Thứ ba, 16/04/2024,


"GIAO THỪA" hay lát cắt của nỗi niềm nhân thế (Đinh Ngọc Diệp) (03/02/2014) 

GIAO THỪA

Quờ tay chạm ảo ánh đèn
Dùng dằng bóng lạ nơi quen thuở đầu
Vó câu nhòa nhạt đã lâu
Khuya nay nhuận lại sắc mầu ngày xa

Cuối vườn Quý Tỵ trườn qua
Yên cương Giáp Ngọ thềm hoa đợi người
Muốn phi về mãi chân trời
Tình ơi phía ấy chìm lời hẹn xưa…

Giật mình chuông đổ giao thừa
Một trực thức – Một trận mưa chuyển mùa?...


Nguyễn Vĩnh Tuyền

 


Lời bình:

           Hiện tại không yên mà tương lai dường như mơ hồ khiến vó câu bồn chồn ... Thời gian của con người luôn là một giao thừa bất định. Thi nhân chính là loài nhạy cảm để cắt cứa mãi vào nỗi đau của người. Nhưng nhân thế phải mang ơn thi nhân, vì biết đau là một phẩm chất để thành người. Ở các loài sinh vật, Đau chỉ là bản năng (dẫu thế, vẫn "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"). Vói loài người, biết đau còn là một nhận thức, một di truyền xã hội. Và thơ là một phương tiện để trao truyền khả năng biết đau-cho mình và cho đồng loại. Thâu tóm, mổ xẻ, diễn đạt nội dung trên, bài thơ "Giao thừa" của Nguyễn Vĩnh Tuyền là một thi phẩm khá trọn vẹn.

           Những chiêm-nghiệm-đời, không phải đơn thuần tư biện, buột ra thành dòng chảy ào ạt của tình cảm, đồng thời được tiết chế trong một tứ thơ xây lên từ những ngôn từ tinh lọc, tưởng như chỉ dành cho thi phẩm này thôi! Ánh đèn là có thực, nhưng cái bất giác "quờ tay" thần tình làm cho chút sáng mong manh trở thành "ảo". Một trạng thái "nhòa nhạt" ơ hờ của "vó câu" tất gọi đến một động thái của não trạng-tư duy-ý chí muốn "nhuận lại sắc mầu" của quá khứ! Thiển nghĩ, đây là hai câu thơ mang cả thần thái của bài thơ. Bần thần ngỡ ngàng tiếc nuối lại nhuốm màu hy vọng, nó như hạt muối trong một bát canh loãng của sự đời; không có hy vọng, không có ý hướng "nhuận lại" làm sao ta đủ sức sống tiếp những ngày đằng đẵng trước mặt!


           Từ động tác "quờ tay" ở đầu bài thơ tưởng như vô tình, kỳ thực đầy dụng ý, lão thực, như một cú đẩy cửa dẫn vào sự kiểm-đếm ký ức, khiến thi nhân "dùng dằng", "lạ" với nơi chốn đã mặc định là "quen" thuở ban đầu: không tránh khỏi có những sự đối nghịch, hoán đổi trạng huống buồn-vui qua lăng kính của thời gian chiêm nghiệm, hoặc đơn giản chỉ là những sự việc ngỡ đã vùi sâu trong ký ức, đột nhiên hiện về đúng thời khắc giao thừa...Đó phải chăng là Lý-Cớ cho "vó câu...nhuận lại", vẫn đẫm mình trong hiện thực, trong dòng chảy thời gian vốn có nhưng vói tinh thần gạn đục khơi trong...

          Quả nhiên, tiếp đến những câu sau rất đẹp: "Cuối vườn Quý Tỵ trườn qua/ Yên cương Giáp Ngọ thềm hoa đợi người". Dẫu một chữ "chìm" nặng trĩu ở câu sau không làm nhạt nhòa tiếng gọi thống thiết "Tình ơi" vang vọng chính nơi đầu dòng thơ ấy: "Tình ơi phía ấy chìm lời hẹn xưa..." Thêm nữa, chữ "trườn" gợi hình dáng con tuấn mã rất xứng đáng tượng trưng cho thời gian đi, trong kỳ vọng sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Ngẫm cho cùng, chính cái TÌNH sâu đậm của người thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền (những ai từng ít nhiều quen biết Anh ngoài đời hẳn càng thấm thía hơn điều này)đã là hạt nhân tỏa ấm cả bài thơ, dẫu nói tâm trạng riêng nhưng chắc sẽ được sự đồng cảm của nhiều người...Hai câu thơ cuối, nếu không có , có lẽ bài thơ cũng đã trọn vẹn. Nhưng giống như cái lá dong làm nhiệm vụ "gói lại" những màu sắc, mùi vị phong phú, độc đáo của cái bánh chưng ngày tết; hơn thế nữa nó còn góp thêm cho chiếc bánh cái vị chát-thơm rất đặc trưng và màu xanh ngọc bích nền nã quấn quyện vào chiếc bánh Lang Liêu. Tương tự, tiếng chuông giao thừa là tiếng của cuộc đời thật đánh thức những suy tư trầm mặc của thi nhân, dự cảm một "trận mưa chuyển mùa" đầy niềm tin, hy vọng, không hề nông nổi, dễ dãi mà trên cái nền của sự sự chủ động và đằm sâu nhân thế. Bất chấp những nỗi đau cắt cứa như vẫn thường trực và đón đợt trước những khoảnh khắc giao thừa!


           Cảm ơn tác giả đã cho cộng đồng Xóm Lá và bạn đọc gần xa thưởng thức một thi phẩm đầy ý nghĩa ngay trước thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới!

 

Đinh Ngọc Diệp

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: