Thứ sáu, 29/03/2024,


“Em bé Hà Nội” Lan Hương: “Tôi mong được mãi như thế này” (06/11/2008) 

     Nổi danh từ năm 13 tuổi với vai Ngọc Hà trong bộ phim “Em bé Hà Nội” (Đạo diễn, NSND Hải Ninh). Lan Hương học khóa diễn viên đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ và gắn bó với nhà hát này cho đến nay.

 

            Trong lĩnh vực sân khấu, Lan Hương đã đoạt 6 huy chương vàng và 1 huy chương bạc qua  các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc và 1 giải thưởng  quốc tế. Năm 1998, đóng vai nữ chính trong serie Những người sống bên tôi (Đạo diễn, NSƯT Tất Bình), chị giành giải Nữ diễn viên phim truyền hình được yêu thích nhất trong cuộc bầu chọn của độc giả Tạp chí Truyền hình. Chị đã thủ vai chính trong 8 bộ phim: Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Lầm lỗi, Hai năm nữa em về, Trăng trên đất khách... Chị đã không ngừng vươn lên để khẳng định về nghề nghiệp với danh hiệu NSND và tổ ấm hạnh phúc hơn hai chục năm nay bên người bạn đời là đạo diễn- NSƯT Tất Bình.

  

- Bộ phim “Em bé Hà Nội” vừa cùng NSND Hải Ninh tham gia LHPQT Jeonju 2008 tại Hàn Quốc. Chị có theo dõi số phận của bộ phim sau ngần ấy năm?

 

- Tôi may mắn được tham gia một bộ phim gắn với lịch sử của Hà Nội. Nó không chỉ mang những giá trị nghệ thuật mà còn có tính lịch sử nên có sức sống lâu dài. Nói đúng hơn, tôi may mắn gặp được NSND Hải Ninh - đạo diễn tài năng và tâm huyết. Chính vai diễn trong phim đã đưa tôi theo  con đường nghệ thuật và thôi thúc tôi không ngừng phấn đấu. Tôi luôn tự nhủ, không vì nổi tiếng từ nhỏ mà mãn nguyện với ánh hào quang cho đến sau này.

 

- Có lần, chị tâm sự, sự nổi tiếng đến sớm mang theo hạnh phúc và cả không ít đắng cay. Có phải thành công tạo nên những áp lực cho chị về nghề nghiệp và cuộc sống riêng?

 

- Sau vai em bé Ngọc Hà, khá nhiều người biết tôi. Tôi trúng kỳ thi tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ chính nhờ phim vì từ nhỏ, tôi  học múa. Thành công quá sớm khiến tôi gặp những đố kỵ về nghề nghiệp. Là người thiên về nội tâm, nên hồi ấy, tôi sống khá khép kín và lạc lõng. Bạn bè lại nghĩ tôi cố tạo ra sự cách biệt và khác người để gây sự chú ý.

 

- Phụ nữ sống nội tâm thường rơi vào một trong hai thái cực: cam chịu hoặc dễ “bùng nổ”. Còn chị thì sao?

 

- Cách đây hơn 10 năm, có một ông thầy phán, tôi là người sống quảng đại, rất dễ tha thứ và nhìn mọi thứ rộng rãi. 1.000 người phụ nữ mới có một người có tính cách như tôi… Sau một lần “bùng nổ”, tôi trở nên chững chạc hơn, sống không theo cảm tính mà lý tính hơn.

 

- Cuộc hôn nhân hơn hai chục năm nay với anh Bình, có lúc nào cảm tính thắng lý tính, đến mức anh chị không còn tin nhau nữa?

 

                     

- Bạn hỏi thế là tôi biết bạn đang muốn hỏi gì rồi (cười vui). Về sau không biết thế nào chứ từ khi lấy nhau đến giờ, gia đình tôi không có chuyện vợ chồng cãi nhau hay ghen tuông. Tôi chưa bao giờ dằn vặt ông Bình khi người khác nói ông ấy hình như có chuyện gì đó… Ngược lại, tôi còn trêu chọc và đùa với ông ấy. Ông ấy tôn trọng và yêu thương tôi… Ông ấy quý bạn và nhiều bạn bè quý mến ông ấy nên thấy vợ không đi cùng chồng là bạn túm lấy điện thoại, “tiện thể” hỏi thăm tôi luôn (cười vui)…

 

- Không chỉ giữ được nét thanh xuân về ngoại hình, nói chuyện với chị, thấy chị vẫn giữ giọng điệu và suy nghĩ trẻ trung, tươi mới. Liệu anh Bình sắp đến tuổi nghỉ hưu có hòa nhịp được với chị?

 

- Sức khỏe phụ nữ ở tuổi này xuống nhanh. Tôi đang chữa đau xương bánh chè. Đó hậu quả của những lần mải tập, mải diễn. Vừa rồi, tôi đi khám sức khỏe và an tâm phần nào vì 45 tuổi mà không có dấu hiệu bệnh của tuổi... già. Được thế vì tôi chú ý tập luyện, ăn  thức ăn giàu can-xi và dùng bổ sung viên can-xi nữa. Tôi cứ mong được mãi như thế này, dẫu biết cuộc sống là  sinh, lão, bệnh, tử.

 

- Là Trưởng đoàn kịch Thể nghiệm và đã dựng một số vở kịch hình thể, chắc chị trăn trở nhiều về việc đưa loại hình này tiếp cận khán giả?

                                                      

- Kịch hình thể là thể loại mới và nó nằm trong những cái khó chung của sân khấu phía Bắc. Đoàn vừa dựng vở “Biến vỹ của tình yêu” (kịch bản, NSƯT Lê Chức) chuẩn bị dự Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm quốc tế vào cuối năm nay. Đây là vở thứ ba của tôi sau “Con bệnh bí hiểm” và “Nhật nguyệt thực” cùng những vở ngắn khác cho thiếu nhi. Tôi mong mỏi có  Nhà hát Kịch hình thể để môn nghệ thuật này hoạt động riêng biệt nhằm kéo khán giả lại gần với kịch hình thể hơn. Là một trong những loại hình nghệ thuật đương đại, kịch hình thể cần được chú trọng phát triển song song với các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đến với kịch hình thể, tôi như tìm thấy hạnh phúc thứ hai của cuộc đời mình. Kịch hình thể là bến đậu cuối cùng trong sự nghiệp nghệ thuật của tôi.

 

- Xin cảm ơn chị và chúc chị cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc!

 

Vũ Long thực hiện

(Theo Hà Nội Mới)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: