Thứ năm, 18/04/2024,


Dưới vòm cây xanh lá (Chử Thu Hằng) (14/06/2014) 

 

 
Hà Nội là thành phố có nhiều cây xanh. Những hàng cây xanh suốt bốn mùa trên đường phố đã mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp riêng, tạo ấn tượng cho du khách đến thăm.
Trung tâm thành phố hiện nay hầu như vẫn giữ nguyên qui hoạch của người Pháp khi xâm chiếm và mở rộng Hà Nội hơn trăm năm trước, nghe đâu, khá giống qui hoạch của thủ đô Paris trên bờ sông Seine. Các phố trung tâm Hà Nội cũ cũng nương theo sông Hồng với các đường ngang theo hướng Đông – Tây, đầu phố gối về sông Hồng. Các đường phố dọc theo hướng Bắc – Nam, đầu phố ở phía Bắc. Ngay từ khi qui hoạch, cây xanh đã được trồng trên các “phố Tây” dành cho các công sở và quan chức bộ máy chính quyền, gọi thế để phân biệt với các khu phố cổ dành cho người buôn bán. Các “phố Tây” này hầu như vẫn giữ được phong cách kiến trúc của Pháp với những biệt thự, những hàng cây hàng trăm năm tuổi rất đẹp, làm thành nét riêng đặc trưng cho từng phố: hàng cây sấu trên đường Trần Phú, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng; những cây hoa sữa ven hồ Thiền Quang, hàng đa búp đỏ đường Điện Biên Phủ, hàng cây cơm nguội đường Lý Thường Kiệt, những cây sao cao vút đường Lò Đúc từng là chỗ trú ngụ của cò, chết tên phố thành “bang cò ỉa”. Được trồng nhiều nhất từ trước và sắp tới vẫn là cây xà cừ.
Cây trồng trên đường phố cần đáp ứng những tiêu chí riêng: thân phải thẳng, nhiều bóng mát, hoa quả khi rụng, chín không kéo theo ruồi muỗi gây mất vệ sinh đô thị, rễ không bò ngang làm hỏng vỉa hè… Theo những tiêu chuẩn đó, cây đa, cây bàng mùa quả rụng rất bẩn, cây bàng nhiều sâu róm ko được chọn. Hoa sữa thân thẳng nhưng tán nhỏ, ít bóng mát, mùi quá nồng chỉ được trồng ở những chỗ có không gian thoáng như ven hồ. Cây xà cừ đạt được gần đủ các tiêu chuẩn nhưng yếu điểm là rễ nông, năm nào mùa bão cũng đổ, rất nguy hiểm cho người đi đường. Cây lại phát triển quá cao, khiến Công ty Công viên Cây xanh tốn khá nhiều kinh phí cho việc cắt tỉa mỗi năm. Hoa phượng đẹp nhưng bóng mát không nhiều, thân cây không thẳng… Hình như chỉ có cây sấu là đáp ứng được hầu hết các yêu cầu đưa ra: cây cao vừa phải, xanh lá bốn mùa, thân cây phát triển theo chiều ngang với những bạnh, những vè vững chãi, tốn đất nhưng không đổ bao giờ. Cây sấu phát triển chậm và việc ươm giống không dễ nên ít được trồng mới.
Hồi thập niên 70, thành phố buông lỏng cho các gia đình mặt phố được trồng cây che mát cửa nhà mình. Lúc đó đa phần mọi người xin cây dâu da xoan về trồng. Chỉ một hai năm, cây đã xùm xòa, vừa mát, lại vừa có quả ăn chơi. Cây trứng cá cũng phát triển nhanh, nhiều bóng mát. Các cây này trồng ở phố cổ, đến thời mở cửa, tấc đất tấc vàng, có “tội” không thể tha thứ được là tầm cao vừa vặn che lấp các biển hiệu bán hàng, nên đa phần bị chủ nhà lén lút hay công khai đốn bỏ. Cây của thành phố trồng, nếu gây phiền phức cho công việc kinh doanh của các ông bà chủ coi việc mưu sinh là trên hết, cũng chung số phận.
Hàng xóm nhà tôi, chồng là vụ trưởng một vụ làm về văn hóa, vợ hết thời buôn đồng nát, quay ra mở văn phòng kinh doanh đất. Gặp thời rối ren, phất như diều. Xem bói, thầy bảo hè phố rộng quá, cần trồng một cái cây trấn trên vỉa để giữ lộc. Hai vợ chồng mua một cây xà cừ rất đẹp về trồng, che chắn, tưới tắm, giữ như giữ lộc, không cho ai ngắt một chiếc lá. Cơn sốt đất qua đi, vài lần bị lừa đảo, nguy cơ vỡ nợ gần kề lại đi xem bói. Thầy này phán: trời ơi, cái cây ấy chắn rồi, làm gì còn đường cho lộc vào nhà nữa(!?). Ngay đêm ấy, cái cây bị đào hết gốc, hè trát phẳng bằng xi măng. Vợ chồng nhà ấy đã bán nhà, rất ít về thăm, ngại gặp hàng xóm cũ.
Anh thợ chữa xe máy vỉa hè cạnh nhà lại có nỗi niềm khác: cây phượng gần 50 năm trồng ở cửa nhà anh ta giờ quá cao, lá xanh mướt, hoa rất đẹp nhưng bóng mát lại che cho nhà khác, không thể chấp nhận được (!). Thuê chặt cây thì tốn, chưa kể sẽ đứt hết dây điện của phố, hậu quả khôn lường. Vậy là ắc qui hỏng khui ra, dầu xe thay cho khách được đổ vào gốc phượng, gốc cây bị tước hết vỏ, khô dần. Tôi phẫn nộ theo dõi quá trình bức tử cây phượng của anh ta, không biết kêu ở đâu để chặn lại tội ác ấy, đến giờ vẫn giận mình hèn.
Vài năm trước, để chuẩn bị đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long, thành phố chủ trương qui hoạch lại cây trồng trên đường phố Hà Nội. Phố tôi ở nằm trên đường đưa đón khách của chính phủ, được lát mới vỉa hè, chỉ chừa lại những cây gần trăm năm, các cây tạp bị đốn bỏ, trồng thay vào đó cây bằng lăng. Đầu hạ, từ trên gác cao nhìn xuống, hai hàng hoa tím chạy dài. Hôm qua đi chơi, thấy các đường phố mới qui hoạch cũng miên man hoa tím. Đến Hà Nội mùa này, hẳn sẽ thấy thành phố vô cùng lãng mạn, những hồ nước long lanh soi bóng mây trời, những con đường rực rỡ màu nắng màu hoa. Hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng tím, hoa muồng vàng, hoa bọ cạp cũng vàng tươi, lộng lẫy, tròn đầy như những lẵng hoa tươi đặt dọc các con đường dẫn vào thành phố. Dạo chơi trong nắng, trong hoa, trong dàn nhạc ve bất tận ngân trong vòm lá biếc, chợt thấy yêu Hà Nội vô cùng. Và khi đêm về, lang thang dạo phố dưới vòm trời xanh nhung, sẽ bất chợt bắt gặp ở đâu đó mùi hương hoa ngọc lan, hoa sen hay hoa đại… như tự ngàn xưa theo gió thoảng về.
Còn một loại cây nữa, theo tôi có thể đáp ứng mọi tiêu chí của cây trồng đô thị, đó là cây vàng anh nhưng không hiểu sao rất ít trồng. Trước cửa đền Ngọc Sơn có vài cây, chùa Một Cột, chỗ nhà đón khách quốc tế của Lăng Bác cũng trồng hai dãy. Thân cây thẳng, tán cây xanh mát. Cuối xuân, từng chùm hoa vàng cam nở lộng lẫy, đẹp lắm. Nếu có thể, mong các nhà qui hoạch đô thị nghiên cứu nhân rộng giống cây này, để Hà Nội sẽ trở thành một lẵng hoa nhiều màu sắc, xứng đáng là Thủ đô của cả nước.
Cây xanh cũng có hồn. Cùng với những huyền thoại đất kinh đô, nét thanh lịch của người Hà Nội, thú ăn chơi tao nhã của người Hà Nội, cây xanh trên những đường phố của Hà Nội cũng góp phần tạo nên một Thăng Long ngàn năm văn vật, kết tinh thành nền văn hiến đất Thăng Long rất đỗi tự hào.
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: