Thứ sáu, 29/03/2024,


Mẹ ngồi se chỉ thời gian (Nguyễn Thị Kim Dung) (03/03/2014) 
 
MẸ TÔI
 
 
                                              Kính dâng Mẹ
 
Con sinh ra giữa cuộc đời
Mẹ lo cả những bồi hồi giấc mơ
Thế mà con cũng chẳng ngờ
Gian truân đến vậy, bây giờ không đâu.
 
Chiêm mùa mấy bận mưa ngâu
Mẹ teo tóp với nông sâu đất làng
Bay về mây trắng giăng ngang
Mẹ mang kim chỉ thời gian nối mùa.
 
Tháng đôi lần Mẹ lên chùa
 Cầu mong con mãi vẫn chưa thấy gì
 Mẹ ngồi nhẩm tính, có khi
Cơn mưa nào đến Mẹ đi một mình…
 
Thời gian thì cứ lặng thinh
Mẹ tôi vẫn ngắm bình minh đợi ngày.
 

Lưu Thế Quyền

 
 
 
Viết lời bình: Nguyễn Thị Kim Dung
 
 
Một bài thơ giản dị - Mẹ ngồi se chỉ thời gian
 
 
          Giữa bộn bề cuộc sống đầy lo toan, tôi tìm đến thơ ca như một giải pháp duy nhất để cứu vớt tâm hồn. Dòng chảy hối hả của cuộc đời kéo chúng ta vào những vòng xoáy, nhưng cần lắm những phút giây sống chậm để suy ngẫm về tình đời, tình người. Tôi đã nghe nhiều người than rằng cuộc sống này đầy rẫy những tính toán, rồi chuyện buồn về tình yêu, trí tuệ, lợi danh… Nhưng, có một điều mà không ai có thể phủ nhận trên đời này có một tình yêu vô điều kiện, có một tình yêu cho không mà chẳng cần đáp trả, đó là tình mẫu tử. Tôi là một người yêu văn thơ, yêu âm nhạc. Những câu chuyện cảm động về mẹ, những bài thơ viết về mẹ, những ca khúc về mẹ tôi đọc và nghe cũng nhiều. Nhưng có một điều lạ, những câu chuyện ấy, những bài thơ, những ca khúc ấy, đến với tôi trong những phút giây khác nhau nó đều gợi những rung cảm sâu xa, gợi những nghĩ suy, trăn trở và nhất là tôi tìm được sự đồng cảm. Bởi tôi có mẹ và cũng là một người mẹ. Trong số những tác phẩm đó tôi ấn tượng với bài “Mẹ tôi” của Lưu Thế Quyền – một bài thơ giản dị về người mẹ quê, giản dị như chính cuộc đời của mẹ.
 
Con sinh ra giữa cuộc đời
Mẹ lo cả những bồi hồi giấc mơ.
 
Giọng lục bát vang lên nghe như lời ru vọng về từ miền nhớ. Ngay từ khi mẹ biết mẹ có con trên cõi đời này, con còn đang là giọt máu tượng hình, mẹ biết mẹ là người hạnh phúc. Mẹ ấp iu những mơ ước của mình về con, mẹ đặt vào con bao hi vọng. Có con cũng đồng nghĩa với việc mẹ từ giã cuộc đời son trẻ vô lo của phận làm con, mẹ có thêm vai trò mới: làm mẹ. Khi con cất tiếng khóc chào đời là khi những giọt nước mắt của mẹ lăn dài và vỡ òa vì hạnh phúc. Mẹ theo năm tháng đồng hành cùng con trong suốt chặng đường đời. Niềm vui nhiều, nỗi buồn cũng lắm nhưng trên tất cả là nỗi lo lắng cho con. Lo cho con miếng ăn, giấc ngủ, lo mỗi khi con đau, lo học hành, lo sự nghiệp, lo hạnh phúc gia đình… Có thể nói mỗi chặng đường đời của con mẹ đều có những lo toan, chẳng bao giờ nguôi cũng như tình mẹ dành cho con không bao giờ phai nhạt. Lưu Thế Quyền đã thể hiện ý thơ đó rất hay. Nỗi lo của mẹ đã xuyên thấu cả trong ý thức và tiềm thức: “Mẹ lo cả những bồi hồi giấc mơ”. Có thể nói, trên cõi đời này chỉ mẹ là người duy nhất dành cho con nỗi lo, dành cho con tình yêu như thế.
Phận làm con, những người con hiếu thảo luôn cố gắng làm vui lòng mẹ, cố gắng sao cho con của mẹ được hạnh phúc là mẹ yên lòng. Nhưng cuộc đời nhiều dâu bể, đâu có phải ai cũng được toại nguyện tất cả lợi danh, hạnh phúc. Hai câu thơ:
 
Thế mà con cũng chẳng ngờ
Gian truân đến vậy, bây giờ không đâu.
 
Như là lời tạ lỗi của con, là lời xót xa cho mẹ. Nhịp thơ 3/3 cùng với hai chữ “Thế mà” ẩn chứa tiếng thở dài của mẹ, giấu kín những giọt nước mắt mẹ. Con là khúc ruột, là giọt máu của mẹ, con đau nghĩa là mẹ khổ, con khó nhọc đồng nghĩa mẹ cay cực trăm bề.
 
Chiêm mùa mấy bận mưa ngâu
Mẹ teo tóp với nông sâu đất làng
 
Hai câu thơ đã nói lên được cái phổ quát. Ta gặp ở hai câu thơ trên hình ảnh một người mẹ quê với chiếc áo nâu sòng, với dáng vóc tựa “thân cò”, với làn da nhăn nheo bởi cuộc đời lam lũ vì con. Hai câu thơ gợi lên trong lòng độc giả tình cảm biết ơn. Để nuôi lớn chúng ta – những cơ thể khỏe mạnh cường tráng ngày hôm nay, vóc dáng mẹ hao gầy theo thời gian năm tháng “mấy bận mưa ngâu”, theo những lam lũ khó nhọc của cuộc đời “teo tóp với nông sâu đất làng”. Khi mới tiếp xúc với bài thơ này, tôi không mấy hứng thú với từ tượng hình “teo tóp” của nhà thơ. Tôi cũng đã thử thay vào đó các từ mang nghĩa tương tự nhưng đều thất bại. Quả thực, chỉ với từ này mới cực tả được nỗi xót xa của đứa con hiếu thảo với mẹ. Nó gợi ta liên tưởng tới một người con gái đang độ xuân thì phơi phới với người mẹ già đã trải bao sương gió, nắng mưa của cuộc đời. Thân thể mẹ đã già nua. Mẹ như thân cây đã bị vắt hết nhựa sống, như trái cam đã vắt kiệt nước… vì con. Tóc mẹ pha sương, dấu vết thời gian hằn sâu trên gương mặt mẹ, trên đôi tay mẹ nhưng trong mắt con, mẹ lúc nào cũng đẹp, cũng thánh thiện, cao cả.
Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông, dòng đời đổi thay nhưng tình mẹ với con mãi là bất tử:
 
Bay về mây trắng giăng ngang
Mẹ mang kim chỉ thời gian nối mùa.
 
Hai câu thơ vẽ nên cái không gian bình yên của làng quê với hình ảnh đẹp về mẹ. Tôi ấn tượng đặc biệt với hình ảnh người mẹ nông dân ngồi xe chỉ thời gian. Sợi chỉ mẹ xe là sợi chỉ của tình yêu. Mẹ dùng sợi chỉ tình yêu nối ngày qua ngày, tháng qua tháng, mùa qua mùa, năm qua năm. Sợi chỉ bền lâu, dai dẳng. Càng Xe càng được nhiều, cũng giống như tình yêu của mẹ với con cứ lớn dần lên, nhiều thêm lên theo thời gian, năm tháng. Con là lẽ sống của mẹ, mẹ sống vì con.
Người Việt Nam vốn rất coi trọng đời sống tâm linh. Một lần nữa hình ảnh, hành động quen thuộc của người mẹ quê được nhà thơ nói đến trong hai câu thơ tiếp:
 
Tháng đôi lần Mẹ lên chùa
Cầu mong con mãi vẫn chưa thấy gì
 
Cả đời sống vì con cũng là mong được nhìn con hạnh phúc. Niềm mong mỏi ấy được mẹ gửi vào cõi tâm linh cầu mong Thần Phật nâng bước con đi, đem đến cho con bình an, hạnh phúc. Và mẹ còn lo, nỗi lo của tuổi già như chiếc lá vàng vào độ thu phai:
 
Mẹ ngồi nhẩm tính, có khi
Cơn mưa nào đến Mẹ đi một mình…
 
Trong mắt mẹ, dù con có trưởng thành con vẫn luôn là đứa trẻ bé bỏng mẹ ấp iu ngày nào. Mẹ luôn mong ước bên con bởi với người mẹ, con là tất cả, là sự sống, là niềm tin, hi vọng. Mẹ lo mai này mẹ đi, bỏ lại con bơ vơ trên cõi đời này, dù con đã lớn, nhưng mẹ cũng biết rằng ngoài mẹ ra, không ai lo cho con như mẹ. Mẹ mãi là điểm tựa tinh thần, là chốn bình yên, nhất là khi cuộc đời con trải qua nhiều thăng trầm, phiêu bạt. Ẩn chứa sau nỗi lo của mẹ là nỗi sợ của con. Mẹ có biết không, khi chỉ nghĩ đến khi không còn mẹ, nước mắt con đã chảy. Nỗi sợ của con ngày càng lớn dần lên khi năm qua, tháng lại, khi con trưởng thành hơn. Bởi
 
Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
                             (Phạm Thế Mĩ)
 
Nhưng con cũng biết cái quy luật nghiêt ngã của tạo hóa sinh – lão – bệnh – tử không ai có thể chống lại được. Chỉ biết “Mỗi năm thắp ngọn đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con” (Ca dao).
Bài thơ đọng lại với hình ảnh người mẹ đôi mắt thăm thẳm ưu tư đợi bình minh, đợi ngày mới, đợi niềm vui đến trong cuộc đời con:
 
Thời gian thì cứ lặng thinh
Mẹ tôi vẫn ngắm bình minh đợi ngày.
 
Có thể nói, với “Mẹ tôi”, Lưu Thế Quyền đã thật dũng cảm khi viết về một đề tài cũ. Nhưng viết về mẹ có bao giờ là đủ bởi tình mẹ với con dẫu trời rộng, biển sâu cũng không sánh được. Bài thơ đã nói lên được tình yêu của mẹ dành cho con, đồng thời nó cũng cho thấy tấm lòng thành kính, sự biết ơn và cả những thấp thỏm âu lo của người con hiếu thảo khi mẹ mình đang ở mùa đông của cuộc đời. Thể thơ lục bát truyền thống mang lại âm điệu của ca dao thiết tha như tiếng ru ngọt ngào bên vành nôi thân thương, ngôn từ giản dị, “nâu sòng”, đậm chất quê từ không khí lẫn hình ảnh thơ. Thiết nghĩ, thơ đâu cần phải là những lời mĩ lệ, kiêu sa. Thơ như “Mẹ tôi” của Lưu Thế Quyền giản dị, đằm thắm, sâu lắng, chân thành nhưng nó vẫn khơi dậy trong lòng độc giả những xúc cảm cao quý, thiêng liêng, hướng thiện. Với “Mẹ tôi”, tôi nghĩ tác giả đã thành công.
 
Biên Hòa 21/01/2014
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Dung
GV môn Văn trường THPT chuyên Lương Thế Vinh - Biên Hoà - Đồng Nai.
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 27/05/2014 11:48:48)

Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương (Ngày 14/03/2014 22:12:49)
NGƯỞI NGÃ BA SÔNG
NGHIÊNG
(ngọc Tình)

Nghiêng đầu chờ đợi nụ hôn
Nghiêng thơ vui hứng thơ buồn em đong
Gió nam nghiêng mái tóc bồng
Để anh nghiêng trọn mật trong hương nài

Mây nghiêng gửi chút tình ai
Gió nghiêng lay động chớ hòai tình em
Giậu nghiêng dây vịn bìm leo
Ong đùa bướm rỡn nghiêng xiêu cuộc tình

Sen hồng nghiêng bóng đáy sông
Nghiêng đàn ngón bấm dây cung rộn ràng
Hồn nghiêng thả mộng mơ màng
Trăng nghiêng bóng đổ thân đang hao gầy

Tình nghiêng siêu ngả bấy nay
Yêu nghiêng thổn thức hao gầy héo hon
Mơ nghiêng thấp thỏm vui buồn
Lệ nghiêng đổ xuống hoàng hôn nhạt nhòa

Tim nghiêng máu ứa chia xa
Đời nghiêng sóng gió bôn ba nổi chìm
Duyên nghiêng đất lở đình xiêu
Rượu nghiêng nửa chén em chiều em đong

Nghiêng ngọt lành với em không?
Nồng cay chát đắng chất chồng đời nghiêng
Xuân Ngọc

MẸ TÔI
(Lưu Thế Quyền)

Con sinh ra giữa cuộc đời
Mẹ lo bao những sự đời…ước mơ
Mong con khôn lớn từng giờ
Đói no nặng nhọc ấu thơ trưởng thành

Chiêm mùa nhà giột mái gianh
Mẹ teo tóp với nắng hanh bão mùa
Con trưởng thành mẹ già nua
Vẫn còn tháng tháng lên chùa cầu mong…

Thế mà con vẫn chưa hồng
Gian truân mẹ đợi ước mong đâu tròn
Cả đời mong ước vì con
Đợi bình minh tấm lòng son không mờ

Nối thời gian với trang thơ
Xưa sau lòng mẹ vô bờ bến yêu
Xuân Ngọc

Các bài khác: