Thứ sáu, 19/04/2024,


Chuyện của Phượng (Đào Đức Trang) (19/10/2016) 


     Cửa phòng bật mở, Phượng quay ra khi những người bên ngoài ùa vào với nó. Họ đợi chắc đã lâu, chỉ chờ được phép là như cá gặp nước, chạy tới bên Phượng. Nó không ghìm nén được, cốc nước trên tay rơi xuống vỡ toang khi trước mặt nó là những người thân: Mẹ, mẹ con Kim Chi và mấy bạn trẻ từ tắc xi xuống cùng quán trọ với nó hồi chiều. Hai mẹ con Phượng ôm chặt nhau nức nở. Mẹ con Chi tay trong tay đứng nhìn cũng lau vội những giọt nước mắt chia vui với gia đình Phượng. 

 Hai đứa học và thân với nhau từ lớp 1 tới giờ thì chia đôi ngả: Kim Chi vào trường chuyên Trần Phú ngay trung tâm thành phố, gần nhà. Còn Tuyết Phượng vào lớp 10 THPT Mạc Đĩnh Chi, xa nhà hơn chục cây số.

    Ngay sau buổi sáng hôm khai giảng, Phượng cùng tốp bạn học mới kéo nhau vào quán vỉa hè gần cổng trường thực hiện màn “chào hỏi” bằng chục gói bim bim, dăm cốc trà đá. Lúc chúng về, Phượng ngồi lại một mình. Nó lấy gương soi: khuôn mặt tròn, cánh môi đỏ tươi màu son dưới cái mũi tẹt. Mắt nó đong đưa, cặp mày đậm được tôn lên nhờ làn da trắng trẻo và mái tóc đen mượt xõa ngang lưng. Nó tủm tỉm cười, càng ngắm lại càng thấy yêu mình hơn.Đến mấy con bạn mới còn biết cả biệt danh Phượng  Moon của mình kia mà! Ở lớp dưới Phượng và chúng mỗi đứa mỗi trường. Điểm thi vào lớp 10 của chúng thấp không thể vào công lập theo nguyện vọng 1 các trường trung tâm thành phố, nhưng bố mẹ không muốn chúng học dân lập nên “đành” học xa ở trường ven đô này. Mỗi đứa được sắm cho một xe máy điện, thế là xa thành gần. Phượng thấy mình như bước vào một con đường mới đầy thích thú với tuổi 15 đang dậy thì với những nét quyến rũ của thiếu nữ vừa dời bỏ tấm khăn quàng đỏ. Lúc ngồi “chém gió” ban nãy, một anh chàng ở tốp lớp 12 cũng đang “quẩy” bàn bên cạnh và nó cứ nhìn nhau. Nó có cảm giác lạ, thấy thích anh chàng ngay từ cái nhìn đầu tiên: cao gầy, khôi ngô vừa quẩy vừa đánh ngón tay cái vào ngón tay trỏ trông vui vui. Lúc tốp đó đứng dậy, qua chỗ Phượng ngồi, anh chàng còn xưng tên là Khanh để làm quen với nó. Nó bẽn lẽn, hai gò má ửng hồng, gật gật đầu đồng tình và không ngờ là Khanh gọi đúng biệt danh Moon, nói đúng tên trường cũ Phượng học năm ngoái... Bạn mới, trường mới đang giúp nó nguôi ngoai những ấm ức bấy lâu. Từ nay khỏi phải gặp Kim Chi ! Hồi tiểu học, Phượng và Chi là một đôi chăm ngoan học giỏi. Nhưng đến lớp 8, sau đó là lớp 9 Phượng tự thấy mình ngày càng xinh, còn Chi ngược lại: da đen hơn, mắt trố hơn, môi dày hơn. Điểm học tập không chiều theo ý nó, cả ba môn là toán, văn, tiếng Anh nó kém Chi xa. Chi vào đội tuyển toán và đạt giải cấp thành phố trong khi Phượng bị đẩy sang nhóm cần được phụ đạo để còn thi vào lớp 10. Thế là Chi trở thành đề tài để mẹ đề cập trong những lần "xỉ vả" nó: Phải học như Chi, phải giản dị như Chi, ngoan hiền chăm chỉ như Chi ... vân vân và vân vân. Thật lạ, hai đứa cùng dậy thì: Phượng lúc nào cũng tự chăm sóc mình sao cho có sức lôi cuốn như các diễn viên Hàn. Nó đánh móng tay, quét son môi, lựa quần áo hợp thời trang ... bận rộn đến mức quên làm bài tập thày giao, quên lau dọn nhà cửa giúp mẹ. Chi khác hẳn: say mê học và ham việc nhà. Nụ cười luôn "thường trực" trên đôi môi dày, nước da ngăm đen, vẻ hiền lành của Chi thật dễ gần, chỉ trừ Phượng là không thích thôi. Mẹ Chi bán xôi khúc đầu ngõ, Chi sáng nào cũng dậy sớm cùng mẹ dọn hàng rồi phụ giúp một lúc rồi mới quay về để đến trường. Nhà Phượng cùng ngõ phố và mẹ nó lại "nghiện" xôi khúc nên mỗi lần quà sáng về là mẹ lại có chuyện để giáo huấn nó. Giờ thì chắc thôi rồi, đường ai nấy đi, hai đứa hai trường khác nhau, mẹ mình khỏi phải lấy nó làm "mẫu" nữa. Phượng thấy mình tự do hơn, không còn lo mẹ trách mắng ... Nhưng nó khẽ thở dài: ấm ức tuổi dậy thì tuy có nguôi ngoai nhưng bao kỉ niệm của Phượng, Chi cùng các bạn học cũ chẳng khi nào phai mờ được trong nó! Hôm liên hoan chia tay hết lớp 9, nó và Chi tay trong tay tâm tình: Chi bảo trong các bạn tuổi thơ, hai đứa là hiểu nhau nhất. Chi ước Phượng bớt trưng diện, để tâm học hành và đừng dễ bị bọn con trai phỉnh nịnh. Chi nói thẳng. Phượng thì không diễn đạt được, nó chỉ ậm ừ chả biết nói lên sự ghen ghét của mình đối với cô bạn tuổi thơ thế nào cả. Hôm biết Phượng trượt nguyện vọng vào trường công lập gần nhà, phải chọn học xa, Chi lại gặp và với giọng chân thành bảo Phượng cần gì khi gặp khó khăn trong học tập Chi sẽ giúp vì tuy hai đứa khác trường nhưng gần nhà nhau, lại học cùng một loại sách giáo khoa. Ngay sáng nay, lúc đi khai giảng, qua đầu ngõ, nó cảm giác Chi đang nhìn theo trong khi nó vênh vênh vờ như chẳng thấy, lẩm bẩm: "Cứ như là chị em ruột cũng không bằng!"  rồi nhấn tay ga đi thẳng...

                                  

                                                               

    Hết học kì Một lớp 11, tết dương lịch đến. Lấy cớ được nghỉ Lễ, Phượng xin phép mẹ cho đi thăm quan miền núi, tận Lạng Sơn. Mẹ hỏi, nó nói là đi với mấy đứa bạn gái cùng lớp nhưng thực ra là nó theo Khanh. Hai đứa hẹn nhau cách đó mấy ngày rồi. Hơn năm nay, từ hồi vào trường xa nhà Phượng như đã ở một thế giới khác: Học ít hơn, lêu lổng và nói dối mẹ nhiều hơn. Bệnh thành tích của lớp, của trường đã giúp nó qua từng học kì và vẫn lên lớp 11. Mẹ cũng không "xỉ vả" nó nữa. Bà nghĩ con gái mình lớn rồi, mắng nhiều chẳng may nó tủi, bỏ nhà đi thì chỉ khổ mình. Bà hài lòng khi thấy Phượng vẫn lên được lớp, đi hỏi về thưa rõ ràng, lễ phép (chứ có biết đâu nó thường viện đủ lí do dối mẹ để được gần Khanh!). Phượng cũng thương mẹ nhiều lắm nhưng không cưỡng được ham muốn riêng. Nó nghĩ nói dối mẹ chính là giúp bà yên tâm, đỡ lo nghĩ "tiêu cực" về mình. Khanh, anh chàng lớp 12 năm ngoái hút hồn nó khi mới vào PTTH Mạc Đĩnh Chi, giờ đã tốt nghiệp rồi nhưng lông bông ở nhà vì trượt Đại học và ngại lao động phụ giúp gia đình. Khanh và nó có với nhau biết điều để nhớ. Phượng chẳng còn nhớ tới Chi, cho dù nhiều lần đang ở cùng Khanh khi trong quán cà phê, lúc siêu thị nó vẫn thường chợt thấy bóng dáng cô bạn thân tuổi ấu thơ. Mấy đứa cùng lớp mới quen vồ vập là vậy mà nay chúng cũng tránh xa Phượng rồi. Nó nghĩ chỉ cần có Khanh là đủ. Nó không thể quên được dáng cao gầy hay kể chuyện gây cười với cử chỉ hai ngón tay đánh tách tách vào nhau của anh chàng. Giờ đây hai đứa đang trên ô tô, nó tựa đầu vào vai Khanh, mắt lim dim, tận hưởng hạnh phúc trong sự lắc lư của chiếc xe khách.

   

   Ô tô vào bến. Khanh rút máy điện thoại chuyện trò với ai đó rồi cùng Phượng bắt tắc xi chạy lòng vòng quanh thị trấn sát biên giới. Đến một quán trọ, hai đứa xuống xe. Phượng khoan thai ngắm dãy phố nhỏ chiều biên giới thanh bình đang làm nền cho những sắc màu trang phục của dân bản địa, của khách du lịch trưng diện. Vài ba người Tây, ba lô trên vai, máy ảnh trong tay đang bộ hành. Một chiếc taxi nữa thả khách trước quán: mấy bạn trẻ từ thành phố cũng phượt tới đây, họ hỉ hả bước vào thuê trọ. Rồi một thanh niên đi xe máy lướt qua. Khi hai đứa vào thuê phòng, Phượng nhìn ra đường thấy anh chàng đã quay lại dừng xe trước một quán cafe đối diện. Nó đoán chắc anh chàng làm nghề xe ôm.

    Nghỉ ngơi chốc lát, hai đứa sang quán cafe đối diện. Phượng đã thấy "người xe ôm" cũng ngồi uống cafe. Hai đứa chọn chỗ ngồi kế bên bàn anh chàng. Khanh vui vẻ, chuyện luyên thuyên, lấy một ly cafe cho mình và một ly nước cam cho Phượng. Hai đứa cười đùa, mắt nhìn nhau tình tứ không để ý đến "người xe ôm" và cả những bạn trẻ cùng thuê trọ lúc nãy đang ngồi ở dãy cuối quán này.

    Lúc cạn cốc nước cam cũng là lúc Phượng thấy xa xẩm mặt mày... và nó gục xuống bàn, không còn biết gì cả...

    Phượng tỉnh lại, mở mắt ngạc nhiên khi ngồi cạnh nó là một nữ cảnh sát và căn phòng nó nằm hình như là của bệnh viện: giường bệnh, tủ i-nox nhỏ đầu giường, nội quy phòng bệnh nhân. Nó nghe có tiếng người nói chuyện ngoài phòng, thật quen thuộc mà chưa rõ là những ai. Nó nhớ lại từ ánh mắt của Khanh, từ vị ngọt cốc nước cam... Rồi sau khi nữ cảnh sát biết chắc Phượng đã tỉnh hẳn, cô mới mở băng ghi âm giọng khai của Khanh cho nó nghe. Phượng thấy nghẹn ở cổ, cảm giác căm phẫn trào lên. Nó nghiến răng theo từng lời khai của người bạn trai mà nó gửi gắm tin yêu. Bây giờ nó mới hiểu tại sao Khanh kể nhiều về gia đình mà chưa một lần cho Phượng tiếp xúc với bố mẹ anh chàng. Khi hết lớp 12, tuy thi trượt nhưng Khanh quyết định không thi lại mà giành cả thời gian đó để lêu lổng, cờ bạc. Trong một lần thua bạc, Khanh đã được một người (chính là "người xe ôm" ngồi bàn kế bên hai đứa) cho vay tiền chơi gỡ. Không trả được nợ, Khanh phải chịu nghe là dụ Phượng lên biên giới để hắn chở đem bán. Chúng bỏ thuốc mê cho Phượng rồi vờ nhờ xe ôm chở đi. Người nữ cảnh sát cho Phượng biết là cả bọn mua - bán nó đã bị bắt quả tang khi đang giao hàng - nhận tiền tại nơi mà công an đã mai phục sẵn. Phượng rùng mình: Nếu sự việc không rơi vào "tầm ngắm" của công an để họ giăng bẫy bắt bọn xấu và cứu nó thì  giờ đây rồi cả sau này nữa cuộc đời nó sẽ ... thật là kinh khủng! Tiết trời sắp sang xuân se lạnh mà người nó vã mồ hôi, tỉnh hẳn thuốc mê, ngồi dậy xin một cốc nước.

    Cửa phòng bật mở, Phượng quay ra khi những người bên ngoài ùa vào với nó. Họ đợi chắc đã lâu, chỉ chờ được phép là như cá gặp nước, chạy tới bên Phượng. Nó không ghìm nén được, cốc nước trên tay rơi xuống vỡ toang khi trước mặt nó là những người thân: Mẹ, mẹ con Kim Chi và mấy bạn trẻ từ tắc xi xuống cùng quán trọ với nó hồi chiều. Hai mẹ con Phượng ôm chặt nhau nức nở. Mẹ con Chi tay trong tay đứng nhìn cũng lau vội những giọt nước mắt chia vui với gia đình Phượng. Chưa khi nào Phượng lại thấm thía câu thành ngữ "chị ngã em nâng" như giờ phút này: Nó nhớ lại tất cả những lần Chi (dường như bất chợt, ngẫu nhiên) lướt qua chỗ nó (rồi lại biến mất) ở những nơi nó cùng Khanh chơi bời, nhảy nhót. Chính Chi đã không dời xa dù nó cố tình tránh gặp, theo sát nó như ruột thịt. Chính Chi đã bàn với mẹ rồi cùng sang nhà dẫn mẹ Phượng báo công an. Tất cả hành vi táng tận lương tâm của Khanh cùng bọn buôn người đã bị vạch trần. Những bạn trẻ cùng quán trọ là những chiến sĩ công an tham gia phá vụ án này, họ nói cười biểu lộ niềm vui đã bảo vệ được Phượng, giữ cho cuộc sống luôn bình yên.

    Phượng quay về phía Chi với khóe mắt còn đẫm lệ. Người bạn thân từ thời lớp 1 trước mặt Phượng giờ đây trông đẹp lạ thường: nụ cười hiền lành luôn "thường trực" trên cặp môi dày đáng yêu, nước da ngăm đen càng tôn vẻ thùy mị và sự thông minh của Chi. Chắc là do mắt ướt lệ nên Phượng thấy cả thân hình Chi như đang tỏa sáng ra ánh hào quang lung linh và ấm áp. Trong lòng Phượng cũng tràn đầy sự tin yêu, ngưỡng mộ Chi. Nó thầm trách mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để cùng Chi học hành chăm ngoan. Nó cắn môi, thầm hứa sẽ bắt đầu một cuộc đời khác ... Vẻ mặt Phượng tươi dần, nó mỉm cười đón lấy bàn tay của Chi. Hai đứa bạn thân ôm nhau thật chặt.

 

 Lời người kể : Câu chuyện trên xảy ra cách đây đã gần Ba năm rồi. Hiện tại Kim Chi đang học ở Pháp với học bổng toàn phần mà cô gái tự kiếm được nhờ tài năng học giỏi của bản thân. Còn Tuyết Phượng là sinh viên học viện Báo chí Tuyên truyền với điểm vào nhất khoa. Đặc biệt, vừa rồi Phượng trong tốp 5 người đẹp cuộc thi hoa hậu toàn quốc và được giải có khuôn mặt khả ái nhất cuộc thi. Khi được phỏng vấn tại sao cô muốn trở thành nhà báo, Phượng trả lời: "Đối với phụ nữ nói chung và các bạn gái nói riêng hiện nay vẫn là đối tượng để nhiều kẻ xấu lợi dụng, là món hàng để chúng trao đổi và xâm hại. Là một nhà báo, tôi sẽ có nhiều điều kiện đấu tranh chống lại chúng, cảnh tỉnh những ai còn mơ hồ để chúng lợi dụng !" 

 

Tác giả bài viết: Đào Đức Trang

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: