Thứ tư, 24/04/2024,


Ngày 20.11 với bức thư của con trai nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh " Mẹ - "Bà Tú Xương" của thế kỉ 21" (21/11/2016) 

   Cho con xin được phép bắt đầu bằng lời nói thân thương từ tấm chân thành: Mẹ ơi...! Bạn bè trong giới văn nghệ và các đồng nghiệp cũ nhắc đến mẹ trong sự vỗ về, sớt chia và họ hiểu mẹ hơn qua những tác phẩm thơ của mẹ (mười năm, mẹ sáng tác tới chín tập thơ ra mắt bạn đọc).

 



Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thị Lan Thanh


   Ấy cũng là thành quả của những cam góp, chắt chiu nơi mẹ những năm sau này khi đã làm tròn sứ mệnh trên bục giảng đường. Con hiểu, mẹ của con đến với thơ không phải là ngẫu nhiên mà như một điều thiên định, rằng sau bao hẫng hụt mẹ phải đối diện trong cuộc sống, khi bố con đã ra đi mãi mãi... Thơ chính là "chiếc gối" cho mẹ tựa vào để tĩnh tâm, để tự sự, để giải tỏa, để bớt mênh mang những tháng năm còn lại...! Dành mảng bình luận về sáng tác thơ của mẹ cho mọi người, con viết dưới một góc nhìn hữu hạn của bản thân - đứa con trai lớn luôn hướng về mẹ. Và, với ánh nhìn từ lớp hậu sinh...luôn cố gắng không phụ niềm hy vọng của cuộc đời mẹ bấy lâu...!

   Thế kỷ trước, nổi tiếng trong thơ có hình ảnh của bà Tú Xương: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo xèo mặt nước buổi đò đông" thì chỉ có thể nói về mẹ như thể một "bà Tú Xương" huyền thoại của thế kỷ 21 trong lòng của chúng con hôm nay.
    Con không nói quá đâu. Bởi lẽ, nhà mình khi ấy, ngoài "năm con với một chồng" còn có cả bà nội sống cùng nữa cơ mà. Ai trong làng giáo của mẹ và làng văn của bố đều cảm phục cái mâm cơm luôn quây quần những tám miệng ăn của nhà mình. Nhưng con biết, bố mẹ chiều bà nội lắm, bà nội "bỏ quê ra phố" vì khao khát ý tưởng "đông đàn, dài lũ". Thế là lần lượt, mẹ sinh ra trên con là hai chị gái, dưới con là một em gái và chú út mà đến giờ đã 37 tuổi đầu, dù đã lấy vợ, sinh con, vẫn thi thoảng "bị" mẹ "thơm trộm" vào má đấy thôi! Nói như vậy để thấy rằng gọi là đông nhưng chưa hẳn đã là đủ. Hình như những năm tháng đó bà nội còn muốn bố mẹ...sinh thêm em bé nữa?! Bà nói rằng đời bà ít con "cực" lắm! Tám lần sinh, được sáu con trai mà cuối cùng cũng chỉ còn lại một mình bố của chúng con là con trai duy nhất. Các bác, các chú, anh em ruột của bố lần lượt ra đi từ lúc họ còn ít tuổi. Bà bảo: những năm tháng ấy đất nước mình còn quá lạc hậu, ở quê mình, người ta cứ đau bụng là mách nhau dùng búp ổi; viêm họng hoặc ho khan thì dùng chanh ngâm muối; đau đầu, sốt cao thì đắp lá...Ai biết là do dạ dày, gan, mật, thận, tụy, huyết áp hay tai biến gì đâu?! Cho nên mạng người: sáng khỏe, chiều suy chẳng biết phải chữa chạy như thế nào. Cứ dựng vợ, gả chồng cho mỗi người xong mới tạm gọi là...thở phào nhẹ nhõm. Vì vậy mà mẹ chính là hiện thân trong vai "nàng dâu thảo", giúp bà nội hiện thực hóa nét phù sinh trong giai thời đó!
    Sau này, đôi lúc con vẫn nói vui: Ngày ấy bố tự hào được nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp dân số và kế hoạch hóa gia đình", còn mẹ thì áp dụng chính sách: "Mỗi một gia đình chỉ được sinh từ năm đến...bảy con" cho nên mẹ chủ động "Dừng lại ở năm con để nuôi dạy cho tốt". Đúng là một kỳ tích, mẹ nhỉ? Và rồi mẹ thấy đấy, nhà mình đông con là thế nhưng bố mẹ không bao giờ phải dùng đến đòn roi với đứa nào. Các con tự ăn học, tự bảo ban và yêu thương nhau, tự ý thức về cái gia đình đông con mà đầm ấm đến vô cùng. Con là "đích tôn" cho nên luôn được bà nội "cưng chiều", nhưng bản thân cũng chưa bao giờ và không khi nào ỷ lại vào điều này. Mỗi buổi tan học về lại đi kiếm củi, quét lá, hái rau nuôi lợn hoặc bắt cua, mong kiếm thêm chút đồ ăn tươi, dưới cánh đồng phía trước nhà mình cùng với các chị. Vậy mà vẫn vui, vẫn chan hòa tiếng cười đùa, vẫn thầm ý thức về một gia đình công chức nghèo vật chất - giàu nhân văn!
    Suốt nhiều năm liền, hình ảnh mẹ sau một ngày tất bật với việc lên lớp, đi chợ, trồng rau...và đêm đêm bên trang giáo án, mẹ lại say mê với vần điệu, với nhân vật để mỗi sớm mai có một bài giảng hay. Lúc con còn nhỏ, mẹ bế con lên lớp. Sau này lớn hơn một chút, con cứ loanh quanh bên ngoài lớp học, chờ mẹ, và rồi cũng "há hốc" nghe lỏm giọng "cô giáo Lan Thanh" vừa ấm lại vừa lanh lảnh những đam mê, cháy bỏng...Mẹ biết không? Con đã rất thao thiết với văn học và nghệ thuật qua bài giảng của mẹ ngay từ những dạo ấy, cộng thêm nét nghệ sĩ "chính quy" vốn có của bố nữa!
    Hồi bố của chúng con còn sống, thi thoảng bố lại đùa "Mẹ Thanh là cô giáo của các...Bí thư Tỉnh ủy", nghe ra có vẻ hơi lạ tai, nhưng chắc chắn càng sau này, theo như con được biết thì lớp lớp các thế hệ học sinh của mẹ có quá nhiều người thành danh, trên rất nhiều lĩnh vực, hội đủ cả: Tướng, Tá, Thứ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy, Giám đốc Sở, Tổng Giám đốc các tập đoàn, công ty, chủ các doanh nghiệp lớn, nhỏ...Họ hầu hết là những học sinh "cưng" của mẹ thuở trước. Những con người này không những trưởng thành trong công danh mà ngay cả ngoài cuộc sống thường nhật họ cũng rất đề cao đạo lý "tôn sư, trọng đạo", cứ có dịp là lại sắp xếp thời gian ghé về thăm cô giáo cũ. Điều này ít nhiều giúp con trưởng thành hơn trong cách nghĩ, cách sẻ chia với các bậc tiền nhân...nhất là những thầy cô đã chắp cánh cho ước mơ của con hôm nay trở thành hiện thực!
     Nếu chỉ vậy thôi thì vẫn là một người mẹ thuần túy như bao bà mẹ Việt Nam trên đời. Mẹ của con đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người tròn ba mươi năm, trước khi xoay trở thành một nữ "Nhà văn Việt Nam" của ngày hôm nay.
    Mẹ gặp bố từ thuở thiếu thời. Con cảm nhận được là trời đất sinh ra hai người để mà "hiểu nhau", để mà sánh đôi không phải là tình cờ, để mà đổi trao những trang sách, quyển sổ. Và, để mà...có một gia đình trọn vẹn như ngày hôm nay. Có đúng là "duyên trời" không, mẹ ơi?! Tròn mười năm bố về cõi vĩnh hằng cũng là tròn mười năm mẹ dâng hiến cho thơ. Mẹ gửi gắm vào thơ những tâm sự với Người cứ như thể bố của chúng con đang còn sống. Dòng xúc cảm cứ hồn hậu chảy trong lời thơ của mẹ. Con hình dung ra hai người vẫn cùng nhìn về một hướng, bố phù hộ cho mẹ viết tiếp những trang sau...
    Con rất ấn tượng với lời tự sự của mẹ: "...Những đêm trăng sáng đường làng, ta đi bên nhau/Nhẹ nhàng...dịu dàng...thủ thỉ.../Chúng mình thành hai nửa...một tròn trăng"
     Hay đoạn: "...Năm năm anh về cõi Niết Bàn/Năm năm em lạc cõi đời lẻ bóng/Vin vào thơ em tìm ra lẽ sống/Nâng niu thời gian còn lại...ủ đáy lòng..." trong bài: Kỷ niệm vẫn còn đây.
     Một tuổi thơ chan chứa nỗi lòng. Một góc làng quê chất chứa kỷ niệm. Một ảo huyền lung linh sắc khói lam chiều quyện vào hơi rơm rạ nếp. Mẹ đã đối diện với một hoàn cảnh sống mà tự nó có thể tan chảy thành thơ...Ấy là cô bé đang độ hồn nhiên, lúc mẹ mới lên chín tuổi thì bà ngoại mất, khi mười bốn tuổi thì ông ngoại cũng theo bà về thế giới bên kia...Ba chị em gái ở với bà nội và chú ruột của mẹ (khi đó chú ruột còn trẻ, chưa xây dựng gia đình)...Sau này, trước lúc ông bà thành thân, ông đã có một "sự thỏa thuận" với bà: Hai ta chỉ có thể xây dựng hạnh phúc trong điều kiện bà chấp nhận được hoàn cảnh riêng của tôi - tôi đã có ba đứa con gái. Và điều đó không dừng lại ở lời nói, ông bà đã cưu mang và nuôi dạy mẹ cùng hai cô em gái của mẹ (khi đó dì út mới lên ba tuổi) đến khi phương trưởng. Thử hỏi, trong thiên hạ xưa nay, câu chuyện rất cuộc đời như thế đâu có dễ gặp? Chỉ chúng con mới diễm phúc có được "ông bà ngoại thứ hai" mà thôi - mẹ có đồng ý với con không...?! Nay ông bà đã ngót chín mươi tuổi, vẫn hằng ngày mong muốn tất cả các con, các cháu...thành nhân!
    Dữ dội là vậy. Ở hoàn cảnh đó, mẹ vừa làm chị lại vừa phải "đóng vai" cha mẹ chăm sóc các em. Vừa học hành, thi cử, lại vừa nhen nhóm "mối tình đầu". Phải nói là quá sức tưởng tượng cho một sự chịu đựng và vượt khó để rồi tự tìm cho mình hướng đi trong cuộc đời đầy giông gió...
    Trong câu chuyện con được nghe kể lại về tuổi thơ của mẹ: Cô bé Thanh vừa bế em, vừa "học dự thính" bên ngoài cửa lớp. Mắt thôi chớp khi dắt tay hai em, nhìn theo các bạn đồng niên có hoàn cảnh đủ đầy. Với riêng mẹ, để được theo học cấp hai trường làng, gia đình cũng phải tổ chức họp họ, lấy ý kiến các cụ cao niên...Chỉ vì bối cảnh xã hội khi ấy, chuyện con gái "đi học", hoặc sau này "ra ngoài xã hội" là chuyện...không tưởng. Và có lẽ mẹ của con đã là một ngoại lệ. Vượt qua tất cả để mà ngoài việc "giải cứu mình" còn phải gánh thêm một trọng trách vô cùng lớn lao nữa, đó là dìu dắt đàn em của mình.
    Bốn năm học Đại học sư phạm có lẽ là đỉnh điểm của những vất vả mà mẹ phải trải qua: là giai đoạn toàn quốc kháng chiến, trường phải sơ tán lên chiến khu Việt Bắc, nơi có những tên làng rất ấn tượng: làng Cọ, làng Lân, núi Chúa...(là những địa danh sau này đã từng "lạc vào thơ" của bố mẹ). Và bà nội lại khăn gói theo mẹ, dù chỉ với đồng lương ít ỏi khi ấy, rau cháo qua ngày nhưng cũng đã để lại những kỷ niệm đẹp trong câu chuyện tình của bố mẹ. Chị gái thứ hai của con được đặt cái tên Việt Lâm, ghi đậm dấu ấn về kỳ tích một giai đoạn vượt khó, ví như "thiên tình sử" của cựu sĩ quan phòng không, phóng viên mặt trận Nguyễn Đình Ảnh với cô giáo - sinh viên Nguyễn Thị Lan Thanh...mà cho mãi đến tận bây giờ người thầy giáo cũ của mẹ đã ngót chín mươi tuổi mỗi lần về thăm vẫn mải miết kể lại...
    Thế rồi, giữa những năm bao cấp, các gia đình cán bộ, gọi là "phi nông nghiệp", chỉ biết dựa vào tem phiếu nuôi nhau. Con có cảm giác khi ấy hoàn cảnh nhà mình lúc nào cũng như đang phải chống chọi với...siêu bão: Sợ thiếu ăn, lo thiếu mặc, tính chuyện học hành cho các con, phải chăn nuôi thêm. Từng buổi chiều trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, bà nội cùng bố mẹ và chúng con phải ra sức "khai hoang" từng rộc ruộng, nghĩa trang để mà tạo thành nương sắn, ruộng khoai, bụi chuối, nhặt sỏi xếp lên thành bờ...Trao ôi! Một Nhà thơ và một Nhà giáo...! Ai dám nghĩ đến sau này cả hai có thể gặp nhau tại "ngôi đền thiêng" của nền văn học nước nhà: Hội Nhà văn Việt Nam?!
    Chắc những tận cùng bức bí của cuộc sống, dồn nén, thiêu đốt, mới bùng lên những áng văn có sức lan tỏa và lay động. Thơ sinh ra có phần làm dịu đi cái sắc thái của cuộc sống vốn không mấy yên bình; Thơ như một thứ tôn giáo mà đứng trước nó con người ta có thể vượt lên hoàn cảnh một cách ngoạn mục. Con có đọc được một câu của một vĩ nhân nào đó, rằng: Thơ cứu rỗi nhân loại. Và nhận thấy, cả hai bố mẹ đã được tận hưởng điều vi diệu này!
    Con còn nhớ, năm hai nghìn lẻ bảy, mẹ nói rằng mẹ có nguyện vọng muốn tìm lại một người thầy giáo cũ, thời mẹ học trung cấp sư phạm, thầy là người vô cùng tốt với các sinh viên, đặc biệt là với mẹ, nhờ có lời động viên vô giá từ phía thầy mà mẹ có thêm nghị lực để phấn đấu trong suốt sự nghiệp của mình. Nghe đâu, bấy giờ thầy đã về quê, ở xã Tam Sơn, huyện Sông Thao (nay là huyện Cẩm Khê). Những năm ấy, con ra nghề vừa công tác vừa làm thêm nên cũng đã tự mua được chiếc xe máy Dream II. Vậy là chuyến đi này sau một thời gian "lên giây cót" đã được hiện thực hóa. Hai mẹ con vừa đi vừa hỏi thăm, có người nói "chắc ông ấy không còn", người khác lại nói"đến cô còn nghỉ hưu mười sáu năm thì thầy giáo của cô chắc đã qua...thế giới bên kia từ lâu rồi". Nhưng mẹ lại nghĩ khác, mẹ bảo niềm tin trong mẹ mách bảo là nhất định thầy vẫn còn khỏe. Và quả đúng như vậy! Khi gặp lại cô học trò cũ, người thầy giáo xưa của mẹ đã không thể cầm được những giọt nước mắt. Nước mắt của sự vui sướng! Thầy đã run run nắm lấy tay mẹ và thốt lên: Lan Thanh ơi, từng ngày, từng giờ cả hai thầy cô luôn nhắc đến em, vì bẵng đi một khoảng thời gian mấy chục năm không biết địa chỉ thế nào để mà hỏi thăm. Mới đây thôi, thầy đọc trên báo, thấy có thơ của Lan Thanh được đăng, rồi thỉnh thoảng lại được nghe các nghệ sĩ ngâm thơ vào lúc đêm khuya. Thầy và cô cùng nhau - chỉ là "phỏng đoán" thôi, có phải là thơ của cô học trò cũ đấy không...?! Đọc đi, đọc lại; nghe đi, nghe lại...rồi thầy bảo: chắc chắn tác giả là Lan Thanh, vợ của thi sĩ Nguyễn Đình Ảnh đây! Lúc ấy, con thấy mẹ nghẹn ngào mà không thể nói nên lời, chỉ còn biết...vâng, thưa thầy cô: Nhờ có thơ mà con đã tìm lại được gần hết thầy cô giáo xưa và những người bạn cũ, dù mỗi người một nơi thì cũng đã nhờ thơ mà khoảng cách thêm gần...Sau này, mỗi lần về nhà mình chơi, con lại nghe thầy nói: có lẽ đây là lần cuối cùng thầy cô về thăm gia đình em, được tận mắt chứng kiến một gia đình luôn sum họp, với đàn con yên bề gia thất, đàn cháu khôi ngô, giỏi giang...thầy và cô mãn nguyện lắm...!
    Thế mới biết, khi thời gian trên cõi đời này còn lại càng ngắn ngủi bao nhiêu thì người ta lại càng trân quý những gì thuộc về thế giới của tình cảm bấy nhiêu. Thơ - vừa lặng lẽ, lãng mạn vừa cởi mở, hào hoa...
    Gần hai tháng nữa sẽ là tròn mười năm ngày bố của chúng con lên thiên đường, đi mây về gió...lãng du miền xanh thẳm. Cũng là mười năm mẹ cam chịu cảnh chăn đơn, gối chiếc; Mẹ lặng lẽ tìm niềm vui trong ký ức của một thời; tìm niềm vui trong sự trưởng thành của các con, các cháu; Mẹ đón nhận niềm vui, những động viên kịp thời từ đồng nghiệp cũ, bạn thơ mới, những người làm công tác văn nghệ khắp cả nước. Mẹ có thể tự hào về tất cả mọi điều xung quanh mẹ hôm nay. Chúng con đã, đang và sẽ chung một tâm nguyện, cùng nhau tạo cho riêng mẹ một không gian sống tuyệt vời nhất có thể, để mẹ nhất tâm với thơ, với mạch nguồn văn học đã từng được đánh thức...mười năm...mẹ nhé!
    Chúng con luôn muốn được nhìn thấy mẹ rạng ngời mỗi khi "sinh thêm được một em bé" là những tác phẩm mà mẹ từng phải thai nghén có thể phải nhiều hơn chín tháng, mười ngày! Và, ở đó thấp thoáng hình dáng một người phụ nữ "mom sông", một "bà Tú Xương" hiền hậu nhưng tài hoa, đa cảm, của thế kỷ 21 hôm nay...Một huyền thoại sống trong lòng những ai đã từng biết về mẹ của chúng con...!!!
    Thay lời kết, con nhẩm câu thơ của mẹ: "Cả đời thơ viết nghìn dòng/Chỉ mong ai đó...thuộc lòng vài câu" - Hạnh phúc của người làm thơ là thế...!

Việt Trì, thứ năm, ngày 15/8/2016
Con trai của mẹ:
Nguyễn Đình Ánh

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: