trò cốt để đùa chơi

Ngờ đâu anh ngỏ được lời cùng em !

 

 

 

 ------------ 

Địa chỉ liên lạc:

Nguyễn Văn Vinh (N.N.A)

Hộp thư 042 Bưu điện, Huế

Nhà riêng 50 đường Trần Thái Tông, Huế

Tel: 054 885775 - 0914457805 -  E.mail: nguyenanvinh@vnn.vn

 


 

Lucbat.com trân trọng cảm ơn tác giả Nguyễn Nguyên An đã gửi bàì cộng tác tới website!

                       

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: