Thứ sáu, 29/03/2024,


Nhà văn nông dân - Thủ khoa Tuần báo Văn nghệ (05/11/2008) 

     Ông Ba Lưu, tên đầy đủ Ngô Phan Lưu, sinh 1946 tại xã Hoà Mỹ - vùng lúa Tuy Hoà nổi tiếng cao sản tỉnh Phú Yên. Trước 1975, ông từng là sinh viên Khoa Triết, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau 1975 ông về quê sống nghề làm ruộng. Lăn lộn ruộng đồng gần 20 năm, ông Ba Lưu hoàn toàn là một nông dân thứ thiệt. Nhưng vì mỏi tay cày, Ngô Phan Lưu mới viết báo, làm thơ. Đánh dấu ngã rẽ cuộc đời là tập thơ BẾP LỬA CHIỀU ĐÔNG (1997). Nhưng, ông sớm nhận ra ngòi bút mình rất vô duyên với nàng Thơ. Thất bại toàn phần, ông chuyển sang viết truyện ngắn. Năm 2004, tập truyện ngằn NGƯỜI KHÔNG GIĂNG CÂU KIỀU ra mắt, được nhiều bạn đọc ưa thích, đánh giá cao... Từ đó đến nay, rải rác trên các báo trung ương, cái tên Ngô Phan Lưu gắn liền với truyện ngắn, xuất hiện nhiều đến quen thuộc.

 

Chuyện ông Ba Lưu chuyển tay cày sang tay viết, đã gây ngạc nhiên nhiều người nơi quê hương ông sống. Bởi thế cho nên họ gọi ông là 'Nhà văn nông dân'. Lưu nhà văn hay Lưu nhà nông, hay cả hai nhà gộp lại, ông cũng ừ tất. Ông không bận tâm đến danh xưng. Họ gắn thế nào cũng xong, miễn đúng tên là được. Ông coi trọng thực chất bên trong hơn cái danh hão bên ngoài.

Năm 2007, Ngô Phan Lưu đã thành danh. Cái tin ông Ngô Phan Lưu người Phú Yên đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN - với hai truyện ngắn “Buổi sáng biến mất” và “Cơm chiều” đã khẳng định tài năng văn học của ông. Có hôm tôi lang thang trên Google, thử gõ tên ông vào bàn phím. Thế là hàng loạt bài viết về Ngô Phan Lưu, có cả tiếng Anh, tiếng Việt hiện lên như tờ “sớ”. Phải nói ông thành danh muộn, nhưng tác phẩm ông đã khẳng định được một vị trí nào đó trên văn đàn. Nhà văn nông dân nay bước sang tuổi 65. Giờ đây, việc thâm canh trên cánh đồng chữ nghĩa đối với ông cũng nhọc nhằn và gian lao gấp mấy lần so với thâm canh đồng lúa .

Ông Ba Lưu nhà văn nông dân là một con người có nhiều cái “chịu”. Trong giao lưu sinh hoạt với anh em bạn bè, ông là người “chịu” chơi. Ông có thể ngồi cả buổi hoặc thâu đêm tiếp bạn. Mỗi khi anh em có bàn trà chén rượu, nhã ý “Alô” là ông lên xe liền, nếu không bận việc. Trong viết lách, ông là người “chịu” sáng tạo. Dù ban ngày bận bịu mệt nhọc thế nào, buổi tối cũng phải ngồi trước máy vi tính gõ vài trăm chữ. Ông viết truyện ngắn, tản văn cẩn thận và khá nhanh. Sự khẳng định chất lượng ngòi bút của ông được minh chứng bằng các tờ báo gọi mời đặt “hàng” hay giao cho ông một chuyên mục nào đó thường kì.

Lúc nào tôi cũng coi ông như một người thầy về mặt sáng tác văn học. Qua nhiều lần trò chuyện, tôi học được ở ông nhiều điều bổ ích cho việc cầm bút. Cách nói chuyện của ông thẳng thắn, gãy gọn, dí dỏm mà sâu sắc như văn của ông vậy. Dưới đây là câu chuyện một lần gặp gỡ của chúng tôi:

 

    Ngô Phan Lưu (thứ 2, trái qua) "Thủ khoa" truyện ngắn.

 

- Ngày trước, học hành dở dang lại về quê lăn lóc làm ruộng, vậy làm sao ông viết văn hay? Có bí quyết nào chăng, thưa ông?

Tròm trèm 20 năm làm ruộng, chăn bò trên núi, lúc rảnh tôi luôn đọc sách. Tôi đọc kỹ nhiều thứ: văn học, triết học, cả kinh Phật, và trên hết là chịu suy nghĩ. Chỉ thế thôi. Còn bí quyết tôi không có.

 

- Vậy ông viết văn thành công là nhờ đọc sách nhiều ?

Đúng thế. Đầu tiên tôi làm thơ, in được một tập, thấy dở quá, tôi chuyển ngay sang viết truyện ngắn mà không do dự. Nếu sau này, thất bại tiếp, tôi sẽ chuyển sang viết phê bình cũng không do dự. Nếu mọi việc không được nữa, tôi buộc phải trở lại làm thơ và lúc ấy phải do dự. Tôi quyết theo văn chương đến cùng. Tôi nghiệm ra một điều nữa là: Song song với việc đọc sách tạo “lực”,  còn phải có “gan” với ngòi bút của mình, nhưng cái “gan” phải đi trước.

 

- Ngoài học sách, nhà văn còn học ở đâu ?

Học ngoài đời. Học chính nghề gốc của mình phải biết chậm rãi, chịu khó. Học các lão nông luôn nhìn gần và nhìn kỹ. Học con nít sự liên tưởng đột ngột, trí tưởng tượng bay bổng. Học chiếc máy ảnh không bỏ sót chi tiết nào. Đại khái như thế…

 

- Có người đọc tác phẩm của nhà văn, họ nói ông Ngô Phan Lưu viết toàn chuyện ác. Ông thấy thế nào ?

Không phải viết toàn chuyện ác, mà là dũng cảm viết đối mặt với cái ác. Gặp cái ác, tôi quyết rọi đèn pin vào, cho mọi người thấy rõ hơn mà ghê tởm, mà diệt trừ.

 

- Trước và sau khi đạt giải thưởng, ông thấy ngòi bút của mình có thay đổi gì không?

Ngòi bút vẫn như thế. Giải thưởng chỉ là một loé chớp cho tôi dừng lại để sáng sủa một chút. Giờ tôi đã xa nó rồi. Giờ tôi tiếp tục cần cù, tiếp tục cô đơn, tiếp tục làm việc trong âm thầm, hệt như hồi chưa có giải thưởng.

 

- Vậy, ắt nhà văn đã có dự đinh gì cho phía trước ?

Cố gắng viết một quyển tiểu thuyết thật đàng hoàng, dày khoảng 300 trang.

 

-Tiến hành được bao nhiêu trang rồi, thưa nhà văn?

Đã tiến hành được “dự định”. Còn “trang” hãy từ từ.

 

- Xin cảm ơn nhà văn.

 

                                      Đào Tấn Trực

                      (Giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương

                           Tuy An - Phú Yên. ĐT: 0905407519)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: