Thứ sáu, 29/03/2024,


Về đánh giá một bài thơ (Tiểu luận)-Mai Thanh (08/01/2016) 

    Bàn về đánh giá một bài thơ là đề cập đến mối quan hệ giữa người đánh giá (chủ thể) và bài thơ (khách thể).
 

    Đứng trước một bài thơ, người đánh giá thường ở ba trạng thái: Trình độ am hiểu thi ca, Trình độ cảm nhận thi ca và xu hướng ưng hợp thi ca.
   

    Về trình độ am hiểu thi ca, tội kể câu chuyện dưới đây, đủ lý giải cho nội dung cần bàn:
   

    Tôi và bạn tôi được mời đi nghỉ cùng với đoàn cán bộ Tổng Liên đoàn lao động tại Trung tâm du lịch Kim Bôi-Hòa Bình. Kết thúc chuyến đi, đoàn tổ chức buổi gặp mặt. Sau bữa tiệc thịnh soạn, diễn ra cuộc đọc thơ tự biên, tự diễn. Mọi người hào hứng đọc thơ. Là người làm phê bình văn học, tôi biết rõ chất lượng nghệ thuật mỗi bài thơ được đọc. Nhìn chung, đó là những bài thơ không phải là thơ, đại loại như:

 

Về đây du lịch Kim Bôi
Có suối nước nóng ta thời tắm ngay
Hoặc:
Vào rừng hái nấm em ơi
Chớ ăn nấm độc chết toi có ngày
Hoặc nữa:
Cô Mường má đỏ hây hây
Khiến anh nhìn thấy mà ngây cả người

     

    Cứ những bài thơ với những câu như thế, các tác giả tranh nhau đọc như sợ mất phần, không có dịp ra mắt tác phẩm tâm đắc của mình.
    Tôi không bỡ ngỡ về những gì vừa xảy ra, nhưng rất ngạc nhiên, khi mỗi tác giả đọc xong bài thơ, thì tiếng vỗ tay chúc mừng hoan hỉ của trên 40 con người trong sự ngưỡng mộ chân thành thực sự và chia vui đầy cảm kích cùng tác giả.
    Chưa hết, đến lượt anh bạn tôi cùng đi trong đoàn lên đọc bài thơ “Cô gái Mường Động” trong đó, có những câu anh dùng từ ngữ khiến tôi nghe đến sởn da gà:
Tóc em nũng nà gió núi
Mắt em nuông nả trăng rừng
Lưng thon ngực đầy mông mẩy
Hồn anh hổn hển nưng nưng…

   

    Nhưng, ngạc nhiên hơn nữa là, khi bạn tôi đọc xong bài thơ, thì tất cả đều im lặng như tờ, không ai cả, trừ tôi là người duy nhất nhiệt liệt vỗ tay!
    Câu chuyện trên nói gì? Người không hiểu về thơ là số đông! Nếu căn cứ vào số đông ấy để đánh giá bài thơ, thì thơ của anh ban tội bị xổ toẹt rồi!
Muốn đánh giá thơ, phải hiểu biết về thơ!
   

    Về trình độ nhận thức thơ, nhận thức một bài thơ phải đi qua hai bước: Trực giác và tri giác – là một cách nói có tính triết học về quá trình nhận thức. Có cách nói khác là cảm và thức. Có cách nói khác nữa là thơ hay và thơ hoàn hảo, có nghĩa bài thơ thuộc dạng thơ hay, nhưng ở bước trực giác chứ chưa tri giác, mới cảm chứ chưa thức - đồng nghĩa với thơ hay, nhưng chưa hoàn hảo.
Xin mời đọc lại bài viết dưới đây (đã công bố trên FB) nói về điều đó:

 

 

THƠ HAY NHƯNG CHƯA HOÀN HẢO
Lê Anh Phong
ĐI ĐƯỜNG
Người mù chung lối sang sông
Đêm đen như thấy còn đông bến phà
Cầm đèn rọi bước đường xa
Để cho người sáng không va vào mình.
Quốc Anh
ĐỒNG TIỀN
Chân trần em khỏa mạn thuyền
Để rơi má lúm đồng tiền xuống sông
Anh tìm đến tận đáy dòng
Chỉ tìm thấy nước mà không thấy tiền
Bao giờ anh xuống cửu tuyền
Đốt cho anh một đồng tiền, được không?
Nguyễn Việt Anh
THÔI ĐÀNH
Tựa vào không một bờ vai
Ngả vào không một đêm dài vòng tay
Gục vào không ngực ấm đầy
Chìm vào không một hao gầy làn môi
Thôi đành tôi vịn vào tôi
Cơn đau cố nén, mỉm cười đứng lên!
Ba bài thơ trên là thơ hay, nhưng chưa phải là thơ hoàn hảo!

 

   Về bài "Đi đường":

   "Đêm đen như thấy còn đông bến phà": Ý nói là trong đêm tối, trên bến phà có nhiều người đi. Do tính "phá cách" và do quy tắc vần điệu, thơ được phép viết như thế! Được phép viết, nhưng không hoàn hảo, bởi vô hình trung, câu thơ nói ngược và tối nghĩa - bến phà đông người, chứ sao lại đông bến phà! Hóa ra là có nhiều, chứ không phải chỉ có một bến phà!
   "Để cho người sáng không va vào mình": Người mù đốt đèn soi đường cho người sáng là rất hay rồi, nhưng soi đèn cho người sáng khỏi va vào anh ta, thì anh ta chỉ vì mình mà soi đèn, chưa vị tha và kém phần cao thương. Nếu hành động soi đường của anh ta mà được viết là để cho những người sáng khỏi va vào nhau, thì tuyệt vời, hoàn hảo biết mấy!

 

  Về bài "Đồng tiền"
  Bài thơ có ý tưởng say mê hết mình vì cái đẹp, nhất là cái đẹp của phu nữ, là rất hay rồi! Nhưng hình tượng chưa được mỹ mãn lắm ở chỗ hành động em khỏa chân với chuyện rơi má lúm đồng tiền xuống sông không ăn nhập, mà đáng ra, phải là rơi những hạt cát dính chân em, thậm chí rơi chiếc vòng đeo ở cổ chân em, chẳng hạn - như thế mới rõ tính lô-gic của hình tượng. Rơi má lúm đồng tiền thì phải để cho em rửa mặt hoặc soi mặt xuống dòng sông như soi gương, đó mới là hoàn cảnh để rơi má lúm đồng tiền xuống sông chứ!
   "Anh" trong bài thơ say cái đẹp - đồng nghĩa với say em - mà lao xuống sông tìm đồng tiền lúm má, xin em khi chết được em đốt cho đồng tiền giấy (ở điểm này, má lúm đồng tiền biến thành đồng tiền giấy xem ra thật gượng ép) có thể sẽ bị bạn đọc nào đó chê trách là "anh" quá si tình, nên mù quáng trước đàn bà - tương tự như có một bạn đọc nào đó đã phê phán bài "Thơ tình viết ở biển" của Hữu Thỉnh là bài thơ "nịnh đầm" quá đáng!

 

  Về bài "Thôi đành"
   Bài này hoàn hảo hơn cả so với hai bài trên. Tuy nhiên, câu thơ "Chìm vào không một hao gầy làn môi" chưa thật ổn, bởi vì so với các câu thơ hợp lý ở dạng này trong bài thơ đều mang hình ảnh trung tính hoặc tốt lành: "bờ vai", "vòng tay", "ngực ấm đầy", trong khi câu thơ này với cụm từ "hao gầy làn môi" mang hình ảnh không tích cực, có phần trái chiều, lạc lõng!
    Thơ hay là rất tốt rồi, nhưng thơ hay hoàn hảo là một yêu cầu không thể xem nhẹ trong việc đánh giá một bài thơ!
Về xu hướng ưng hợp thi ca, chỉ rõ, mỗi người có cách ưng hợp khác nhau đối với thi ca. Anh này thích thơ hài tiếu, chị nọ thích thơ trữ tình, ông kia thích thơ triết lý! Vậy là xu hướng ưng hợp thi ca của họ khác nhau. Nếu không sáng suốt, chỉ vì lợi ích thẩm mỹ của người này mà bác bỏ lợi ích thẩm mỹ của người kia là sai lầm nghiêm trọng. Phải khách quan, phân tích từng bài thơ cụ thể, mới có thể đạt tới sự đánh giá đúng. Công bằng mà nói, thơ trữ tình chiếm ưu thế trong thi ca, rồi đến thơ triết lý, cuối cùng là thơ hài. Vẫn biết rằng, bất kể dạng thơ nào cũng là tiếng nói của tâm hồn, nhưng thơ trữ tình vẫn chiếm ưu thế hơn. Ta biết, thơ Hổ Xuân Hương là thơ hài tuyệt tác, nhưng vẫn phải nhường vị trí tôn vinh cho Truyện Kiều của Nguyễn Du thuộc thơ trữ tình giàu tính cảm niệm. Và, nên nhớ rằng, ngay trong thơ hài cũng có hài tiếu với lối cười vô thưởng-vô phạt khác với hài biếm có tính phê phán-phản biện xã hội!. Trong thơ Hồ Xuân Hương, những bài thơ hài biếm như “Đền thờ Sầm Nghi Đống”, “Vịnh cái quạt”… được đánh giá cao hơn những bài thơ hài tiếu như “Vịnh quả mít”, “Đánh đu”… Là nói chung vậy thôi, khi đánh giá một bài thơ, phải đặt nó trong toàn bộ các yếu tố cấu thành của nó, từ ý tưởng , hình tượng, ngôn từ và vần điệu, chứ không phải căn cứ vào khía cạnh nào đó để đánh giá. Với vấn đề đang bàn ở điểm này, là không lấy khuynh hướng ưng hợp sắn có trong chủ thể thể đánh giá, để áp đặt khi đánh giá một bài thơ.

    Thực tế, trên diễn đàn phê bình thi ca, đã xảy ra tình trạng là: Những ai ưng hợp thơ hài thì khen hết lời thơ hài; và ngược lại, những ai ưng hợp thơ trữ tình, thì khen hết lời thơ trữ tình. Các nhà thơ sở hữu tư duy lô-gic, thì khen thơ triết lý, chê bai thơ trữ tình cũng là hiện tượng không lành mạnh trong đánh giá thi ca!
   Nhân đây, xin điểm đôi điều về hiện tượng đánh giá trái chiều một bài thơ.Từ thời điểm xa xưa và ở tầm rộng lớn, đó là trường hợp đoạn thơ nói về “Tái hồi Kim Trọng ” trong Truyện Kiều. Có người đồng tình, coi đó là phần “có hậu” cần thiết đối với con người; ngược lại, có người không đồng tình, vì như thế là hạ thấp hình tượng thẩm mỹ của Kiều. Đối với đoạn thơ “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ…” trong bài thơ “Bài ca xuân 61” của Tố Hữu, người đồng tình thì nói đó là cách xếp vị trí ưu tiên giữa Đảng, thơ và tình yêu hoàn toàn phù hợp tư duy phổ biến thời đó. Còn người phản đối lại nói, đó là lối thơ áp đặt chính trị, trái với tình cảm con người. Thậm chí, có trường hợp còn vì tư tưởng chinh trị mà Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh đánh giá Truyện Kiều trái chiều nhau. Trên diễn đàn phê bình văn học, ta gặp vô vàn các trường hợp đánh giá một bài thơ trái chiều như vậy.Đánh giá trái chiều là hiện tượng bình thường, phản ánh lý thuyết về "văn chương và tiếp nhận". Song, đối với một bài thơ, người đánh giá sáng suốt là không a dua, phải có sự đánh giá đúng chiều của riêng mình!
    Hãy chỉ nói đôi điều trên đây về đánh giá một bài thơ. Lối viết dựa trên thực tiễn thi ca dẫn dắt cho lập luận của người viết! Mong bạn đọc cũng làm như thế khi tự đánh giá một bài thơ của bản thân hoặc một bài thơ của thi hữu!
 

Nhà PBVH Mai Thanh

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: