NGHỊCH LÝ
Phương Thảo
Có người nói dối thành quen
Khi nghe nói thật lại xem là đùa
Có người đang thắng hóa thua
Có người tưởng mất lại chưa mất gì!
P.T
(Thơ vào chung khảo thi thơ tứ tuyệt)
LỜI BÌNH
Lần đầu tiên gặp thơ Phương Thảo là thơ tình như “ Vầng trăng xóm nhỏ”, xinh đẹp, tha thiết, khao khát một tình yêu lãng mạn. Và có một điều gì đó cuốn hút tôi lại đến với tập thơ “ Thao thức đồng quê”, mộc mạc giản dị, chân quê từ làng quê xưa cổ kính muôn đời đến ngày nay nông thôn đổi mới, thao thức để rồi thức dậy một tình quê, đẹp dung dị của hồn quê. Thơ anh cái chất thực, chất lãng mạn cứ hòa quyện đan xen làm cho thơ bay bổng nhẹ nhàng đi vào tâm hồn người đọc, không cầu kỳ như đánh đố khó hiểu mà dễ mến một tình thơ!
Thế mà hôm nay PH lại được đọc một đề tài khác, bài thơ ngắn thôi, chỉ bốn câu tiêu đề là “NGHỊCH LÝ”.(Thơ tứ tuyệt đã vào chung khảo). Thơ tâm thế - Là thứ thơ cô dúc dồn nén cảm xúc "Thi tại ngôn ngoại" - Ý ngoài lời ! “tâm thế” có lẽ hiểu là cái nhìn thời thế :
"Có người nói dối thành quen
Khi nghe nói thật lại xem là đùa
Có người đang thắng hóa thua
Có người tưởng mất lại chưa mất gì!"
Ngắn gọn súc tích ta thấy rõ hai vế của bốn câu, mỗi vế hai câu. Vế thứ nhất
"Có người nói dối thành quen
Khi nghe nói thật lại xem là đùa"
Người hay nói dối đến mức thành quen thì là người sống không thật là mình. Sao cuộc đời lại lúc nào cũng nói dối nhỉ? Cũng khó lý giải lắm nhưng cuộc sống dậy ta không thể lúc nào cũng nói thật được, trước kẻ gian ai lại nói tiền mình để ở chỗ nào? Hay người phụ nữ đang tuyệt vọng một chút động viên dù không thật thì cũng cứu được một chút tinh thần cho họ. Nhưng ở đây anh lại nói “nói dối thành quen” chú ý là “quen” tức là khi nói về chuyện gì, “tâm sự”điều gì thì cũng là nói dối. tại sao quen nói dối, bởi vì không có lòng tin, không có lòng tin, không phân biệt được niềm tin nên nói dối. Câu thứ hai đối lập với câu thứ nhất và là kết quả của câu thứ nhất:
“Khi nghe nói thật lại xem là đùa”
Chỉ dám lấy ví dụ trong đời sống thường ngày thôi, thời thế lớn lắm, không hiểu biết không lấy ví dụ được. Có thể hiểu ở đây là một người quen nói dối không tin người khác nên khi có người nói cho mình nghe một chuyện nào đó thì nghĩ họ nói dối như mình, cho “ thật” đó là “đùa”. Vì người đó “suy bụng mình ra” mà thôi. Một chuyện tôi được chứng kiến theo ý của câu thơ thứ hai thôi. Con của một cặp vợ chồng, gia cảnh vào bậc có thể nói là “vương giả”… khoe con “ hạnh kiểm” tốt. Người ta bảo, nó… họ không tin và mắng lại, bênh con lắm. Hậu quả là, hai nhà ở phố bán đi, đưa hai đứa về quê và đau lòng nữa là “ người đầu bạc” tiễn hai người “ đầu xanh” về nghĩa trang nhân dân của làng(Vì mắc căn bệnh gì mà không chữa được). Cho nên không nên đùa với các thông tin, cái quan trọng là xử lý thông tin thế nào thôi. Quen nói dối tác hại nhiều lắm. Nói dối mất niềm tin, nói dối thành quen là phạm trù đạo đức lên án. Vì cái từ “ quen” thì nó thành tính cách của người đó rồi. Nói dối trong phạm vi nào, giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể… tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà nhận xét đánh giá. Nhưng “ khi nghe nói thật lại xem là đùa” thì hậu quả không đùa đâu.
Còn vế thứ hai:
“Có người đang thắng hóa thua
Có người tưởng mất lại chưa mất gì!”
Kiểu câu dùng từ đối lập nhau “ thắng- thua”, tác giả đề cập đến chuyện “đang thắng- thành thua” ở đời cũng có không ít đâu. Ví như có người đang làm lãnh đạo, dân bỏ phiếu tín nhiệm lại thấp, thế là “ hóa thua”… Có người đang làm ăn lớn lắm, tự nhiên “ vỡ nợ”, thế là cũng “hóa thua”, có cô “xinh đẹp” nhưng đanh đá, anh người yêu lại yêu cô “ xấu” hơn nhưng thùy mị nết na, thế là cô “xinh đẹp” hóa thua rồi... Câu thơ như xuống dốc, dốc đời- danh vọng, sự nghiệp đấy- đời thế buồn lắm. Như vậy cả ba câu trên, chẳng nói ai, chỉ nói chung chung “ có người” thế thôi nhưng đọc thì cũng có người giật mình đấy. Ai nhỉ? Là ai “ quen nói dối” không tin lời nói thật. Sự thật như thuốc đắng đấy, câu truyền miệng chẳng bảo “ Thuốc đắng dã tật” là gì! Và ở đời cũng không nên “ đắc thắng” khi đang thắng, cái “ thắng” đó có chân chính không, có công bằng không, có không “nói dối” không?
Cấu cuối của bài thơ thì PH thấy như an ủi những người “bé nhỏ”, ngay thẳng, thật thà có khi thua thiệt lắm. Ừ nhỉ, ai trải qua những thiệt thòi, đau khổ, bị dìm, bị đè nén bởi một điều khó nói, bị “ nói dối thành quen” nó chèn ép, hay như trong dân gian hay gọi là những người “ thấp cổ bé họng” thì câu thơ của anh được an ủi lắm lắm! PH cảm ơn anh nhé! Trong một câu thơ có đến hai từ “mất” nhưng hai từ phủ định đứng trước nó như được nhấn ý nghĩa hơn, hai lần phủ định thành khẳng định rồi. Vậy là tưởng mất mà không hề mất đâu hỡi những gì thẳng thắn, chân thành. Không dám ví dụ tầng cao, ví dụ tầng thấp thôi. Nói thật bạn mất lòng không chơi với mình nữa, tưởng mất bạn nhưng không mất đâu, còn đó tấm chân tình bè bạn, còn đó tình yêu quý bạn bè, còn đó sự giúp đỡ yêu thương!
Và còn nhiều lắm bao nhiêu minh chứng… Thơ tâm thế Phương Thảo sao mà đời thường đến vậy. Bài thơ ngắn gọn mà nghĩ đến chuyện gì vận vào làm ví dụ cũng đúng. Bằng cách viết nêu nguyên nhân dẫn đến hệ quả của nó, lập luận rất chặt chẽ, sắc bén như văn chính luận nhưng vẫn là thơ, thơ đời, thơ tâm thế. Dù đời còn NGHỊCH LÝ nhưng anh nhìn cuộc đời ấm áp yêu thương, an ủi sự vươn lên. Đừng làm điều gì dối lừa với bản thân, với lương tâm.
Một chút suy tư của PH về bài thơ của anh, PH tưởng thơ “tứ tuyệt” là bốn câu, mỗi câu bẩy chữ, rồi luật thế nào nữa cơ… ôi, chịu thôi. Một chút cảm nhận về đời qua bài thơ, có gì không phải mong anh bỏ qua nhé!
Chúc “ tình thơ Phương Thảo” đẹp mãi!
Cảm ơn nhà thơ!
Phương Hoa.
![]() Cảm nhận lời bình bài thơ Nghịch lý của Phương Hoa ![]() Cảm ơn Lục Bát Việt Nam đã đăng bài. |