Thứ sáu, 26/04/2024,


Tính thống nhất và sắc thái riêng của thể thơ lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam (31/07/2008) 

Trong bài tựa sách Quốc âm từ điệu, Phạm Đình Toái đã nhận xét: ''Thể thơ lục bát đâu đâu cũng quen thuộc không hẹn mà giống nhau, tao nhân mặc khách mở miệng nên thơ, gái dệt, trai cày nói lời hợp điệu, cho đến câu hát của xóm làng, lời đùa của trẻ con cũng không gì là không nhịp nhàng, hợp vần''.

 

I. Tính thống nhất của thể lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam     

 

1. Ca dao Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ đều sử dụng thể lục bát ở mức độ rất cao

 

Trong bài tựa sách Quốc âm từ điệu, Phạm Đình Toái đã nhận xét: "Thể thơ lục bát đâu đâu cũng quen thuộc không hẹn mà giống nhau, tao nhân mặc khách mở miệng nên thơ, gái dệt, trai cày nói lời hợp điệu, cho đến câu hát của xóm làng, lời đùa của trẻ con cũng không gì là không nhịp nhàng, hợp vần".(1)

Trong sách Kho tàng ca dao người Việt, có 10.305 lời ca dao trên tổng số 11.825 lời được sáng tác theo thể lục bát, chiếm 87%(2).

Trong sách Ca dao Việt Nam, có 973 lời trên tổng số 1015 lời được sáng tác theo thể lục bát, chiếm 95%.(3)

Trong sách Ca dao Việt Nam trước Cách mạng, có 1125 lời được sáng tác theo thể lục bát, chiếm 94%(4).

 

2. Thể lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam đều ngắn gọn

 

Đây là kết quả thống kê độ dài các tác phẩm ca dao trong hai cuốn sách biên soạn ca dao:

Chúng ta thấy trong số 2310 lời ca dao (được ghi trong hai cuốn sách), số lời có độ dài từ 2 đến 4 dòng chiếm 81%.

Do yêu cầu phản ánh, thể hiện tình cảm cần lời ít mà ý sâu, càng ngắn gọn càng dễ nhớ, dễ lưu truyền, phổ biến nên tính kiệm lời, cô đọng, ngắn gọn là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật biểu hiện của ca dao.

Khác với truyện cổ, phương thức biểu hiện tình cảm của ca dao ngắn gọn, cô đọng nhưng giàu sức chứa chở cảm xúc. Ví dụ: khi đề cập đến thân phận, cuộc đời, tương lai.

 Các cô gái miền Bắc nói về tâm trạng mình:

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

Cùng tâm trạng, tình cảm đó, cô gái Trung Bộ thể hiện:

Thân em như chiếc thuyền tình

Mười hai bến nước linh đinh

Biết đâu trong đục nương mình gửi thân.

Trên miền đất Nam Bộ, dù thiên nhiên có hào phóng ban tặng nhiều sản vật phong phú thì người con gái vẫn có nỗi lo:

Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?

Những thân phận mong manh, lênh đênh như "tấm lụa đào", "chiếc thuyền tình", "trái bần trôi" đã mang tâm hồn, tình cảm, dấu ấn thiên nhiên miền đất sinh sống của những người con gái không có quyền định đoạt số phận, hạnh phúc, cuộc đời. Nỗi đau khổ, cay đắng chất chứa trong tiếng thở than nghẹn ngào đã làm rung lên niềm thương cảm của trái tim bao người nghe. Nỗi khổ đau đó cũng được đại thi hào Nguyễn Du thể hiện trong tác phẩm Truyện Kiều với độ dài 3254 dòng lục bát đầy những niềm cảm thông thương xót:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Do đặc điểm ngắn gọn nên dung lượng phản ánh của mỗi lời ca dao có phần hạn chế. Bởi hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng, phức tạp. Tâm hồn, cảm xúc của con người rất tinh tế, nhiều cung bậc. Mỗi lời ca dao chỉ phản ánh được một khía cạnh của cuộc sống nên từ đó có hiện tượng trái nghĩa, hay có nhiều cách biểu hiện khác nhau.

Hãy nghe một cô gái miền Bắc nói về bổn phận:

Có chồng thì phải theo chồng

Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng đi.

Tương tự, cô gái miền Nam cũng nói:

Có chồng phải luỵ cùng chồng

Nắng mưa phải chịu, mặn nồng phải theo.

Thực tế lại có lời ca dao biểu hiện thái độ:

Có chồng thì mặc có chồng

ở đây vắng vẻ tơ hồng cứ xe.

 

Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn

Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.

Bên cạnh lời ca dao ca ngợi người phụ nữ chung thuỷ:

Lên non thiếp cũng lên theo

Tay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau

thì lại có những lời có nội dung trái ngược:

Chính chuyên chết cũng ra ma

Lẳng lơ chết cũng khiêng ra ngoài đồng.

Thái độ tương phản đó là sự phản kháng quyết liệt chống đối lại lễ giáo nghiệt ngã, những quan niệm cực đoan.

Phải tập hợp được một số lượng đủ đến mức cần thiết những lời ca dao về người phụ nữ thì mới nhận thức được tương đối đầy đủ quan niệm dân gian về họ.

Như vậy, qua nhiều lời ca dao, tính thống nhất nổi bật đó là sự ngắn gọn, kiệm lời, cô đọng, hàm súc. Tính chất ngắn gọn là một đặc điểm chung, thống nhất của ca dao ba miền, có liên quan chặt chẽ với hoàn cảnh, điều kiện của việc sáng tác và sinh hoạt văn mghệ.

 

3. Thể lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam đều có hình thức biến thể

 

Có nhiều cách hiểu rộng, hẹp khác nhau về lục bát biến thể, chúng tôi đồng tình với cách hiểu của Mai Ngọc Chừ "Lục bát biến thể ở đây được quan niệm là những câu ca dao có hình thức lục bát nhưng không khít khịt "trên sáu dưới tám" mà có sự co giãn nhất định về số lượng âm tiết(tiếng)".

Đây là lục bát biến thể trong ca dao.

Đôi ta tình thẳm nghĩa dày

Dù có xa nhau đi chăng nữa ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

                      (6/14 tiếng)

           

Đau tương tư đầu tóc rối bù

Đặt lược lên, lấy lược xuống, nước mắt chùi không khô.   

                     (7/11 tiếng)

Thực tế cho thấy, những lời ca dao lục bát biến thể chủ yếu là do làn điệu của việc ca hát quy định (đối với dân ca) do yêu cầu thể hiện một số nội dung nhất định (đối với ca dao). Hai lời ca dao vừa dẫn cho thấy: Số lượng âm tiết tăng thêm hoặc giảm đi đóng vai trò quyết định để nhịp thơ thay đổi tạo nên ưu thế cho việc biểu đạt những điều kiện khó khăn, không thuận lợi và sự quyết tâm khắc phục những trở ngại đó.

Ngoài ra, lục bát biến thể còn đắc dụng trong những lời châm biếm, trào phúng:

Chập chập cheng cheng

Con gà sống thiến để riêng cho thầy

Đơm xôi thì đơm cho đầy

Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưa.

                      (Ca dao Bắc Bộ)

 

Anh đi đâu lúc la lúc lắc, quạt dắt sau lưng

Hay làng cử anh làm lí trưởng để  "giữ rừng" cho em?

Rừng em anh chẳng dám vô

Sợ phụ mẫu em giấu mả mồ ở trong.

                             (Ca dao Trung Bộ)

 

II. Sắc thái riêng của thể lục bát trong ca dao ba miền Bắc, Trung, Nam

 

Các tác giả dân gian ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã sử dụng rất tài tình, linh hoạt thể thơ lục bát nhưng mức độ sử dụng và trau chuốt có khác nhau.

Ca dao Bắc Bộ sử dụng thể lục bát nhuần nhuyễn, trau chuốt hơn ca dao Trung Bộ và Nam Bộ. Ca dao Bắc Bộ tiếp nhận lối ngắt nhịp truyền thống của ca dao Việt Nam (ngắt nhịp chẵn dòng lục 2/2/2, dòng bát 2/2/2/2 hoặc 4/4).

 

Nước trong nước chảy quanh chùa (2/2/2)

Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu.(2/2/2/2)

 

Công cha nghĩa mẹ thiếp đền (2/2/2)

Xin chàng đừng có kết duyên chốn nào (2/6)

 

Xin đừng đứng thấp trông cao (2/2/2)

Xin đừng tơ tưởng chốn nào hơn đây (6/2)

 

Xin đừng tham gió bỏ mây (2/4)

Tham vườn táo rụng bỏ cây nhãn lồng (4/4)

 

Đọc những lời ca dao Bắc Bộ ta cảm nhận được sắc thái tình cảm nhẹ nhàng, dìu dịu, đằm thắm, tha thiết. Trong lời ca dao trên, người con gái như đang "rót mật vào tai", dùng "lạt mềm buộc chặt". Cái duyên dáng, tươi trẻ, dịu dàng, thanh lịch của người con gái xứ Bắc đã níu giữ chân chàng trai lại. Những lời tha thiết yêu thương được láy lại trong từ "xin chàng" và điệp từ "xin đừng" khiêm nhường mà không hạ mình, nhắc nhở mà không giáo điều, giáo huấn. Người nghe không chỉ cảm nhận được điều hay lẽ phải mà còn cảm nhận được phẩm chất đẹp đẽ, lịch lãm, thanh cao, đáng trọng của con người xứ Bắc.

Ca dao Bắc Bộ chịu ảnh hưởng nhiều hơn của ngôn ngữ văn chương bác học. Cuộc sống lao động sản xuất của người dân đồng bằng Bắc Bộ nhìn chung ổn định, hiền hoà. Thiên nhiên Bắc Bộ dù có sự chuyển đổi bốn mùa khắc nghiệt nhưng cuộc sống lao động và văn hoá tinh thần của con người vẫn được đảm bảo. Những lễ hội mùa xuân tưng bừng cùng những hội chùa, hội làng... kéo dài từ tháng giêng sang hết tháng hai. ở đâu cũng có lễ hội, dường như điều đó đã giải toả tâm linh và những khúc mắc trong tình cảm. Do vậy con người không phải chịu sự dồn nén,bức bối.

Giữa sinh hoạt văn hoá và thiên nhiên đầy những hình ảnh thơ mộng, lãng mạn, con người có thể trao đổi gửi gắm cảm xúc bay bổng. Điều đó được ghi lại trong ca dao Bắc Bộ, lục bát biến thể ít và thiên về sự co giãn ở dòng lục hoặc dòng bát:

Chàng trẩy đi nước mắt thiếp tôi chảy quanh

Chân đi thất thểu lời anh dặn dò.

                       (9/8 tiếng)

 

Người ta chung nón chung tơi

Cho em chung thầy, chung mẹ, chung hơi, chung tình.

                    (6/10 tiếng)

Trung Bộ phải chịu cảnh quá khắc nghiệt của thiên tai liên tiếp. Con người nơi đây từng trải qua bao thăng trầm, biến cố của các cuộc xung đột, khai phá, chiến tranh giữa các thế lực phong kiến. Sự khắt khe của tư tưởng lễ giáo, sự nghiệt ngã của thiên nhiên khiến con người chất chứa bao nỗi uất ức, hờn căm, dồn nén đau khổ muốn giãi bày:

Nốc tôi chật chội chẳng cùng

Làm thân con gái, nỏ biết rùng nơi mô.

(6/9 tiếng)

 

Nốc năm mui sóng khó chèo

Muốn kết đôi với bạn, bạn chê nghèo    thì thôi.

                                                 (6/10 tiếng)

 

Trong lao động, nhịp điệu sản xuất của người miền Trung mạnh mẽ, chắc khoẻ. Người lên rừng trèo đèo, lội suối, chặt cây, động tác phải nhanh. Người đi biển đánh cá phải chống chọi với sóng to gió lớn, hiểm nguy. Không có sự dũng cảm, cứng rắn, vượt lên để đấu chọi, tồn tại thì làm sao có hạnh phúc, tươi vui. Ngay cả khi làm ruộng, đất cứng vì khô hạn, các động tác cũng phải thật mạnh, thật chắc nịch, bền bỉ mới bổ được từng nhát cuốc, bừa từng luống cày...

Cuộc đời đầy những thách thức, khó khăn đã làm biến đổi nhịp sống của con người. Điều đó có thể thấy trong thái độ biểu hiện cảm xúc của con người miền Trung cũng mang nét khác dân Bắc Bộ. Họ ưa sự dứt khoát, thẳng thắn, trung thành, bền bỉ, chịu khó. Sự biến thể đột ngột với nhiều cung bậc khác nhau trong ca dao Trung Bộ là biểu hiện nghệ thuật mang ý nghĩa nội dung trên. Lục bát ở Trung Bộ thiên về sự giãn tiếng ở dòng bát:

Đôi ta tình thắm nghĩa dày

Dù có xa nhau đi chăng nữa/ba vạn sáu ngàn ngày/mới xa.

                             (6/14 tiếng)

 

Hai tay bưng bát nước đầy

Anh muốn kết duyên em mãi mãi/sợ thầy mẹ không thương.

                              (6/12 tiếng)

 

Nguyện thề trước miếu sau đình

Đó vong ân/đó chịu/đây bạc tình/đâymang.

                               (6/10 tiếng)

 

Thương anh nỏ biết mần răng

Cứ lơ lơ, lửng lửng như sao băng giữa trời.

                               (6/10 tiếng)

 

Ca dao Nam Bộ sáng tác thuần thể lục bát ít hơn ca dao nói chung, tỉ lệ lục bát chiếm 79,1%, thấp hơn ca dao Bắc Bộ. Lục bát trong ca dao Nam Bộ vẫn sử dụng nhịp một cách linh hoạt, uyển chuyển như ca dao cả nước để biểu hiện sinh động tâm trạng, tình cảm. Song số thanh bằng hoặc trắc được sử dụng nhiều tạo nhịp điệu man mác, da diết hoặc dứt khoát, mạnh chắc. Ngoài ra còn có kiểu ngắt nhịp khá táo bạo, tự do, phá vỡ sự nhàm chán nhịp chẵn bằng nhau tuyệt đối. Cách ngắt nhịp có chẵn, lẻ hoặc phối hợp sáng tạo với thanh trắc để diễn tả, nhấn, láy được những cung bậc tình cảm của con người Nam Bộ:

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

 

Biển cạn lòng anh không cạn

Núi non kia mòn nghĩa bạn không vong.

Bản sắc Nam Bộ thể hiện rõ ở hoàn cảnh, gắn bó xuất hiện của lời ca dao, đặc biệt là sự phá cách táo bạo, bất ngờ theo hai chiều hướng co hoặc giãn tiếng trong cả hai dòng lục và bát nhiều hơn so với ca dao Trung Bộ và Bắc Bộ:

Tôi than với mình huỷ huỷ hoài hoài

Biểu em đừng gá nghĩa với ai, để anh gá nghĩa lâu dài với anh.

                          (8/15 tiếng)

 

Cực chẳng đã cha mẹ gả em đã đành

Chớ ăn khoai lang chấm muối ngonlành gì đâu.

                            (9/10 tiếng)

 

Lời ca dao đối đáp ở trên có biến thể ở cả bốn dòng, diễn đạt một tâm sự ngổn ngang, nặng nề của đôi trai gái bởi sự cách ngăn, trắc trở tình yêu, ngậm ngùi thở than, trách cứ.

Qua việc tìm hiểu bản sắc riêng của ca dao ba miền có thể thấy lục bát biến thể có mặt ở ca dao Bắc Bộ ít hơn ở Nam Bộ và Trung Bộ về tỉ lệ. Lục bát biến thể ca dao miền Bắc chiếm 8%, ở ca dao Trung Bộ là 15%, trong khi đó ca dao Nam Bộ là 26%.

Về hình thức biến thể, ở ca dao Bắc Bộ, lục bát biến thể thường nhỏ, ít đột ngột, chỉ thêm bớt vài tiếng, co giãn so với khuôn 6/8 (nhiều nhất là 11 tiếng) số tiếng thường giãn ở dòng lục. Các tác giả dân gian tỏ rõ sự trau chuốt nghệ thuật trong khuôn khổ vần nhịp, số tiếng.

Ca dao Trung Bộ số tiếng giãn nhiều (14 - 15 tiếng) ở dòng bát. Còn ca dao Nam Bộ thì co giãn cả hai dòng với số tiếng có khi lên 19 tiếng. Với độ co giãn nhiều như vậy nên ca dao Nam Bộ thể hiện sự linh hoạt về vần nhịp nhưng cũng bộc lộ nhược điểm ít trau chuốt.

Lối ngắt nhịp của lục bát trong ca dao ba miền đều nằm trong sự thống nhất chung của ca dao người Việt với cách ngắt nhịp linh hoạt, uyển chuyển, có sức lưu chuyển các trạng thái tình cảm. Điều khác nhau cơ bản là trong ca dao mỗi miền có những biến thể và độ dài ngắn bất thường để tạo nên cảm xúc biểu hiện khác nhau mang nét đặc trưng riêng.

Trần Kim Liên (*)

--------------------

(*) Thạc sĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

(1) Dẫn theo Nguyễn Xuân Kính (1992), Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

(2) Nguyễn Xuân Kính và Phan Đăng Nhật chủ biên (1995), Kho tàng ca dao người Việt, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội

(3) Viện Văn học (1963) Ca dao Việt Nam trước Cách mạng, Nxb Văn học, Hà Nội

(4) Mai Ngọc Chừ (1989), "Vần, nhịp, thanh điệu và sức mạnh biểu hiện ý nghĩa của lục bát biến thể", Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 2.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: