Thứ sáu, 29/03/2024,


Truyện ngắn Y Mùi (08/10/2015) 

 

 

  Tác giả Y Mùi tên thật là Đào Thị Mùi (sinh năm 1955). Các bút danh khác: Ngọc Sương, Hạ Hương. Chị đã có tác phẩm đăng ở các báo ngành, báo trung ương và địa phương, như: Báo Giáo dục & thời đại, Báo Sức khỏe & đời sống, Báo Hoa học trò, Báo Gia đình và Xã hội, Báo Phụ nữ, Báo Người cao tuổi, Tạp chí Văn Việt, Báo Xây dựng, tạp chí Tản Viên Sơn, Văn nghệ Đất Tổ... Ngoài ra chị còn dịch các tác phẩm văn học từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Năm 2014 đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng viết văn khóa VIII do Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tổ chức. Đã xuất bản tập truyện ngắn Những nẻo đường tu (2015); tập tự truyện và tản văn: Lan man buồn (2015).

 

 

 

 

                                                                           Xin cảm ơn Người


1.

Nhà nghèo. Con một đàn lít nhít như trứng gà, trứng vịt. Ba năm đôi đứa con ra đời nên bố mẹ tôi tuy đã cố gắng hết sức nhưng cũng chỉ đủ “vặt mũi đút miệng”. Bố mẹ tôi sống tự tin bằng cái cách “giật gấu vá vai” rất tài tình và kinh nghiệm “cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần” truyền từ đời các cụ thân sinh ra bố.

Những năm học cấp hai, ngoài một buổi đi học tôi đã có thể giúp bố mẹ rất nhiều công việc đồng áng và cả việc nhà. Chú bác và người làng thì khuyên bố mẹ nên cho tôi nghỉ học để phụ giúp gia đình. Một lần, chú ruột của tôi nói với mẹ:

- Nhà neo người làm, cho nó học thế thôi. Con gái học nhiều làm gì, rồi cũng đi lấy chồng, trông hòng gì mà cho ăn học lắm.

Mẹ nói lại với bố chuyện này nhưng bố gạt đi:

- Nó học được cứ để cho nó học. Hơn chục tuổi đầu, bỏ học để chuồng trâu nào cũng phải chui vào à?

Chẳng là thời ấy, các gia đình gia nhập hợp tác xã được chia thành tổ, đội sản xuất, làm chung. Ruộng, bãi, trâu bò, phân tro cũng chung hết. Chuồng trâu nhà ai đầy phân thì báo cho đội sản xuất điều thanh niên và người khoẻ mạnh đến gánh đổ ra ruộng hợp tác. Nếu bỏ học chắc chắn tôi đã ở trong nhóm lao động chuyên gánh phân trâu của đội sản xuất.

Hồi nhỏ, vì nhà neo người làm nên việc học của tôi cũng rất phập phù, thường xuyên ở tình trạng “buổi đực, buổi cái”. Tôi là con lớn nhất trong nhà nên cũng là lao động phụ của gia đình. Lao động phụ tức là lao động trẻ con, biết làm những việc của người lớn. Tôi được phép thay mẹ tham gia lao động trong đội sản xuất cùng với người lớn. Những công việc làm khoán thì lao động phụ giống như lao động chính (tức người lớn), làm được bao nhiêu thì tính công điểm bấy nhiêu. Khi làm công nhật, tức làm theo buổi, lao động phụ cùng làm với lao động chính từ đầu buổi đến hết buổi nhưng một công của lao động phụ chỉ được tính bằng một nửa suất công của lao động chính.

   Tuy chỉ là lao động phụ nhưng khi đi cấy hay gặt lúa khoán thì tôi chỉ thua vài ba người lớn trong tốp nhanh nhất đội sản xuất. Thế nhưng với những việc làm công nhật, tôi chỉ được nhận công điểm bằng một nửa suất công của người lớn. Có một thời gian rất dài, đội sản xuất nông nghiệp ở quê tôi làm theo hình thức chấm công theo buổi (tức làm công nhật). Sáng sáng, chiều chiều mọi người tụ tập ở đầu xóm ngồi gẫu chuyện chờ kẻng để ra đồng và chờ kẻng để về nhà. Năng suất lao động và hiệu quả công việc hình như chẳng ai phải quan tâm.

   Tôi phải thường xuyên nghỉ học để tham gia sản xuất lấy công điểm cho gia đình vì nếu được ít công điểm thì đồng nghĩa với việc sẽ được chia ít lúa lúc mùa về. Ngày ấy bố tôi mải việc làng xã, việc thôn xóm nên việc đồng, việc nhà một tay mẹ lo liệu hết; ngoại trừ việc cày bừa thì bố tôi vẫn đảm nhận, mẹ chưa phải động đến bao giờ. Những khi mẹ phải nghỉ việc đồng để làm việc nhà, toàn những việc mà sức vóc của tôi chưa làm nổi thì tôi phải thay mẹ ra đồng theo đội sản xuất.

Dù ham học và thích đến trường nhưng khi mẹ bảo nghỉ học đi làm là tôi phải nghỉ liền vì sợ nếu không nghe lời mẹ thì mẹ bắt bỏ học luôn. Phải nhịn đói đến trường, phải nhịn đói gánh phân trâu đổ ra ruộng của hợp tác xã tôi không sợ, nhưng phải bỏ học, không được cắp sách đến trường là điều tôi sợ nhất. Suốt những năm học cấp hai tuy rất thấp bé nhẹ cân (tôi thuộc diện còi cọc) nhưng tôi đã ý thức được tôi là cánh tay phải của mẹ. Mẹ có thể bắt tôi bỏ học bất cứ lúc nào, nếu mẹ cảm thấy không kham nổi tất cả công việc đồng áng và không tìm ra tiền đóng học cho tôi.

Quê tôi chỉ cách Thủ đô mấy chục cây số đường chim bay nhưng ngày đó trẻ con chủ yếu chỉ học hết lớp ba, lớp bốn là bỏ học cả loạt. Mỗi nhà chỉ cần có một người biết đọc, biết viết, để ghi công điểm. Nhà ai khá giả thì mới cho con cái học lên cấp hai. Những năm sáu mươi của thế kỷ trước cả xã chưa tổ chức nổi một lớp năm, một lớp sáu và một lớp bảy để thành lập trường cấp hai riêng. Học sinh của xã tôi khi học lên cấp hai thì phải đi bộ mười mấy cây số sang xã bên cạnh để học.

Ngày xưa quê tôi đói nghèo lắm nên việc được cắp sách đến trường là rất xa xỉ đối với con em nông dân. Con gái quê tôi càng ít được học hơn vì rất nhiều lý do, tạm tóm vào hai nhóm. Thứ nhất, cùng tuổi thì con gái giúp việc nhà và cả việc đồng đều tốt hơn con trai. Thứ hai, con gái bị coi là “con nhà người” vì sẽ đi lấy chồng, làm dâu con nhà khác nên cho con gái học nhiều cũng bằng không…

 

2.

Vào một buổi tối đầu mùa hè, năm tôi học xong cấp hai, khi cả nhà đã đi nằm thì nghe tiếng chó sủa. Nhà có khách đến chơi muộn. Tôi nghe từ phía giường ở gian buồng bên tiếng mẹ hỏi bố:

- Ai đến thế nhỉ?

- Ông bà hàng xóm đấy. Mẹ nó dậy đi, không phải gọi con đâu. - Bố trả lời.

Rồi bố mẹ tôi cùng dậy khỏi giường. Mẹ thắp ngọn đèn dầu hỏa lên đón khách. Hồi ấy quê tôi chỉ có mỗi loại đèn thắp sáng thông dụng đó. Hoá ra, hai ông bà hàng xóm thân với gia đình nhà tôi sang chơi theo hẹn trước với bố. Mục đích cuộc đi chơi muộn của ông bà ấy bố tôi đã biết. Chỉ tôi và mẹ là không biết lý do gì mà vợ chồng bác hàng xóm đến chơi nhà vào lúc khuya khoắt như thế.

Tôi nằm im trên giường nhưng tai vẫn dỏng lên dõi theo câu chuyện của bố mẹ và khách. Mẹ rót nước vối đựng trong cái tích đất nung ra hai cái bát sành mời khách. Bố thì nhồi thuốc lào vào nõ điếu cày, châm đóm, rít một hơi dài. Chậm rãi nhả hết khói xong, bố lấy hơi phì sái thuốc đi rồi đưa cái điếu cày cho ông khách, mời:

- Ông hút một điếu chứ?

  Ông khách từ chối, hắng giọng, bắt đầu rào đón và trình bày câu chuyện… Hóa ra ông bà hàng xóm muốn hỏi cưới tôi cho anh con trai cả nhà họ đang tại ngũ. Ông bà ấy nói nếu bố mẹ tôi đồng ý thì họ sẽ đi đánh điện cho anh ấy về tranh thủ để làm lễ ăn hỏi và tổ chức đám cưới luôn. Như vậy, chỉ trong mươi ngày là xong xuôi chuyện cưới xin.

   Ngày ấy, con gái quê tôi lấy chồng sớm lắm; chỉ mười bốn, mười lăm tuổi đã có người dạm hỏi; mười lăm, mười sáu tuổi đã lấy chồng hết lượt; mười sáu, mười bảy tuổi đã làm mẹ. Nếu cô gái nào qua độ tuổi ấy mà chưa chồng con gì thì coi như bị ế. Tuy con gái lấy chồng quá sớm như thế là tảo hôn, là vi phạm luật hôn nhân, là hủ tục lạc hậu nhưng cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy nên rất nhiều cô gái ở quê khi rơi vào hoàn cảnh ấy cũng chỉ biết khóc thầm và phục tùng sự sắp đặt của cha mẹ. Ông bà hàng xóm thấy tôi chăm chỉ nên đã để mắt tới và chỉ chờ tôi nghỉ hè là sang đánh tiếng, sợ chậm chân hơn người khác. Chỗ ông bà ấy với gia đình nhà tôi thì đã quá thân thiết từ lâu. Anh con trai cả nhà họ hiền lắm, được cả làng quý mến. Con rể như thế ai mà chả thích.

  Tôi quá bất ngờ, sợ hết cả hồn nhưng vẫn nằm im không dám cựa vì cái giường tre ọp ẹp kê ở gian bên cạnh, sát ngay bàn nước. Tim tôi đập dồn, không dám thở. Người tôi run lên như nằm không chăn giữa mùa đông giá lạnh.

“Chết rồi!”, - tôi nghĩ và tiếp tục nín thở nghe ngóng chuyện se duyên cho con cái của bố mẹ tôi và hai vợ chồng ông bà hàng xóm. Nghe ông khách ngỏ lời xong, bố tôi với lấy cái điếu cày dựng dưới chân bàn nước đóng bằng tre, nhồi tiếp một điếu thuốc lào nữa, lại chậm rãi châm lửa, rít một hơi dài không thể dài hơn. Tôi như bị tắc thở trong những giây phút nặng nề, dài lê thê ấy.

Cuối cùng thì cũng nghe được giọng nói của bố:

- Cháu còn nhỏ lắm. Nó còn phải học tiếp cấp ba.

Trời đất ơi, trúng điều con vẫn ước ao! Sướng không thể tả, tôi chỉ muốn bật dậy khỏi giường hét lên: “Thầy mình tuyệt quá!”, - nhưng không thể vì tôi vẫn phải giả vờ như đang ngủ say.

Tôi nghe thấy tiếng của bà hàng xóm:

- Về nhà tôi cháu sẽ đi học tiếp nếu nó muốn. Nó học giỏi như thế chúng tôi không bắt phải làm ruộng đâu. Ông bà đừng lo.

Câu chuyện giữa vợ chồng ông bà hàng xóm và bố mẹ tôi vòng vo một chập. Cuối cùng bố tôi nói vừa để kết thúc câu chuyện đã đến lúc phải kết thúc vừa để tiễn khách:

- Vâng, biết thế đã, để tôi hỏi cháu xem ý nó thế nào rồi báo cáo ông bà sau.

   Thật may, bố đã không gọi tôi dậy ngay lúc đó để hỏi ý kiến. Sau khi tiễn khách về bố mẹ tôi còn ngồi thêm một lúc lâu. Bố nhồi tiếp điếu thuốc lào nữa. Lại rít. Lại nhả khói. Lại ho… Lại rít tiếp hơi thuốc nữa nhưng không mồi lửa. Rồi lại nhả khói. Rồi lại ho…

Cuối cùng, bố thủng thẳng nói với mẹ:

- Nói thế thôi chứ, con nó có muốn lấy chồng thì tôi cũng chưa cho phép. Phải học đã. Thất học thì lại khổ một đời như tôi và mẹ nó thôi.

Mẹ tôi phụ họa:

- Ông bà ấy cứ bảo cho nó đi học tiếp nhưng gả bán rồi thì quyền ở người ta. Nhà họ mà không cho đi học nữa thì ai làm gì được.

Chẳng ngờ, vừa thất học, vừa quê mùa mà bố mẹ tôi có những suy nghĩ tiến bộ trên cả tuyệt vời. Tôi cứ trộm nghĩ, nếu bố mẹ chỉ thiển cận một chút thôi thì không biết cuộc đời tôi sẽ ra sao nhỉ?

Thay vì làm một nông dân “con nhà nòi” thì tôi đã trở thành một trí thức “xịn”. Bây giờ, khi đã ở tuổi U bảy mươi nhưng tôi vẫn ham chơi đúng như cái nick facebook tự sướng, Kháu lão ham chơi đang ngồi đây chém gió, online và offline.

Xin cảm ơn cuộc đời! Xin cảm ơn Người!

 



 

                                                                      Những nẻo đường tu

 

1.

“Thứ nhất là tu tại gia. Thứ nhì tu chợ. Thứ ba tu chùa”. Không nhớ là ai đã nói điều đó với tôi, ngẫm ra quả là đúng lắm! Hơn thế, dù tu ở đâu thì cũng phải tâm niệm một chữ TU.

Thường thì người buôn bán mới đi lễ cầu tài, cầu buôn may, bán đắt. Là giáo viên tiểu học, nhưng từ nhiều năm nay đã thành lệ, tôi đi lễ chùa vào ngày mồng một và ngày rằm hằng tháng.

Tôi không thể thường xuyên sắm lễ xôi gà hay những đĩa trái cây, bánh kẹo đắt tiền như rất nhiều các bà, các chị khác. Tôi thành tâm đến chốn chùa chiền với nén nhang thơm và những đồng tiền lẻ phẳng phiu, sạch sẽ, gom góp lại sau những buổi chợ mua đồ ăn, thức uống cho gia đình.

Lần nào cũng vậy, mỗi khi vào chùa, sau khi dâng hương và đặt tiền lên các ban thờ, tôi thường đứng nghiêm trang ở ban Tam Bảo, chắp tay thầm khấn, cầu xin sự may mắn cho đại gia đình hai họ đã gây dựng lên cái tổ ấm của tôi, cho chồng con và cho bản thân. Tôi mong Trời, Phật chở che, ban cho sức khoẻ và phúc lành.

Tôi thầm hứa với đấng linh thiêng trên cao xanh rằng, sẽ cố gắng làm nhiều việc tốt, sống thiện tâm; mong sẽ để lại phúc đức cho con cháu sau này. Sau mỗi buổi đi lễ chùa, tôi thấy lòng thanh thản; bao nhiêu phiền muộn đời thường tiêu tan hết. Tôi rất thường xuyên đi lễ chùa cũng vì lẽ đó. Tôi nghĩ sự tĩnh tâm, an phận mà mình có được là do Trời, Phật ban cho và yên lòng vượt qua những khó khăn, trở ngại gặp trên đường đời.

Nhà chùa một ngày rằm, nhưng đã quá trưa nên vắng khách. Vài người đang bày lễ. Vài người đang lầm rầm khấn vái trước các ban thờ. Vài người đang hạ lễ, hóa vàng. Sư cụ thì đang ngồi ban phát những gói lộc nho nhỏ cho khách sắp rời chùa. Mỗi khi lễ bái tôi tập trung vào suy nghĩ và thành tâm bày tỏ những lời cầu khấn của mình, cố không để ý đến những người bên cạnh. Nhưng việc ấy không phải bao giờ cũng thành công.

Ở chùa, nhưng nhiều người khấn vái như chỗ không người, không những to mà còn nhanh như mở băng cát-xét ghi sẵn. Nhiều lời cầu khấn lại ngộ ngộ, buồn cười. Nào là: “Xin ban cho con được hơn người, đi tươi về tốt, đi một về hai...”; nào là: “Xin cho con mua một bán mười...”; nào là: “... tiền vào như nước sông Đà, tiền ra rỏ giọt như cà phê phin...”. Ai cũng xin như thế thì Trời, Phật lấy đâu ra mà ban phát cho hết thảy mọi người!?

Nhưng lần này, tai tôi thấy những lời lẽ rất khó nghe: “... Con chết đâm chết chém ấy, cầu cho nó chết đường, chết chợ, bị quạ mổ, xe đâm... Cái con Nguyễn Thị Tình ở công ty may ... gì nhỉ? nơi thằng chồng khốn nạn của con làm thợ sửa máy ấy. Nó đã dụ dỗ mua chuộc chồng con. Chúng nó hú hí với nhau suốt ngày ở đâu đó, tối về chẳng ngó ngàng gì đến con. Con thề có trời đất, con sẽ xé xác con đĩ ấy ra làm trăm mảnh nếu con mà bắt được tận tay, day tận mặt chúng nó...”. Một phản xạ tự nhiên, tôi quay nhìn sang nơi đang phát ra chuỗi âm thanh lạ tai ấy. Một phụ nữ còn khá trẻ, dáng dư thừa dinh dưỡng đang say sưa thả hồn trong những lời cầu xin kỳ quái. Giật mình, tôi buột miệng:

- Chị hàng trầu vỏ.

- Chị là ai? Sao biết tôi? - Người phụ nữ chợ búa ấy quay sang tôi với ánh nhìn nghi hoặc, hỏi.

- Chị nhanh quên nhỉ? - Định nhắc cho chị ta nhớ ra nhưng rồi tôi chỉ nói:

- Tu ở chợ còn quan trọng hơn ở chùa đấy.

- Việc đ. gì đến nhà chị. Câm mẹ nó mồm đi. - Bất thình lình chị ta vặc lại tôi bằng một loạt ngôn từ tục tĩu.

- Mô phật! Tại sao lại văng tục ở cửa nhà Phật thế? - Tiếng sư thầy đã kết thúc cuộc đối thoại bất đắc dĩ giữa chúng tôi.

Tôi lẳng lặng đi sang ban thờ kế tiếp, thêm một lần nhẫn nhịn chị hàng trầu vỏ. Quả là Hà Nội quá chật hẹp. Sau lần va chạm với chị ta cách đây chưa đầy ba tuần lễ tôi đã thề là sẽ không bao giờ gặp lại chị ta nữa. Vậy mà, quả đất tròn, tôi lại gặp chị ta nơi cửa chùa này.

2.

Một chiều thứ bảy, tôi cất công lên chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, khu chợ lớn nhất của Hà Nội mua cây vỏ đỏ để biếu mẹ vì đó là thứ quà Hà Nội mẹ thích nhất. Đúng giờ tan tầm, người và xe như mắc cửi. Tôi đạp chiếc xe mini Tàu cà tàng, len lách qua các con phố cổ đông nghịt người. Tôi đã từng đến khu vực chợ này không ít lần nhưng hầu như lần nào cũng bị lạc, đi lòng vòng quẩn quanh trong mấy con phố cổ mãi không tìm được đường đến chợ. Lần đó cũng không phải là ngoại lệ.

Tìm thấy chợ, tôi vào thẳng dãy hàng trầu vỏ, nhằm một bà cao niên tiến lại. Trông cái mẹt cũ kỹ với ít vỏ khiêm tốn được chặt vụn thành từng khúc ngắn đã khô hết nhựa, tôi thấy nản quá nhưng vẫn hỏi với hy vọng bà cụ còn hàng để đâu đó mà không bày ra:

- Bà còn vỏ khác không? Cho cháu mua một cây.

Chắc là ít vốn nên chỉ bán lẻ, bà cụ gọi với sang một chị ngồi cách bà hai mẹt hàng bày toàn cau tươi. Một cây vỏ khá ngon, màu tươi rói đỏ, lớp vỏ giấy ngoài cùng mỏng tang của cây vỏ còn bám chặt, chưa bị bong đi mất trong quá trình vận chuyển từ rừng về đến chợ qua người bán buôn đến tay người bán lẻ, được chuyển sang tay bà lão. Cân xong cây vỏ bà lão nói:

- Cây này ngon quá, đúng mười hai ngàn đây.

Phải công nhân là cây vỏ ấy ngon thật. Không “dìm hàng” thì thôi, chả nhẽ lại khen ư? Nghĩ vậy nên tôi chỉ im lặng. Bà cụ bán hàng nài nỉ:

- Mua thêm một khúc nữa giúp tôi đi.

Bà cụ nhặt một khúc vỏ ở mẹt hàng trước mặt đưa tôi, nói tiếp:

- Khúc này nhé, ba ngàn thôi.

Tôi chê vỏ không tươi. Mà thật tình, cả mấy khúc vỏ ở cái mẹt của bà lão đã gần như khô hết nhựa, trơ như những mẩu củi héo. Có lần mẹ giảng giải về cách mua vỏ, bảo đó là vỏ đã chết, ăn sẽ chả ra gì nữa. Bà bán hàng vẫn cố nài nỉ tiếp:

- Thế thì mới có ba ngàn. Nếu còn ngon thì khúc vỏ này của tôi phải năm, sáu ngàn mới bán được. - Bà bán hàng thật thà xác nhận vỏ của mình không ra gì.

Cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền, thôi thì mua coi như làm phúc cho người bán hàng già cả này vậy. Vỏ héo sẵn thế này ăn ngay thì không ngon nhưng mẹ có thể tước ra phơi để dành ăn dần. Tôi nghĩ nhanh rồi bảo bà già:

- Thôi được, bà cho cả vào túi đi.

Tờ giấy bạc hai mươi ngàn đồng của tôi được chuyển từ tay bà cụ sang chị hàng vỏ cách đấy vài người ngồi. Thay vì phải trả lại tiền thừa thì chị ta mời tôi mua cau.

Tiện đây mua mấy quả cau biếu mẹ luôn, nghĩ thế, tôi hỏi:

- Cau chị bán thế nào đấy?

Thế là chị ta liến thoắng, miệng nói, tay đưa ra cả một buồng cau khá to:

- Mua nhiều không? Tất chỗ này nhé? Hay cành này? Cành ngon nhất đấy. Đúng ba chục quả. Có bảy ngàn rưỡi thôi.

- Chị ra hạt thử xem nào? - Tôi đề nghị.

Chị ta nhanh chóng chọn một quả rồi bổ làm đôi. Thấy quả cau bị rỗng ruột, phần hạt cau thì õng nước, tôi nói:

- Non quá! Mà sao đắt thế? Cau này ở quê tôi chỉ mấy trăm đồng một chục quả. Thôi trả lại tiền thừa đi. Tôi không mua cau đâu.

Bất ngờ, chị ta đổi giọng, văng ra đủ thứ không thể tưởng tượng nổi:

- Lấy đ. đâu ra cau mấy trăm đồng một chục quả mà mua. Ăn cứt ấy. Cau này còn chê. Đây cầm tiền rồi, đừng hòng mà mua của người khác nhé.

- Thuận mua vừa bán, tôi không muốn mua thì thôi sao lại ép? Trả lại tiền đi. - Tôi vẫn cố gắng mềm mỏng hết mức có thể.

- Đ. mẹ con này. Còn lắm mồm hả?

Vừa chửi chị ta vừa nhấp nhổn định đứng lên khỏi chỗ ngồi. Đôi môi dày trát son đỏ choét của chị ta dẩu ra, cong cớn. Hai đường chân mày xăm đen sì như hai con đỉa trâu chết cứng, vắt ngang cái trán vừa ngắn vừa dẹt. Tôi những tưởng chị ta sẽ nhảy xổ qua mẹt cau, để xỉa con dao vừa dùng bổ cau vào mặt tôi.

Mấy bà bán hàng bên cạnh thấy vậy phẩy phẩy tay, bảo:

- Thôi, đi đi.

Tôi đọc được trong ánh mắt của họ rằng: “Khôn hồn thì đừng dính với loại ấy”. Tôi bắt đầu cảm thấy sợ thật sự, vội bỏ đi, bụng bảo dạ: “Khéo mình ăn đòn mất. Thôi thí cho chị ta”.

Bà già bán vỏ còn gọi với theo:

- Này chị gì ơi! Còn tiền khúc vỏ của tôi nữa.

Tôi tức lắm nhưng không dám dừng lại, vừa lên xe, đạp đi vừa nói vuốt sau lưng:

- Lẽ ra tôi đòi tiền của bà mới phải. Tôi đâu có mua bán với chị ta. Hai chục ngàn ấy chưa đủ sao? Các người thật quá quắt.

Tôi đã bị chị hàng vỏ ăn hiếp trắng trợn giữa ban ngày, và tức cho đến tối hôm đó. Chắc sự bực bõ hiện cả trên mặt. Đến khuya, lúc đi nằm chồng tôi hỏi:

- Ngọc thể bất an hay có sự cố gì mà mặt mày sưng xỉa thế, cô đồ?

Đôi khi ở nhà, anh gọi tôi là “cô đồ” như vậy. Tôi kể cho anh nghe chuyện ở chợ ban chiều với tất cả sự bực tức dồn nén từ khi rời khỏi chợ.

Nghe xong anh cười, ôm tôi vào lòng và nói:

- Quên mấy ngàn đồng và cô hàng trầu vỏ của em đi, để anh giúp em thư giãn nào.

- Số tiền chẳng đáng bao nhiêu nhưng bị cướp trắng và thái độ của chị ta như thế nên em bực mình. - Vẫn chưa hết tức, vừa nói tôi vừa hất bàn tay anh đang định mơn trớn trên da thịt mình ra.

- Thôi nào, anh sẽ đền em gấp mười lần, đồng ý chưa?

- Anh này, người ta đang tức chết đi được còn đùa. - Tôi bực lây sang anh. Hất mạnh tay chồng ra, tôi trở mình nằm quay mặt vào tường, nhắm mắt và bắt đầu đếm thầm từ một. Đó là thói quen mỗi khi khó ngủ tôi tự ru mình.

Trời bắt tôi gặp lại chị ta không chỉ một lần. Sau hôm gặp chị ta ở chùa, tính hiếu kỳ bẩm sinh khiến trí tưởng tượng của tôi cựa quậy. Tôi cố thử hình dung cuộc sống gia đình của chị hàng trầu vỏ ấy...

Trước mắt tôi một khuôn mặt bự phấn với hai con đỉa trâu chết cong nằm vắt ngang hai bên trên cái trán vừa ngắn vừa dẹt. Bộ quần áo hoa mặc ở nhà nhàu nhĩ chuyển thành màu cháo lòng. Duy chỉ một điều khác là khi ở nhà thì sự hung hãn, côn đồ kiểu chợ búa ấy được thay bằng dáng vẻ mệt mỏi, chán chường, lúc nào cũng sẵn sàng vùng vằng, đá thúng đụng nia. Rõ hơn cả là cái bọc tiền, vốn liếng của nghề buôn thúng bán mẹt, kiếm lời bằng chụp giật, ăn cướp vô lương thì lúc nào cũng được chị ta khư khư giữ bên hông quần.

Nếu chuyện chỉ có thế thì chắc tôi cũng chẳng bận tâm quá lâu.

 

3.

Vào năm học mới, tôi được nhà trường giao cho phụ trách lớp năm, thay cô chủ nhiệm của lớp này nghỉ đẻ. Hôm nhận lớp, bà hiệu trưởng nói với tôi bằng cái giọng dỗ dành:

- Em cố gắng nhé, lớp cuối cấp và có một số học sinh cá biệt nhưng chị tin là em chèo chống được với chúng.

Tôi chỉ còn biết trả lời:

- Vâng, để em thử.

Tôi làm quen và tìm hiểu bọn trẻ, nhanh chóng ổn định lớp trong ba tuần sau khai giảng. Hết tháng đầu của học kỳ một tôi lọc ra ba học sinh cá biệt. Tôi xem lại sổ sách, cả ba đứa đều nằm trong số năm cháu không có cha mẹ đến họp phụ huynh đầu năm học. Tôi làm giấy mời cha mẹ ba học sinh cá biệt đến trường để trao đổi, phối hợp giáo dục.

Hai cháu có gia đình đến ngay hôm sau. Còn Hoàng, cậu học sinh đứng đầu danh sách nhóm cá biệt thì không thấy bố mẹ đến, dù tôi đã nhắc nó hai lần. Tôi phải mang bài dọa ra, bảo thằng Hoàng:

- Nếu con không mời được bố mẹ đến thì cô sẽ cho con nghỉ học và trả con cho nhà trường giải quyết.

Thật bất ngờ, thằng bé trả lời như thể nó biết trước tôi sẽ nói gì với nó:

- Thưa cô, mẹ con bảo chỉ mất việc thôi. Nhà trường mà không dạy được thì mẹ con cũng chịu. Mẹ con còn phải kiếm tiền không có thời gian đến trường đâu ạ.

Thật vô trách nhiệm với con cái. Trông mặt thằng Hoàng đâu đến nỗi mà kết quả học tập thì kém quá, đầu têu quậy phá, luôn mồm nói bậy; trong giờ học thì mất trật tự...

Sau đó tôi đã quyết định làm một việc mà không mấy thầy cô hiện nay còn làm. Một tối, nhờ ông xã làm xe ôm, tôi đã đến thăm gia đình thằng Hoàng. Chẳng mấy khó khăn chúng tôi tìm đến ngõ nhà cậu học trò cá biệt. Vì hẹn trước nên thằng Hoàng ra đợi khách tận đầu ngõ.

Trời ạ! Vẫn hai con đỉa chết cứng quèo đen xì trên cái trán ngắn tũn không thể lẫn vào đâu được. Vẫn là cặp môi dày không thể dày hơn trên khuôn mặt bự phấn của chị hàng trầu vỏ trát son đỏ chót. Chị chủ nhà lí nhí chào:

- Mời thầy cô vào chơi.

Hình như một lần nữa chị hàng trầu vỏ lại không nhận ra tôi. Rất có lý khi người ta nói khách nhớ nhà hàng, chứ nhà hàng làm sao nhớ hết khách. Có thể những gì tôi cho là bất thường thì với chị ta có khi là bình thường như cơm bữa hằng ngày. Trời hành chị ta hay trời hành tôi? Tôi cũng coi như chưa từng gặp mẹ thằng Hoàng, lặng lẽ cùng ông xã bước vào căn phòng chỉ khoảng hơn chục mét vuông chật ních đồ đạc sinh hoạt của một gia đình thường dân nơi phố nhỏ.

Khách vừa vào nhà thì chị chủ nhà bắt đầu thao thao chê chồng, chê con:

- Thằng Hoàng hư hỏng do bố nó suốt ngày đi, không bao giờ quan tâm đến gia đình. Chồng không ra chồng. Con không ra con....

Nghỉ lấy hơi nhanh, chị chủ nhà lại tiếp tục tua:

- Lão ta tưởng đưa về mấy đồng lương còm ấy là đủ nuôi cả nhà, phó thác cửa nhà con cái cho vợ. Đồ tội nợ!

Đột nhiên, chị chủ nhà đổi giọng, than vãn nghe rất thương cảm chẳng giống như những gì tôi đã hơn một lần từng nghe từ chính miệng chị ta:

- Em khổ lắm chị ơi. Con anh ấy mà anh ấy không quan tâm thì thôi. Em phơi mặt cả ngày ngoài chợ đã quá mệt mỏi rồi. Đấy chị xem, thứ bảy mà giờ này đã thấy về đâu...

Chúng tôi bị chị chủ nhà cuốn vào cuộc nói xấu chồng con. Chị ta huyên thuyên đủ thứ, quên cả điều xã giao tối thiểu phải làm khi khách đến chơi nhà. Thằng Hoàng đưa khách vào nhà xong là hết nhiệm vụ, biến đi rất nhanh.

Chồng tôi ngồi ngó nghiêng căn phòng ở của chủ nhà được chia tách, cải tạo từ một ngôi nhà chung xây dựng từ thời Pháp thuộc, dù chẳng có gì đáng để nhìn ngắm. Một thứ duy nhất đáng nhìn vào là chiếc tivi mười bốn Inch đen trắng đang bật nhưng chỉ thấy nhập nhằng hình không rõ hình, tiếng không rõ tiếng.

Tôi không thể tập trung nghe chị chủ nhà dốc bầu tâm sự. Mọi ý nghĩ đang quay về góc chợ và nhà chùa, những nơi tôi đã từng gặp mẹ thằng Hoàng trước đây. Tôi trộm nghĩ, nếu nhận ra tôi là người đã bị chị ta xỉa xói, chửi bới, ăn quỵt mấy đồng tiền thừa khi mua hàng ở chợ thì sự thể sẽ thế nào nhỉ?

Biết là bầu tâm sự của chủ nhà còn đầy ắp và khó dứt ra, tôi rình đúng lúc mẹ thằng Hoàng nghỉ lấy hơi, đứng lên xin phép cáo từ. Ra khỏi ngõ nhà học trò, chồng tôi lên tiếng trước:

- Phụ huynh của em kỳ cục thật. Cô giáo của con đến thăm nhà chẳng hỏi han, xã giao gì, không nhờ cậy gửi gắm con cái mà cứ huyên thuyên vớ vẩn. Mà em nói cần trao đổi với bố mẹ nó kia mà. Sao ngồi im như thóc trong bồ thế?

- Như thóc trong bồ? - Tôi nhại lại anh, nói thêm: làm như am hiểu nhà quê lắm ấy.

- Làm rể nông dân thì cũng phải biết đôi chút chứ.

Tôi chẳng còn tâm trạng nào mà tiếp chuyện chồng. Rồi cả hai cùng im lặng suốt chặng đường về.

Buổi tối cuối tuần thế là hỏng luôn. Tôi thêm một đêm nằm đếm các con số. Khổ cho chồng tôi, anh ấy tưởng rằng đã vô tình chạm phải “nhánh thần kinh tự ái vặt” nào đó của vợ nên cũng lặng im.

 

4.

Đêm ấy, trong giấc mơ tôi lại thấy chị hàng trầu vỏ. Hình như là đã hết học kỳ một. Hình như hôm đó là buổi họp phụ huynh tổng kết học kỳ và mẹ thằng Hoàng cũng có mặt. Hình như cuối buổi họp, mẹ thằng Hoàng lán lại gặp tôi và nói:

- Nhờ cô giáo, cháu đã chăm học hơn và ngoan hơn nhiều cô giáo ạ. - Chị ta nói vừa đủ hai người nghe. Hai hàng lông mày xăm vụng về có vẻ như đã bớt thô cứng hơn. Mẹ thằng Hoàng trông cũng dễ coi hơn.

Hình như có một cuộc đối thoại.

- Trăm sự nhờ cô giáo, em ít được học hành nên khó dạy con lắm. Mong chị....

Không đợi mẹ thằng Hoàng nói hết câu, tôi đáp:

- Hoá ra chị cũng khéo ăn nói đấy chứ. Tôi ....

Chồng tôi lay mạnh, hỏi:

- Em lảm nhảm gì thế? Mơ ngủ à?

Tôi giật mình tỉnh giấc.

- Chị hàng trầu vỏ chính là mẹ thằng Hoàng đấy anh ạ. - Tôi vừa trả lời chồng vừa thở hắt ra một hơi dài, những mong trút bỏ hết đám không khí nghèo ôxy đang bị nén căng trong lồng ngực.

- Tưởng gì? Mẹ như thế thì con khó mà ngoan được. Có gì bất ngờ đâu. Em cứ hay nghĩ linh tinh, hại thần kinh lắm đấy. - Chồng tôi an ủi.

 

 

 

 

 

 

Tôi xoay người lại, nằm gọn trong vòng tay khoẻ mạnh, tin cậy của chồng, rồi ngủ thiếp cùng với câu hỏi trong đầu:“Phải làm thế nào với đám học trò cá biệt như thằng Hoàng đây”?

Ngày mai chủ nhật nhưng có rất nhiều việc đang chờ đợi mình đấy.

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: