Thứ năm, 25/04/2024,


Bút kí - Dưới ánh rằm thu (Hay là nỗi niềm Trung thu ngày nay) (28/09/2015) 

   Mới đầu tháng Tám âm lịch, tiếng trống múa sư tử của trẻ em bắt đầu nổi lên đây đó. Từ trường học đến các nơi trên các ngả đường xóm quê, đường phố địa bàn thị xã Quảng Yên quê tôi đã tưng bừng không khí chuẩn bị đón tết Trung Thu. Từ chợ quê đến các cửa hàng cửa hiệu nơi đâu cũng đã bày bán la liệt đủ loại quà Trung thu: bánh kẹo, hoa quả cùng các loại đèn và trò chơi cho trẻ. Chỗ nào cũng ánh lên muôn vẻ sắc màu. Mỗi đêm, ánh trăng lại dần tròn và thêm sáng. Trẻ em vẫn là người trong cuộc háo hức nhất đợi đến đêm rằm.

   Các trường học, các khu dân cư, các gia đình, dù bận mấy mọi người cũng dành thời gian và kinh phí mua sắm, treo đèn kết hoa, trang trí cổng chào chuẩn bị tổ chức các điểm “Đêm hội Trăng Rằm”. Tết Trung thu bây giờ không chỉ trẻ em mà còn cuốn hút cả người lớn.

   Mùa thu. Nhìn Trăng Rằm mọc, đứng dưới Trăng Rằm sáng xanh như ngọc, có lẽ chẳng ai cầm lòng yên lặng được mà không vui với trẻ hôm nay, mà không nghĩ không nhớ về tuổi thơ của chính mình? Thật kỳ lạ! Để làm đẹp làm vui cho Mùa Thu thêm thanh sắc cùng hương vị, người phương Đông ta đã nghĩ ra cái lệ ngắm Trăng Rằm xem thời tiết và thế sự, sinh ra chuyện cổ tích Trăng Rằm cho trẻ con nghe, làm đèn giấy cho trẻ con rước, bày bánh quả cho trẻ trông trăng phá cỗ… nối dài Tết Trung Thu thành một phong tục dân gian cho muôn người háo hức, về lại tuổi thơ!

   Nhớ hồi tấm bé, nhà cửa làng mạc tuy đơn sơ nhưng quê hương và tuổi thơ thật rộn ràng, ấm cúng. Thời ấy, người lớn và trẻ không biết nhiều cách làm gì có tiền và cũng không thể có nhiều tiền để mua đồ chơi, cũng chẳng có nhiều đồ chơi lạ mắt như bây giờ. Nhưng mùa nào thức ấy, anh em chúng tôi đều tự làm lấy mọi thứ để tạo sân chơi, để được đi rước đèn Trung thu. Như vót que, đẽo gụ, phất diều, nặn tượng đất, xoáy bi đá, làm súng diêm, cuốn pháo, gọi điện bằng ống bơ... Tuổi thơ nhễ nhại mồ hôi cứ trôi theo dòng sông làng, tóc khét nắng.

  Mùa gặt, đêm về chui vào lều rơm chất bằng những lượm lúa cha vừa đập xong. Nhất là những đêm có trăng, tuổi thơ đùa rỡn dưới trăng chừng như không biết sáng mai. Tiếng vạc qua trăng ngỡ từ phương trời nào rớt xuống. Nằm giữa lúa ngủ quên, cứ tưởng mình là một Ông Vua nơi xứ sở thần tiên!

   Mỗi mùa Trung thu đến, mấy đứa trẻ chúng tôi lại hí húi chẻ nứa, làm khung kết đèn ông sao rồi lấy giấy màu dán lên. Giấy màu hồi đó làm toàn bằng giấy rơm, mỏng và giòn rất dễ rách, nên phải dán tỉ mỉ và cẩn thận. Thậm chí xé trộm cả giấy bản trong quyển sách nho của cha. Đứa nào kiếm được giấy bóng kính nhờ có người quen bên phố huyện thì nhất bọn luôn. Hồ nấu bằng bột sắn giã nhỏ hoặc nhựa cây xoan đem ngâm rượu. Vừa làm khung vừa phất phất, dán dán… nhặng xị, chí chóe như một bầy ong. Vậy là thành đèn ông sao, đèn trống khẩu, đèn con cá, đèn lồng... Phất được chiếc đèn, ngó nghiêng ngắm nghía, đứa nào cũng thấy đẹp và tự hào lắm lắm. Trước đó, hạt bưởi đã được thu lượm, bóc ra, lấy dây thép xâu lại, phơi khô dưới nắng hanh để dành làm bấc đèn. Từng xâu hạt bưởi chẳng khác gì những chuỗi cườm trắng trên cổ con chim gáy. Có đứa lấy dầu hỏa nhồi giẻ đốt thử, ngọn lửa cháy bốc lên, vội thổi phù phù dập tắt… Có đứa xâu hàng chuỗi hạt bưởi đem đánh đổi lấy cây nến, lấy những con dế chọi, chuồn vôi tím biếc, những chục cua đồng và cả những giành cỏ tươi cắt cho trâu… Có mùa Trung thu, ngoài đèn ông sao, chúng tôi còn xuống “phố Cốc” làng Phong Cốc ngấp nghé, lân la cửa nhà ông Đồ Quý, ông Quyến Anh, Quyến Em-những thợ hàng mã nhà nghề truyền thống để học lỏm, rồi về bắt chước dựng đèn kéo quân. Tôi say chết mê chết mệt những khuôn đất sét người ta dùng để bồi dán ra những chiếc đầu sư tử con con và ngắm họ tô sơn vẽ hình bao nhiêu màu sắc…

   Đến chiều hôm Trung thu không khí làng quê bắt đầu nhộn nhịp. Tiếng trống ếch ngoài trường học, tiếng trống tùng trên đường làng ngõ xóm như thúc vào lồng ngực trẻ con. Chúng tôi háo hức không thể ngồi yên. Cả nhà ăn cơm sớm. Nhiều đứa cũng chẳng thiết ăn. Chập tối, đoàn múa sư tử của anh Mậu, ông Phó Thìn… bắt đầu đi dọc đường làng biểu diễn. Trống dồn giòn giã, thanh la gõ liên hồi. Người trong các ngõ ào ra. Trẻ con đi theo reo hò cổ vũ. Không gian mới lạ như ngày hội xuân ở đâu trẩy lại, vô cùng náo nhiệt. Tụi trẻ bé con để truồng chạy lông nhông. Nhìn thấy sư tử vờn nhau với Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Sa Tăng, cùng Chú Phị, Chú Tễu, ròi cả Thạch Sanh, Công chúa, Lý Thông… chúng vừa sợ vừa thích. Lúc đám múa ở xa thì hò hét, vẫy tay rối rít; khi lại gần thì khóc ré lên, mặt xanh như gà con gặp cáo. Tụi nào bạo gan thì bám theo, nhao vào gần, nhưng chỉ dám sờ đuôi, vuốt râu sư tử rồi chạy rẽ ra, cười nắc nẻ.

   Mỗi mùa trăng mỗi khác theo mùa theo lứa trẻ lớn lên. Trăng lên đầu ngọn tre tỏa ánh sáng dịu mát hòa trong những làn gió thu mơn man. Các đám rước đèn bắt đầu từ sân trường, từ các ngõ xóm ùn ùn tỏa ra đường cái. Trên tay mỗi đứa trẻ đều có một chiếc đèn ông sao, đèn trống khẩu, đèn con cá (đa số là tự dán) xếp thành hàng thành dãy chỉnh chện. trong lồng đèn nến được thắp lên sáng lung linh. Hạt bưởi khô đốt thành ngọn lửa, loang khói, khét mù. Nhưng đứa nào cũng trầm trồ thích thú. Tôi không sao quên được kỷ niệm một đêm trăng trung thu năm ấy, thằng Xoan nhờ cái Lợt quẹt diêm, (thời đó gọi là hòm đóm) châm vào ống bấc đèn ông sao đổ đầy dầu hỏa; ngọn lửa bùng lên đột ngột, cháy xém cả lông mày hai đứa. Chiếc đèn của nó loáng cái bị lửa liếm còn mỗi khung!
Đường làng hóa thành dòng sông, thành con rồng trên mình nó lấp lánh đầy sao chuyển động dưới những rặng cây. Các đám rước đèn gặp nhau, giao mặt, cười đùa tíu tít. Diễu qua các ngả đường làng, tất cả tập trung về sân trường học, sân đình hoặc sân nhà thờ họ để tham gia văn nghệ, hát múa rồi trông trăng, phá cỗ.

   Hồi ấy tôi hay được ở trong đội văn nghệ lớp. Những bài hát diễn cây nhà lá vườn, nôm na không có nhạc nhưng cả thầy trò cùng thích lắm. Tôi cùng đám bạn cả nam cả nữ đang nhảy sạp theo nhịp sòn sòn sòn đô sòn… bỗng dải rút quần bị đứt đánh “phựt”. Thế là tô hô trên sân khấu… Cả sân được một mẻ cười vỡ đêm. Trăng lên cao, hội đèn phá cỗ tưng bừng, vui như đàn cá gặp mùa nước nổi. Vui quá! Vui đến tận bây giờ vẫn còn nuối tiếc!
                                     

                                         ***

   Vậy mà Trung Thu bây giờ, thật buồn và tiếc lắm thay những vẻ đẹp thơ ngây của những câu hát: Rinh rinh tùng rinh rinh và ánh sáng những chiếc đèn ông sao, con cá, trống khẩu… dưới trăng rằm dần dần bị nhạt nhòa, thưa vắng khỏi làng quê.

   Thu bây giờ khác lắm thu xưa. Chợ đầy ắp đồ chơi hàng Trung Quốc. Kẹo bim bim bày trùm mẹt cốm. Trẻ rước đèn gọi di động cho nhau! Có đứa bố mẹ cho mang theo cả Ipats để tách ra khỏi hàng tự chụp ảnh, quay phim.

    Một buổi chiều, tôi dẫn hai đứa cháu đi lần khắp các cửa hiệu mọi ngày hay bán các đèn Trung thu truyền thống, rồi các nẻo chợ Cốc, chợ Rừng… mỏi mắt, vẫn không sao tìm mua được một chiếc đèn ông sao, đèn con cá, cái đầu kỳ lân dán thủ công. Hai năm trước ra đến chợ làng ở Gốc Đa cũng mua được đèn giấy, đầu sư tử giấy. Năm nay tịnh không thấy bóng. Đến hôm mồng 10, trăng đã gần tròn, đi qua Ngã Tư Quảng Yên, chợt phát hiện ra trước cửa hiệu nhà Vinh Nha, bạn tôi bày bán đầu kỳ lân. Tôi dừng lại và mừng quá, chọn mua luôn cho mấy đứa cháu một chiếc đầu kỳ lân màu đỏ giá 170 000 đồng. Còn đèn thì toàn đèn Trung Quốc bằng nhựa rất bắt mắt trẻ con bởi màu sắc xanh đỏ tím vàng và “tách” bật công tắc một phát là ánh đèn điện chạy pin sáng lóe luôn!… toàn đồ chơi dựa mô phỏng theo các truyện cổ Trung Quốc. Nào gậy Như Ý Tôn Ngộ không, nào kích Ngưu Ma vương, nào cào Chư Bát giới, nào Bát xà mâu, nào đèn lồng, đèn ngỗng, đèn chim… Rất xa, rất xa với trò chơi truyền thống trẻ Việt bao thời làm say mê tâm hồn thơ bé!

   Người lớn đang đánh mất và tước đi quyền vui chơi, những trò vui chơi dân tộc mình của trẻ. Trung thu bây giờ, lâu nay hình như không còn là món quà của tạo hóa, của phong tục dành cho trẻ con nữa, mà nó thành cả Trung Thu của người lớn. Qua những chiếc đèn khủng, những trò chơi bằng nhựa, những hộp bánh đắt tiền tới hàng trăm, hàng triệu đồng, người lớn lấy đó làm dịp bày tỏ tình cảm, trả lơn lẫn nhau hoặc thỏa thuận những cuộc làm ăn, những hợp đồng đầy lợi nhuận. Đêm trăng Rằm sáng thế mà người ta biến niềm vui con trẻ thành những cuộc “đi đêm”.

 

                                

    Nhìn chung không khí đón Trung thu rộn rã chủ yếu là tinh thần, nhưng sức mua sắm cho Đêm Rằm năm nay xem chừng chậm và không tiêu thụ nhiều hàng cho lắm. Các cửa hàng cửa hiệu bày bán hàng hóa đủ loại, nhưng ít người mua. Nhiều cửa hiệu bánh kẹo sáng bày ra, tối lại xếp vào. Gặp các bà các chị đi chợ mua quà bánh, tiếp xúc thấy ngoài niềm vui sắm tết trung thu cho trẻ, họ đều chung một nỗi: Không biết lối nào mà tránh khi mua bánh Trung thu. Khó tin quá! Trên ti vi rồi báo đài đã cảnh tỉnh người tiêu dùng chọn mua bánh kẹo trước thực trạng hiện nay nhiều bảnh rởm, bánh quá hạn, vỏ hộp thì mới toanh, sặc sỡ sắc màu, in cả hạn sử dụng năm nay hẳn hoi, mà bên trong toàn bánh mốc meo! Chả bì như ngày xưa “cây nhà lá vườn”, đèn sao dân dã lại hóa hay! Tết Trung thu bây giờ vui là chính, các em các cháu chỉ thích văn nghệ đàn ca múa hát, giao lưu gặp gỡ chúng bạn cho thỏa thích. Chứ chúng không ham kẹo bánh, quà cáp. Mấy đứa cháu nhà tôi chả đứa nào màng đến cỗ Trung thu, chỉ thích mua đèn, làm đèn thôi!...

   Bao nhiêu cố gắng, lo lắng cho mùa Trung thu an toàn, để con trẻ được vui chơi. Cuối cùng thì “Đêm hội Trăng Rằm” vẫn diễn ra đầy sôi động. Đường làng đường phố hóa thành dòng sông, thành con rồng lấp lánh, chuyển động dưới những rặng cây. Và hơn cả là hóa thành những kỷ niệm tuổi thơ nhớ mãi những đêm Rằm! 

Bút kí 
Dương Phượng Toại -Tháng 8/2015 Ất Mùi

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: