Thứ năm, 25/04/2024,


Bí quyết "Học quên để nhớ" (14/02/2016) 


LỜI THƯA CỦA TÁC GIẢ 

 Vậy là đã 15 năm (2001–2016) kể từ khi tập thơ Lục Bát và lời bình “Học quên để nhớ” (HQĐN) được ấn hành…

Bằng cách thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi gửi tập thơ này qua đường bưu điện tới tận nhà theo yêu cầu của bạn đọc, tác giả thật sự bất ngờ, cảm động và hạnh phúc khi HQĐN đã được bạn yêu thơ gần xa đón nhận một cách hào hứng: Đã có hàng vạn lá thư yêu cầu và hồi âm từ khắp mọi miền đất nước được gửi về cho tác giả!

 Người viết thư thuộc đủ mọi thành phần và lứa tuổi: Từ cô bé học sinh lớp 4 cho đến cụ già 90 tuổi; từ anh chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Bắc cho đến các cô giáo trẻ dạy học ở vùng sâu vùng xa Tây Nguyên; rồi các bạn học sinh, sinh viên, các cụ ở Câu lạc bộ Người cao tuổi... Tất cả đều giống nhau ở một điểm: Yêu thích tập thơ HQĐN nồng nhiệt và chân thành!

Nhiều người đã viết cho tác giả HQĐN không chỉ một lần thư. Có nhiều lá thư dài cả chục trang giấy: Bạn đọc Nguyễn Đình Trọng (10 Kỳ Đồng - P.9 - Q.3  - TP. HCM) có thư dày hơn 50 trang khổ A4 và viết tới 23 bài thơ thay cho lời bình tập HQĐN; bạn đọc Huỳnh Văn Hồng (48/10 Cô Bắc, P. Cầu Ông Lãnh, Q1, TP. HCM) viết cả một tập “Cảm nhận nhân đọc HQĐN” dày 167 trang...

Đặc biệt, nhiều bạn đọc còn gửi kèm theo thư những ý kiến góp ý, sửa chữa và những lời bình ngắn của mình, với yêu cầu: Nếu HQĐN được tái bản, thì hãy bổ sung những lời bình ấy vào sách... Rất tiếc, mặc dù đã cố gắng hết mức, nhưng vì khuôn khổ và số trang in của tập thơ có hạn, tác giả không thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu của các bạn.

Tập thơ Lục Bát và lời bình nhỏ này đã qua 6 lần in - tái bản và 5 lần thay bìa mới, với tổng cộng gần 60.000 bản in được phát hành (không kể những bản photo do các CLB và người yêu thơ tự thực hiện). Kể từ bản in lần thứ Tư, HQĐN đã được bổ sung thêm một chùm thơ Lục Bát mới, tổng cộng là 46 bài; sách cũng tăng thêm hơn 30 lời bình của 14 tác giả và độ dày đã được nâng lên thành 152 trang.

Chân thành cảm ơn các cơ quan báo chí truyền thông đã ủng hộ và giới thiệu sách; cảm ơn các anh chị đồng nghiệp, các bạn viết đã tận tình chỉ bảo, đóng góp nhiều ý kiến quý báu từ khi HQĐN còn là bản thảo.

Xin biết ơn tất cả các Quý bạn đọc, biết ơn những người yêu thơ đã ủng hộ, động viên cả về tinh thần và vật chất để xuất bản, giới thiệu và quảng bá cho tập thơ này hơn 10 năm trước!

Nhân kỷ niệm 15 năm HQĐN trình làng, tác giả xin tri ân bạn đọc gần xa bằng cách cho đăng toàn bộ phần nội dung (trừ phần phụ bản minh họa) tập thơ nói trên, gồm 46 bài Lục Bát và lời bình lên trang mạng Lục Bát Việt Nam!

                                                                             Hà Nội, Xuân Bính Thân - 2016

                                                                 Đặng Vương Hưng

                                                                                


46 BÀI THƠ LỤC BÁT
 "HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ"

- Tự họa

- Vay và trả

- Tưởng tượng

- Bao giờ mới nói

- Trăng

- Viết cho em từ biờn giới

- Nỗi nhớ

- Đường rừng

- Nói với con khi chưa ra đời

- Lại xa

- Nghe chim gáy trên trận địa pháo cao xạ

- Sớm nay vác cuốc ra đồng

- Cha tôi

- Mùa xuân ở lại

- Quê cũ

- Cuối thu

- Viết cho mình

- Vợ tôi

- Những ngày ốm

- Bao giờ lại đến ngày xưa

- Lỗi hẹn

- Một mình

- Gửi người trong mơ

- Thắp đèn

- Trẻ con ở xóm Bụi Đời

- Tặng một sư nữ

- Hình như

- Vườn xưa

-Thơ viết ở quán bia hơi

- Nhà tôi

- Nhớ Hải Phòng

- Gửi từ Hà Nội…

- Ở trọ

- Nửa đêm chợt thức

- Đêm đông

- Khi em thêm một lần chồng

- Lục bát đôi câu

- Uống rượu ở quê đêm Ba mươi Tết

- Giá như

- Với người mơ lá diêu bông

- Vẩn vơ

- Người ấy

- Chuyện bâng quơ

- Chiên bao

- Mùa yêu

-  Học quên để... nhớ cho nhiều!

  

 

                                                             

 

Bìa tập thơ “Học quên để nhở” qua các lần in và tái bản.

 

TỰ HỌA

 

Không còn trẻ, cũng chưa già

Người ta bảo hắn đang là... đàn ông.

 

Người hắn yêu đã lấy chồng

Còn người yêu hắn sống cùng có con.

 

Mộng mơ ngày tháng mỏi mòn

Chưa vuông nhà cửa, chưa tròn công danh...

 

Bỏ làng xóm, ra thị thành

Từ rừng về phố, vẫn anh quê mùa

 

Kệ cho trời nắng với mưa!

Hắn đâu chịu hiểu mình chưa biết gì

 

Dại, khôn, hay, dở...  Thôi thì...

Hắn vẫn là... hắn - Có gì khác đâu!

 

Dẫu chưa bạc tóc, dài râu

Hắn đã tưởng tượng... kiếp sau đời mình

 

Rằng yêu, thì thật đa tình

Và khi giận dữ lặng thinh cửa nhà...

 

Hắn như vậy đó em à!

Đừng quen biết hắn mẹ cha buồn rầu...

 

Tháng 12-1996

 

“Có thể coi bài thơ như một bản “Sơ yếu lý lịch... tình cảm” mà nhà thơ tự khai về mình. Trong đó, có đủ các yếu tố: Tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, nhà cửa, quê quán, trú quán, sở thích, quan niệm về tình yêu và cuộc sống... 

Nếu đúng vậy thì “hắn” đã thật thà tới mức đáng ghét, bởi đã dũng cảm khai tuốt tuồn tuột những riêng tư của mình trước thiên hạ. Nhưng cũng vì thế mà “hắn” quả là một “gã tội phạm” rất... đáng yêu!”

                                                                             (Lê Đình Thắng)

 

“Bức chân dung ẩn giấu nụ cười nhẹ nhàng tự giễu mình nhưng cũng rất hiểu mình.

Chính từ nụ cười thấp thoáng ấy, tác giả đã tạo được cái “duyên” cho bản thân và gây sự tò mò cho bạn đọc: “Hắn” là ai? Có đúng như “hắn” đã nói về mình không?

 Có lẽ cách kiểm chứng tốt nhất là phải... làm quen với “hắn”!”

                                                                                  (Hoài Hương)

 

“Thực ra hắn biết rất nhiều

Nhưng mà hắn lại tự kiêu... chưa gì!”

                                                                                    (Bùi Tuyết Nhung)

 

“Thơ “hắn” viết chẳng cầu kỳ / Nhưng mà chẳng thể đọc đi một lần / Đọc đi, đọc lại... bần thần / Khen cho “hắn” nhả nên vần tơ vương”!

                                                                 (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Bức tự họa (có phần biếm họa) chi tiết tới mức khiến ta tưởng tượng rằng tác giả đang soi gương để tự kể về mình. Và dù được vẽ bằng... thơ, nó vẫn hiển hiện với những sắc màu riêng biệt và lộ rõ một chân dung rất riêng.”

                                                 (Vũ Nho)

 

“Kể về mình khá trung thực. Thái độ có phần tự giễu. Mà chỉ những người tự tin lắm mới dám mang mình ra để mà... cười trước thiên hạ một cách đáng yêu như thế.”

                                       (Ngô Thanh Tú)

 

VAY VÀ TRẢ

 

Cho anh vay một... nụ cười

Mai anh xin trả em mười... nụ hôn

Cho anh vay một... nụ hôn

Mai anh xin trả em còn gấp trăm...

 

Nếu vay được… nửa đêm nằm

Anh xin gán nợ... trăm năm đời mình!

 

1988-2002

 

"Anh ta chỉ mượn cớ "vay" để được "trả". Hẳn là để thăm dò ý tứ  "người ta", nên việc vay mượn mới được tiến dần từng nấc, cuối cùng bộc lộ ý muốn được "gán nợ".

Trả nợ mà được tất như thế thì... ai chẳng muốn vay!”

                                          (Ngô Thanh Tú)

“Hai lần "vay" đầu được hỏi rất thẳng thừng "Cho anh vay một..." Nhưng đến lần thứ ba, thì không dám liều mạng nữa rồi, chỉ ỡm ờ: "Nếu vay được nửa...". Đó là sự đáo để kiểu "dân gian" trong anh chàng thi sĩ hiện đại, có phần hóm hỉnh. Và đó cũng chính là cái duyên thấp thoáng trong bài thơ, phải ngẫm nghĩ mới thấy.”

                                         (Hồ Thuỷ Giang)

 

“Xin đừng đổ lỗi cho hai chữ "Vay-Trả" hay sự "lỗ-lãi". Lẽ nào chỉ thấy những câu thơ tăng tiến theo cấp  số nhân, những dòng thơ hóm hỉnh, mà quên đi những dấu chấm lửng dè dặt và dấu chấm cảm chân tình? Nếu thiếu điều đó, ắt chẳng cô gái nào dám "cho vay", dẫu chỉ một nụ cười. Và nếu không được thuận tình, thì chàng trai cũng không thể cứ đòi "vay" mãi!

Thì ra, chuyện "Vay và Trả" chỉ là cái cớ. Làm gì có sự lỗ lãi và sòng phẳng trong tình cảm! Lấy đời thường khô khan để ẩn chứa cái tình, đó mới là dụng tâm của tác giả.”

                                    (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

 

 “Phảng phất một bài ca dao xưa kiểu tát nước đầu đình”, nhưng lời đề nghị thì táo bạo hơn và cũng ẩn ý chứa thông điệp tình cảm mãnh liệt, thực tế hơn. Nhưng sao vẫn có một cái gì đó như vị đắng trong tim: Tình yêu mà phải vay và trả, giống như món nợ đời trăm năm trói buộc chưa hết? Nếu vậy thì còn gì là thơ mộng, ngọt ngào và đắm đuối nữa!

Nhà thơ mơ hồ nhận thấy tình yêu trong thế giới vật chất hôm nay nhiều khi chỉ là sự "vay - trả" đến phũ phàng và nhói đau những trái tim nhạy cảm. Cứ ngỡ bài thơ là một lời thơ tỏ tình ranh mãnh, dí dỏm nhưng lại giấu một tiếng thở dài lặng lẽ khôn nguôi.”                          

                                         (Hoài Hương)

 

“Thật ra chỉ mượn… cớ thôi /  Nào ai đã dám đi đòi người dưng /  Con nợ là… Đặng Vương Hưng / Nên lời thơ cứ ngập ngừng dễ thương”.

                                        (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Xưa nay, người ta mới chỉ vay mượn nhau tiền bạc, vật chất (những thứ đều có thể cân đong, đo đếm và tính thành lãi suất được), chứ chưa ai vay mượn nhau tình cảm. Cái hóm hỉnh và bất ngờ nhất của “tứ” thơ là ở chỗ ấy.

Thú thực, khi mới đọc bốn câu đầu, tôi đã giật mình. Bởi cứ đà lãi suất tăng dần theo cấp số nhân thế thì nguy quá: Chuyện “vay và trả” này ắt sẽ đi tới chỗ... phá sản! Nhưng đọc xong hai câu cuối thì tôi lại hoàn toàn yên tâm, có thể thở phào nhẹ nhõm.

Và tôi chợt nghĩ: Nếu những người đàn ông đã “trót vay” rồi mà ai cũng sòng phẳng và dám chịu trách nhiệm “gán nợ... đời mình trả em” như thế thì hẳn phụ nữ sẽ có nhiều người sẵn sàng và tình nguyện cho “vay” trước!”      

                                           (Lê Đình Thắng).

                                       

TƯỞNG TƯỢNG

 

Lòng ai mưa gió bời bời

Cái đêm ghế đá tối trời công viên

 

Tôi thì im lặng bên em

Em ngồi như... Phật, khát thèm bên tôi

 

Chắc gì ai đã quên rồi ?

 

6-1992

 

“Cái khéo là tác giả đã làm cho người đọc cùng "tưởng tượng" với mình. Mặc dù cả hai đều tỏ ra "gìn giữ lắm" (Nguyễn Duy) "Em ngồi như... Phật, khát thèm bên tôi". - Nhưng không ai tin đâu, bởi tư thế rõ ràng là Phật, mà trái tim kia lại chẳng Phật chút nào!”

                                            (Trương Nam Hương)

 

“Bài thơ rất kiệm từ (chỉ có 5 câu mà được chia tới 3 đoạn). Tôi không tin rằng đó chỉ là sự "tưởng tượng", bởi nó rất cụ thể, chi tiết, ấn tượng và sống động tới mức không thể bịa đặt.

Nhưng mà, có thể tác giả đã hư cấu thật, bởi thời nay hiếm có đôi trai gái nào ngồi với nhau trong đêm tối trời ở ghế đá công viên mà lại đứng đắn, nghiêm túc như hai... pho tượng phật trong chùa vậy!”

                                    (Lê Đình Thắng)

 

“Vâng, tưởng tượng bao giờ cũng chủ quan, nhưng chủ quan ở đây lại đáng tin lắm, chả thế mà lòng từ mưa gió bỗng trở nên im lặng!"

                          (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

“Vừa nói "Em ngồi như ...Phật", rồi lại phán luôn là em đang "khát thèm bên tôi". Có oái ăm không? Thì ra chỉ là sự "suy bụng ta ra bụng người". Nếu nói hư cấu là dựng nên câu chuyện  bằng tưởng tượng, thì ở đây tác giả chỉ... giả vờ "tưởng tượng" đấy thôi.”

                                 (Hồ Thuỷ Giang)

 

“Có gì khổ cho bằng bên cạnh một hồ nước mát lạnh, trong veo, nhưng lại phải chịu một cơn khát đến cháy người. “Tình chỉ đẹp khi trong tưởng tượng”. Và có lẽ sợ vỡ, sợ tan khi ta chạm vào mong thỏa cơn khát, nên cứ sống trong sự “tưởng tượng” để mơ, để thèm, để rồi đau đớn với nỗi nhớ triền miên về một mối tình đẹp nhưng chỉ để ngắm mà không được tận hưởng.

Trong cuộc sống thực quả có những người như thế (kể cả đàn ông!). Họ nhát gan, không dám đối đầu với sóng gió, không dám đấu tranh để giành lấy tình yêu cho mình. Đành cứ mãi mãi thèm, mãi mãi khát và mãi mãi hối tiếc. Tình yêu với họ chỉ có trong tưởng tượng, nó giống như chiếc bóng của cuộc đời.”

                                 (Hoài Hương)

 

“Bài thơ đã lột tả được tâm trạng của hai người mới yêu nhau. Đó là một mối tình thật đẹp, trong trắng và nên thơ. Cho dù chỉ là sự “tưởng tượng” thôi, thì đó vẫn là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời của mỗi chúng ta.

                         (Huỳnh Văn Hồng)

 

"Đọc lên ngỡ như chẳng có gì. Nhưng người đọc bị ám ảnh. Bởi sự mơ hồ của tứ thơ? Bởi sự mơ hồ của tâm trạng? Sức mạnh của sự tưởng tượng là ở chỗ nó đã  gieo vào lòng người những ấn tượng khó quên".

                                                                                 (Đoàn Tuấn)

 

“Phút  giây im lặng là sự cô đọng của không gian và thời gian. Vạn vật dường như ngừng chuyển động trước sự “tưởng tượng” ấy.

Phải chăng “lòng ai” cũng chính là “lòng anh” và “lòng em”?”

                                 (Nguyễn Bích Hạnh)

 

 

BAO GIỜ MỚI NÓI?

 

Cứ làm như thể vô tình

Nào ai đã bắt chúng mình lặng im!

 

Dối lòng thẹn với trái tim

Để rồi thương nhớ phải tìm đến nhau

 

Bao giờ mới nói một câu?

Tháng ngày khao khát… bấy lâu để dành

 

Nhưng mà... định nói với anh

Thì em cứ giấu... mong manh chưa hề...

 

Nhưng mà... định nói em nghe

Thì anh ngần ngại... còn e... bởi vì...

 

Bên nhau trò chuyện những gì

(Những gì mây gió, những gì xa xôi)

 

Ngày mai lại chia tay rồi

Vẫn chưa nói được đôi lời ấy ra...

 

Khi nào hai đứa cách xa

Thì mình lại nhận rằng là... mình yêu !

 

3-1986

 

“Mong manh lắm, ngỡ như chẳng có gì, thế mà tưởng tượng lại rất gần. Gần lại mong xa, xa để mà gần... như một phép biện chứng tâm hồn vậy.”

                           (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

 “Bối rối vô cùng khi "gõ cửa tình yêu". Biết trái tim kia có lối ngỏ cho mình, hay chỉ là mong manh ngộ nhận? Biết rằng chuyện kia đã chín, hay chỉ là tình ý thoảng qua?

Cho nên, cứ người này chờ người kia lên tiếng, để rồi thời gian gần gũi thoáng chốc đã vèo trôi. Và khi mỗi đứa mỗi nơi, trái tim kia mới rung lên thổn thức...

Chao ôi! Muôn đời chuyện tỏ tình đều khó khăn như thế. Rắc rối làm sao cái sợi tơ trời!”

                   (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

 

 

“Đâu cứ phải nói bằng lời nói hàng ngày mới là yêu. Mà có khi chỉ bằng “mây gió, xa xôi” lại chính là “cái lõi” của của điều khó nói rồi đấy.

 Nhưng mà đàn ông thì vẫn phải là đàn ông. Cứ muốn như Xuân Diệu : “Phải nói, phải nói và phải nói” đôi lời ấy ra. Tình yêu vốn là vậy!”

                                 (Vũ Nho)

 

“Như thế mới gọi là yêu

Đừng ai dại dột nói liều cho xong!”

                                      (Thạch Thành)

 

“Đọc bài thơ một lần, mỉm cười nhẹ: Sao mà khờ thế. Đã yêu thì nói là yêu, có gì mà sợ?

 Đọc lần hai, hơi bực mình: Sao lại rắc rối vậy. Cứ ỡm ờ làm gì cho khổ nhau?

Nhưng đọc lần ba: Chợt hiểu cái sự mong manh “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, chuyện chưa đến độ, nếu nói ra e “người ấy” không đồng ý sẽ lỡ làng mà ân hận cả đời, mà không nói thì thấp thỏm lo âu...

Nhưng hình như tạo hóa đã bắt con người ta khi yêu phải như vậy: Từ những chàng trai, cô gái trẻ mới lớn cho tới những ông lão, bà lão tám mươi... đã tỏ tình thì ai cũng bối rối, ngượng ngùng và khó nói.

Nếu không, thì sao gọi được đó là tình yêu!”

                              (Hoài Hương)

 

   

TRĂNG

 

I.

Xa nhau khuyết mảnh trăng tròn

Hay thương nhớ để gày mòn vầng trăng.

 

II.

Đợi chờ đầy tháng, đầy năm

Em nguyên vẹn một trăng rằm trong anh...

 

Năm 1986

 

 “Thơ buông từng chữ mỏng manh / Hay là chính ánh trăng thanh… bồng bềnh / Lời thơ hay tiếng tỏ tình / Hay là hơi thở của mình, của ai? / Văn hay đâu cứ tên bài / Thơ hay đâu kể ngắn, dài… đều hay!

                                                                           (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Trăng là cảm hứng sáng tác của các thi sĩ từ ngàn đời nay. Đặng Vương Hưng cũng không thoát ra khỏi sự quyến rũ của vầng trăng tròn. Nhưng trăng trong bài thơ này không chỉ là vầng trăng bình thường, nó chỉ là cái cớ để tỏ tình và là thước đo tình yêu trai gái.

Dường như nàng thơ cùng vầng trăng tròn kia là nỗi khát khao, ao ước về một vẻ đẹp thuần khiết, mê hoặc của tình yêu vĩnh cửu: luôn trong sáng và tròn trịa như trăng.                         

                                                                             (Hoài Hương)

“Trăng tròn, trăng khuyết là trăng của trời.

Vầng trăng gày mòn là trăng chỉ có trong tâm trạng (nửa của trời và nửa của người).

Còn vầng trăng rằm đã khiến “em nguyên vẹn” bên anh thì đã hoá thành trăng người như thể người trăng”.                                                              (Vũ Nho)

 

“Ba lần trăng xuất hiện trong hai khổ thơ,. (mỗi khổ chỉ vẹn vẹn có hai câu), mà chẳng lần nào được miêu tả như một đối tượng của đời thực:

Lần thứ nhất: "Trăng tròn" là điểm tựa của thời gian;

Lần thứ hai: "Trăng gày mòn" là mảnh trăng tâm trạng;

Lần thứ ba: "Trăng rằm" là em trong sự nhớ thương, mong đợi của anh.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà bài thơ lại bắt đầu bằng tâm trạng:  mong, thương, đợi chờ... Chủ thể "em' và "anh" phải đến câu cuối cùng mới thật sự xuất hiện, nhưng lại ở hai đầu xa cách. Phải chăng, "trăng rằm" là hiện thân của em - Sự sáng trong, niềm tin và lòng chung thuỷ?”

                     (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

 

 

VIẾT CHO EM TỪ BIÊN GIỚI

 

Ở nơi đầu núi, đầu sông

Lá thư đến bọn anh mong đứng ngồi

Ở nơi cuối đất cuối trời

Cái thương cái nhớ hóa lời tình ca

 

Ở nơi mây gió giao hòa

Giọt mưa rơi xuống sẽ là của chung

Ngổn ngang núi, bạt ngàn rừng

Cái nhìn tưởng đến vô cùng bao la...

 

Những chàng lính trẻ, lính già

Giống nhau ở nỗi nhớ nhà đấy thôi

Điếu thuốc chia đều từng hơi

Bàn tay ấm chẳng muốn rời nhau đâu

 

Chỉ thương cái áo bạc màu

Và cây súng phải dãi dầu nắng sương

Vô tình thôi cũng vấn vương

Để người cứ nhớ cứ thương nhau hoài

 

Phiên gác thức với đêm dài

Thời gian trôi chậm gấp hai ở nhà

Nơi đây thèm cả tiếng gà

Nằm mơ trẻ khóc, mẹ à ơi ru...

 

Dáng núi hiền như mùa thu

Lắng nghe thấy được tâm tư lòng người

Là khi nghiêng ngả tiếng cười

Nỗi buồn đi trốn, niềm vui ùa về!

Lạng Sơn, 1982

 

“Nhớ nhung người yêu từ nơi biên ải xa vời, chỉ biết giãi bày tâm tư với đồng đội, với núi non. Cái ý sâu lắng, cái tình mới tha thiết và đẹp nhường nào. Cuối cùng, hy vọng cánh thư bay về và đến tay người thương... Điều ngỡ như giản dị đó lại chỉ có trong tâm hồn của những nhà thơ mặc áo lính.”

                            (Đỗ Hoàng)

 

“Trẻ hay viết dài, già thường viết ngắn. Nhưng thư thường chỉ viết riêng cho một người. Những ai ngoài cuộc thường khó mà thấy cái hay, tìm được sự đồng cảm.

Chàng lính trẻ Đặng Vương Hưng đã hồn nhiên kể rất nhiều thứ riêng tư. Đó chính là điều cảm mến nhất của lá thư bằng thơ. Nó giống như những trang nhật ký một thời trai trẻ của anh vậy.”

                                        (Vũ Nho)

 

“Tiền đồn heo hút xa xôi

Núi non trùng điệp hát lời quân ca

Ra đi bảo vệ sơn hà

Lính già, lính trẻ đều là bọn anh

Cùng chung ước nguyện, tâm thành…”

                                   (Huỳnh Văn Hồng)

 

“Có lẽ chỉ những ai đã từng là người lính biên cương mới thấu hiểu và đồng cảm với những gì nhà thơ trẻ suy nghĩ. Anh kể về những nỗi khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà cứ như không, cũng chẳng cần phải thi vị hóa làm gì.

Có thể coi “Viết cho em từ biên giới” là một bức thư tình của lính. Dù không có lời yêu thương hoa mỹ nào trong đó, nhưng ẩn chứa đằng sau những câu chữ giản dị mộc mạc ấy là tình yêu thương nồng nàn, gắn với ước mơ về một cuộc sống bình dị. Đó là tình yêu của đồng chí, đồng đội; tình yêu quê hương, đất nước và lớn hơn cả là tình yêu Tổ quốc.”

                                 (Hoài Hương)

 

 

 

NỖI NHỚ

 

Bởi vì người ở, người đi...

Mới thành nỗi nhớ có gì lạ đâu!

Ngày chúng mình chia tay nhau

Anh mang nỗi nhớ lên tàu đi xa...

 

Bao nhiêu năm tháng đã qua

Chỉ riêng nỗi nhớ em là vẹn nguyên

Dẫu cho anh đến trăm miền

Thì nỗi nhớ vẫn theo liền bên anh.

 

Khi buồn mà nhớ đã đành

Lúc vui anh cũng để dành nhớ em

Đặt tay lên ngực mà xem

Nỗi nhớ theo nhịp quả tim lại về

 

Hình như em nói anh nghe

Hình như có tiếng bạn bè đâu đây

áo lính xanh màu lá cây

Hình như nỗi nhớ ngấm đầy bên trong.

 

Lắm khi chỉ ước, chỉ mong

Nhìn em một thoáng thì lòng mới nguôi

Có tuần vằng vặc trăng soi

Anh vẫn ngỡ được đứng ngồi bên em

 

Những ngôi sao sáng nhất đêm

Anh bảo đấy là mắt em đang nhìn

Anh và đồng đội đều tin

Rằng nỗi nhớ chẳng lặng im bao giờ!

 

Cho em bao nhiêu trang thư

Và bao nhiêu những bài thơ anh làm

Đóng quân xa bản xa làng

Những đêm khó ngủ lại càng nhớ em...

 

Ước mình như những cánh chim

Cứ theo nỗi nhớ mà tìm đến nhau

Bây giờ em đang ở đâu?

Thời gian xa vắng bắc cầu cho ta

 

Nỗi nhớ không có tuổi già

Và em thì mãi vẫn là của anh!

 

Lạng Sơn, 5-1981

 

“Nhà thơ đã từng là lính, đã từng mang theo hình bóng người yêu trong ba lô và trên đường hành quân ra trận...

"Nỗi nhớ" là bóng dáng của người thương, của quê hương với những gì ngọt ngào, êm đềm nhất. Nó là hành trang không thể thiếu trong “gia tài người lính”.

Nỗi nhớ” là lời tâm sự dành riêng cho một người thương. Nhưng tình cảm ấy, ai cũng có ở sẵn trong lòng mình. Nó là lời tri kỷ, gắn bó cảm thông, nâng đỡ tinh thần để người lính có đủ nghị lực, sức mạnh để vượt lên gian khổ và cái chết để chiến thắng và trở về."

                                       (Hoài Hương)

 

Nỗi nhớ” là bài thơ rất riêng của một chàng trai viết cho một cô gái. Nhưng nó đã nói hộ được rất nhiều kẻ đang yêu mà phải xa nhau vì một lý do nào đó.

ĐVH đã có một định nghĩa vô cùng giản dị, ai cũng thấy mà chưa ai nói được: “Bởi vì người ở, người đi / Mới thành nỗi nhớ có gì lạ đâu!

Nỗi nhớ” là thứ tình cảm rất người, rất đời, rất thực và cũng rất mơ. Nó mộc mạc, nhưng chân thành. Nó vừa nhẹ như sương khói, lại vừa nặng trĩu cả ngàn cân. Nhưng nếu ai đó không yêu và chưa yêu... thì sẽ không bao giờ cảm nhận được!

Bài thơ này sẽ còn được chép trong sổ tay của nhiều người lính trẻ.”

                                        (Lê Đình Thắng)

 

“Mỗi khi bắt gặp một câu hát, một bài thơ hay, ngay lập tức trong tôi cứ ngân nga giai điệu của bài thơ, câu hát ấy. "Nỗi nhớ" là trường hợp như vậy.

Đã không ít người có chung tâm sự như tôi: Mỗi lần thấy chuyện "người ở người đi" là những câu thơ trong bài "Nỗi nhớ" của ĐVH lại vang lên da diết. Riêng tôi, còn thấy nhớ... mình; bởi đã có bao lần bản thân ngập tràn những cảm xúc như thế, nhưng chưa một lần diễn tả được bằng thơ.

Xin cảm ơn nhà thơ đã nói giúp cho tiếng lòng của biết bao người đang yêu và đang nhớ.”

                                      (Vân Chi)

 

“Vẫn biết xưa nay có yêu là có nhớ, mà có con người là tất phải có yêu. Tôi cũng đã yêu, đã nhớ, nhưng khi đọc bài thơ này lại như được sống với nỗi nhớ của mình: Nỗi nhớ đầu tiên và vĩnh viễn; vừa trong veo vừa thăm thẳm; vừa dịu êm lại vừa dông bão...

Rồi bao đôi lứa sẽ đi qua, chỉ còn nỗi nhớ là ở mãi. Tôi yêu cái gọng thơ như lời thủ thỉ, như tiếng ru và tiếng gió ấy. Nó thoang thoảng đưa hương, chút hương tình, hương nghĩa của lòng người.

 Chẳng biết từ khi nào, nỗi nhớ trong bài thơ đã thành nỗi nhớ của tôi và cả của người tôi yêu.”

                       (Vũ Thị Tú Anh)

 


ĐƯỜNG RỪNG

 

Lạ lùng chưa những đường rừng

Đi một bước cũng chập chùng núi non

Dấu chân mài đá núi mòn

Đá thì vẫn thế, núi còn nguyên đâu!

 

Một cây cũng bắc nên cầu

Đèo cao, dốc đứng, suối sâu... coi thường

Chẳng cần cột số chỉ đường

Vẫn ngang dọc khắp bốn phương theo người...

 

Giữa rừng, dù một mình thôi

Cũng không lo sẽ là người cô đơn

Tiếng chim san sẻ vui buồn

Khát thì uống nước suối nguồn mát trong

 

Quả rừng - đỡ lúc đói lòng

Hương rừng - vơi nỗi nhớ mong quê nhà

Nhìn thì gần, đi thì xa

Quanh co lắm khúc như là ú tim...

 

Lạc rừng - tiếng hú đi tìm

Xem cây đoán suối, nghe chim đoán người

Nhìn sao biết được phương trời

Ngắm trăng thì biết mai rồi nắng, mưa...

 

Bạt ngàn rừng rậm, rừng thưa

Người đi đánh giặc như vừa bước ra

Bao nhiêu rừng trẻ, rừng già

Dấu chân người lính đã qua một thời...

 

Đường rừng - Thương lắm bạn ơi!

Ở thành phố chẳng xa vời núi non

Những khi nườm nượp xe bon

Bâng khuâng lại nhớ những con đường rừng.

 

Lạng Sơn, 1980

 

“Những người lính Cụ Hồ thời nào cũng gắn bó với rừng, như gắn bó với quê hương đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp, chiến khu Việt Bắc luôn khiến ta nhớ tới câu thơ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, biết bao người đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Từ những cánh rừng bạt ngàn ấy, đoàn quân cách mạng đã tràn về đồng bằng, tràn về thành phố để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

Chính những “dấu chân người lính” in trên “đường rừng” năm xưa đã trở thành những “bài ca không quên” trong cuộc sống hôm nay.”                 

                                       (Hoài Hương)

 

“Đọc xong bài thơ, tôi chợt nghĩ: Thì ra những điều bình dị quanh ta, đều không phải ngẫu nhiên mà có!

Ngay như con đường thênh thang ta đang bước, xa xưa lắm rồi có thể nó cũng là một con đường mòn và đường rừng thôi. Và chắc chắn con đường rừng và đường mòn ấy không thể tự dưng mà biến thành đại lộ như ngày hôm nay. Nó phải do công sức, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu của bao con người.

Bỗng dưng cảm thấy mình có lỗi với ai đó?...”

                                                (Lê Đình Thắng)

 

 “Đời lính đánh giặc gian khổ hy sinh. Là máu, là mồ hôi nước mắt thấm đẫm cây rừng, đường rừng.

Vượt lên nhọc nhằn lo toan, người lính biết yêu hơn từng tấc đất quê hương có những cánh rừng già, rừng trẻ. Tình yêu đó còn mãi với năm tháng, với con đường đi đến bình yên.”

                                         (Đỗ Hoàng)

 


NÓI VỚI CON KHI CHƯA RA ĐỜI

(Cho Hiền Thảo)

 

Bố từ biên giới Lạng Sơn

Mỗi năm về với mẹ con một lần

Đường xa giục bố nhanh chân

Tàu xe cũng chả ngại ngần gì đâu

 

Ngày bố mẹ mới yêu nhau

Bao mơ ước cũng bắt đầu từ con

Ông trăng khuyết, ông trăng tròn

Chỉ thương vất vả mẹ con ở nhà

 

Bố đi biền biệt nơi xa

Mình mẹ lam lũ cửa nhà sớm trưa

Mùa này lắm nắng nhiều mưa

Nằm trong bụng mẹ con chưa biết gì

 

Nỗi buồn bố đuổi nó đi

Còn niềm vui đến bố thì chia đôi

Ở nơi cuối đất cùng trời

Cái thương cái nhớ biết ngồi bên nhau...

 

Bây giờ con chưa hiểu đâu

Nhưng mai sau... khi mai sau đến rồi...

10-1982

 

“Đừng nghĩ rằng người lính chỉ biết có vũ khí và súng đạn. Đừng cho rằng họ đã chai sạn vì trận mạc và dửng dưng với cuộc sống gia đình. Bài thơ “Nói với con khi chưa ra đời” là một minh chứng cho điều ấy.

Hình ảnh đứa con bao giờ cũng là hiện thân của tình yêu, hạnh phúc và mơ ước của lứa đôi. Và những người lính xa nhà khi sắp được làm cha, làm mẹ lại càng cảm nhận thật sâu sắc điều này.”

                                  (Lê Đình Thắng)

 

“Người cha trò chuyện với con mình khi đang còn nằm trong bụng mẹ. Đó là những lời tâm tình thủ thỉ thật máu thịt và thiêng liêng. Nhưng hình như nhưng lời nói này không chỉ dành cho riêng đứa trẻ, mà cả người mẹ và những người xung quanh nữa.

Bởi vậy, bài thơ còn là một lời “nịnh” vợ rất khéo. Có người vợ nào nỡ trách chồng mình khi nghe những giãi bày đầy yêu thương và trân trọng như thế!"

                                      (Hoài Hương)

 

LẠI XA...

 

Chờ mong suốt một năm trời

Anh về nghỉ phép để rồi... lại xa

Bao nhiêu bề bộn việc nhà

Lại mình em -  Vẫn chỉ là em thôi!

 

Biết khi trái gió trở trời

Con đau ốm phải lo mời thuốc thang

Biết là bận rộn mùa màng

Sớm khuya mưa nắng ngổn ngang ruộng đồng

 

Thương em giấu biệt trong lòng

Nhớ em đêm trắng nằm không đợi chờ

Gặp nhau thao thức trong mơ

Lá thư an ủi đôi bờ cách ngăn

 

Đã sum vầy giữa người thân

Mà như là khách dừng chân nghỉ nhờ...

Năm 1983

 

“Xa mãi thành rất xa. Người xưa “Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”. Còn con người bây giờ không nói buồn tiếng nào mà buồn thắt lòng nhau “Đã sum vầy giữa người thân / Mà như là khách dừng chân nghỉ nhờ”.”

                                           (Vũ Nho)

 

“Có cảm giác hai câu kết đã làm bài thơ sáng lên. Đó là lời tâm tình, nỗi buồn, nỗi xót xa bởi mặc cảm. Còn gì buồn hơn với chính lòng mình, khi chỉ là "người khách" giữa vòng tay người thân? Nhưng đó là sự mặc cảm, là cái thẹn của một nhân cách đẹp!”

                    (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

 

“Người ta càng cảm thông với những người vợ lính hơn. Họ phải luôn gồng mình để “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Nhưng chẳng có người phụ nữ nào lại muốn xa chồng! Và nếu họ có làm “bà chủ”, làm “vị tướng trong nhà”... thì cũng chỉ là chuyện "cực chẳng đã"  mà thôi.”

                                     (Hoài Hương)

 

 

NGHE CHIM GÁY
TRÊN TRẬN ĐỊA PHÁO CAO XẠ

 

Cúc cù cu

Cúc cù cu...

Thoảng nghe như một lời ru giữa hè

Vườn râm nào dưới lũy tre

Có con cu gáy mải khoe tiếng gù

 

Cúc cù cu

Cúc cù cu...

Nghe mà cứ ngỡ mùa thu đến rồi

ở đây toàn núi với đồi

Ngày đêm chỉ có gió trời thay chim

Bỗng trưa nay phút lặng im

Đất trời nín thở

Tiếng chim vọng về...

Người lắng nghe

Súng lắng nghe

Tiếng gù nhuộm nắng

Vàng hoe núi đồi...

 

Lạng Sơn, 3-1981

 

“Tiếng chim cu gáy báo hiệu thanh bình và phồn thực. Trận địa pháo cao xạ là nơi chỉ có sự gầm thét và hiểm nguy.  Nhà thơ đã giao hòa giữa hai hình ảnh đối lập ấy với nhau bằng một sự liên tưởng thật tài tình. Không chỉ có súng và người trên điểm chốt năm xưa lắng nghe, mà ngay bây giờ tôi cũng bị hút hồn bởi "Tiếng chim nhuộm nắng / Vàng hoe núi đồi...”

                                                                            (Nguyễn Trần Thái)

 

“Năm 1981 là thời điểm biên giới phía Bắc của Tổ quốc còn đang nóng bỏng không khí chiến tranh. Cuộc sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Những người lính và vũ khí của mình luôn phải cảnh giác cao độ. Sự bình yên chỉ như những giấc mơ. Vậy mà người lính ở trận địa pháo cao xạ này vẫn để dành những giây phút nghe tiếng chim gáy ở vườn râm nào đó dưới luỹ tre xanh của làng bản vọng về... sự lãng mạn và lạc quan này chỉ có ở những nhà thơ mặc áo lính!”

                                     (Hoài Hương)

 

“Đó là tiếng chim gáy của một miền quê yên bình; tiếng chim của mùa tìm đôi, gọi bạn; nên đã "nhuộm nắng vàng hoe núi đồi"...

Nhưng tiếng chim gáy ấy đã cất lên khi trận địa đang im tiếng súng. Chiến trường đã nín thở, hoặc không còn là chiến trường? Hay cả người, cả súng đã im lặng trước tiếng gọi bạn tình tha thiết, tiếng gọi bình yên của loài chim thân thuộc ấy?”

                   (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

 

“Nhà thơ Định Hải đã có “Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm”. Nhưng tôi vẫn thích khổ thơ: “Người lắng nghe / Súng lắng nghe / Tiếng gù nhuộm nắng / Vàng hoe núi đồi”.”

                                      (Vũ Nho)

 

“Tiếng chim ai nhớ, ai mong? / Có gì mà lại như không có gì! / Cuộc đời như một chuyến đi / Tiếc thay số phận chia ly lâu rồi / Phận người bị gió cuốn trôi / Phận tôi mỏng tựa lá rơi giữa dòng /  Thương ai cùng kiếp long đong / Chim bay mỏi cánh vẫn không thấy bờ?”

                                                                    (Nguyễn Thuỷ Tâm)

 

“Một không gian, một thời gian lắng đọng. Sắc màu và âm thanh thì nôn nao, rộn rã, ấy vậy mà lòng người lại yên tĩnh lạ lùng và mở ra thanh khiết...”

                          (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

 

SỚM NAY VÁC CUỐC RA ĐỒNG

 

Đêm qua  trời đổ cơn mưa

Làng tôi đi trước, cày bừa đi theo

Trần lưng gồng gánh chống chèo

Suốt đời đẩy bước đói nghèo chưa qua...

 

Buồn vui từ đất sinh ra

Như là hạt thóc, như là củ khoai

Giọt mồ hôi thức đêm dài

Cho rơm rạ lợp đủ hai mái nhà

 

Vẫn đồng ruộng thuở ông bà

Vẫn mưa nắng ấy mẹ cha đã từng

Thương cây lúa chín còng lưng

Đói no ngày tháng xin đừng quên nhau

 

Sá cày lật đến mai sau

Tóc pha sương gió bạc màu thời gian...

Dẫu không sống giữa xóm làng

Vẫn ghi nhớ để mùa màng ước mong

 

Sớm nay vác cuốc ra đồng

Nhận ra mình giữa nơi không có mình...

 

9-1987

 

“Chỉ mỗi chữ “thức” trong câu “Giọt mồ hôi thức đêm dài” cũng đủ gợi cho ta nhiều liên tưởng: nằm, lo toan, đêm dài, trán vã mồ hôi... với biết bao sự công phu và vất vả. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ để “Cho rơm rạ lợp đủ hai mái nhà”.

 Không gắn bó với nông dân, nông nghiệp, sẽ không bao giờ hiểu được nỗi lo toan của nhà nông như thế!"

                                        (Duy Phi)

 

“Bài thơ giản dị, mộc mạc đến hồn nhiên. Tác giả đã dẫn người đọc trở về với những hình ảnh gần gũi của làng quê anh, với những công việc quen thuộc đã ngàn đời nay...

Rồi sau những hồn nhiên trong trẻo ấy, nếu còn mang trong mình những trái tim nặng tình nặng nghĩa, ta bỗng cùng tác giả không khỏi giật mình và bồi hồi bởi: Dẫu không sống giữa xóm làng / Vẫn ghi nhớ để mùa màng ước mong.”

                                     (Vũ Thị Tú Anh)

 

"Tự thức là một nhu cầu hướng về nguồn cội, nhu cầu tự "Nhận ra mình giữa nơi không có mình". Không "Buồn vui từ đất sinh ra", không gắn bó với một miền quê cụ thể, thì không thể viết được những câu thơ rưng rưng như thế.”

                            (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

“Tôi cho đây là một trong những bài thơ hay viết về nhà nông với những công việc rất cụ thể thường ngày: cày, bừa, cấy, hái...

Dân số nước mình chiếm tới hơn 80% là nông dân. Văn minh lúa nước vẫn luôn là niềm tự hào không chỉ của ông bà ta xưa.

 Hình như trong mỗi con người Việt Nam đều có sẵn một anh nông dân trong mình, cho dù họ có đi đâu, ở đâu, làm gì chăng nữa!

 Để rồi mỗi khi trở về nơi thôn quê quanh năm còn lam lũ, chợt giật mình thảng thốt: “Sớm nay vác cuốc ra đồng / Nhận ra mình giữa nơi không có mình”.”

                                  (Lê Đình Thắng)

 


CHA TÔI  (II)

Kính tặng Cha và Mẹ

 

Sau cơn tai biến hiểm nghèo

Cha từng nằm đó với bao ưu phiền

 

Kiếp người chưa hết truân chuyên

Như từ cõi khác bỗng nhiên Cha về

 

Giữa con cháu với làng quê

Mà Cha ngơ ngác, ngô nghê nói cười...

 

Linh thiêng lạy Phật, lạy Trời

Cho Cha sống trọn kiếp người trần gian!

 

Năm 1999

 

“Suốt một đời cầm bút mà tôi chưa viết lấy một dòng nào về người cha thân yêu của mình. Ngày đưa linh cữu của người ra nghĩa trang, khi nắm đất trong tay thả xuống quan tài, tôi bỗng trào nước mắt mà kêu lên: "Cha ơi, cha ơi..." Nhưng đã quá muộn rồi!

Tôi chưa làm gì để cho cha tôi có được một ngày sung sướng lúc người về già. Nỗi ân hận cứ vò xé tôi mãi mãi.

Xin cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng đã thay tôi khẩn cầu: "Linh thiêng lạy Phật, lạy Trời / Cho Cha sống trọn kiếp người trần gian".

                              (Trần Nhật Thu)

 

“Không sướt mướt, uỷ mị, nhưng chân thành, sâu nặng và cảm động đến rưng rưng.

Bài thơ hẳn phải được tác giả viết trong thời khắc xúc động dâng trào, trong tình thương yêu vô bờ bến dành cho người cha thân yêu của chính mình.”

                                   (Ngô Thanh Tú)

 

 “Nếu tôi không nhầm thì các nhà thơ thường viết về mẹ nhiều hơn. Các nhạc sĩ cũng vậy. Bởi thế, có thể coi đây là một trong những bài thơ hiếm hoi, cảm động viết về tình cảm cha - con.

Người cha trong bài thơ chỉ xuất hiện như “đoạn cuối” của đời người: Ông đã già, hơn thế, còn bị căn bệnh tai biến hiểm nghèo tới mức tâm tính đã thay đổi “Như từ cõi khác bỗng nhiên Cha về”...

Và người con hiếu thảo chỉ còn biết cầu trời khấn phật cho cha mình được sống hạnh phúc những năm cuối đời “Giữa con cháu với làng quê”. Nhưng như thế cũng đủ cảm động lắm rồi. Bởi một lẽ đơn giản: Chúng ta sinh ra, ai chẳng có mẹ, có cha!”

                                  (Lê Đình Thắng)

 

“Thơ hơn nhau ở cái tứ, bền lâu ở cái tình. “Cha tôi” là một thán từ đời sống của tác giả. Không có cảnh ngộ thật, không có thơ này. Đây là thơ của một người con có hiếu.”

                                    (Phan Quế)

 

“Dù biết rằng “Kiếp người chưa hết truân chuyên” thì Đặng Vương Hưng vẫn cứ lặng lẽ quỳ xuống mà cầu nguyện cho cha mình được “Sống trọn kiếp người trần gian”!

Trần gian muôn kiếp và con người ta sẽ tồn tại bằng bao nhiêu cách khác nhau. Nhưng riêng với người Cha ở trong bài thơ này thì tôi tin là ông sẽ sống mãi giữa những câu thơ của chính con trai mình.

Tôi đã nhìn thấy Ba cõi ở phía sau Tám câu thơ Lục bát ấy: Một cõi tai biến ưu phiền, Một cõi khác; và cuối cùng là Một cõi linh thiêng của câu và chữ trong thơ”.

                                (Hoàng Nhuận Cầm)


MÙA XUÂN Ở LẠI

 

Thời gian thì cứ qua mau

Biết mùa xuân ở lại đâu mà tìm?

Ngỡ ngàng kia mấy cánh chim

Đang ríu rít chợt lặng im ngang trời

 

Ừ, mùa hạ sắp đến rồi

Đồng quê ta lại bời bời nắng mưa

Thương em vất vả sớm trưa

Thơ tôi làm tặng cũng vừa mới xong

 

Mùa thu liệu có ai mong?

Ngập trời gió thổi đầy sông trăng vàng

Em còn tát nước cuối làng

Để tôi kiếm cớ tìm sang chuyện trò?

 

Rồi mùa đông chẳng bất ngờ

Liệu em còn đợi, còn chờ nữa chăng

Tôi đi đánh giặc bao năm

Lời yêu đã kịp thì thầm gì đâu!

 

3-1986

 

“Bài thơ như một bức tranh bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông với những sắc màu đậm nhạt khác nhau và một nỗi buồn hoài cổ, man mác, phảng phất hương vị của ca dao.

Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ bài thơ giống như một tiếng thở dài nhè nhẹ, một lời nhắn gửi thì thầm kín đáo của người lính không chỉ cho một cô thôn nữ cụ thể nào đó, mà còn cho cả mỗi người đọc chúng ta?”

                                    (Hoài Hương)

 

“Có một mùa xuân và một lời "thì thầm" tái sinh sau "mùa xuân ở lại". Cái ngỡ mất vẫn còn nguyên vẹn và lung linh trong cõi nhớ.”

                          (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

“Không hiểu sao trong tôi cứ  ngân nga mãi câu thơ "Ngập trời gió thổi đầy sông trăng vàng..."?

Câu thơ tả cảnh mà dường như đã gói trọn tâm trạng của những con người vừa đa cảm lại vừa đa mang!”

                                    (Minh Hằng)

 

“Mấy cánh chim đang bay bỗng đứng im phăng phắc giữa bầu trời mùa Xuân. Vậy mà mùa Hạ với bời bời nắng mưa đã lại sắp đến rồi...

Cái cảnh em tát nước cuối làng sao mà xa xăm như ca dao, như heo may mùa Thu vậy.

Rồi mùa Đông đến như nó phải đến!

Đọc đến câu thơ cuối bài: “Lời yêu đã kịp thì thầm gì đâu!” Tôi bỗng quên đi tất cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông ở trên; mà chỉ cảm thấy thảng thốt và nhớ tới những người con gái, cùng với một thời hoa đào duy nhất của họ.

Và như ĐVH đã viết: “Biết mùa Xuân ở lại đâu mà tìm”? Tiếc lắm thay!

                          (Hoàng Nhuận Cầm)

 

“Vẫn biết thời gian trôi đi sẽ không bao giờ trở lại. Và tuổi trẻ con người ta cũng vậy. Nhưng nhiều người đôi khi vẫn không muốn tin điều đó là sự thật.

 Ước gì tình yêu đích thực của con người sẽ không bao giờ là muộn!”

                                 (Lê Đình Thắng)


 

QUÊ CŨ

 

Dửng dưng cành phượng cuối hè

Tiếng ve sót lại bờ tre nắng vàng

 

Cùng hương quả chín lang thang

Tôi theo ngọn gió khắp làng dạo chơi

 

Tiếng chim gì hót xanh trời

Sắc hoa nào nở cho người bâng khuâng...

 

Nhớ ơi thảng thốt trong lòng

Người yêu năm ấy lấy chồng nơi nao?

 

1988

 

“Ra vẻ dửng dưng đấy, lang thang đấy nhưng nào cất được bâng khuâng. Kẻ đa tình trong vần Lục bát cứ lồ lộ ra cùng những hẫng hụt của tình cảm.

Lục bát của ĐVH thường hay thảng thốt để lẳng lơ kiểu dễ yêu như vậy.”

                                    (Phan Quế)

 

“Từng cặp hai câu một êm đềm lượn trôi trong tâm trí người đọc, mang theo màu sắc, hương thơm, âm thanh của một thời đã qua, để rồi cuối cùng đọng lại trong lòng người một nét buồn sâu kín. Hình như ai cũng từng có phút xao lòng như thế?

Như một tia nắng buộc mặt trời vào trái đất, hình ảnh cô gái hiện lên ở cuối bài thơ như một sự ràng níu, khiến cho tình quê càng trở nên cụ thể vào sâu nặng.

Thật khó nghĩ bài thơ chỉ tám câu, vì nó gợi khá nhiều.”                                

                                                                          (Phạm Khải)

 

“Quê cũ, cảnh cũ và người cũ... nhưng nỗi niềm thì không bao giờ cũ. Thơ ngỡ nói quê mà lòng gợi nhớ lòng da diết.”

                           (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

“Người xưa thường thấy trong cảnh cũ.

Sự thiếu hụt bất ngờ đã làm nên nỗi nhớ thảng thốt đến nhói đau.”

                                   (Minh Hằng)

 

“Bài thơ không có gì là cụ thể cả: Cũng chỉ một cành phượng cuối hè rất chung chung và một tiếng ve sót lại ở góc bờ tre nào đó... Mãi tới khi tác giả thốt kêu lên: “Nhớ ơi...” thì cành phượng kia với tiếng ve này mới hóa thành vật chứng cho một “đương sự” rất nỗi bâng khuâng.

Nhưng “vật chứng” chưa đủ, mà cần phải có thêm “nhân chứng”, thì tác giả lại hồn nhiên y như mình “vô can” hoàn toàn: “Người yêu năm ấy lấy chồng nơi nao?”. Viết như thế kể cũng hóm thật!

                            (Hoàng Nhuận Cầm)

 

“Quê cũ và dường như cái gì cũng nhuốm buồn:  Cành hoa phượng cuối cùng, tiếng ve chỉ như những giọt âm thanh còn sót lại. Hoa thì cũng đã nở rồi. Một tiếng chim dẫu "hót xanh trời", cũng không đủ làm vơi đi nỗi niềm da diết...

Phải chăng cảnh thì đa sắc và người thì đa đoan?”.                    

                    (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

 

“Tôi thích hai câu thơ rất vu vơ “Tiếng chim gì hót xanh trời - Sắc hoa nào nở cho người bâng khuâng”. Nó hợp với tâm trạng của người đi xa, giờ trở lại một vùng quê đầy kỷ niệm.

Dù trong bài thơ này, cả địa điểm, không gian và thời gian chỉ được xác định tương đối, nhưng vẫn cụ thể: Đã cuối hè, chớm thu tại một thôn quê với “bờ tre nắng vàng” và “hương quả chín lang thang”... có một người trở lại chốn xưa, đi tìm... Nhưng tất cả chỉ còn trong ký ức đã xa lắm rồi...”

                                 (Lê Đình Thắng)

 


CUỐI THU

 

Bốn mươi xuân vẫn mỏi mong

Chị như lá úa giữa nong kén vàng

Tối ngày quanh quẩn xóm làng

Chị đâu hay chuyện giàu sang phố phường

 

Chợ xa chân đất ra đường

Chị buồn mỗi bận soi gương chải đầu

Quanh năm một sắc áo nâu

Cái quần đen lửng bạc màu bùn non

 

Cửa nhà vắng tiếng trẻ con

Chị như hoa dại héo hon từng ngày

Bốn mùa quen việc cấy cày

Bàn chân đen đúa, bàn tay chai sần.

 

Họ hàng xa, láng giềng gần

Bao người thương chị, chị cần gì đâu

Chút tình yêu thủơ ban đầu

Không nguôi nỗi nhớ đêm thâu một mình

 

Bao chàng trai trẻ vô tình

Nào ai biết chị đẹp xinh một thời

Dửng dưng họ bỏ đi rồi

Còn trong lòng chị sắc trời cuối thu...

 

Năm 1987

 

“Cuối thu của tiết trời với cuối thu của đời người sao có gì giống vậy? Những chiếc lá bay đi, những cuộc tình phụ bạc... để lại giữa lòng trời, lòng người nỗi thảng thốt, hoang mang.

Tôi thương người chị trong "Cuối thu" của Nhà thơ ĐVH bằng nỗi buồn thanh sạch của chiếc lá - Như một dấu chấm than đầy diệu vợi của đời mình”.

                                                                      (Trương Nam Hương)

 

“Đằng sau mỗi câu chữ có cả những giọt nước mắt đầy ngậm ngùi và thương cảm. Vẫn còn không ít những người phụ nữ mà suốt cuộc đời họ chưa hề đi quá phiên chợ quê. “Đến huyện” còn chưa dám, chứ đừng nói gì “lên tỉnh”. Sau luỹ tre làng, họ chỉ biết đầu tắt mặt tối, suốt ngày lam lũ. Tuổi xuân đã qua đi mà duyên phận thì lỡ làng.”

                                    (Hoài Hương)

 

“Như là giữ lửa cho mình, một khoảng trời cuối thu là niềm riêng của chị. Một dòng thơ lấp lánh giữa trôi chảy thời gian.”

                                                                           (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

“Mùa thu đẹp nhưng buồn, ai cũng nói vậy và biết vậy. Cuối thu của ĐVH đường như chính là khoảng thời gian mang trong mình dòng chảy của nỗi buồn ấy. Vâng! Tiết trời cuối thu với cuối thu của đời người sao có cái gì giống nhau đến thế: Những chiếc lá bay đi, những cuộc tình phụ bạc… để lại giữa lòng trời, lòng người nỗi hoảng hốt hoang mang. Bài thơ chứa trong mình nỗi buồn của người phụ nữ đa mang. Nó như một câu chuyện dài về về số phận, như chuyến đò chở người đọc từ hiện tại quay về quá khứ, quay về số phận một con người…”                         

                                                                             (Lê Thị Mỹ Chung)

 

Hình như trong các thi sĩ và nhạc sĩ cùng thời dễ có những đồng cảm sáng tạo nghệ thuật trước "khuôn mẫu" thật của cuộc đời. Đọc bài thơ "Cuối thu" của ĐVH, khiến ta liên tưởng đến các ca khúc có cùng tựa đề "Chị tôi" nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến, hoặc nhạc sĩ Trọng Đài... Nhưng có một điểm khác nhau là: Thi phẩm này đã có trước các nhạc phẩm kia cả chục năm tuổi.”

                                         (Lê Đình Thắng)

 

VIẾT CHO MÌNH

 

Bao nhiêu công việc bộn bề

Nửa năm rồi đấy chưa về thăm em...

 

Biết là thương nhớ chẳng quên

Mong chờ chồng chất một bên cũng đành

Biết là nghèo khó dụm dành

Buồn vui nào ở với mình mãi đâu

 

Mỗi ngày mưa nắng qua mau

Ngồi nghe sợi tóc trên đầu kém xanh

Mỗi đêm hy vọng mong manh

Hiểu mình lại tự thương mình mà thôi.

 

Cái thời lãng mạn qua rồi

Yêu nhau toàn nói những lời mộng mơ

Cái thời ấy khác bây giờ

Trăng tròn trăng khuyết trăng mờ... còn chăng?

 

Biết em khuya sớm nhọc nhằn

Câu thơ anh viết em cần gì đâu!

Cha mẹ già, con ốm đau

Để em lận đận bấy lâu một mình...

 

Vẫn mong một chút ân tình

Buồn vui sớm tối bóng hình bên nhau

Và xin cho để đời sau

Câu thơ anh được dãi dầu thay em.

 

Năm 1986

                                                               

“Tú Xương viết về vợ mình thì văng ra tiếng chửi đau đời. Đặng Vương Hưng dùng chữ mình "tuy một mà hai" thì nhỏ nhẹ: "Và xin cho để đời sau / Câu thơ anh được dãi dầu thay em". Cũng là một nỗi thương yêu của gánh nặng tình đấy thôi.”

                                         (Vũ Nho)

 

“Người ta thường nói: Các nhà thơ mà ngừng yêu thì thơ cũng ngừng chảy. (Và hình như chẳng phải ai cũng yêu vợ mình đâu!). Nhưng tôi tin những điều mà Đặng Vương Hưng viết về người mẹ của các con anh.

Nói là "Viết cho mình", nhưng trong bài này  vẫn có câu "Và xin cho để đời sau / Câu thơ anh được dãi đầu thay em" thì nào có phải cho riêng mình nữa đâu!”

                                       (Vân Chi)

 

“Bài thơ đằm thắm mà khắc khoải thương cảm đến lạ lùng. Mới nửa năm chưa thăm được "Mình" mà đã "Ngồi nghe sợi tóc trên đầu kém xanh" thì trên đời này còn tình cảm nào hơn nữa?

Có lẽ không riêng gì tác giả, mà nhiều người chồng khác cũng có chung tâm sự ấy.”

                                                                                (Nguyễn Hoàng Mai)

 

"Viết cho mình, nhưng thực ra là tự thú với "người ta". Và tự thú với "người ta" lại cũng là tự nói với chính lòng mình đấy thôi.

Các thi nhân thời nào cũng cảm thấy mình có lỗi với vợ con, với cuộc đời... Món nợ tình cảm này, họ chẳng hề vay mượn ai. Nhưng đã trót làm thi sĩ thì luôn canh cánh bên lòng và suốt đời họ không bao giờ trả hết.”

                                 (Lê Đình Thắng)


 

VỢ TÔI

 

Một nửa tỉnh, một nửa quê

Không xinh đẹp cũng chẳng hề cao sang

 

Theo chồng đành bỏ xóm làng

Lên thành phố cố học làm thị dân...

 

Dẫu đã buôn bán xa gần

Vẫn là mưa nắng tảo tần đấy thôi

 

Vì con nhường nhịn suốt đời

Vì chồng chờ đợi cả thời xuân xanh...

 

Tôi đi qua cuộc chiến tranh

Từ rừng về phố hóa thành ngu ngơ

 

Đời thường không thể mộng mơ

Chẳng bon chen được đành khờ dại thôi...

 

Cho nên thương lắm vợ tôi

Một mình gánh nặng cả đôi vai gày

 

Ước gì sẽ có một ngày

Tôi mua vé số... vận may mỉm cười!

Năm 1991

 

"Bài thơ đọc qua ngỡ vui, nhưng ngẫm kỹ lại bùi ngùi. Hay nói đúng hơn, điệu vui điệu buồn kết hợp. Vui, vì là “chiếc đầu tàu” - tác giả, có trách nhiệm phải động viên cả gia đình tiếp tục cuộc hành trình. Buồn, vì trước mắt anh mọi sự vẫn còn ngổn ngang, bề bộn.

Thành công của bài thơ là tuy viết về vợ, song tác giả đã cho thấy một gia cảnh, đặc biệt trong đó là chân dung khá đậm của chính mình, một con người từng có lúc ngơ ngác giữa ngã ba đường: hoặc phấn đấu để hòa nhập với đời sống thị dân, hoặc trở về với bản chất nguyên sơ và cuộc đời thôn dã."

                        (Phạm Khải)

 

"Một người vợ Việt Nam trăm phần trăm, không thể lẫn với bất cứ người phụ nữ nào ở Châu Âu hay Châu Mỹ... Và cái điều ước của ông chồng cũng rất Việt Nam: Thử hỏi có người đàn ông  nghèo, thương vợ thương con nào mà chẳng ít nhất một lần mơ được trúng vé số!

Nhưng thi sĩ ơi, có người vợ như vậy là anh đã trúng vé số rồi đấy, chẳng cần phải nhờ "vận may mỉm cười " nơi đâu nữa!"

                                                                           (Hồ Thuỷ Giang)

 

"Thế mới biết nhà thơ yêu thương vợ đến mức nào. Hiểu thấu nỗi vất vả tảo tần một sương hai nắng gánh vác gia đình, lo chồng nuôi con...

Thi sĩ làm thơ ca ngợi vợ mình không nhiều. Viết được thi phẩm hay như bài “Vợ tôi” kể cũng là hiếm!"

                             (Đỗ Hoàng)

 

"Nếu đang ở Thủ đô, bạn hãy thử làm một cuộc điều tra xung quanh mà xem: dân Hà Nội gốc Kinh Kỳ, Kẻ Chợ còn được bao người? Đa phần dân cư các phố phường bây giờ đều có gốc gác “nhà quê” cả. Dù họ có buôn bán xa gần thì cũng là vạn bất đắc dĩ, lấy công sức làm lãi mà thôi. Buôn bán nhưng vẫn đầu tắt mặt tối, mưa nắng tảo tần, thức khuya dậy sớm, vất vả y như cầy ruộng vậy...

Bài thơ đã nói hộ được cho nỗi lòng của bao người cùng cảnh "Rời quê lên phố" thời nay."

                                  (Lê Đình Thắng)

 


NHỮNG NGÀY ỐM

 

Thuốc thang không đủ tiền mời

Cơm canh lạnh nhạt, lệch đôi đũa mòn

 

Và em chẳng hát ru con

Thờ ơ ánh mắt héo hon nụ cười

 

Niềm vui trốn chạy đâu rồi?

Nỗi buồn hớn hở dạo chơi đầy nhà...

 

Năm 1990

 

"Chơi chơi buồn, chơi chơi tự trào. Người làm thơ muốn mượn thơ giải sầu trước cảnh ngộ. Nào có xong. Càng muốn trốn nó càng vận vào mình.

Đọc mà thương về một thời..."

                                                                           (Phan Quế)

 

"Có lẽ hạnh phúc thường bắt đầu từ những điều tưởng như đơn giản nhất của cuộc sống thường nhật. Không ai muốn gia đình mình bị "hoàn cảnh" nghèo khó và ốm đau. Nhưng có thể ta sẽ không nhận ra niềm vui nếu không có nỗi buồn; không cảm thấy đầy đủ nếu chưa bao giờ bị thiếu thốn...

"Những ngày ốm" có thể chỉ là khoảng thời gian rất nhỏ, hay "lát cắt" của một đời người. Nhưng nó cũng có thể là tất cả, nhất là khi Niềm vui trốn chạy đâu rồi? / Nỗi buồn hớn hở dạo chơi đầy nhà”.

                                                                           (Hoài Hương)

 

"Bài thơ rất ngắn gọn, chỉ với sáu câu, lại chia ba đoạn, nhưng đã nói được thật nhiều điều: Cái nghèo khó, sự đau ốm bệnh tật, và hạnh phúc gia đình... Từng câu thơ đa nghĩa cứ ám ảnh,  khiến ta day dứt không yên."

                              (Lê Đình Thắng)

 

"Vẫn là tình cảm đằm sâu, một niềm thương vợ đến xót lòng của người chồng, nhưng ở đây lại  trong tình cảnh rất cụ thể đến chi tiết: Chồng ốm đau,  trong nhà đồng tiền đã cạn, với những bữa ăn thiếu thốn, khốn khổ. Bởi thế, căn nhà đã vắng tiếng ru con vì người vợ đang Thờ ơ ánh mắt héo hon nụ cười...

Bài thơ rất kiệm lời, nhưng có lẽ cũng vì vậy mà người đọc lại càng đồng cảm được nỗi xót xa cay đắng nhiều hơn cùng tác giả."

                        (Nguyễn Hoàng Mai)

 

BAO GIỜ LẠI ĐẾN… NGÀY XƯA?

 

Bao giờ lại đến... ngày xưa

Ta cùng trẻ lại ngây thơ vụng về

 

Vô tư tôi hát em nghe

Em hồn nhiên đến say mê, dại khờ

 

Bao giờ lại đến... ngày xưa

Buồn đau chưa có, nắng mưa chưa từng

 

Em trong trắng đến vô cùng

Tôi trai tráng và trẻ trung không ngờ

 

Bao giờ lại đến... ngày xưa

Em xinh đẹp lắm mà chưa có chồng

 

Để tôi cứ ước cứ mong...

Rằng em để ý mình không mà chờ

 

Bao giờ lại đến... ngày xưa?

1987

 

"Tôi và nhiều bạn đọc cũng giống như Nhà thơ Đặng Vương Hưng có những "ngày xưa" trong trẻo, hồn nhiên, những ngày xưa không thể trở về. Nỗi ước mong "Bao giờ lại đến..." là một hành trang (càng xa "ngày xưa" càng thêm giàu có), để mọi người cùng trân trọng, cùng yêu, sống và khát khao..."

                            (Trương Nam Hương)

 

"Tứ thơ chạm phải cung bậc trầm buồn. Bài thơ được nhiều người yêu thích đến thuộc lòng có lẽ cũng bởi ai cũng biết rằng: sẽ chẳng "Bao giờ lại đến ngày xưa". Bởi vậy, người ta sẽ còn mơ ước và vì thế - sẽ còn thuộc thơ Đặng Vương Hưng."

                            (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

"Cái gì tuột khỏi tầm tay cũng thấy tiếc nuối. Thời gian sẽ bào mòn nhan sắc và tình yêu. Ước mong "Bao giờ lại đến... ngày xưa" của Đặng Vương Hưng cũng là mong ước của bao người.

Nhưng vì chắc chắn không ai thực hiện được điều mơ ước nói trên, nên "Bao giờ lại đến... ngày xưa" chỉ là khát vọng của muôn đời về cuộc sống và tình yêu."

                                          (Minh Hằng)

 

“Bài thơ viết chuyện ngày xưa / Đọc xong lại thấy như vừa hôm qua / Bao nhiêu thương nhớ ùa ra / Bao nhiêu kỷ niệm chưa xa lại về / Tứ thơ lai láng tràn trề / Cho ta trở lại cận kề… ngày xưa”.

                                  (Nguyễn Đình Trọng)

 

"Quá khứ trong mỗi con người thường trở về bất chợt, lãng đãng như  sương chiều buông, mà thật rõ nét người mình nhung nhớ, của một thời mộng mơ...  Yêu đấy, nhưng lại không dám nói cùng em, để rồi lúc xa lại nhớ thương đến nao lòng. Chao ơi, mới hay tình yêu sống trong tâm hồn ta dai dẳng mà trẻ trung, vững bền đến vậy: "Bao giờ lại đến... ngày xưa" nhỉ?"

                          (Nguyễn Hoàng Mai)

 

"Có thể đổi lại "tít" của bài thơ này là "Thơ tình tặng những người cao tuổi". Bởi tình yêu không chỉ là của riêng tuổi trẻ. Nó là thứ "Quà tặng của Thượng đế", dành cho tất cả mọi người, kể cả những ông lão, bà lão lưng đã còng và tóc đã bạc phơ. Khi người ta còn sống là còn cần được yêu!"

                             (Lê Đình Thắng)

 


LỖI HẸN...

 

Hẹn em

Quên chẳng hẹn trời

Đêm qua mưa gió

Ướt  lời hẹn nhau...

(Ta khờ lắm, biết gì đâu!

Để ai hờn giận,

Ai rầu vì ai?)

 

Tập xa nhau

Mãi chẳng thành

Lại càng thương nhớ

Lại đành phải yêu!

Em ơi đừng nhắc ta nhiều

Đừng nói “yêu” nữa

(Bao nhiêu cho vừa!)

 

Thôi mà!

Chỉ tại gió

Mưa...

Hạ 1995

 

"Thôi mà! chỉ tại... gió, mưa... Ai từng trong cái tuổi biết yêu chẳng có lần "lỗi hẹn". Hẹn đấy, vẫn nhớ đấy, nhưng làm sao anh biết được là trời đêm nay sẽ mưa? Và anh cứ nghĩ trời mưa thế này thì em cũng chẳng tới... khổ chưa!

Không phải vì mưa "Ướt lời hẹn nhau" đâu, mà là nước mắt giận hờn đấy. Đừng có loanh quanh hết đổ cho tại trời mưa, lại "Tập xa nhau"... Chàng trai đã"vụng chèo khéo chống" đến thế là cùng. Thật may, các cô gái vốn giàu lòng vị tha, nên "chàng đà nhận lỗi em đành bỏ qua". Nhưng nếu điệp khúc "gió mưa" quá nhiều, coi chừng bão táp phong ba sẽ nổi lên đùng đùng cho coi!"

                                                                (Nguyễn Hoàng Mai)

 

"Không có lời thanh minh nào dễ thương hơn. Ai nỡ giận hờn chỉ tại gió mưa? Nhưng gió mưa đôi khi lại chỉ là cái cớ để người ta  từ chối nhau, để thay lời nói thật.

Bởi thế, cũng có thể coi bài thơ này là một lời nói dối ngọt ngào dành cho những người đang yêu."

                                          (Hoài Hương)

 

"Chàng trai tự nhận rằng mình "khờ lắm", nhưng những lời anh ta thanh minh lại chẳng khờ chút nào.

Nếu tôi là cô gái trong bài thơ, thì sẽ chẳng tha thứ cho chàng trai. Vì "gió mưa là chuyện của trời" chứ!"

                                          (Minh Hằng)

 

“Lời hẹn ướt hết còn đâu / May mà chẳng phải… qua cầu gió bay / Cho nên con gái thời nay / Nếu tin thi sĩ, có ngày thành… thơ!”

                                                                      (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Cả một nghệ thuật tiềm ẩn trong cái sự quên: Chẳng hẹn trời. Người đàn ông đã rất “ranh ma” trong cái tặc lưỡi đáng yêu: Thôi mà, chỉ tại gió... mưa...

Tôi tin rằng chàng thi sĩ đã hơn một lần như thế, nếu là một phụ nữ bình thường thì hẳn sẽ không thể nào chấp nhận được! Nhưng là một người đang yêu thì... lại đành phải yêu thôi”.

                              (Nguyễn Bích Hạnh)

 

MỘT MÌNH

 

(Đêm nay một mình giữa phố

Một mình công viên

Một mình trăng lên...)

 

Gió thổi cho cánh hoa gày

Chẳng tặng ai

Héo trên tay mình cầm

 

Câu thơ đọc mãi suông tình

Một mình nghe

Lại một mình lặng im...

1986

 

"Hóa ra một người nhiều khi còn quan trọng hơn cả thế giới!  Sự cô đơn đến tuyệt vọng thường có ở những người sống hướng nội. Tôi luôn trân trọng và yêu quý những giây phút tái tê nhưng thật lòng này”.                                            (Minh Hằng)

 

 “Tôi muốn thay một chữ ở câu mở đầu của bài thơ này – ấy là chứ  Phố” thành ra chữ “Gió”. Tại sao ư? Tôi cũng muốn “bơ” hẳn câu thơ thứ hai của bài thơ này! Tại sao ư?

Có lẽ tôi đã mơ hồ cảm thấy tác giả đang ở đâu đó, trong hồn ai đó – Chứ không phải giữa phố, lại càng không phải công viên, dù là công viên Thủ Lệ đi nữa... Bạn thử đọc lại mà xem!

Bây giờ thì tác giả mới thật là bơ vơ - Chả nghe thấy “Câu thơ... suông tình” nào cả - Hình như chỉ còn có tiếng gió từ mãi... 15 năm trước thổi về!”

                                  (Hoàng Nhuận Cầm)

 

“Ba câu thơ và cũng là ba khổ thơ được tách ra, cách điệu trong biến tấu của lục bát, đã tạo nên sức nặng vô hình, khiến ta cảm nhận được. Và đêm như thêm dài hơn, hoang vắng hơn, ánh trăng cũng vô duyên vì nhạt nhẽo biết nhường nào. Tất cả chỉ bởi một lý do: Không có em ở bên anh”.

                                             (Hoài Hương)

 

"Một mình, cho nên khổ thơ lẻ, câu thơ cũng lẻ;  người đã  cô đơn, hoa cô đơn và câu thơ cũng cô đơn.

Ba câu thơ khổ đầu tiên của bài được cố ý ngắt rời, lạc điệu với thể lục bất xưa nay, đã tạo cho người đọc cảm giác bất ổn, lỡ cỡ trong tâm trạng của con người luôn hoang mang vì sự nhỏ bé trước thế giới quanh mình... Điều đó đã góp phần càng làm tăng thêm cái tứ thơ và chủ định tác giả muốn diễn đạt: Một mình và lẻ loi!"    (Nguyễn Thị Thanh Ngân)

"Trong đời ai cũng có lúc một mình, song khoảnh khắc “Một mình” như của ĐVH thì không phải ai cũng có. Đây là khoảnh khắc nhân vật trữ tình cảm thấu tận cùng nỗi cô vắng của không gian, nỗi đau thầm lặng của bông hoa trong thời khắc héo tàn và nỗi cô đơn trơ trọi, nhưng thanh cao của… chính mình.

Có lẽ vì vậy mà tôi như bỗng nghe thấy những viên sỏi rơi rơi khô khốc trong hồn thi nhân.”

                                       (Phạm Hồng Len)

 

 “Đó là sự khát khao sống vì lý tưởng, khát khao được dâng hiến của một con người đơn độc trước sự biến đổi vô cùng của thế giới mới, là khao khát siêu hình, lặng lẽ và tỏa sáng trong thinh lặng.

Có cảm giác nhà thơ đang một mình làm chủ cả khoảng không gian rộng lớn... để rồi lại tự buông mình trôi trong huyễn hoặc của cuộc đời.

                            (Nguyễn Bích Hạnh)

 

"Tôi như nghe thấy tiếng gió và thấy ánh mắt buồn của thi nhân nhìn bông hoa đăm đắm.

 Bông hoa dù đẹp đến đâu, nhưng đã trót cầm trên tay mà không được tặng ai thì cũng cô đơn mà khô héo dần cùng với sự hiu hắt một mình của chủ nhân..."

                                           (Vũ Nho)

 


GỬI NGƯỜI TRONG MƠ…

 

Nếu như em chọn một người

Chắc gì may mắn mỉm cười với anh!

Dẫu là hy vọng mỏng manh

Tình yêu ấy vẫn luôn dành cho em...

 

Như là rượu đã say men

Như là trai gái khát thèm có nhau

Bây giờ và cả mai sau

Em luôn là mối tình đầu nơi anh...

 

Rút thăm? - Như thế sao đành!

Một đa tình, một chung tình... Ai đây?

Một cuồng nhiệt, một đắm say

Nửa yêu là giận, nửa ngày là đêm

 

Trong mơ thầm gọi tên em

Đêm xuân này chín ngọt mềm bờ môi

Nếu như phải chọn một người

Chắp tay anh sẽ lạy trời: Đừng ai!

 

Xuân 1997

 

"Bài thơ là câu chuyện tình yêu của chàng thi sĩ đa tình. Anh có lỗi gì đâu khi anh yêu nhiều mà vẫn chung tình với mối tình đầu. Nàng Kiều xưa cũng vậy thôi...  Điều đáng quý ở chàng thi sĩ là sự chung tình và trung thực. Người ta thường không muốn lựa chọn, nhưng oái oăm thay nhiều khi vẫn phải làm điều ấy. Người con gái vì một lý do nào đó đã phải khước từ... nhưng làm sao có thể quên anh được!"

                                     (Phạm Hồng Len)

 

"Người đẹp vẫn thường là người trong mơ. Trong mơ ấy lại chính là người mà ta thương vụng nhớ thầm (dù là đơn phương), thì còn gì sung sướng cho bằng. Thật hạnh phúc cho cô gái nào được một chàng trai say đắm và chung tình như  vậy! Làm sao mà nàng lại nỡ khước từ  chàng được đây?"

                                   (Nguyễn Hoàng Mai)

 

"Khi mơ người ta thường sống thực với lòng mình. Và chỉ có trong mơ, tất cả những điều mơ ước đều có thể trở thành hiện thực. Khao khát về một tình yêu đẹp, đó là mơ ước của mỗi con người mà tạo hóa đã ban cho.

Và như thế, bài thơ này là một giấc mơ tình yêu của chàng thi sĩ. Nó vừa hư ảo lại vừa cụ thể rõ ràng. Nó giống như trong cuộc đời, có những điều ai cũng ngỡ như có thật, nhưng lại chỉ là ảo ảnh từ một giấc mơ..."                         

                                               (Hoài Hương)

 


THẮP ĐÈN

 

Giữa ban ngày thắp đèn lên

Ngọn lửa cháy suốt đêm đen chợt về

 

Dù bao nhiêu nắng ngoài kia

Không bằng một ngọn đèn khuya sáng trời

 

Lãng quên ngày tháng đánh rơi

Ngọn đèn leo lét.  Ngày ơi vẫn còn

 

Nếu thơ tôi ít vui buồn

Xin cho được cả tâm hồn cháy lên!

 

Ban ngày thắp một ngọn đèn

Tôi ngồi giữa những đêm đen quanh mình...

 

(Những đêm đen vẫn rập rình

Mang tăm tối đến cố tình tặng tôi)

 

Đừng tắt nhé, ngọn đèn ơi!

Dù đất còn gió, dù trời còn mưa

 

Lửa lòng cháy giữa ban trưa

Tôi cầu mong những ước mơ hiện về...

 

Năm 1987

 

"Bài thơ có cấu tứ lạ. Đọc lên có cảm giác mong manh, thấp thỏm và lo lắng không yên.

"Thắp đèn" hay thắp lên một niềm tin, một niềm hy vọng, thắp lên lòng dũng cảm và tự tin, giữa bóng tối đầy bất trắc của cuộc đời đang rình rập và giăng bẫy trong mỗi con người?"

                                        (Hoài Hương)

 

"Ngọn đèn này thật cần thiết với mỗi chúng ta, cho dù ngay giữa ban ngày và dù đã có bao nhiêu ánh nắng mặt trời vẫn không thể thay thế được.

Đó là niềm tin vào những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời; là nỗi khát khao được sống và được yêu hết mình như ngọn lửa và ánh sáng.

Và đó cũng chính là sự chiến thắng của Cái thiện với Cái ác."

                                (Lê Đình Thắng)

 

"Ngọn đèn và những ước mơ, phải tự thắp lên tự khẳng định lý do tồn tại.

Bản thân khát vọng sống cũng như những ngọn lửa có khát vọng được cháy lên giữa cõi nhân sinh."

                       (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

"Thắp đèn giữa ban ngày là sự lạ. Đó là ngọn đèn của tâm thức, hoài niệm, tin yêu...

Với Nhà thơ, ngọn đèn ấy không được quyền để tắt."

                          (Trương Nam Hương)

 

“Tại sao giữa ban ngày lại phải thắp đèn lên? Có phải vì Những đêm đen vẫn rập rình?

Ngọn đền, hay là mục đích, là ý nghĩa của cuộc sống mà tác giả mong muốn đạt tới?

Một hình ảnh ẩn dụ thật sâu sắc và nhiều ý nghĩa!”

                          (Bùi Tuyết Nhung)


 

TRẺ CON Ở XÓM BỤI ĐỜI

 

Chưa lớn thì đã phải già

Dẫu còn cha mẹ vẫn là... mồ côi

Trẻ con ở xóm Bụi Đời

Như cỏ dại dưới nắng trời hoang vu...

 

Bây giờ chưa đến mùa thu

Vành trăng tròn trặn hình như xa vời

Đêm đêm ở xóm Bụi Đời

Hồn nhiên chúng vẫn hát, cười như không

 

Có ai ra ngõ mà trông

Mai này làm vợ, làm chồng người ta

Mai này làm mẹ, làm cha

Sinh con đẻ cái... làm bà, làm ông

 

Mai này... ai có biết không?

1-2000

 

"Hầu như trong những xóm nghèo, những đứa trẻ suốt ngày lo cho mình miếng ăn là chính, nên chúng trông lam lũ: "Chưa lớn thì đã phải già / Dẫu còn cha mẹ vẫn là mồ côi". Chúng lang thang trong mọi xó xỉnh bới rác, lượm ve chai... Nhưng chúng vẫn phải sống, chúng vẫn lớn lên "Như cỏ dại dưới nắng trời hoang vu", chúng vẫn vô tư yêu đời trong cái xóm Bụi Đời mà ca hát, mà nói cười như không... Khiến cho người lớn phải day dứt."

                            (Nguyễn Hoàng Mai)

 

"Một ánh nhìn ám ảnh phía cỏ dại mọc tua tủa sau mưa. "Trẻ con ở xóm Bụi Đời" được thể hiện không chỉ bằng những lời thơ thương cảm mà lay động niềm xót  xa nhân ái."

                        (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

"Hai khổ thơ đầu chỉ là tả, là kể, để người đọc phải chép miệng, cảm thương: Thì ra kiếp bụi đời là khốn khổ vậy đấy, biết làm sao...

Khổ thơ thứ ba mới làm ta thật sự kinh hãi: "Có ai ra ngõ mà trông?" Trông thấy gì? Viễn cảnh ư? Hay tương lai?

Một bức họa như không màu, không đường nét nhưng cứ nhập nhòa phía trước. Tác giả không bình luận điều gì, cũng không giải đáp. Nhưng tất cả những cái "không" ấy lại buộc ta phải suy nghĩ chẳng yên."

                                  (Hồ Thuỷ Giang)

 

"Có thể coi đây là một "phóng sự bằng thơ", với những mảnh đời hiện lên rất chân thực, cụ thể và tội nghiệp. Với hai dấu ba chấm rất đắc địa ở  hai câu kết, tác giả đã cho người đọc cảm nhận giữa những khoảng lặng ngập ngừng và sự đợi chờ, hy vọng một niềm tin cháy bỏng vào một sự đổi thay tốt đẹp.

Bài thơ kết thúc bằng một dấu hỏi (?) đúng theo lôgíc của nhiều bài phóng sự, càng làm cho những mảnh đời "như cỏ dại" luôn là sự day dứt và nỗi ám ảnh không chỉ riêng ai."
                                                  
(Vũ Thị Tú Anh)

 

"Không có ai cha mẹ sinh ra đã trở thành người lớn ngay lập tức. Mọi người lớn đều đã từng là trẻ con. Người ta thường bảo "trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai". Và "Trẻ con ở xóm Bụi Đời" cũng là một phần của "thế giới ngày mai"... Nhưng "thế giới" ấy bây giờ đã vậy,  rồi sẽ ra sao?

Bài thơ là một câu hỏi lớn, đầy nhân văn."

                                    (Lê Đình Thắng)

 


TẶNG MỘT SƯ NỮ...

 

Thất tình, em bỏ đi tu

Để chùa thêm một nhà sư trốn đời

 

Chỉ thương mái tóc em thôi

Dài, đen, óng mượt... Hết rồi còn đâu!

 

Bỗng nhiên lòng cứ nhói đau

"A di đà phật"! - Nghe câu em chào...

 

Bồ Tát - Người ở nơi nao?

Cứu khổ, cứu nạn đã bao kiếp người

 

Về đây - Xin một lần thôi

Để cho mái tóc em tôi lại dài...

 

Tháng 12-1997

 

“Có những bài thơ ta có thể đọc đi đọc lại. Nhưng bài thơ này giống như... "một nén nhang đã thắp", tôi chỉ dám đọc một lần thôi! Mái tóc đen óng mượt  của sư nữ có thể lại dài... Nhưng cuộc đời của một nén nhang không thể đỏ hai lần!

Bởi vậy, tự dưng thấy vừa sợ lại vừa thích được vào chùa!”

                          (Hoàng Nhuận Cầm)

 

"Vẫn biết đi tu là phải quên hết lòng trần. Nhưng ở chùa thì không phải ai cũng có mục đích giống nhau. Thế mới có chuyện nhiều kẻ "chán đời" và muốn "trốn đời" thì bỏ nhà vào chùa làm sư!

Nhưng mà, vị sư nữ này chắc hẳn phải đẹp lắm (mô phật!), đến nỗi nhà thơ vốn đa tình đã không cầm lòng được, mới buông lời chọc ghẹo đấy thôi."

                               (Lê Đình Thắng)

 

"Bài thơ có được cách nói kín đáo, tế nhị là nhờ mái tóc sắm đạt vai trò một cái cớ. Mới hay cái sự đi chùa, người ta (a di đà phật, cầu giời chỉ có các thi nhân) cũng nhiều lý do lắm đấy."

                          (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

"Một sự ân hận muộn màng, hay tiếng lòng của một kẻ đa tình và đa đoan. Nhưng cũng có thể là một sự xót xa đồng cảm với nỗi đau, mất mát của tình duyên.

Lời thỉnh cầu ngỡ như hết sức đơn giản "Để cho mái tóc em tôi lại dài" lại chính là biểu hiện của tình yêu và hạnh phúc của người con gái. Thương nhiều, thương lắm đấy sư nữ ơi!"

                                   (Hoài Hương)

 

“Xa lánh cuộc đời và đến với cửa phật chỉ là hình thức chạy trốn chính mình của những tâm hồn yếu đuối, luôn sầu cảm và bất hạnh.

Nhưng ngộ nhỡ sư nữ hiểu được tình cảm của chàng thi sĩ giành cho riêng mình thì... Bồ Tát buồn lắm đấy!"

                           (Bùi Tuyết Nhung)

 

“Tình yêu chẳng phải chuyện đùa!

 Hình như ai đó bỏ bùa… nhà thơ?”

                              (Nguyễn Đình Trọng)

 

"Nguyên nhân của sự thất tình này, biết đâu lại chính là từ... Nhà thơ. Bởi lẽ, tác giả đã tỏ ra khá cặn kẽ từ cái thời "sư nữ" (bây giờ), "em tôi" (ngày trước)...

Nhưng thôi, tìm hiểu nguyên do ấy làm gì! Chỉ biết rằng sẽ chẳng có Bồ Tát nào nghe lời thỉnh cầu của Nhà thơ cả. Tôi trộm nghĩ: Biết đâu, khi đọc xong 10 câu thơ  rất ngắn và rất lẳng này, "mái tóc em tôi lại dài" ngay tức khắc!"

                              (Trương Nam Hương)


 

HÌNH NHƯ...

 

Hình như ai đã bỏ bùa

Để cho sư nữ trốn chùa theo ai?

 

Hạnh phúc như tiếng thở dài

Trời cao chỉ thấu một vài người thôi.

 

Thế là chú tiểu có đôi

Nhện giăng tơ kín cả nơi cửa chùa!

 

Sư ông ngày ấy bây giờ

Bỗng quên kinh kệ ngồi mơ chiều chiều...

 

Hà Nội, 11-1999

 

"Còn "Hình như" gì nữa! Bài thơ thật táo bạo, vì đã giám "tấn công" vào nơi cửa Phật... Dẫu biết chốn trần gian là "bể khổ", và tình yêu cũng chỉ là đau khổ; nhưng chẳng có biên giới nào ngăn nổi tình yêu trai gái. "" xuất hiện trong tất cả ngõ ngách của cuộc sống, (kể cả chốn tôn nghiêm!).

Cũng bởi thế, tình yêu là đề tài mà thi ca không bao giờ nói hết."

                            (Trần Nhật Thu)

 

"Đã quy y cửa phật là tìm về cõi Tâm-Linh. Nhưng chùa lại nằm ngay giữa cõi tục. Muốn đạt đến "Linh" mà không thoát được "Tâm" thì khó lắm thay.

Mỗi cặp lục bát trong bài cứ nhẹ như không mà vẫn đủ sức nặng để chuyển tải cái triết lý sống muôn đời Tâm-Linh ấy."

                        (Nguyễn Trần Thái)

 

"Trời đất đã sinh ra con người có trái tim, nên không ai có thể vô tình, vô cảm trước sắc dục và tình yêu. Dù họ là đàn ông hay đàn bà, nếu tự làm khác đi, cũng có nghĩa là sai với quy luật của muôn đời.

Cảm ơn nhà thơ đã có thêm một định nghĩa thú vị cho đời: Hạnh phúc như tiếng thở dài / Trời cao chỉ thấu một vài người thôi".

                                        (Hoài Hương)

 

"Bài thơ không nói một chữ "yêu", nhưng tình yêu và những hệ luỵ đa đoan của nó có một sức công phá tự nhiên. Và, sư ông xuất hiện ở cuối bài như xác nhận quy luật xanh tươi của tạo hóa."

                      (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

“Hình như… chuyện ấy thật rồi!

  Sư ông, sư nữ hóa… đôi bướm hồng

 Chuyện tình nhẹ tựa như không

 Ngẩn ngơ bao kẻ ngồi mong… chiều chiều”…

                             (Nguyễn Đình Trọng)

 

"Những câu thơ của một tâm hồn thấm đẫm chất dân ca của miền đất cổ Kinh Bắc.

Cái hay của bài thơ là vừa nói những gì cụ thể, lại vừa không cụ thể. Chợt nhớ câu thơ của Muýtxê: Chỉ có cái đói và tình yêu ngự trị trên Trái Đất".

                                   (Đoàn Tuấn)

 

"Nhà chùa là nơi thanh tịnh, thâm nghiêm dành cho việc thờ Phật. Nhưng tình yêu thì lại có sẵn trong mỗi con người, chẳng ai ngăn cấm và trì hoãn được. Nhất là khi nó có thời cơ và điều kiện (kể cả chủ quan và khách quan). Cho nên:

 "Sư ông ngày ấy bây giờ

 Bỗng quên kinh kệ ngồi mơ chiều chiều...

Cũng là điều dễ hiểu!

Theo tôi, đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của Nhà thơ Đặng Vương Hưng."

                               (Lê Đình Thắng)

 

 

VƯỜN XƯA…

 

Khói hương mờ ảo cuối mùa

Núi cao ngăn tiếng chuông chùa bay xa…

 

Sư không mặc áo cà sa

Xuống đồng cày ruộng như là nông dân

 

Tụng kinh chú tiểu đánh vần

Bao nhiêu tượng Phật cởi trần ngồi nghe

 

Vãi già mải quét lá tre

Còng lưng chẳng biết mùa hè đâu đây

 

Vườn xưa lặng lẽ hao gầy

Trời xanh ngơ ngác một bầy chim non…

 

Tháng 8-2001

 

“Bài thơ viết về thời đã qua mà như muốn mơ về một thứ ta muốn được có trong tương lai. Cõi ấy thực thanh bình và thanh lịch. Nhưng tất cả đã đóng lại trong một không gian khép kín không vướng bụi trần. Dường như vì đang phải sống trong một thành thị chật chội, ô nhiễm, phù hoa và quá đậm màu sắc dục, nhà thơ cứ ấp ủ mãi trong tâm trí mình một Niết bàn có thể chưa từng có, nhưng lúc nào cũng gợi cho anh một cảm giác nuối tiếc, nuối tiếc đến độ “Trời xanh ngơ ngác một bầy chim non”.

                             (Hồng Thanh Quang)

 

Vườn xưa là một Cõi mà ở đấy sự phai mờ và hoán đổi đang diễn ra…

Thời của Vườn xưa là thời truân chuyên khó nhọc. Trải từ “mờ ảo cuối mùa” tới “lặng lẽ hao gầy”.  Phải chăng, bởi thế, nhờ thế mà cái mầm sống mới đầy yêu thương, hy vọng này đã xuất hiện: “Trời xanh ngơ ngác một bầy chim non”…

Tình của Vườn xưatình chân”.

                                     (Đỗ Trọng Khơi)

 

“Bài thơ như một bức vẽ động, phác họa lại khung cảnh quá khứ. Một bức tranh đầy đủ cả không gian và thời gian, với sự chuyển động không ngừng của cuộc sống: Khói hương, tiếng chuông chùa, sự lao động của con người, tiếng tụng kinh của chú tiểu, tiếng chổi của vãi già...

 Hai câu kết càng làm tăng thêm cái sâu và cái lặng của khu vườn trong ký ức bỗng bừng thức và loé sáng”.

                                   (Hoàng Bảo Châu)

 

THƠ VIẾT Ở QUÁN BIA HƠI...

 

Thế là công việc xong rồi!

Thở phào ta kéo ra ngồi quán bia

 

ồn ào náo nhiệt thế kia

Bình dân phải quán vỉa hè mới vui

 

Giữa nắng gió với đất trời

Nào ta nâng cốc tự mời mình đây

 

Mặc cho ai tỉnh ai say

Ta xin cạn vại bia này cùng nhau

 

Uống đi cho hết buồn rầu

Cho niềm vui ở thật lâu với mình!

 

Đầy vơi đâu chỉ nghĩa tình

Mượn bia say khướt mãi hình bóng ai...

 

Mùa hạ 2000

 

“Người xưa buồn, rượu uống một mình, đếm bóng mình với bóng trăng là mấy kẻ tri âm.

Thời nay hiện đại rượu, hiện đại bia... hiện đại cả nỗi buồn và cách tâm sự với chính mình. Chỉ có thiên nhiên là như cổ, như xưa và nỗi buồn xưa xin ở lại chứ không nỡ rời đi... Chỉ có tâm hồn thi sĩ mới say mê với nỗi buồn ấy.

Ôi! Cốc bia hơi cho hình bóng người anh yêu và mơ tưởng - đâu phải ai cũng một lần trong đời”.

                                          (Lê Kim Giao)

 

“Tình yêu như thể men nồng / Nếu không có nó thì không có đời / Thơ viết ở quán bia hơi / Có bao hương vị, ngọt, bùi, đắng, cay…”

                            (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Tôi cứ nghĩ uống rượu mới là thơ. Còn bia thì tân thời quá, lại nhanh nữa, khó thành thơ lắm! Bấy nay, người ta chỉ lấy chuyện bia để làm thơ tếu táo cho vui. Thế mà ĐVH lại có “Thơ viết ở quán bia hơi” nghiêm túc để bày tỏ nỗi lòng mình thì thật tài.

Có đọc kỹ mới biết thi sĩ đã uống bia một mình giữa đất trời và nắng gió. Anh chỉ mượn bia để say một bóng hình người đẹp. Cái phóng khoáng trong cảnh uống bia bây giờ hóa ra cũng sánh được với “Bầu rượu túi thơ” của người xưa."

                                    (Hà Đức Toàn)

 

"Tưởng là để "xả hơi" sau một ngày làm việc căng thẳng, nhưng hóa ra tác giả chỉ mượn bia để... say người! Thế mới biết người đàn ông trong bài thơ cũng "nghiêm túc" đấy chứ (Không "say người" trong giờ hành chính cơ quan....).

Một cách tự "tiếp thị" mình khéo léo chăng?

                                    (Bùi Tuyết Nhung)

 

“Nhiều người đàn ông đã có thói quen “tự thưởng” cho mình vại bia hơi sau khi thở phào vì đã hoàn thành một công việc. Nhưng ĐVH còn “tự thưởng” ở mức cao hơn, mà vẫn rất thi sĩ: Mượn bia say khướt mãi hình bóng ai."

                        (Nguyễn Trần Thái)

 

“Cái thú uống bia hơi ở quán vỉa hè thì hầu hết các Quý anh, Quý ông đều không bỏ qua. Và hiện nay nhiều Quý bà, Quý cô cũng đã tham gia. Nhưng mỗi người lại tận hưởng một cách riêng.

Thật lạ và thú vị khi ta bắt gặp tứ thơ “Nào ta nâng cốc tự mời mình đây”. Thì ra vì tình, vì yêu, nên mới “Mượn bia say khướt mãi hình bóng ai”. Câu kết bất ngờ này đã lý giải cho cả bài thơ!”

                                         (Đắc Lê)

 

NHÀ TÔI...

 

Nhà tôi ở cạnh xóm Liều

Người thân ngại đến, bạn yêu ngại về

 

Láng giềng nửa phố, nửa quê

Chuyện trò văng tục, chửi thề... đã quen

 

Nhà tôi không số, không tên

Ngõ ngoặt, hẻm nhỏ, khó tìm đường vô!

 

Nếu thương, xin hãy làm ngơ

Đừng hỏi địa chỉ bây giờ... nhà  tôi

 

Sợ thơ buồn chẳng dám mời

Lo lũ mất ngủ cuốn trôi câu Kiều

 

Nhà tôi ở cạnh xóm Liều...

Thanh Nhàn, 12-1999

 

"Bài thơ là phép ứng xử của con người thi sỹ: ứng xử với cuộc đời lam lũ, với những người cần lao!

Không phải ai ở Xóm Liều cũng là người xấu. Nhưng cảm hóa được họ chính là một trong những phẩm chất quan trọng của nhân cách và nhân sinh quan trí thức".

                                     (Đoàn Tuấn)

 

"Nhà không số, phố không tên, lại đích danh gọi "cạnh Xóm Liều", địa chỉ thế... không hề gì nghi ngại. Cách tả thực pha ngoa dụ trữ tình đã tạo nên vẻ duyên dáng, dễ gây ấn tượng."

                         (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

"Không phải "Xóm Liều" là "liều lĩnh" đâu. Có thể tên khai sinh nó là "Xóm Lều". Nhưng là cái xóm nghèo lam lũ "nửa tỉnh nửa quê": không số nhà, ngõ ngoặt, nhỏ hẹp, khó tìm đường vào…

Người dân sống ở xóm này cứ ngỡ như họ đã quen buông tuồng và phóng đãng. Thậm chí có người còn cho họ là vô học vì "Chuyện trò văng tục chửi thề... đã quen", nên mới gọi là "Xóm Liều” chăng?

Nhưng thôi, bạn bè ơi, Nếu thương xin hãy làm ngơ".

                        (Nguyễn Hoàng Mai)

 

"Phố phường chật hẹp người đông đúc”. Nhà thơ thường là nghèo, nên có ở cạnh Xóm Liều cũng chẳng có chi là lạ. Nhưng Đặng Vương Hưng mà ở cạnh Xóm Liều thì đúng là… liều lĩnh thật!

Nhiều người không tin điều ấy là sự thật. Còn tôi, dù chưa có điều kiện kiểm chứng, nhưng tôi vẫn tin. Bởi những câu thơ lục bát ấy cứ ám ảnh, khiến người đọc không thể thờ ơ…”

                                    (Trần Huy Tản)

 

Có người bảo: nên đổi "tít" cho bài thơ này thành "Danh thiếp", bởi nội dung của nó có đầy đủ các yếu tố của một chiếc các vidít...

ấy là nói vui vậy, chứ quả thật tác giả đã rất giỏi hài hước và khôn khéo trong chuyện tự giới thiệu địa chỉ nhà mình với bạn đọc. Và những người hâm mộ nhà thơ cũng không trách cứ gì được, nếu như ai đó đã trót hỏi địa chỉ mà chưa nhận được lời mời tới thăm nhà... Lý do thật dễ thương và chính đáng: Sợ thơ buồn chẳng dám mời / Lo lũ mất ngủ cuốn trôi câu Kiều”.                              

                                   (Lê Đình Thắng)

 

NHỚ HẢI PHÒNG

 

Hải Phòng có một con đường

Để ngày mấy buổi em thường đi qua

 

Hải Phòng có một màu hoa

Để ai trót ngắm, khi xa nhớ nhiều

 

Hải Phòng có một thương yêu

Để tôi mong đợi những chiều trống không...

 

Biết là em đã có chồng

Vẫn còn tiếc một Hải Phòng riêng tôi

 

Sông thì đã Lấp lâu rồi

Cầu giờ cũng đã ngăn đôi hàng Rào

 

Đất thì rộng, trời thì cao

Bởi yêu tôi vẫn khát khao tìm về...

 

Tháng 12-1999

 

"Cảm xúc của người đàn ông trong bài thơ biến động không ngừng. Nó đi từ cái cụ thể đến cái mơ hồ., từ cái cầm được đến chỉ cảm được: con đường, màu hoa, thương yêu...

Hình ảnh người con gái như mờ dần, xa dần và khuất hẳn. Nhưng hình bóng của người yêu thì khuất mà không mất. Cô gái ấy đã nằm trong cõi lòng của người đàn ông. Bởi thế mà nhìn đất rộng, nhìn trời cao... nhìn đâu đâu cũng thấy bóng người thủơ trước. Bài thơ âu cũng cũng là chuyện muôn thuở của đời vậy."

                           (Nguyễn Quang Thiều)

 

"Có lẽ duyên cớ của bài thơ bắt đầu chỉ từ  chuyện "trót ngắm" ấy, rồi thì mọi điều như sự tất yếu đã diễn ra: Đợi chờ, nhớ mong, tiếc nuối... Thơ vỡ vạc, sinh thành ở giữa khoảng tưởng chừng "trống không" ấy. Và người đọc tìm đến sẻ chia, thương cảm đắp đầy.

Đọc "Nhớ Hải Phòng" của Nhà thơ ĐVH, tôi bắt gặp mối tình mình trong đó."

                              (Trương Nam Hương)

 

"Vì duyên cớ, có một Hải Phòng để nhớ. Dẫu sông đã "lấp", cầu cũng đã "rào"; nhưng màu hoa thì không phai nhạt, và con đường vẫn còn nguyên đấy, nên chi “những chiều trống không” là những chiều ắp đầy day dứt..."

                   (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

"Đây không chỉ là một nỗi nhớ đơn thuần. Nó là ký ức của một mối tình đẹp, là quá khứ đầy khát khao và mơ ước, cho dù năm tháng có qua đi...

Hải Phòng với nhà thơ không chỉ là một cõi nhớ, một niềm riêng vừa thực lại vừa hư, nhưng không phụ thuộc thời gian, mà Bởi yêu tôi vẫn khát khao tìm về."

                                  (Hoài Hương)

 

"Yêu đơn phương là nỗi buồn dai dẳng và một trong những điều bất hạnh nhất của con người.

 Hình bóng người mình yêu cứ hiển hiện trước mắt, muốn cố quên đi mà không được. Hình như càng xa vắng, càng buồn thì hình ảnh người mình yêu lại càng rõ nét hơn, muốn làm người ta tan nát cả cõi lòng.

Nhưng biết làm sao, tạo hóa đã như vậy: Muốn có hạnh phúc thì không thể không yêu!"

                     (Nguyễn Hoàng Mai)

 

 

            GỬI TỪ HÀ NỘI…

 

Gửi từ Hà Nội lá thư

Trời chưa se lạnh y như ngày nào

Đêm qua một trận mưa rào

Hồ Gươm xanh đến nao nao không ngờ

 

Gửi từ  Hà Nội đợi chờ

Nhà ai khép cửa hững hờ giàn hoa

Phố đông nườm nượp người qua

áo em mỏng quá làm ta ngỡ ngàng

 

Gửi từ Hà Nội thu sang

Cho người hôm ấy mấy trang thư tình

Người hôm ấy cứ  lặng thinh

Để ai gác bút,  một mình ngồi mơ...

Tháng 9-2000

 

"Bài thơ lành và giản dị. Mọi ý tưởng ngỡ như đã phơi trọn vẹn trên trang giấy. Nhưng còn có điều gì đó cứ xui tôi đọc lại - Hình như phía sau những câu chữ êm ả diễn tả một chuyện tình chả có gì là giông gió ấy, đã hiện hình một người trai quê chưa phai nét nồng hậu và chân thực.

Có lẽ tại ba khổ thơ đều bắt đầu bằng "Gửi từ Hà Nội" chăng? Hay tại câu lục bát đẹp tới mức thành cổ điển "Đêm qua một trận mưa rào / Hồ Gươm xanh đến nao nao không ngờ?"

                                                  (Anh Vũ)

                                

"Lời nhắn gửi bâng quơ, toàn chuyện mây gió, thời tiết, phố phường... đẩu đâu. Đúng là chuyện của một người... đang yêu!

Nhưng tâm trạng và tình cảm của người gửi mới là quan trọng. Đó chính là sự mong mỏi, đợi chờ và khắc khoải trước thời gian trôi đi vùn vụt...

Cho dù địa chỉ "người nhận" rất "mờ mịt" khó xác định, chỉ là một "người hôm ấy". Nhưng chớ coi thường, ắt sẽ có cô nàng nào đó "động lòng" và tự nhận ra mình "được gửi" cho coi!"

                                        (Hoài Hương)

 

"Bài thơ chứa đựng rất nhiều thông tin mà chàng trai đã kín đáo chuyển đến người mình yêu. Khổ thơ đầu, có thể "giải mã" là: hỏi thăm "em" có khoẻ không, nhớ giữ gìn, vì thời tiết sắp lạnh rồi, đêm lại thường có mưa... Khổ thơ thứ hai: Dù cho bao nhiêu cám dỗ của môi trường sống nơi phồn hoa đô hội, nhưng "anh" vẫn chỉ có mình "em", luôn nhớ "em" và  đợi chờ "em" thôi. Khổ thơ thứ ba: Giận hờn và trách móc...

Thật cảm động và hạnh phúc cho một "người hôm ấy" nào đó khi được đọc bài thơ này. Chỉ có mười hai câu lục bát, nhưng nó còn giá trị hơn cả ngàn vạn lá thư tình cảm bình thường!"

                              (Lê Đình Thắng)

 

“Như người đãi cát tìm vàng / Tôi liều xin thử lọc sàng… bài thơ /  Gửi từ Hà Nội… trong mơ / Như ngày xưa ấy tôi chờ… em tôi”.

                              (Nguyễn Đình Trọng)

 

"Bài thơ được kết thúc khá bất ngờ và thú vị: Khi mà chàng trai đã gửi cả mấy trang thư tình, nhưng "Người hôm ấy cứ lặng thinh"...  thật vừa đúng với với cuộc đời, lại vừa đúng với thơ.

Mới hay, những thi sĩ dẫu tài hoa đa tình đến mấy cũng nhiều phen phải "gác bút" khi thấy người đẹp cửa khép hờ, áo mỏng quá, đã phiêu diêu trong ảo mộng...

Cái tình chân thực đã tạo mạch cho thơ và thăng hoa tâm tưởng."

                                             (Duy Phi)

 

Ở TRỌ

 

Một mình ở trọ một đêm

Tôi nằm mường tượng phòng bên... hai người.

 

Đã lang thang nửa cuộc đời

Giờ tôi làm khách không mời nhà em.

 

Khách lạ cũng cố cho quen

(Như là ở trọ... thường xuyên ấy mà)

 

Em đi ở trọ người ta

Còn tôi thì trọ ngay... nhà mình thôi.

 

21-9-1999

 

"Lời lý giải vòng vo ở ba khổ thơ đầu, cũng chỉ nhằm  dẫn dắt tới khổ thơ cuối cùng: "Em đi ở trọ người ta / Còn tôi thì trọ ngay... nhà mình thôi". Câu thơ viết tưởng dễ dàng như không, nhưng đọc rồi mới thấy buồn và day dứt mãi.

Trên đời, có nỗi buồn chóng tan, nhưng có nỗi buồn không bao giờ tan. Theo tôi, cái buồn "ở trọ" nằm ở giữa - hiệu ứng với thành ngữ "Sống dở chết dở". Người ta ở trọ để mà sống, hay "ở trọ" để mà chờ chết... xét cho cùng cũng đều có cái hay, phải chấp nhận. Nhưng có một người "ở trọ" làm ta dở sống, dở chết thì mới thực là khổ vĩnh viễn - cái khổ bơ vơ của những kẻ phải "ở trọ" ngay trong nhà mình vậy."

                                   (Hồ Thuỷ Giang)

 

"ở trọ là một sự tạm bợ, là không chắc chắn, bền vững; nó kéo theo sự vô trách nhiệm với chính mình và với mọi người.

Đọc thoáng qua, bài thơ chỉ như một nụ cười buồn. Nhưng đọc nhiều lần, ngẫm nghĩ lại mới thấy hiện rõ một nghịch cảnh tái tê và đáng sợ "Em đi ở trọ người ta / Còn tôi thì trọ ngay... nhà mình thôi".

Phải chăng, nhà thơ muốn nói tới nỗi đau thầm kín trong sâu thẳm tâm hồn của những mối tình ngang trái?"

                                       (Hoài Hương)

 

"Cảnh tượng thật trớ trêu, mà cũng có khi chỉ là "mường tượng" ra thôi, "ở trọ" mang đậm sắc thơ triết lí. Nhờ thế, âm hưởng của bài thơ không chỉ dừng lại chuyện “trọ một đêm" cụ thể nào..."

                          (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

"Như là chẳng có gì: Một câu chuyện về một đêm ngủ. Nhưng cứ nao nao với người khách trọ lạnh lùng Còn tôi thì trọ ngay... nhà mình thôi".

                                           (Vũ Nho)

 

"Theo quan niệm của Phật giáo thì "sống gửi, thác về". Sống nghĩa là "ở trọ" dương gian. Vậy ai sinh ra cũng là ở trọ.

Lẽ thường, lấy chồng thì về nhà chồng ở. Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng tìm thấy hạnh phúc. Và theo cách gọi của Đặng Vương Hưng thì đó cũng là sự  "đi ở trọ người ta".

Nhưng trọ ở nhà người ta đã khổ. Trọ ở ngay nhà mình còn đáng sợ hơn nhiều.

Viết được những câu lục bát hóm hỉnh, ngỡ dửng dưng mà đau đớn đến tận cùng như thế kể cũng tài!"

                             (Nguyễn Trần Thái)



NỬA ĐÊM CHỢT THỨC

  

Nửa đêm chợt tỉnh giấc mơ

Thương nhà bên gái cập kê chưa gì

 

Có cô quá lứa nhỡ thì

Mỏi mòn trông đợi người đi không về...

 

Trai làng rời bỏ thôn quê

Lên thành phố bởi cơn mê sang giàu

 

Ngược xuôi buôn bán Tây, Tàu...

Nhọc lòng tìm cái không đâu suốt đời

 

Ra sân ngửa mặt nhìn trời

Tiếng gà giục sáng tơi bời đêm đông

 

Nhà ai còn gái muộn chồng

Đêm nay liệu có động lòng nhớ ai?

 

Cuối năm Canh Thìn

 

"Theo quy luật tâm lý, người ta nghĩ cái gì nhiều thường mơ về cái đó.

Hóa ra trong giấc mơ của chàng thi sĩ giàu lòng trắc ẩn lại là những phận-đàn-bà. Thương từ gái cập kê chưa gì đến những cô quá lứa nhỡ thì, cái kim thương của chàng trai quét một vòng di sóng để chỉ ra từng trường hợp cụ thể.

 Nhưng quan trọng hơn, từ đó đẩy lên một bước: Tìm ra được căn nguyên vấn đề - Những cô gái đáng thương đó là những cô gái không xấu, không khiếm khuyết; ngược lại họ còn thật tốt, thật đẹp; chỉ có những chàng trai nông cạn, mê sang giàu, mê thành phố đi tìm cái không đâu suốt đời mà ra.

Cái tốt, cái đẹp ngay bên mình mà chẳng biết, lại để mất đi, thật là uổng biết bao!"

                             (Trần Quang Đạo)

 

"Đọc  bài thơ, tôi đã bị hút vào nỗi đau của thi sĩ và sự ám ảnh bởi thân phận nghiệt ngã của những cô hàng xóm. Song, cái "chợt tỉnh giấc mơ" và cái "chợt thức nhìn trời" của Đặng Vương Hưng đã thấy vang lên hối hả những tiếng gà. Nửa đêm, nghĩa là mới canh ba, mà tiếng gà đã giục sáng tơi bời thì hẳn là sự không bình thường.

Xin được cùng nhà thơ, cùng tiếng gà cảm thấu ước mong ấm sáng nhanh lên những mảnh đời lạnh giá, thiệt thòi."

                        (Nguyễn Xuân Hồng)

 

“Trên đời này có biết bao nhiêu nỗi éo le với những thân phận đàn bà mà một nhà thơ không thể giải quyết nổi!

Tác giả nhìn lên trời là phải. (Chả nhẽ lại nhìn sang cái nhà đang có “người đi không về” ấy!)

 Rất may là anh đã nhìn lên trời, nên bài thơ vẫn giữ được sự trong sáng của lòng trắc ẩn”.

                             (Hoàng Nhuận Cầm)

 

“Chỉ mấy câu lục bát mà đã nói được biết bao hoàn cảnh, tâm trạng trong cuộc sống bươn chải, hối hả hiện nay.

Nửa đêm chợt tỉnh giấc mơ” – Xin được lưu ý “Giấc mê” chứ không phải “Giấc mộng hoàng lương” (kê vàng) – Thế là đồng cảm, và sự đa nghĩa của câu thơ đã làm người đọc xao động, trầm lắng... Để rồi chắc sẽ có rất nhiều người đang động lòng nhớ ai đó, chàng thi sĩ  ơi!”

                                      (Đắc Lê)



ĐÊM ĐÔNG

 

Một đời tìm kiếm đẩu đâu

Về làng lại thấy con trâu, cái cày.

Rạ rơm vẫn rạ rơm này

Đêm đông đốt  lửa khói bay ấm trời...

                                    Tháng 11-2000

 

"Bài thơ không nói tới cái rét, mà người đọc vẫn cảm thấy cái giá lạnh của một kiếp xa quê - cái lạnh từ trong tâm hồn con người.

Thân phận trong bài thơ là thân phận của một kẻ đi tìm ngọn lửa làm ấm nỗi cô đơn của mình. Nhưng cái ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn người đó lại chính là cố hương. Thế mà người đó đã không hề hay biết và đã bỏ nơi ấy mà ra đi.

Nhưng cuộc ra đi này là sự chuẩn bị để trở về. Không có, không có sự vô vọng trong cuộc tìm kiếm ngoài cố hương, thì không có sự nhận biết cuối cùng: "Rạ rơm vẫn rạ rơm này", mà bây giờ tỏa ấm cả đất trời..."

                      (Nguyễn Quang Thiều)

 

“Thoáng một chút lạnh lẽo gợi lên từ cái tên bài. Nhưng rồi, từ kẽ mạch của các câu thơ, hơi ấm dâng lên và dần dần lan tỏa... Với vũ trụ bao la, con người chỉ là một sinh linh nhỏ bé. Biết trở về với những gì thân thuộc, đó chính là cách để con người tìm được thế cân bằng cho cuộc sống riêng tư của mình.

Bài thơ bất giác gợi cho ta nhớ tới ý thơ của thi sĩ Nga Alếchxanđrơ Blốc. Quả là có lý khi ông cảnh báo: Con người đã thực sự sai lầm khi không nhận thấy rằng, điều kỳ diệu nhiều khi đang ở bên cạnh chúng ta.”

                                     (Phạm Khải)

 

“Đã đành khát vọng kiếm tìm hạnh phúc của con người là vô cùng vô tận. Tôi cũng vậy, ai cũng vậy. Và hình như ở đây nhà thơ cũng có tâm trạng ấy: Cứ mải tìm, mải kiếm mãi tít tận đẩu đâu, để một đời phiêu bạt, rồi "Về làng lại thấy con trâu cái cày". Nỗi niềm bên rạ, bên rơm, buồn vui cứ nao nao xen trộn vào nhau giữa cô đơn và lạnh giá...

Nhưng cũng còn may, khi ta bỗng phát hiện ra rằng: chỉ cần một chút rơm thôi, nhưng đốt lên cũng đủ ấm cả trời đêm đông.”

                       (Nguyễn Xuân Hồng)

 

"Đẩu đâu là một từ dân dã, một cách nói rất thôn quê. Chính điều đó đã làm tăng thêm sức nặng diễn đạt cho sự tìm kiếm gian lao, vất vả, khó nhọc nhưng vô vọng suốt một đời của người đàn ông đã ra đi từ quê mình, để rồi cuối cùng lại vẫn chỉ thấy "con trâu cái cày".

Cái lạnh trong thơ không chỉ là cái lạnh của trời đất và cũng không của riêng ai. Nhưng kỳ lạ thay, với khói bay của rơm rạ cũng đủ ấm cả bầu trời. Thì ra, đó là lửa của thơ và khói cũng của thơ. Chỉ có những người thi sĩ với tình yêu quê hương đằm thắm mới có đủ khả năng đốt lên ngọn lửa và làn khói huyền diệu ấy!"

                                          (Duy Phi)

 

 “Đêm đông đã được nhà thơ bóc tách hết phần đệm lót, để chỉ trong bốn câu lục bát gọn nhẹ mà gói được trọn vẹn biết bao điều... Trong cái trong trẻo tưng tửng của ca dao, hình như còn vương vấn một nỗi niềm khắc khoải không yên?”

                                      (Anh Vũ)

 

"Mở đầu bài thơ là sự  viển vông "đẩu đâu". Nhưng phần triển khai và câu kết lại là những chi tiết rất đời thực: Con trâu, cái cày, rạ rơm, khói lửa... Đó là những hình ảnh bình dị, thân thiết và ấm cúng biết bao. Một sự "tỉnh ngộ" tuy có muộn, nhưng rất con người...

 Chính vì vậy, giá trị của bài thơ đã được nâng lên một tầm cao vượt khỏi những câu chữ bình thường".

                              (Bùi Tuyết Nhung)

 


KHI EM THÊM MỘT LẦN CHỒNG

 

Thế là cây trúc còn xinh

Như ngày xưa ấy

Chúng mình

Mới yêu

 

Thế là mong nhớ bao nhiêu

Ta mang đánh đổi

Những chiều...

Ngẩn ngơ

 

Thế là thêm một tứ thơ

Tình tang, dang dở

Dại khờ

Hư không...

 

Khi em thêm một lần chồng

Ngập ngừng mây trắng

Trên đồng

Lại bay...

Tháng 5-2000

 

“Tứ thơ chênh vênh giữa cái còn và cái mất. Khổ cuối viết hay và nhuyễn về một dạng thức tâm hồn. Phảng phất ca dao và Nguyễn Bính, nhưng cách diễn đạt lại mang ấn tượng của Đặng Vương Hưng những năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi .”

                     (Nguyễn Trọng Hoàn)

 

"Tình tang - dang dở - dại khờ - hư không. Đúng là khờ thật! Hạnh phúc đã trong tầm tay lại còn để tuột mất, rồi ngẩn ngơ tiếc nuối.

Như cánh chim trời đã bay đi, không trở lại. Tình yêu cũng vậy, cứ ngập ngừng do dự mãi, sẽ chẳng bao giờ đến được...”

                                    (Hoài Hương)

 

“Trong chúng ta, ai mà chẳng có lần đánh mất một điều gì đấy thiêng liêng mà vĩnh viễn không tìm lại được...

Dù "Khi em thêm một lần chồng", Đặng Vương Hưng lại có thêm một tứ thơ mới, nhưng là dang dở, dại khờ, hư không... Có như vậy cũng chỉ là phù du, phù vân.

Ta bỗng ước mong sao cứ mãi "Như ngày xưa ấy / Chúng mình / Mới yêu"... Cuộc đời sẽ đẹp đẽ và thiêng liêng biết nhường nào!”

                            (Trần Nhật Thu)

 

“Ngỡ rằng lá trúc thôi bay / Hóa ra dang dở đong đầy hư không / Để ai thêm một lần chồng / Câu thơ nghẹn lại, trổ bông trắng trời”.

                             (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Tại sao không phải là "lại lấy chồng", "lại cưới chồng nữa", "theo chồng mới", "lại đi làm dâu" v.v... mà là "Thêm một lần chồng"? Chữ dùng thật đắt và không thể tìm ra một cụm từ đồng nghĩa nào hay hơn để thay thế.

"Thêm" nghĩa là đã từng có rồi, và "thêm" cũng có nghĩa là chưa chắc đã phải lần cuối cùng. Có bao nhiêu người đàn ông đã bước qua cuộc đời người phụ nữ ấy?

Nhưng dường như hạnh phúc vẫn quá xa vời. Bởi "thêm một lần" nữa cũng giống như lại thêm một sự "dang dở, dại khờ, hư không" mà thôi.

Bởi vậy, bài thơ kết thúc thật đẹp mà cũng thật buồn: Ngập ngừng mây trắng trên đồng lại bay..."

                                (Lê Đình Thắng)

 

LỤT BÁT ĐÔI CÂU

 

Không em cứ nghĩ ta thừa

Có em mới hiểu mình vừa mất chi

 

Gần em chẳng biết nói gì

Xa em ta lại tức thì huyên thuyên

 

Trước em ta hóa vô duyên

Sau em ai hiểu nỗi niềm ta đây?

 

Giận em cho tỉnh cơn say

Thương em cho bớt đắng cay nửa đời

 

Nhớ em ta hóa dở hơi

Quên em ta khóc và cười bằng thơ

 

Được em là chuyện... trong mơ

Mất em vĩnh viễn - Ta khờ quá thôi!

7-1997

 

Em được đưa vào thơ lục bát, với những khái niệm trái ngược nhau để cùng suy ngẫm: không; gần xa; trước sau; giận thương; nhớ quên; được mất...

Nhưng mà "Có ai tính được thua, còn, mất - Một tình yêu, một trái tim người" (Trịnh Thanh Sơn). Nói những chuyện đó cũng chỉ để nói một điều này thôi: Em là khát vọng một đời thi nhân!”

                                            (Vũ Nho)

 

Thời nào Lục bát cũng hay / Tuổi nào Lục bát cũng say mê hồn / Một câu là đủ bồn chồn / Huống chi câu trước lại dồn câu sau…

 Bồng bềnh Lục bát đôi câu / Mà mênh mông lắm, mà sâu thẳm tình / Đôi câu như bóng với hình / Như chàng với thiếp, như mình với ta…

 Đủ vần để viết bài ca / Đủ màu để vẽ sắc hoa diệu kỳ…/ Vịn vào Lục bát mà đi / Tình yêu sẽ chẳng ngại gì chông gai…”.

                             (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Bài thơ được chia mỗi khổ chỉ có hai câu. Nếu để ý, ta sẽ nhận thấy tác giả đã chơi chữ rất tài hoa bằng những cặp từ trái nghĩa đầu câu thơ.

Thì ra tạo hóa công bằng lắm, kể cả trong tình yêu của con người cũng vậy. Nhiều chuyện cứ hư thực và thực hư chẳng biết đâu mà lần: tưởng "" mà lại hóa "không"; "gần" mà hóa "xa"; ngỡ như "quên" rồi mà vẫn "nhớ"; tưởng là "thương" lại hóa "giận"... thậm chí là ngỡ là "được" mà lại là "mất"...

Và nguyên nhân của tất cả những sự "rắc rối" ấy chính là em - Một tình yêu thánh thiện mà con người ta thường phải suốt đời tìm kiếm.”

                                       (Lê Đình Thắng)

 

“Tôi đọc thơ lục bát và cũng đã thuộc khá nhiều bài thơ hay, thế mà bài thơ "Lục bát đôi câu" của Đặng Vương Hưng cứ ám ảnh tôi mãi.

Hình như tôi cũng vô duyên, dở hơi như tác giả đã viết? Và cũng như anh, muốn quên người xưa thì đành nhờ thơ vậy, chứ biết làm sao "Quên em ta khóc và cười bằng thơ".

Xin cúi đầu học Thánh Thán tiên sinh: Đọc những trang sách hay như thế, há chẳng sướng sao!”

                              (Trần Nhật Thu)

 

 

UỐNG RƯỢU Ở QUÊ
ĐÊM BA MƯƠI TẾT

 

Thắp nén nhang trước tổ tiên

Con xin nâng chén giữa miền quê xa...

 

Trước xin chúc thọ ông, bà

Sau xin kính mẹ, ơn cha đời đời

 

Bão dông lũ lụt qua rồi

Đồng quê mình có bời bời lúa, khoai?

 

Buồn vui từ những ban mai

Biết ai chia  sẻ cùng ai tháng ngày?

 

Dâng Xuân một chén rượu đầy

Tạ ơn trời rộng đất  dày cho yêu

 

Tết Tân Tỵ - 2001

 

 

“Chỉn chu, mức độ, có trước có sau: Thắp nhang rồi mới nâng chén. Chúc ông bà rồi mới chúc mẹ cha. Hỏi thăm mùa màng nhưng không quên bão lụt... Đang tuần tự nhịp nhàng, buồn vui chia sẻ như thế, bỗng hai câu kết được đảo phách khéo léo, bằng một phong độ rượu hào sảng: "Dâng xuân một chén rượu đầy".

Do được đặt đúng chỗ, nên dường như chữ "Xuân" quen thuộc đã sáng hẳn lên, mang lại cho bài thơ một thời gian và không gian mới. Thiên nhiên như đã hòa đồng cùng tâm hồn người để cùng chào đón khoảng thời khắc giao thừa và năm mới!”

                                         (Anh Vũ)

 

“Nếu không nghiện thì cũng phải là người sành rượu mới thấu được phép tắc tiên tửu, có trên có dưới như Đặng Vương Hưng. Đêm tất niên dù xa quê, bao nhiêu buồn nhớ được nghiêm lặng bái vọng trước bàn thờ tổ tiên. Khi rót rượu (rất nhẹ) nâng chén (cũng rất nhẹ) và mời (lại càng nhẹ nhàng hơn): "Trước xin chúc thọ ông bà / Sau xin kính mẹ, ơn cha đời đời".

Rượu quê cứ ngấm dần, ngấm dần... Tôi có cảm giác nhà thơ đã ngà ngà, song lại tỉnh táo đến say sưa, nhớ thương da diết với bao nhọc nhằn sương gió của ai ai, nơi những thôn quê xa tắp...

Và dường như men rượu đã thơm hòa vào xuân mới, sau lời thơ ăm ắp ân tình ấy.”

                          (Nguyễn Xuân Hồng)

 

“Một đứa con đi xa. Tết về thăm quê. Uống rượu chỉ là cái cớ để bày tỏ nỗi lòng mình trước quê hương, với người thân là ông, bà, cha, mẹ... Cái hiếu của đứa con đi xa trở về bộc lộ rõ nét: Với ông bà thì chúc thọ; với mẹ thì bày tỏ lòng thành kính; với cha thì  biết ơn. Hai chữ "đời đời" đã làm cho câu thơ như khắc ghi trong lòng mãi mãi.

Chén rượu quê ngày Tết không chỉ thành kính biết ơn, mà còn ghi nhận trách nhiệm, bổn phận của người con hiếu thảo.”

                             (Trần Quang Đạo)

 

“Đêm Ba mươi Tết với mỗi người dân quê Việt Nam đều thiêng liêng lắm. Dù có đi đâu, làm ăn xa đến mấy cũng cố gắng trở về sum họp gia đình. Đó là dịp để người ta tỏ lòng biết ơn tiên tổ, ông bà, cha mẹ; để nhìn lại một năm xem mùa màng làm ăn rao sao, người già ai còn ai mất, con trẻ lớn khôn thế nào...

Không hiểu sao, tôi cứ tin rằng chén rượu quê đầy ắp mà Đặng Vương Hưng "Dâng Xuân" là thứ rượu trắng thơm nồng, được nấu từ gạo nếp cái và chai rượu phải được nút bằng... lá chuối khô hái ngay vườn nhà. Thứ rượu được chưng cất từ mồ hôi mưa nắng ruộng đồng, từ sự tinh tuý của ngàn đời làng quê truyền lại...

Và nếu đúng như thế, một lần nữa xin được cùng nhà thơ nâng chén để  Tạ ơn trời rộng đất dày cho yêu".

                               (Lê Đình Thắng)


 

GIÁ NHƯ...

 

Giá như đời cũng như mơ

Bà Tiên, ông Bụt bất ngờ hiện ra...

 

Giá như trẻ mãi không già

Bỗng dưng thế giới toàn là bé con...

 

Giá như Trái Đất chẳng tròn

Trăng, sao, vũ trụ... có còn thế không?

 

Giá như chưa vợ, chưa chồng

Thì em liệu có bằng lòng yêu anh?

 

12-2000

 

 

“Ba cái “giá như” chẳng đâu vào đâu để dẫn tới cái “giá như” cuối cùng. Nghe cứ như là ngây ngây và gian gian, mà ngẫm kỹ lại không phải thế! Một kiểu tỏ tình có logíc rất độc đáo chăng?”

                                      (Hà Đức Toàn)

 

 

“Có một nhà triết học đã nói: “Mọi việc xảy ra ngẫu nhiên song mang tính quy luật”. Cái “đã rồi” thường khiến người ta tìm nguyên nhân, nên mới có chuyện “giá như”...

Thì ra, nhà thơ chỉ mượn câu thơ lục bát để nói về một chút  gì còn dằn vặt, còn vấn vương thay cho lời an ủi vậy thôi.

Vì vậy, cái “giá như” ở đây cũng đồng nghĩa với sự “nuối tiếc” và hoài cổ những gì đã qua?”

                             (Nguyễn Trần Thái)

 

“Bài thơ bắt đầu bằng một câu hỏi thú vị "Giá như đời cũng như mơ"? - Đương nhiên là Tiên và Bụt bất ngờ hiện ra rồi... Thêm cái "giá như" trẻ mãi đến nhát dừng lục bát để mở lòng lần đầu tiên "có còn thế không?", mới đẩy tới nút, cái chốn mở ngỏ ấy: "Thì em liệu có bằng lòng yêu anh?" - Hóm, duyên mà lại kín đáo!

Tác giả cứ như chàng lãng tử đang gióng lên "bản tình ca ngược" rằng thì là... ừ, "ngô nghê" đấy, nhưng là cái ngô nghê của kẻ đang gỡ gạc thời gian bằng hằng hà chi tiết "giá như".

Rốt cục khó dẫn nhất lại là lời yêu ngỏ. Muôn đời tình yêu là sự khao khát, và ca lên nữa đi Nhà thơ ơi, những "giá như" đáng yêu này!”

                                      (Trần Ngọc Lan)

 

“Giá như (chỉ giá như thôi)

 Vì em rất giống vợ tôi ở nhà

 Giá như (ví dụ ấy mà)

 Bỗng nhiên em lại chính là… vợ tôi?”

                            (Nguyễn Đình Trọng)

 

“Trong cuộc đời này có cả triệu sự vật và hiện tượng bạn có thể "giá như"để tự hỏi mình và hỏi người khác. Cái tài của tác giả là đã khơi mào cho những giả dụ, những câu hỏi vu vơ, ai cũng biết mà chẳng hề để ý...

Vâng, giá như thế thì sẽ chẳng bao giờ như vậy, hoặc chưa chắc sẽ như bây giờ ta thấy... Nếu ba khổ đầu tác giả đặt vấn đề cho "cái phi lý và không thể", thì khổ thơ kết đã bất ngờ chuyển sang "cái có lý và có thể": "Giá như chưa vợ chưa chồng / Liệu rằng em có bằng lòng yêu anh?"

Vẫn biết rằng tình yêu có quy luật riêng, nhưng đọc lên ta vẫn cảm thấy tràn đầy nuối tiếc.

Riêng tôi, khi đọc xong bài thơ có cảm giác như người đi trong mộng, vu vơ, vô định, nhưng đam mê và hạnh phúc; trong đầu luôn vang lên câu hỏi: Giá như? Giá như? và Giá như?..."

                                    (Nguyễn Đăng An)

 


VỚI NGƯỜI MƠ LÁ DIÊU BÔNG

 

“Bên kia sông Đuống” rất gần

Nhớ ai, ai nhớ... đôi lần ghé chơi

 

Rượu ngon chẳng lụy câu mời

Trót làm thi sĩ suốt đời vẫn say!

 

Tài như là ngọn gió bay

Tình như là ánh trăng đầy sông trôi

 

Bây giờ tóc bạc, da mồi

Tình xuân thì vẫn như hồi đang xuân...

Tháng 12-2001

 

“Làm gì có lá diêu bông để mà mơ! Cái thứ lá bùa yêu chết người đó là của các vị thánh thần trên đỉnh Thi sơn, do thần ái tình Cupidon nắm giữ; còn nơi trần thế, thì thi sĩ Hoàng Cầm đã giấu kín ở một nơi nào “Bên kia sông Đuống”, mà chính cụ sau này muốn tìm lại cũng không thấy nữa.

Mơ lá diêu bông ấy là người ta mơ đến nột tình yêu chỉ có trong tưởng tượng mà thôi!”

                                    (Trịnh Anh Đạt)

 

“Đừng làm thi sĩ người ơi! / Khi vui lại khóc, khi cười lại say / Lênh đênh quên hết tháng ngày / Tình như ngọn gió heo may giữa đường…”

                               (Nguyễn Thuỷ Tâm)

 

Hoàng Cầm vào tuổi 80 / Yêu từ 8 tuổi với “Người Diêu bông” / Dù ở núi vẫn yêu sông / “Nhớ ai, ai nhớ” nên không biết già… Người đẹp và rượu ngon luôn là cảm hứng bất tận của thi nhân xưa nay. Nhưng với Hoàng Cầm thì đó dường như chỉ là cái cớ. Bài thơ chỉ có 8 câu nhưng đã khái quát được cả một chân dung thi sĩ, với sự trân trọng và đáng yêu vô cùng”.                                        

                                       (Trần Huy Tản)

 

“Cung bậc tình cảm cứ tăng dần theo từng câu thơ, làm cho người đọc cũng muốn có chút rượu ngon để mà say… Nhưng không phải là Rượu - Gió - Trăng… mà chính Tình yêu đã có phép mầu nhiệm “cải lão hoàn đồng”, làm cho con người tóc bạc, da mồi mà vẫn như hồi đang xuân…”

                                       (Thạch Thành)

VẨN VƠ

 

Tôi nghe từ phía… lặng thầm

Hình như sắp có sóng ngầm bão dông...

 

Ai đang đốt lửa mùa đông?

Mùa đông cháy đỏ mà không nóng trời!

 

Ai đang nuôi thiện cho đời

Nuôi cây cho đất, nuôi người cho yêu?

 

Ai đang bay bổng cánh diều?

Để ai khóc ướt cả chiều không hay?

 

Cho ai hóa đá đêm nay?

Và ai lạnh cóng bàn tay ai cầm?

 

Tôi nghe từ phía lặng thầm...

12-2001

 

 “Bài thơ có cấu trúc của một vòng tròn khép kín có điểm tiếp giáp, để 9 câu thơ thân bài gói ý tưởng - ý tưởng thơ lớn tới đâu (còn tuỳ ở tình tri âm nơi người đọc) thì cái vòng tròn lớn theo tới đó.

Riêng thiển ý của tôi, chỉ 2 câu 3 và 4 đã là một bài thơ: Vì  mùa đông kia lạnh lẽo, giá băng quá dày ư? Vì khả năng đốt lửa, hay nguyên liệu để tạo ra lửa hiếm hoi?”

                                      (Đỗ Trọng Khơi)

 

“Một chuỗi nhưng câu hỏi liên tiếp, hệt như những đợt “sóng ngầm bão giông” mà nhà thơ nghe được “từ phía lặng thầm” - Những câu hỏi tưởng chừng như “vẫn vơ” nhưng lại không hề vơ vẩn một chút nào, cứ ám ảnh, đeo diết và lửng lơ như một nỗi niềm ngổn ngang, không giới hạn trong tâm trí mỗi chúng ta…

Bài thơ kết thúc bằng sự lặp lại của câu thơ mở đầu với dấu chấm lửng đã làm tăng thêm gấp bội sự “vẩn vơ” trong lòng người đọc”.

                                (Hoàng Bảo Châu)

 

Vẩn vơ” được như ĐVH thật khó lắm thay. Người bình thường có thể nghe thấy tiếng động và âm thanh, chỉ có nhà thơ mới nghe được “từ phía lặng thầm” của tâm hồn con người…

Chẳng rõ bạn đã “vẩn vơ” như vậy lần nào chưa? Còn tôi thì đang mong ước, dẫu chỉ một lần thôi!

                                          (Phú Xuân)

 

NGƯỜI ẤY...

 

Người ấy giờ ở rất xa

Ta mong người ấy như là bạn thôi

Đã yêu quên cả đất trời

Đã thương trọn cả một đời vẫn thương

 

Chia tay người ấy giữa đường

Ta về lạc lối tới phương trời nào?

Biết ta thường vẫn chiêm bao

Đêm đêm người ấy khóc vào cô đơn

 

Trách ai, ai nỡ giận hờn?

Ta mong người ấy mãi còn bạn ta!

23-11-2001

 

“Mối tình với Người ấy là một sự lỡ làng.

Ta thì chiêm bao, em thì phiêu bạt nơi đâu? Kẻ bơ vơ, người lạc lối. Người xưa từng nói: Gặp nhau đã khó, dứt được nhau còn khó biết bao nhiêu.

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng - Bài thơ là cả một nỗi lòng day dứt và tiếc nuối khôn cùng!”

                            (Trịnh Anh Đạt)

 

Người ấy như một cái bóng lẩn quất bên đời, để rồi đôi lúc bằng sự thần giao cách cảm đã trở về rất đỗi thân thương trong đời thực. Những câu chữ như được viết bằng linh cảm, bỗng mở ra một thế giới tràn đầy tình yêu thương, đấy là thế giới nội tâm trong sâu thẳm mỗi người. Hy vọng ở nơi xa, Người ấy sẽ hiểu và cảm được điều ấy”.

                                     (Hoàng Bảo Châu)

 

“Đời thi sĩ nhiều tri âm là điều hạnh phúc. Nhưng dẫu đa tình nhà thơ cũng không thể yêu… tất cả! Tôi trân trọng sự thẳng thắn, trung thực và rõ ràng của Người ấy.

Một tình bạn cao đẹp nhiều khi còn quý giá hơn cả tình yêu. Phải chăng, đó là điều bài thơ muốn nhắn gửi?”

                              (Phạm Hồng Len)

 

Người ấy không hề xa lạ, (có thể là bạn và cũng có thể là chính tôi?). Người đọc cảm thấy nỗi buồn sâu thẳm của một cuộc tình dang dở, một chương tiểu thuyết đầy nước mắt. Cũng như người ấy, tôi đã từng yêu và được yêu, nên khi gặp bài thơ này, tôi như được sống lại tình cảm của chính mình… Thật đáng trân trọng và cảm động biết bao khi những đôi lứa yêu nhau, vì một lý do nào đó phải chia tay, nhưng họ vẫn coi nhau là bạn, vẫn giữ lại cho nhau những gì đẹp nhất đi suốt cuộc đời…”

                                       (Thạch Thành)

 

CHUYỆN BÂNG QUƠ

 

Có người hoang phí đời trai

Mang thơ đổi lấy một vài mùa yêu

 

Có người khao khát bao nhiêu

Chưa bùi ngọt đã quá nhiều đắng cay

 

Có người thao thức đêm nay

Nằm không ngủ được hóa đầy vấn vương

 

Có người chặn lối ngăn đường

Thì tình yêu đến vẫn thường đi qua...

 

Có người thương nhớ người ta

Người ta chẳng biết để mà... nhớ thương!

12-2001

 

“Nhiều lúc chỉ là bâng quơ mà nên chuyện. Như chàng Kim Trọng khi tìm thấy chiếc thoa vàng gài đầu của nàng Kiều đã (giả vờ) bâng quơ: Thoa này bắt được hư không / Biết đâu Hợp phố mà mong Châu về. Đấy là thi sĩ vơ vào! Chứ bâng quơ như vậy thì khối kẻ đa tình sẽ bâng quơ đến suốt đời.

Và cái thần của bài thơ (theo tôi), cũng chính là hai chữ bâng quơ đầy tình ý ấy!”

                                      (Trịnh Anh Đạt)

 

         “Người ơi khắc khoải làm gì

Ai đi thì vẫn cứ đi thôi mà

Chẳng cần thương nhớ người ta

Người ta chẳng biết, hóa ra mình buồn…”

                               (Nguyễn Thuỷ Tâm)

 

“Người ta thường chỉ bâng quơ đôi chút rồi qua đi. Nhưng cái bâng quơ của nhà thơ họ Đặng đã khái quát bao điều cần biết về tình yêu và cuộc sống: Người ta thường nói “không thể ra lệnh được cho trái tim” và “tình yêu luôn có quy luật riêng của nó”…

Bởi vậy, chỉ là bâng quơ, nhưng nếu không biết ứng xử có thể biến thành sai lầm, để rồi ân hận và nuối tiếc đến suốt đời!

                                       (Thạch Thành)


CHIÊM BAO

 

Tôi thì lấy dại làm khôn

Lấy đắng làm ngọt, lấy buồn làm vui

Và bao nhiêu thứ ngậm ngùi

Chỉ mong đổi được nụ cười của em...

 

Em thì lấy lạ làm quen

Lấy xấu làm đẹp, lấy “hèn” làm sang

Và bao nhiêu cái ngỡ ngàng

Chỉ  mong có được anh chàng... khác tôi

 

Đơn phương yêu một mình thôi

Người không có thật, để rồi... chiêm bao!

Tháng  3- 2002

 

“Bài thơ có 10 câu, tôi thích hơn cả là ba câu đầu. Khi người đàn ông tự nói về tâm tình của mình mà không cần quan tâm đến thái độ của người đàn bà. Có thể là do tạng của tôi, tôi không thích trách hờn phụ nữ. Với tôi, mọi việc mà người đàn bà tôi yêu đã làm, nói cho cùng, đều có một lý do nào đó, ngay cả khi tôi không hiểu lý do cụ thể ấy là gì.

Tất cả chúng ta đều biết rằng, rốt cuộc rồi thì cái vô chiêu sẽ thắng được cái hữu chiêu. ĐVH hơn ai hết bằng những gì đã trải, tới thiên niên kỷ thứ ba này, thấm thía điều đó hơn ai hết. Vậy nên anh mới có “Chiêm bao”, bài thơ tuyền những câu nói ngược, tưởng tủi thân phận lắm, nhưng thực ra lại bộc lộ bản lĩnh của một người nhân hậu và lịch lãm… Và nếu câu thứ tư của bài thơ không có chữ “đổi” thì theo tôi, cái tình sẽ khiến ta xót xa hơn”.

                               (Hồng Thanh Quang)

 

“Chữ trong Chiêm bao đặt rất chênh vênh, so le. Nhân vật Tôi nhẫn chịu (lấy dại làm khôn, đắng làm ngọt)… Nhân vật Em thì có vẻ nhẫn tình (lấy xấu làm đẹp, lấy hèn làm sang).

Lẽ đời, sự nhẫn chịu thuộc về cái tâm sâu, còn nhẫn tình thuộc về cái tâm nông cạn. Nhưng quả thực, tôi rất nghi ngờ lẽ tình này ở nhân vật Em: Vì đâu mà cái người nông cạn toàn làm điều trớ trêu kia lại vẫn được người trải nghiệm Tôi yêu tha thiết thuỷ chung đến vậy?

Chợt thèm được bước vào cõi Chiêm bao mà chiêm ngưỡng dung nhan, cốt cách thật của nhân vật Em này quá!

Giá có thể được, dẫu chỉ một lần…”

                                      (Đỗ Trọng Khơi)

 

 “Những cuộc tình chắp vá, những cuộc tình khếp khểnh… đó là những Đũa mốc chòi mâm son và giầy vàng đặt lên chiếu rách… Có khác gì nàng Đông Thi (vốn xấu như ma) lại có thể lấy được Bạch Cư Dị(!) Như Trương Như mà không gặp được Trác Văn Quân? Nên cả cuộc đời chỉ muốn có chiêm bao.

 Thôi, đành như Từ An Trinh (nhà thơ Đường) bảo: Ngủ đi trong mộng để tìm nhau”.

                                     (Trịnh Anh Đạt)

 

Người ơi biển rộng trời cao

 Mà đêm tình tự vẫn vào đó thôi

Hợp tan cũng bởi lẽ đời

Buồn chi một bóng trăng trôi giữa dòng

                             (Nguyễn Thuỷ Tâm)

 

 Thôi đành thấp xuống vài phân / Nén buồn đau lại để ngân câu Kiều

Với thủ pháp so sánh tài tình, nhà thơ đã khái quát được bao chuyện đời thường khi người ta yêu “đơn phương”: vừa riêng tư, dung dị dễ hiểu, vừa trừu tượng, xa vời…

Trên đời, thường những điều gì người ta không thể có được trong đời thực thì hay mơ ước. Và có những điều mơ ước chỉ có thể thỏa mãn trong… chiêm bao!

                                    (Trần Huy Tản)


MÙA YÊU

 

Trần gian muôn kiếp xưa nay

Lang thang bao kẻ ăn mày nhớ thương

Mải mê hành khất bốn phương

Mùa yêu vẫn nhớ tìm đường về quê

 

Đàn bà đắm đuối câu thề

Đàn ông ngơ ngác vụng về vợ con

Trời sinh ra sự vuông tròn

Mỗi người một nửa để còn tìm nhau

 

Nửa em ở mãi nơi đâu

Nửa tôi trót dại dãi dầu đa mang

Bao nhiêu cái tịch tình tang

Hồn nhiên tặng hết bẽ bàng không ai

 

Thôi đành, hoang phí đời trai

Mang thơ đổi lấy một vài mùa yêu...

 

Valentine và Sinh nhật năm 2000

 

“Nói như R. Gamzatop (nhà thơ xứ Đagetstan) thì những người đàn ông chân chính đều “Có thể đem cả một thành luỹ vừa chiếm được để mà đổi lấy”… “mùa yêu” của thi nhân họ Đặng. Nhiều người vất vả suốt cuộc đời, mà không thấy “nửa mảnh” của mình đâu? Họ đành phải nương nhờ đến… Vương quốc Thơ. Đó là nơi ẩn chứa biết bao nhiêu cái lạ, cái hiểm hóc và sự biến hóa của câu chữ để diễn tả với bao nhiêu cung bậc tình yêu vừa lạ lại vừa quen…

Và làm được như thế, kể cũng không “hoang phí đời trai” một chút nào!”

                                    (Trịnh Anh Đạt)

 

“Người ta đi với người xa / Mình về khép vội cánh hoa kẻo tàn / Ham chi khúc tịch tình tang / Để rồi mang vạ nhân gian suốt đời…”

                                (Nguyễn Thuỷ Tâm)

 

“Không phải bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) của đất trời mà là mùa riêng của mỗi người: Mùa yêu -  Nó vừa hư vừa thực, vừa trìu tượng lại vừa cụ thể. Mùa yêu không bị chi phối bởi một quy luật chung nào của trời đất, nhưng chính trời đất đã sinh ra con người và con người thì tạo ra tình yêu.

 Mỗi người sống trên thế gian này chỉ cần có được một “mùa yêu” để nhớ, để “tìm đường về quê” đã là hạnh phúc lắm rồi”.

                                 (Hoàng Bảo Châu)

 

HỌC QUÊN ĐỂ… NHỚ CHO NHIỀU!

 

Học quên để... nhớ cho nhiều

Học hờn giận để... cưng chiều đấy thôi

 

Học lẻ  loi để... có đôi

Học ghen là để.... cho người thêm yêu.

 

Em thì xa vắng bao nhiêu

Tôi đành học cách nói điều vu vơ

 

Học sắc sảo để... dại khờ

Học già dặn để... ngây thơ thuở nào...

 

Tôi giờ còn lại chiêm bao

Cố trần tục để... thanh tao kiếp người

 

Mải mê học khóc cho... cười

Quên hờ hững để cùng người đam mê...

Tháng 1-2000

 

“Tục ngữ Anh có câu: “Biết tất cả nghĩa là không biết gì hết” (To know everything is to know nothing).

 Đặng Vương Hưng đã diễn tả rất thơ một cách đa diện, nhiều chiều suy tư của con người vốn rất người, do luôn tồn tại trong mình những "mặt đối lập".

Mục đích “đi học” của nhà thơ là nhằm ở "mặt đối lập" ấy: “Tôi giờ còn lại chiêm bao / Cố trần tục để... thanh tao kiếp người”.

Có lẽ chỉ những người đã từng trải và chiêm nghiệm cuộc sống mới hiểu hết được ý nghĩa của cái sự dụng công “đi học” này!”

                                      (Đắc Lê)

 

“Mỗi câu thơ có hai mặt đối lập. Nhà thơ "đi học" một mặt này là nhằm vào cái mặt đối lập kia của nó: Quên để nhớ, hờn giận để cưng chiều, lẻ loi để có đôi, ghen để thêm yêu... Và đặc biệt là : "Học sắc sảo để dại khờ / Học già dặn để ngây thơ thủơ nào"...

Nghĩa là, người ta học là để sống cuộc sống thật sự của con người, chứ không phải để trở thành những vị thánh!

 Triết lý giản dị ấy, trong đời ai cũng gặp, nhưng đâu phải ai cũng nhận ra!”

                                          (Vũ Nho)

 

“Một bài thơ có tứ rất lạ: Học quên để nhớ! Tưởng như một nghịch lý, nhưng lại là nghịch lý đáng yêu, dại khờ và khôn ngoan của người làm thơ. Chả thế mà anh đã "Quên hờ hững để cùng người đam mê".

"Quên" như  thế là "khôn" lắm đấy Nhà thơ ơi!”

                                (Trần Nhật Thu)

 

“Có những bài học ngỡ như nghịch lý, đầy mâu thuẫn, không bao giờ có trong bài giảng của các thầy cô giáo với học trò, không được biên soạn vào sách giáo khoa... nhưng lại không thể thiếu với mỗi con người trong cuộc sống.

Bài học ấy chỉ có trong "trường đời" và nó tuân theo quy luật của... tình yêu.

Cái triết lý giản dị "Học quên để... nhớ cho nhiều" là như thế chăng?”

                             (Lê Đình Thắng)

 

  ĐÔI LỜI CUỐI SÁCH…

 “Học quên để nhớ” được viết bằng những lời thơ giản dị, nhưng thể hiện được những phép “chiết quang” hơi thở của đời sống hiện đại. Trần tình ư? Không hẳn! Bởi nói về “cái biểu hiện” chính là cách biểu hiện của Đặng Vương Hưng. Các bài thơ trong tập đã xác nhận nỗi niềm của một người thơ đa cảm, trữ tình, đôi lúc tự phân thân lùi xa chất liệu để bâng khuâng bừng thức, để lắng suy và chiêm nghiệm.

 Tác giả có ý thức làm mới thơ mình bằng bút pháp linh hoạt, cách lập tứ bất ngờ và cách diễn đạt thôi thúc, ngôn từ bứt phá. Nhưng hình như mới chỉ là một phương diện. Không sống hết mình, trải nhiều trạng huống buồn vui thì anh không thể có những bài thơ và những câu thơ gây được ấn tượng như thế. Đó cũng là lí do trong tập có những lời bình ngắn của một số nhà thơ và bạn viết đã có dịp đọc Đặng Vương Hưng.

Tuy nhiên, Những lời bình dù thế nào cũng chỉ là cảm nhận chủ quan – thậm chí có thể rất ngẫu nhiên, ngẫu hứng trên hành trình tìm kiếm “năng lượng của sự có mặt” và ngân lên đồng điệu. Vì thế, những lời bình đó chỉ là những hướng gợi mở khác nhau. 

Những “thông điệp tâm hồn” đã tuột khỏi tay nhà thơ. Mỗi người đọc sẽ tự có cách cắt nghĩa của riêng mình; và được như vậy – với người sáng tác, thiết tưởng còn mong muốn nào hơn...

                                         Nguyễn Trọng Hoàn

 

Ấy vậy mà, tác giả vẫn còn có một mong muốn nho nhỏ nữa đấy!

Khi tập sách này sắp được đưa tới nhà in, Đặng Vương Hưng tự nhiên lặng người đi, rồi nói khe khẽ với tôi:

- Ước gì mình sẽ nhận được tất cả những hồi âm của độc giả, sau khi cuốn sách này nằm trong tay họ nhỉ?

Tôi vội hỏi:

- Anh mong muốn "hồi âm" theo hướng nào?

Đặng Vương Hưng cười thật hiền lành:

- Mình muốn biết là họ sẽ thích... lời bình nào nhất?

Quả thật, tôi chẳng biết nói thêm gì nữa!

Có lẽ công việc còn lại là của rất nhiều bạn đọc và đặc biệt là những người yêu thơ...

                             Hoàng Nhuận Cầm

 

*

Tác giả xin trân trọng cảm ơn: Nhà giáo Lê Đình Thắng, Nhà báo Hoài Hương, PGS-TS Nhà phê bình văn học Vũ Nho, Nhà thơ-TS Nguyễn Trọng Hoàn, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nhà thơ Trương Nam Hương, Nhà thơ Trần Nhật Thu, Nhà thơ Phan Quế, Nhà thơ Phạm Khải, Nhà thơ Trần Quang Đạo, Nhà thơ Đỗ Hoàng, Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, Nhà thơ Hà Đức Toàn, Nhà thơ Anh Vũ, Nhà thơ Trịnh Anh Đạt, Nhà văn Hồ Thuỷ Giang, Nhà thơ Duy Phi, Nhà thơ Trần Huy Tản, Nhà văn Nguyễn Đăng An, Nhà thơ Lê Kim Giao, Nhà thơ Nguyễn Hoàng Mai, Nhà thơ Đoàn Tuấn, Họa sĩ Nguyễn Trần Thái, Dịch giả Đắc Lê…; các tác giả: Nguyễn Đình Trọng, Huỳnh Văn Hồng, Ngô Thanh Tú, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Thuỷ Tâm, Nguyễn Thị Thanh Ngân, Minh Hằng, Vân Chi, Vũ Thị Tú Anh, Bùi Tuyết Nhung, Hoàng Bảo Châu, Nguyễn Bích Hạnh, Trần Ngọc Lan, Thạch Thành, Lê Thị Mỹ Chung, Phú Xuân, Phạm Hồng Len... đã viết lời bình cho các bài thơ trong tập sách này.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng
                (ĐT: 0913 210 520)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: