Thứ sáu, 29/03/2024,


Vịn câu lục bát đứng lên... (11/11/2008) 

           Ông là hàng xóm, học trò của cố thi sĩ thôn quê Đoàn Văn Cừ. Là một người có lúc dường như đã mất hết niềm tin, nhưng đã vịn câu thơ mà đứng lên, để thành một người đàn ông, người chồng và người cha tốt. Đó là Kỳ Khôi, thi sĩ của thôn quê đất Thành Nam.

          Nghe anh em văn nghệ sĩ đất Thành Nam nói nhiều về một thi sĩ làng quê Kỳ Khôi. Một người có nghị lực phi thường, vượt qua bao khó khăn để sống, để yêu và làm thơ. Những ngày đầu đông, tôi vượt đường xá xa xôi để tìm đến làng Đô Quan, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực( Nam Định) nơi ông đang sống. Lúc đó, ông đang ngồi uốn cây cảnh. Với những người đã có tuổi, thường tìm cho mình một thứ chơi. Chơi cây cảnh có vẻ được nhiều người chọn hơn cả. Nhà thơ Kỳ Khôi cười: “Chơi cho vui. Thiên nhiên mà. Có cây xanh trong khu vườn, thấy lòng thanh thản lạ” Trong ngôi nhà nhỏ, ông tâm sự về đời mình. Cái cuộc đời đầy khúc khuỷu, cay đắng.

 

 

 

Tàn tật, chống gậy theo... thơ!

 

Nhà thơ Kỳ Khôi tên thật là Nguyễn Văn Khôi, sinh năm Ất Dậu 1945, cái năm đói mòn đói mỏi. Khi sinh ra, ông bố đã lắc đầu: “Số  kiếp mày chẳng may mắn gì rồi, chắc chắn phải đào bới, lần mò mới có ăn”. Y rằng, điều đó dường như trở thành một dự báo cho số phận của Kỳ Khôi. Mới 3 tháng tuổi, cậu bé Kỳ Khôi đã phải mồ côi cha. Bà mẹ 38 tuổi đời cõng 5 đứa con vượt qua khó khăn, gian khó của cuộc đời. Cái tên Khôi là bố mẹ đặt, với ý cậu con của họ rất khôi ngô tuấn tú, cặp mắt sáng mà thông minh. Sau khi đẻ 4 cô con gái thì may mắn có con trai. Khôi thành “bảo bối”, nào ngờ...Khi cha mất, người ta gọi cậu bé Khôi là Côi, với ý vừa mồ côi vừa côi cút. Suốt ngày cậu bé lon ton theo mẹ và các chị ra đồng. Mùi khói bếp, mùi rơm rạ, rồi cảnh đói khát miền quê xa cứ dần “ngấm” dần vào người cậu. Nhưng cái vất vả, đau khổ chưa dừng lại ở đó. Năm lên 6 tuổi, Khôi bị bệnh đậu mùa, rồi bị chạy lậu. Lại đúng thời gian giặc giã, chạy loạn. Mẹ cậu phải cõng con chạy vượt sông, vì không muốn con bị dìm trong nước, bà mẹ đội con lên đầu, chẳng may trượt chân, cậu bé bị dìm vào nước. Sau đó cậu sốt nặng và liệt toàn thân, hàng năm trời không cựa quậy được. Sống hay là chết?. Chịu nằm một chỗ hay đứng lên? Bỏ rơi hay cứu mình? Đó là những so sánh, lựa chọn của cậu bé Khôi cho đời mình. Và cậu đã chọn con đường cứu mình. Bằng cách là luyện tập, chịu khó cử động, chống gậy tập đi...

 

Thế rồi, Khôi cũng vượt qua được những khó khăn ban đầu với 3 năm luyện tập. Tuy không thể đứng bằng hai chân đi lại bình thường, nhưng nếu dùng một cậy gậy để chống thì có thể di chuyển được. Cánh tay phải bị liệt, tay trái còn khỏe mạnh, có để bổ sung những khiếm khuyết của tay phải. Không đến trường được, nhưng lúc đó Khôi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc học chữ. Khôi chống gậy, sang nhà một ông hàng xóm biết chữ, nhờ ông dạy. Khi ông mới dạy cho 24 chữ cái và một phần việc ghép vần, thế là về nhà tự học ghép, lại nhờ mấy bạn đến chỉ bảo, cho mượn sách học. Chẳng bao lâu cậu bé đã biết đánh vần, đến nỗi ông hàng xóm phải thán phục vì sự thông minh của Khôi. Biết chữ rồi thì phải viết được, nhưng tay phải đã liệt, học viết tay trái là việc rất khó với Khôi. Nó còn khó hơn là việc học chống gậy để đi. Nhưng Khôi đã tự ép mình phải luyện viết cho bằng được. Chẳng bao lâu, chữ cậu đã trở nên đẹp đẽ, không người nào trong làng viết đẹp bằng. Cậu lại còn biết vẽ tranh, khiến những người trong làng phải trầm trồ. Tự học hết lớp 10 (Cấp III bây giờ), thành người giỏi toán, hay văn, được bà con trong xã Nam Lợi nhờ dạy phụ đạo cho con cái họ. Em nào được “thầy Khôi” dạy đều học giỏi, thành đạt.

 

Ngồi trước mắt tôi bây giờ là một ông già hơn 60 tuổi, người có quyết tâm chống gậy theo thơ. Ông từng viết: “Bò cũng là đi lê cũng là đi/ Ngày kia nhất định mình lên đỉnh núi”. Đến với thơ, bởi ông thấy cái hay của con chữ, của ngôn từ, và khi con người sống trong không khí của thơ, bỗng thấy mình nhẹ nhõm, được giải tỏa. Năm 1960, Kỳ Khôi viết những bài thơ đầu tiên. Bút danh Kỳ Khôi được ông giải thích: “Tôi thấy mình có nhiều điều lạ quá. Trọng bệnh mà không chết. Tàn nhưng không phế. Khó khăn mà vẫn biết chữ, vẽ tranh, làm thơ. Xấu giai, tàn tật mà có một người không chê chấp nhận làm vợ, sinh con cho. Một người chống gậy, làm thơ, đi theo thơ như tôi cảm thấy mình không hổ thẹn”. Vâng, Kỳ Khôi không phải  hổ thẹn. Ông là một người có nghị lực, ý chí và đáng khâm phục. Với một người tàn tật, biết học được cái chữ là may. Ông lại học được cách đan rổ, rá, đắp chậu cảnh, trồng cây cảnh và làm nhiều thứ đồ dùng bình dân trong gia đình để bán, nuôi nấng bản thân, rồi với những gì mình cảm nhận được, chắt chiu câu chữ, biến thành những bài thơ sinh động, dạt dào tỉnh cảm. Nói về thơ, Kỳ Khôi không giấu được cảm xúc: “Không có thơ, hẳn là tôi rất khó sống với  những lần bệnh tái phát, rồi những khó khăn cuộc sống bủa vây. Tôi thành tín đồ của thơ lúc nào không biết. Rồi cứ thế, cứ thế chống gậy làm thơ”.

 

Hàng xóm của “cụ Cừ”

 

Kỳ Khôi là hàng xóm của cố thi sĩ thôn quê Đoàn Văn Cừ. Lúc sinh thời, nhà thơ Đoàn Văn Cừ sống giản dị, mộc mạc, yêu hết thảy cỏ cây hoa lá quanh mình. Cụ đặc biệt rất quý những bạn viết trẻ. Với một người yêu thơ văn như Kỳ Khôi, vì ở gần nhà nhau nên cụ rất rất quý. Nhà thơ Kỳ Khôi nói: “Cụ Cừ là cái bóng lớn tỏa ở vùng đất Thành Nam này. Tôi đặc biệt kính trọng cụ, cả đời chỉ mong làm được một phần nhỏ của cụ. Nhiều bài thơ của tôi được cụ đọc, góp ý rồi sửa chữa, làm cho nó sáng sủa lên nhiều”. Có một kỷ niệm giữa “cụ Cừ” và Kỳ Khôi, mà cho mãi đến giờ, Kỳ Khôi vẫn nhớ như in. Đó là độ năm 1969, nhà thơ Đoàn Văn Cừ ở quê, độ giáp Tết nguyên đán có đánh một gốc đào, mang lên tận nhà Kỳ Khôi tặng, rồi tự tay trồng vào chậu. Nói là hàng xóm, nhưng hai nhà cách nhau một đoạn đường đồng. Độ đó trời mưa dầm, lầy lội khủng khiếp. Kỳ Khổi hỏi: “Sao bác không để trời khỏi mưa hẵng đi, hoặc nhắn cháu đến xin về”. Đoàn Văn Cừ thủng thẳng: “Làm thế cậu mới nhớ lâu”. Những bài học về cuộc sống, về cách thức làm thơ của Đoàn Văn Cừ rất có ảnh hưởng đến đời sống sáng tác của Kỳ Khôi.  Nhà thơ tật nguyền ghi nhận: “Đúng hơn, cố nhà thơ Đoàn Văn Cừ là một người thầy thơ của tôi. Cụ đã tự nói về mình, về thơ ca: Ngót 60 năm cầm bút, tôi chỉ có một ước mơ khiêm tốn: Trong thơ góp một đường cày. Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa. Cụ nói như vậy lẽ nào tôi không cảm phục”.

 

Trước cách mạng, “cụ Cừ” làm thơ nhằm mục đích tìm hiểu phong tục, tập quán, đời sống người nông dân lao động thời Pháp thuộc còn mang đậm dấu vết sinh hoạt người Việt cổ. Sau Cách mạng, có hoài bão xây dựng trên trang thơ mô hình một làng quê Việt Nam kiểu mới, văn minh, giàu đẹp, hiện đại. Ngày nay, ảnh hưởng của cái “bóng” Đoàn Văn Cừ, Kỳ Khôi cũng muốn làm được những điều đó, bằng cách của mình, bằng một lối viết của “người chống gậy theo thơ”.

 

Là tằm thì phải nhả tơ

 

Giờ Kỳ Khôi đã có thể thanh thản mà làm thơ. Hai con ông đã học xong đại học và thành đạt. Con trai Kỳ Nha đã lập gia đình, Kim Nhạn chuẩn bị cưới. Hằng ngày, ông vẫn chăm chỉ uốn cây cảnh, làm giàu thêm kho tàng cây cảnh trong vườn. Cây cảnh không còn là một thú chơi nữa mà còn là một lẽ sống: đã sống thì không thể không làm việc, dù là những việc làm nhỏ nhất, miễn là có ý nghĩa. Cuộc đời của Kỳ Khôi, chắc chắn không thể có ngày nay nếu không có một người đàn bà dám hy sinh. Bà Phạm Thị Nhung, vợ ông là một người phục nữ đảm đang, bất chấp những lời dèm pha, ngăn cản, quyết tâm xây dựng hạnh phúc với người đàn ông tật nguyền mà mình mến mộ, thông cảm. Khi lấy nhau rồi, hai vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng, một ngôi nhà mái gianh rách nát. Kỳ Khôi lại cùng vợ cần mẫn đóng gạch, dỡ nhà gianh lấy củi đốt gạch xây nhà. Xây nhà xong, vợ ông vẫn nhận được những lời chỉ chích, rằng lấy một người tật nguyền, chẳng kết cục tốt đẹp, lại chẳng thể có con. Thế rồi hai người vẫn sinh hạ được con ngoan, xinh xắn, chịu khó và biết vâng lời. Đó có phải là sự bù đắp của Thượng đế, đối với một người như Kỳ Khôi? Như vậy, quả là công bằng. Nói về chồng, bà Nhung bảo: “Ông ấy tuy vậy nhưng có trách nhiệm với vợ con. vẫn làm lụng chẳng kém  người bình thường. Tôi chẳng ân hận gì, dù ngày đó, tôi hơn tuổi ông ấy”.

 

Nói về chuyện sáng tác, tôi còn được biết, ngoài viết thơ, truyện ra, Kỳ Khôi còn viết kịch và từng được giải cao. Ông kể: “Năm 1968, tôi được vào làm ở Hợp tác xã. Lúc đó, có một số gương chăn nuôi lợn giỏi, tôi nói sẽ viết một bài về họ. Nói rồi để vậy, thế rồi một hôm ông Trại trưởng Trại chăn nuôi hỏi bài viết, tôi mới ớ người. Ông bảo tôi nên viết nhanh, viết gì cũng được. Tôi về nhà viết kịch rồi gửi xuống Ty Văn hóa. Đến năm 1970, tôi được tham gia Trại sáng tác do  Ty văn hóa Nam Hà tổ chức, tôi mang vở kịch đi sửa lại. Lúc đó, có 12 người đọc thì 11 người chê, chỉ có 1 người khen. Đó là vở Thắng bão, sau đó được giải A toàn miền Bắc năm 1971, mọi người mới ngỡ ngàng”. Sau vở kịch thành công đó, Kỳ Khôi còn viết nhiều vở kịch khác và cũng được giải cao như những vở Cái trống tầu, Nơi ấy, Cơn giông đầu mùa hạ, Trước lúc trời rạng... Sở dĩ có thể viết nhanh, viết khỏe như thế là vì Kỳ Khôi đã được gọi là “thi sĩ làng”. Và theo ý của ông, đã được gọi như vậy thì phải viết để xứng đáng, “là tằm thì phải nhả tơ”. Đúng là một ý nghĩ rất Kỳ Khôi.

 

Đến  bữa, nhà thơ thôn quê thết đãi tôi món thịt chó. Ông là người thích rượu nhưng lại chẳng uống được bao nhiêu. Lại là người thích quảng giao, gặp bè bạn là hết mình. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống của ông có nhiều niềm vui. Trong men rượu quê nồng  nàn, nhà thơ đọc bài thơ đãi khách cho thêm nồng thắm. Bài thơ cứ cựa quậy về hình ảnh của một miền quê, như độ nào bà xã cảm động mà theo ông vậy.

Gặp nhau trên cánh đồng làng

Em nhìn nghiêng cả hai quang lúa đầy

Hôm nào nước buốt bàn tay

Mạ sân em cấy từng dây thẳng đều

Hôm nào em bước liêu xiêu

Nhặt từng nhánh cỏ giữa chiều mưa giông

Để hôm nay lúa nặng bông

Chân trời rực sáng mênh mông thảm vàng

 

Gặp em trên cánh đồng làng

Vừa quen vừa thấy ngỡ ngàng lạ không!

Gió chi hương lúa thơm nồng

Lẫn vào hương tóc để lòng mơ theo

Anh từng xuôi ngược mái chèo

Bỗng dưng lại muốn buông neo quê nhà.

 

 Bài và ảnh Nguyễn Văn Học

(K8 Khoa Viết văn; ĐT 0904811719)

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: