Thứ sáu, 26/04/2024,


Lục bát - hồn thiêng văn hóa dân tộc mãi mãi tuổi thanh xuân (Hoàng Trung Hiếu) (05/06/2012) 

        Nếu Đường thi là báu vật của Trung Quốc thì Lục Bát được nhiều người xem là báu vật của Việt Nam.

        Thơ Lục Bát là thành quả trí tuệ của dân gian của cha ông ta từ xa xưa, nhưng không bao giờ cũ vì cảm xúc của người làm thơ luôn luôn đổi mới. Thơ Lục Bát truyền thống không chỉ dẫn dắt phương hướng cho thơ Lục Bát hiện đại mà còn tạo thêm sức sống manh mẽ để thăng hoa...

            Chu Dịch chỉ có 2 dấu chấm dương nhưng để ra một khoảng trống trời đất mênh mông cho hậu thế phát huy cảm hiểu của mình. Thơ Lục Bát cũng chỉ có câu 6 và câu 8 để cho các thi gia tài hoa phát triển đến không cùng. Lục Bát kết đôi như cặp môi hồng, câu lục như cối vàng, câu bát như chày ngọc đã tán thuốc trường sinh cho Lục Bát.
 
Em như câu lục nửa vời
Anh như câu bát kết đôi tâm tình
 
            Từ tâm hồn đến với tâm hồn có mối quan hệ kín đáo giữa câu 6 và câu 8 như bóng đã ôm hình.
 
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em
(Nguyễn Bính)
 
            Ta hãy lắng nghe tiếng thơ đang thức tỉnh trong lòng. Phải lắng nghe từ cõi sâu thẳm với tâm hồn mở ngõ đợi chờ thì mới thấy được sự huyền diệu của Lục Bát. Lục Bát có nhiều tiếng nói, có nhiều giọng điệu hãy lắng mà nghe, tĩnh tâm mà cảm. Ở đâu có con gái, con trai là ở đó có Lục Bát. Ở đâu có buồn vui là có Lục Bát sà vào. Lục Bát ở đầu nguồn, ở thác ghềnh, ở sông ở núi, ở trăng ở nước, ở trước hiên nhà, ở cây đa giếng nước, ở bến bãi bờ sông:
 
Anh ngồi uống cạn dòng sông
Lo em nhan sắc về không có đò
(Lời ru năm tháng- Trương Nam Hương)
 
            Trí tưởng tượng đã biến không thành có, biến có thành không, đấy là sức mạnh của những cây Lục Bát tài hoa. Thơ Lục Bát như một dòng sông chảy, đang chảy và còn chảy mãi đến không cùng. Muôn đời vẫn là dòng sông Lục Bát nhưng mỗi khoảng khắc đều mới lạ. Ôi! Sung sướng biết bao những cây bút vừa hội tụ được chất dân gian truyền thống lại vừa kết tinh được chất hàn lâm Lục Bát:
 
Tụng kinh chú tiểu đánh vần
Bao nhiêu tương Phật cởi trần ngồi nghe.
(Vườn xưa- Đặng Vương Hưng)
 
Chúng ta ghi nhận vào lòng, tôn vinh vào trí mọi học hỏi mọi tìm kiếm, mọi vui buồn khi đến với Lục Bát. Mội đời gió có vì ai/ Xô nghiêng chiều tím ra ngoài hoàng hôn (Nếu anh biết được- Đặng Thị Nguyệt Anh)
            Lục Bát dạy ta lắng nghe, dạy ta học từ Lục Bát. Dòng sông Lục Bát đã tắm táp cho ta, cho ta ngụp lặn mà tìm kiếm, mà tận hưởng ôm ấp vỗ về như tiếng ầu ơ của mẹ:
 
Lòng người sao lắm đầy vơi
Để câu Lục Bát chơi vơi giữa vần
Thơ tôi mang nợ trả dần
Một đời cha mẹ nối vần cho con
(Một đời Lục Bát-Thế Hùng)
 
            Biết chìm vào những suy tư trong hoàn cảnh, đó là một trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Tôi luôn khao khát tìm kiếm trong thơ Lục Bát. Tôi muốn buông mình trong dòng thơ Lục Bát, tới tận đáy của cảm nghĩ, tới cội nguồn sinh ra nó để tận hưởng cái cảm giác đích thực, qua đấy mà nhận thức cái hay, cái đẹp tiềm ẩn trong đó nhưng vì sức yếu bơi chưa qua, lặn chưa tới? Thơ Lục Bát đẹp làm tôi yêu nhưng cũng làm tôi e:
 
Chiều qua mống mọc đằng đông
Sớm nay lại bắc cầu vồng phía tây
Lục Bát nở trắng phây phây
Thời gian liệu có mưa rây bão bùng
 
            Thơ Lục Bát đẹp như tiên giáng trần, đẹp như thiếu nữ tát nước đêm trăng múc ánh trăng vàng khi trong hương nhã. Câu lục và câu bát đẹp như loan múa cặp, tình như yến đậu đôi, chỉ sợ mình múa chưa hòa nhịp, mình đậu còn chơi vơi. Mọi minh triết tuyệt vời đều chứa đựng trong Lục Bát. Câu lục là âm câu bát là dương. Một âm một dương chính là đạo. Cảm nhận thơ Lục Bát bằng nhãn quan triết học ta bỗng nhận ra trời đất và muôn loài đều hàm chúa hai mặt đối ứng nhau như nhật và nguyệt, như thuận và nghịch, như vơi và đầy, như trai và gái, như núi và sông, như dài và ngắn, như thấp và cao. Vì thế tôi mới có thơ:
 
Nghìn năm đá vẫn vô ngôn
Một ngày nước đã xồn xồn phong ba
Đất trời sinh hạ đôi ta
Trái tính trái nết thế mà hữu duyên
 
            Vì trái tính, trái nết nên mới vận động biến hóa. Có biến hóa vận động nên sinh sôi và phát triển. Thơ Lục Bát đã mở thông, khai sáng cách nhìn, cách nghĩ, cách làm tạo nên giá trị thẩm mĩ cảm vô thủy vô chung, thanh lọc hóa tâm hồn để hướng người sáng tao thơ Lục Bát tự hoàn thiện mình bằng cái đẹp. Thơ Lục Bát đẹp như người con gái không cần son phấn mà vẫn có duyên. Mỗi chỗ trên cơ thể người con gái Lục Bát nở trắng, phây phây ấy đều chứa những bí mật. khơi dậy được điều bí mật ấy thì khoái cảm sẽ lên tới tột đỉnh. Với nam và nữ thì vận chuyển tải là động tác, là xúc giác gây lên cảm giác. Với thơ thì vận chuyển tải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ tạo ra cảm giác, cảm giác dẫn tới đam mê. Vì thế tìm kiếm lớn nhất của Lục Bát là tìm kiếm ngôn ngữ, tạo ra cảm giác, cảm giác dẫn tới đam mê. Vì thế tìm kiếm lớn nhất của Lục Bát là tìm kiếm ngôn ngữ, tạo ra một ngôn ngữ khác với các thể thơ khác:
 
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con
(Mắt buồn- Bùi Giáng)
Và:
Vỗ vào bờ cát lặng câm
Là con sóng mấy ngàn năm bạc đầu
Vỗ vào nỗi nhớ đêm sâu
Là em với chút tình đầu phù du
(Sóng và em- Hồ Ngọc Diệp)
 
 
Kết cấu ngôn ngữ tinh xảo bám chặt vào tứ như ánh mắt đưa tình ám ảnh suất cả cuộc đời. Vẫn biết rằng ngôn ngữ là tài sản chung của nhân loại nhưng làm thơ thì ai cũng có ngôn ngữ theo tư duy xúc cảm của mình. Vì thế ai cũng có Lục Bát của riêng mình nhưng lại vẫn mang hồn thiêng văn hóa của dân tộc. chính cái bản sắc văn hóa người Việt ấy, bản sắc văn hóa phương Đông ấy đã gây men kích thích đồng sáng tạo trong lòng bạn đọc.
 
Trái tim tôi vẫn để dành
Cho em- Người vốn vô tình với tôi
(Đơn phương- Phạm Đức)
 
Cảm xúc thường nằm ở phía sau cái nhìn thấy được, cái nghe thấy được. Thơ Lục Bát bảo ta hãy dành cho nhau, hãy ở lại dòng sông này, dòng sông Lục Bát nở trắng phây phây mà tận hưởng nó và làm cho nó tình tứ hơn, duyên dáng hơn và mẫn cảm hơn.
            Vì sao chúng ta tôn vinh thơ Lục Bát? Thơ Lục Bát có quốc tịch Việt Nam và chỉ có ở Việt Nam ta mới có thơ Lục Bát. Thơ lục Bát Việt Nam được nhiều nước Đông Âu, Tây Âu đón mời nồng hậu. Đại thi hào Lục Bát Việt Nam được cả hành tinh này tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế gới. Thơ Lục Bát là nơi hội tụ tinh hoa của thơ ca. Vì thế thơ Lục Bát không chỉ khác các thể thơ khác ma còn hơn các thể thơ khác. Các loại hình nghệ thuật khác như văn xuôi hội họa, nhiếp ảnh, diện ảnh, nhưng các loại hình nghệ thuật khác lại khó hoặc không thể thay thế thơ Lục Bát. Hãy thử xem:
 
Núi đầy chẳng hiểu đất vơi
Em đi mang cả đi rồi… mùa thu
Thềm ngoài giọt nắng suy tư
Phòng trong se lạnh hình như… câu thề
 
Liệu nhiếp ảnh, điện ảnh có thay thế được chăng?
Lục Bát như một vùng thiêng liêng nghệ thuật đầy quyền năng, chứa học thuật, tu tinh hoa. Ngày xưa mỗi khi làng mở hội, phố vào xuân thì nam thanh tú nữ lại gặp gỡ giao lưu ứng đối bằng những vần thơ Lục Bát đẹp như sen thắm trong ao, mai phô dưới nguyệt. dòng sông Lục Bát luôn chảy về phía trước vượt qua bao thác ghềnh. Trong quá trình trôi chảy ấy lại có thêm những dòng nước mới đổ vào. Những nhà thơ làm thơ 6-8 cùng giống như cá chép vượt vũ môn, chiến thắng thời gian, bơi ngược dòng vượt qua thách ghềnh để hóa Rồng nhả ra ngọc bích Lục Bát. Nếu không qua được thì đánh chấp nhận câu văn vần 6-8 mà thôi.
Lục Bát - Nguồn suối thiêng thao thức với thiên thu.
 
Nhà giáo ưu tú – Hoàng Trung Hiếu
Hội viên Hội VHNT Nam Định
Điện thoại: 0977999537
 
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: