Thứ sáu, 29/03/2024,


Em ngồi nhặt nắng ven đê (Vương Bảo) (21/12/2015) 

 CUỐI NĂM

Cuối năm ngày tháng trôi vèo
Thời gian như cũng rơi theo lá vàng

Trời chưa kịp đón xuân sang
Người chưa mang hết bẽ bàng ra đi

Cỏ chưa kịp mọc xanh rì
Sông chưa kịp chảy đợi khi mưa về

Em ngồi nhặt nắng ven đê
Cuối năm có nhớ lời thề trẻ con?

Đặng Vương Hưng

 



            Năm là thời gian, là cơ thể sống, là con đẻ của Đất Trời.
Năm sinh ra vào mùa xuân, rắn rỏi vào mùa hạ, trưởng thành vào mùa thu, già cội vào mùa đông. Cứ vậy, vòng tuần hoàn của trời đất ban phát cho năm là bất diệt.
            Vào độ ngắn ngủi của ngày, dài rộng của đêm ấy – Nhà thơ Đặng Vương Hưng có thi phẩm “Cuối Năm”.
Cặp lục bát mở đầu của bài thơ :

Cuối năm ngày tháng trôi vèo
Thời gian như cũng rơi theo lá vàng


          Như một dòng chảy, ngày tháng cuối năm vùn vụt ra đi “Cuối năm ngày tháng trôi vèo”. “Ngày tháng trôi vèo” là một hiện tượng thiên nhiên không gì cưỡng nổi. Chỉ một từ “vèo” ở cuối câu thơ mà năm tháng như một dòng sông. Dòng sông năm tháng kì lạ thay đầu năm là thượng nguồn thì ngày tháng lại dề dà trôi. Và cuối năm ở hạ nguồn lại ra đi hối hả như muốn vội vàng về với đại dương. “Vèo” là từ gợi tả sự nhanh nhạy. Chữ “vèo” Tản Đà cho là một nhãn tự vừa khâm phục vừa tâm đắc. (Vèo trông lá rụng đầy sân – Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo). Còn thời gian là biểu hiện về độ dài ngắn của hiện tại, quá khứ và tương lai “Thời gian như cũng rơi theo lá vàng” lá vàng rơi vì nó giữ màu xanh cho cây, cho muôn loài, lá vàng rơi là theo đúng qui luật của cuộc sống có sinh ra và có mất đi. Phép so sánh “Thời gian như cũng rơi …” là một nghệ thuật từ cái trừu tượng thành cái cụ thể. Lá vàng rơi, thời gian cũng rơi. Tiếng lá vàng rơi nhẹ nhàng bao nhiêu, thời gian cũng đồng hành như vậy. Lá vàng như một động lực kéo thời gian. Đường rơi của thời gian cũng uyển chuyển như lá vàng rơi. Câu thơ bỗng mềm mại tha thướt hơn.
Cuối năm cái gì cũng vội :


Trời chưa kịp đón xuân sang
Người chưa mang hết bẽ bàng ra đi


            Cuối năm là thời gian đông mạt xuân sơ. Cứ tưởng như “Trời” là tất cả. Trời làm nên thời tiết, làm nên khí hậu. Thế mà trời còn bị động với thời gian “chưa kịp”. Bất cứ làm việc gì từ dễ đến khó phải có sự chuẩn bị. Trồng một luống hoa phải chuẩn bị hạt giống, làm đất, thời vụ. Làm một quán chợ tuy đơn giản còn phải chuẩn bị khung quán, thế đất… huống chi “đón xuân sang” thì sự chuẩn bị lại càng phải chu đáo. Bởi lẽ mùa xuân là bắt đầu cho một năm, là tuổi trẻ của một hạn kì mười hai tháng. Thế mà “Trời chưa kịp đón xuân sang”. Phải chăng trời lười biếng không chịu tuần hoàn. Hay trời không chuẩn bị cứ muốn kéo dài mùa đông mang cái rét để hành hạ, để thỏa lòng ích kỉ của “trời”.
          Trời thì như vậy còn ta thì “Người chưa mang hết bẽ bàng ra đi”. Có những người tủi phận thương xót mình trong cảnh cô đơn, thẹn thùng vì quanh năm chẳng làm nên công chuyện gì. Đó là những cái rủi ro, họ muốn rũ bỏ hết đi để đón mùa xuân mới mong muốn điều tốt lành sẽ đến “tống cựu nghinh tân”. Thế nhưng thời gian vùn vụt trôi đi không sao xoay chuyển kịp. “Bẽ bàng chưa mang hết nghĩa là buồn tủi vẫn còn và “đón xuân sang” của họ sẽ mất vui.
           Tuy vậy bên cạnh “người chưa mang hết bẽ bàng ra đi” vẫn có những kẻ tuổi đã cuối đông còn cứ muốn đông kéo dài để vơ vét một thời oanh liệt ! Cuối đông hãy nghỉ đi để mùa xuân bắt đầu. Nếu đông không tàn thì xuân cứ đến. Sức sống của mùa xuân sẽ vượt lên mùa đông mà lướt tới.


Ngày tháng cuối năm sao mà nhanh thế đến nỗi :
Cỏ chưa kịp mọc xanh rì
Sông chưa kịp chảy đợi khi mưa về


            Cỏ cứ mọc, sông cứ chảy. Đó là những hiện tượng của thiên nhiên. Hiện tượng đó hoang dại đến như “cỏ” và “sông” mà còn “chưa kịp” thay đổi vào dịp cuối năm. Câu thơ “Cỏ chưa kịp mọc xanh rì” – Qua những ngày đông tàn tạ cỏ úa vàng, cỏ ấp ủ sự sống để trỗi dậy khi đông tàn vào dịp cuối năm. Cứ tưởng thời gian chầm chậm trôi. Ai ngờ thời gian qua nhanh như ngựa hồng lướt qua cửa sổ. Cho nên “cỏ chưa kịp” là cái việc lẽ ra phải làm “mọc xanh rì”. Hình ảnh đẹp mang sắc thái của mùa xuân “cỏ mọc xanh rì”, “cỏ non xanh tận chân trời” là biểu hiện sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Sông cả đời từ nguồn đổ ra biển cả. Cho dù ta có ca vang lên “chảy đi sông ơi” hay “đừng chảy sông ơi” thì sông vẫn cứ chảy. Tác giả lại viết “sông chưa kịp chảy” thì đó lại là một nghệ thuật ngôn từ trong thi pháp nghệ thuật nói quá. Nói quá để mà nói rằng : cuối năm thời gian qua nhanh lắm. Thời gian chẳng chờ đợi bất cứ ai, bất cứ việc gì. Lại còn “đợi khi mưa về” một hiện tượng thiên nhiên khác là “mưa”. Mưa đến theo mùa nhưng mưa đến bất chợt. Có thể mùa mưa đến sớm, có thể mùa mưa đến muộn. “Sông” và “mưa” là đôi bạn tình gắn bó từ thuở ở thượng nguồn. Không có mưa làm sao có nước cho sông chảy. Nếu sông không chảy mà cứ mưa thì nước sẽ ứ đầy.

'
Bài thơ khép lại bằng một hình tượng đẹp bay bổng và lãng mạn.
Em ngồi nhặt nắng ven đê
Cuối năm có nhớ lời thề trẻ con?

 


            Hình ảnh “em” hiện lên rất đẹp, rất mộng, một nét trữ tình của cả thi phẩm lục bát đã dồn nén tại đây. “Em ngồi nhặt nắng ven đê”, từ “nhặt” có khả năng kết hợp hết sức hạn chế như “nhặt cỏ”, “nhặt thóc”, “nhặt gạo” … Nhưng câu thơ không viết như thế mà lại viết “nhặt nắng” đi chệch hẳn sự đoán trước thông thường và chúng ta bị bất ngờ làm ta nghĩ đến một í nghĩa mới mẻ xuất hiện. Đó là những cảm xúc mang tính mĩ học. Nắng cuối năm là nắng vàng nhạt, nắng mỏng manh. Nắng trải dài ven đê. Nắng thành hạt, thành sợi. Còn em thì tỉ mỉ, cần mẫn nhặt những hạt nắng, những sợi nắng bỏ vào trái tim đa cảm của mình. Đây là một bức chân dung rất đẹp về em. “Thi trung hữu họa” là đây ! Nếu tôi là họa sĩ tôi sẽ phác thảo câu thơ “Em ngồi nhặt nắng ven đê” : một triền đê dài, một vạt nắng nhạt, một dòng sông chảy, xa xa phía chân trời là một cụm mây hồng, một con đò nho nhỏ và “em” – những màu vàng nhạt, hồng, xanh.


           Và một câu thơ chốt “Cuối năm có nhớ lời thề trẻ con ?” Tại sao một câu hỏi hư trương lại được đặt ra ở cuối thi phẩm. “Lời thề trẻ con” là lời thề gì. Đầu năm sao không nhớ để cuối năm mới nhớ? Vừa là câu hỏi vừa là một trường liên tưởng để bài thơ như khép lại đồng thời lại mở ra về phía quá khứ cùng nhớ lại những kỉ niệm thuở thiếu thời. “Cuối năm” mới nhắc nhở cõi lòng đừng quên quá khứ. Ta lới lên từ quá khứ. Cho dù đó là quá khứ đau buồn hay quá khứ reo vui… “Lời thề trẻ con”, tuy là trẻ con nhưng thiêng liêng đến độ nó cứ lấp lánh mãi chỉ cần ta hé mở cõi lòng là nó bừng sáng của một thời chăm chỉ. Ví như ngày bé có lúc ta đã ném lọ mực của bạn qua cửa sổ vì quá nóng giận. Lúc bình tĩnh ta thề không bao giờ nóng giận nữa. Rồi thề quyết tâm học giỏi để làm cho con đê này vững chắc hơn không còn sợ lụt lột nữa … và có những “lời thề trẻ con” mà nay lịch sử còn ghi đậm nét đó là lời thề của hai môn sinh cùng lớp là Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Bình Trọng. Thuở bé Cầu và Trọng học cùng lớp có lần thầy ra vế đối : hai người cùng đối, thầy nhận xét Trọng có khẩu khí làm quan to, Cầu chỉ làm giặc. Cầu nói với Trọng : nếu làm giặc tao sẽ đánh tan xác những đứa vào luồn ra cúi. Lời thề đó sau này đúng là như thế !

            Thơ lục bát của Đặng Vương Hưng tôi đã đọc nhiều bài nào là “Ngồi buồn”, “Hi vọng”, “Về quê lại muốn đi cày”… Bài nào tôi cũng mến yêu, đọc lên phảng phất như có tiếng đàn bầu, như thấy lấp lánh cánh cò bay lả bay la. Người yêu thơ chỉ muốn dừng lại để ngắm nhìn thưởng thức một thi phẩm “Cuối năm” với bốn cặp đôi lục bát. Ba cặp đầu cái gì cũng vội, cũng nhanh : ngày tháng, thời gian, trời, cỏ, sông, người trong cảnh bẽ bàng. Tuy “Dị sàng nhưng lại đồng mộng” vì là “chưa kịp” do thời khắc trôi quá nhanh. Ở cặp thơ cuối mạch thơ, dòng chảy của thơ như chậm lại. Có sức cản nào chăng – không phải ! mà chỉ là “em” còn luyến tiếc một quá khứ đang tuột vào dĩ vãng. Mà dĩ vãng cứ chất chứa bao kỉ niệm vui buồn. Kỉ niệm đó được đặt ra bởi một câu hỏi hư trương “Cuối năm có nhớ lời thề trẻ con ?”.
Cám ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng đã cho tôi thưởng thức một bài thơ lục bát hay.

 
Ngày  6/12/2015
Vương Bảo
ĐT : 0932.297.399
Email: vuongbao1938@gmail.com

 



Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: