Thứ hai, 16/09/2024,


MỘT KHÁT VỌNG THƠ (21/05/2011) 

Lb.c: Vào lúc 14 h 15 phút  ngày 22 tháng 5 năm 2011 (chiều chủ nhật). Kênh truyền hình VTV1 sẽ phát sóng chương trình gặp gỡ tác giả thơ Đặng Cương Lăng, một tác giả quen thuộc của lucbat.com. Nhân dịp này, lucbat.com xin gửi lời chúc mừng tới tác giả Đặng Cương Lăng và xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Bùi Việt Mỹ về tập thơ “Khát vọng” mới xuất bản của Đặng Cương Lăng.

 

MỘT KHÁT VỌNG THƠ

 

Tôi đã gặp Đặng Cương Lăng với nhiều bài thơ viết thể tự do và đôi khi cao hứng nhẩm đọc ít câu bởi nó ứng với cảnh vật và tình huống đang diễn ra với mình. Nhưng hôm nay lại nhận được tập bản thảo đến bảy chục bài của anh hoàn toàn theo thể lục bát. Thật khó nói, bây giờ viết lục bát thật ngại, một là những cái ngưỡng trên mình, hai là ít phổ biến trên diễn đàn văn học trẻ theo nếp sống mới. Tuy nhiên, Đặng Cương Lăng lại hòa hợp ngay với không khí thơ lục bát bằng hai lý do: Cái chính là sự bận lòng, thứ nữa là sự cấu trúc bài vở theo hướng mới. Chúng ta đọc mà không ngại, mà đồng điệu thì Đặng Cương Lăng đã thành công rồi.

Nhớ lại, ở Ngày thơ Việt Nam- Nguyên tiêu 2011, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám có sự trình bày lớn của Chiếu thơ Lucbat.com, phần góp bài vở của Đặng Cương Lăng khá nổi trội như đã góp công phát huy giá trị trường tồn của thể thơ là sản phẩm riêng của thơ ca Việt Nam xưa và nay. Bên cạnh Đặng Cương Lăng là nhiều tác giả tên tuổi, tuy không hoàn toàn thơ lục bát song hễ có trang lục bát thì họ cũng không ngại vì nhất định đó phải là trang hay trong tập hoặc trong Lucbat.com. Tất cả, hợp thành một lực lượng đủ sức nói với bạn đọc rằng: Lục bát là riêng, là sức mạnh lan tỏa quan trọng nhất trước đây và hiện nay của chúng ta.

Có lẽ, từ sự quan sát và khám phá, hình ảnh và quan hệ đời sống đã luôn dồn về nơi anh bằng nhịp điệu có vần 6-8. Về nội dung, thoáng qua tưởng chừng chỉ là những cảm tác qua sử dụng ngôn từ một cách khéo léo, dịu ngọt. Vậy mà, tôi lại thấy ở bất cứ bài nào Đặng Cương Lăng cũng dồn nén hoặc gửi gắm một ưu tư nào đó. Phần bài thơ có tính ngẫu hứng thì đan xen tiếng lòng, phần cho quan hệ xã hội, bạn hữu… thì phảng phất một trách nhiệm nặng lòng, phần cho gia đình bản thân thì đau đáu nỗi ưu tư phiền muộn. Nếu “viết chơi” hay “ngẫu hứng” mà đầy đặn một ý thức thì anh đã khẳng định được phần quan trọng nhất – Tính chuyên nghiệp của thơ. Ở đây, tôi còn đang tạm tách ra phần truyền cảm nội dung sang bạn đọc mà bất cứ nhà thơ nào cũng coi đó là thuộc tính tất yếu.

Không thể là viết chơi, ở hầu hết phần thơ này của tác giả là làm mới câu thơ để tìm lối sang bạn đọc, ra tăng sự cảm thụ của bạn đọc theo ý của mình. Khát vọng thì tự nó làm say, nốt buồn , nốt nhớ thành sóng “Đổ vỡ tan tành khói mây”; Em hay là thơ thì cũng cứ là “Mớ bòng bong quấn êm đềm vào tôi”. Quấn đấy nhưng đôi khi hay dẫu cũng chỉ là một nét “nhạt nhẽo” đơn phương mà. Thơ Đặng Cương Lăng nhiều tâm trạng lắm: Cái hồ bán nguyệt ở cửa Đền quan họ đã làm “Vầng trăng tròn chia đôi”. Dòng suối ngọc ngà là thế mà hoàng hôn lại “Vàng xuộm”; Hương tóc bồ kết thơm tho là thế mà sao “Tóc gãy còn vương đất trời”; Và đây nữa, người đời thường hay mượn trầu cau để tỏ ý mối duyên thắm đượm, còn anh thì lại khác, nhất định đã là xa vắng thì sẽ là “Lá xanh cau héo bạc màu bấy nay” chứ còn thắm ở nỗi gì. Cũng chính vì vậy anh đã nhiều lần tự vấn mình “Chiều nay gió lạnh từ đâu/Thổi vào ta những nỗi đau vô hình”; Cái nỗi đau ấy cứ xáo trộn, ẩn hiện bằng nhiều hình thức mà buộc ta phải đeo đuổi. Để sống chung với nó, phải nhận diện ra nó, muốn biết nó phải thật tinh tường sau đó phải thật tinh tế trong câu thơ: Chim thì kêu ngõ trước, lộc thì về ngõ sau; Mái chèo khỏa nước mặt sông như dao cắt vào lòng ta, có lẽ ta tự nhủ lòng rằng ta còn nghèo hèn đến nỗi trả tiền “Mà thấy như rơi mất hồn”. Cũng theo cái đà này, anh ra tăng nỗi đau đến xót thương nhiều cảnh ngộ đồng điệu. Ở loạt bài thơ cuối sách như: Một kiếp người, Chị tôi, Em tôi, và Cháu ơi là như thế. Nào là: “Trông vào hạt lúa rầy nâu/ Trông vào vườn tược còn đâu thứ gì”. Là: “Khói hương còn cháy đỏ thơm/ Hay là mưa ướt sớm hôm tắt rồi”. Đó cũng là những bài và câu thơ làm ta không khỏi xót xa với chính thân phận mình.

Song, đọc thơ Đặng Cương Lăng, nếu chúng ta không nhắc đến tầm cao của tư tưởng tác giả thì còn thiếu sót nhường nào. Thơ anh không dừng lại chỉ ở chiều sâu khuất mà còn bứt lên tính lạc quan của suy xét tương quan giữa mất còn, được thua và khả năng tất yếu. Nếu như, ở cái “Chợ nổi” ven sông mà đang còn bán mua lấy “Cái đắng cay” của kiếp người thì thế nào rồi cũng thêm cái bán bớt đi oan sai, thù hận để “Mưa dông rồi tạnh, nắng mai bên thềm” hay là “Biển ao rồi cũng có lần hoán ngôi”. Và nếu như trăng tròn đã vỡ làm đôi thì chính nó “Vẫn hồn nhiên, vẫn mượt mà sáng soi” như chính cái sức sống ấy không bao giờ ai phá vỡ nổi hay đi ngược lại quy luật của sự sinh tồn.

Thơ Đặng Cương Lăng thiên về hình ảnh, lấy ảnh mà gợi tình. Chợt nhớ, một họa sỹ (hội viên – bạn tôi) vừa xem tập bản thảo đã bảo là: “Thơ Lăng nặng về hình, “hắn” dùng hình cả trong nỗi đau”. Quả vậy, với anh, hình ảnh là bình diện thứ nhất, ta đọc bài nào cũng thấy hình ảnh, để rồi anh tôn vinh nội dung và tứ thơ. Thì cũng như các bật “tiền nhân”, thơ lục bát đầy ắp hình ảnh, tới mức bây giờ chúng ta chưa viết bằng được. Vậy thì, Đặng Cương Lăng đã ý thức được mà dồn trách nhiệm vào sáng tạo. Đấy là thực khó, phải có dũng cảm và thực lực nhiều lắm. Tôi không muốn nói nhiều đến cái cốt: Đề tài, mảng vấn đề, vùng của không gian, thời gian… cần được nhà văn quán xuyến mà chỉ muốn nhặt lấy một vài chi tiết, mảnh nhỏ của thơ mà thôi. Có lẽ cũng gần như ý anh:

           

Mảnh hồn thơ những mong manh

Bồng bềnh nắng gió, non xanh muôn trùng.

 

Mong rằng, qua tập thơ này anh đến gần hơn với độc giả và vững tâm hơn trong sáng tác, góp phần làm giàu thêm sức sống vĩnh cửu của thơ lục bát Việt Nam.

   

 

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ

UV. Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội

Tổng biên tập báo Người Hà Nội

 

Xem thêm 'Tác giả tác phẩm' Đặng Cương Lăng

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lê Thanh - lethanhltc.55@gmail.com - 0989089078 - Đài PT-TH Lào Cai  (Ngày 23/05/2011 01:22:32 PM)
Cảm nhận thơ của anh, tôi không sao giấu nổi niềm tự hào về một con người được sinh ra và lớn lên trên quê hương Nguyễn Khuyến. Anh đã thổi hồn mình vào Lục bát truyền thống của dân tộc để rồi quốc thơ chấp nhận anh. Thơ anh đã đưa quê hương anh vào lịch sử để rồi nuôi tiếp các thế hệ mai sau. Giữ gìn cốt cách của dân tộc trong thơ....
Các bài khác: