Thứ năm, 28/03/2024,


“Quận chúa biệt động”: Có những điều không thể nói ra (30/10/2008) 

 

     Mới đây, NXB Công an đã có công văn thu hồi và chỉnh sửa cuốn tiểu thuyết tư liệu “Quận chúa biệt động” kể về cuộc đời của bà Đặng Hoàng Ánh, do nhà văn Đặng Vương Hưng viết, vì có những tư liệu chưa thật sự chuẩn xác. Phóng viên Báo Nông thôn ngày nay đã trò chuyện với tác giả cuốn sách về vấn đề trên. Lucbat.com xin giới thiệu bài phỏng vấn này.

 

     Thưa anh, cuốn “Quận chúa biệt động” ngay khi mới ra đời đã nhận được sự chú ý của đông đảo người đọc, vì nó đề cập đến số phận một người phụ nữ thật đặc biệt, bà Đặng Hoàng Ánh - một người dòng dõi hoàng tộc triều Nguyễn hoạt động tình báo cho cách mạng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản hồi cho rằng những tư liệu mà cuốn sách đề cập chưa thực sự chuẩn xác... Quan điểm của anh thế nào?

 

                    

                                        Nhà văn Đặng Vương Hưng.                            

 

     Trước hết, là tác giả, tôi vô cùng cảm ơn những ý kiến phản hồi, góp ý của bạn đọc. Trong đó, có 2 ý kiến chính, chúng tôi đặc biệt quan tâm: một là của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông cho biết là dòng tộc triều Nguyễn ở thời điểm ấy không có họ Phạm Đăng. Tuy nhiên, theo tư liệu riêng mà bà Ánh cung cấp cho, họ của bà đã được đổi từ gốc họ Nguyễn. (Theo tôi, tri thức là vô cùng, ông Xuân nên gặp trực tiếp bà Ánh, thì sẽ hiểu thêm sự thật và logic của vấn đề này). Ý kiến thứ 2 là từ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Long cho biết: Theo tư liệu Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long, thì việc ám sát Khưu Văn Ba là chiến công của Đại đội 256, Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt, thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long, chứ không phải chiến công của bà Ánh đã kể. Về việc này, NXB Công an nhân dân đã có công văn trả lời: do cuốn sách đề cập đến nhiều nhân vật, nhiều sự kiện lịch sử, liên quan đến nhiều địa phương và đơn vị cơ sở, chúng tôi cũng chưa có điều kiện gửi bản thảo đến tất cả các địa phương, đơn vị ấy, (trong đó có Tỉnh uỷ Vĩnh Long) để thẩm tra, xác minh nên NXB đã có công văn chính thức cáo lỗi, thu hồi sách để chỉnh sửa thêm một số chi tiết.

 

     Vậy phải chăng cuốn sách đã được… “làm ẩu”?

 

     Tôi xin khẳng định là hoàn toàn không có chuyện ấy, mà ngược lại. Trước khi xuất bản cuốn sách, chúng tôi đã chuyển bản thảo đến 3 cơ quan: Vụ Báo chí - xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Sử học - Viện Khoa học xã hội VN và Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng, để thẩm định và xin ý kiến. Các cơ quan này đều có văn bản trả lời cụ thể, hoan nghênh nội dung tuyên truyền của sách, đồng thời cho nhiều ý kiến quý báu để chúng tôi sửa chữa và bổ sung. Tuy nhiên, bản thân tôi không phải là một nhà sử học, nên trong cuốn sách, có những chi tiết nghi vấn, chúng tôi đều đã chú thích thêm: “Tư liệu do bà Đặng Hoàng Ánh cung cấp và chịu trách nhiệm; chưa được giới sử học công nhận, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ”.  Cuốn sách kể về cuộc đời một người phụ nữ đi qua hai cuộc kháng chiến, với nhiều nhân vật, liên quan đến giai đoạn lịch sử kéo dài hơn 100 năm, (từ năm 1906 đến nay), nhiều chứng nhân đã không còn, nguyên tắc của hoạt động tình báo là đơn tuyến, những người liên quan đến bà hầu hết đã hy sinh, hoặc đã mất, bà còn rất ít giấy tờ để chứng minh cho mình, đó cũng là một điểm bất lợi, khiến người phụ nữ này phải chịu nhiều thiệt thòi. Thêm nữa, cuốn sách dày hơn 400 trang khổ lớn, nhiều người mới chỉ được đọc tóm tắt trích đoạn, bình luận trên báo chí, nên cũng có những chuyện hiểu nhầm đáng tiếc và những lời lẽ quá khích...

 

     Anh đã gặp bà Đặng Hoàng Ánh trong trường hợp nào?

 

     Qua lời giới thiệu của ông Phạm Vũ Quỳnh, Thư ký của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Qua tìm hiểu, tôi được biết đó là một người phụ nữ có số phận đặc biệt, con nhà thế gia, xinh đẹp, có học thức, nhưng bà một lòng đi theo cách mạng, chịu nhiều mất mát thiệt thòi. Gặp tôi lần nào bà cũng khóc. Tôi biết bà kể lại câu chuyện đời mình không phải nhằm mục đích kể công, hay đòi hỏi chính sách, mà chỉ muốn được nói ra để cho lòng thanh thản và mong muốn khi cuốn sách xuất bản sẽ tìm lại được những đồng đội cũ, tìm lại cha mẹ cho người con nuôi tàn tật của mình. Tôi làm cuốn sách này cũng không phải vì mục đích thương mại, (số tiền tôi tự bỏ ra để đi lại để tìm kiếm tư liệu ở nhiều vùng miền đất nước hàng năm trời rất tốn kém, nhưng tôi đã nhận nhuận bút bằng mấy trăm cuốn sách để tặng bạn bè). Tôi đã viết cuốn sách này vì sự đồng cảm với số phận quá nhiều nước mắt của một người phụ nữ đi qua chiến tranh.

 

     Giờ cuốn sách đã có quyết định thu hồi để chỉnh sửa lại. Với tư cách tác giả, anh có ý định tiếp tục đi tìm kiếm tư liệu để chứng minh cho chi tiết liên quan đến cái chết của tên ác ôn Khưu Văn Ba hay không?

 

     Tôi không có ý định đó, vì tôi không phải là một người làm sử. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định đây không phải là một cuốn sách lịch sử, mà là một cuốn tiểu thuyết, nghĩa là nó có mang yếu tố hư cấu văn học. Phần chỉnh sửa mà Ban Tuyên Giáo Vĩnh Long yêu cầu chỉ nằm chủ yếu trong chương 4 (cuốn sách có hơn 30 chương). Có thể trong lần tái bản tới, chúng tôi sẽ đổi tên Khưu Văn Ba, đổi địa danh đi và đó sẽ là một nhân vật văn học hoàn toàn, để tránh những rắc rối không cần thiết.

 

     Cuộc đời bà Đặng Hoàng Ánh, như nhiều chiến sĩ biệt động đơn tuyến khác, họ chiến đấu thầm lặng và hi sinh thầm lặng, còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết về họ. Khi viết cuốn sách trên, vì nhiều lý do, mà nhiều tư liệu chúng tôi chưa thể công bố. Xung quanh cuốn sách cũng còn rất nhiều điều, những chi tiết không thể nói ra, vì chúng có thể làm cho những người liên quan bị tổn thương. Xin đừng ai cố ý nặng lời, mà làm đau lòng người khác. Bởi trong chiến tranh có những mất mát không gì có thể bù đắp được.

 

     Xin cảm ơn anh!                     

     Theo Ngọc Anh

(Báo Nông thôn ngày nay)

               

 

 

     Bà Đặng Hoàng Ánh: “Họ đã không công bằng với tôi”

 

     Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Đặng Hoàng Ánh- nhân vật chính của cuốn sách “Quận chúa biệt động” cho hay: “Tôi biết, vừa rồi Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vĩnh Long có tổ chức một buổi “Hội thảo” xung quanh cuốn sách và kết luận tôi “xuyên tạc, bịa đặt” ra chuyện giết Khưu Văn Ba để “cướp công”. Tại sao họ tổ chức hội thảo mà không mời tôi, không mời nhà văn Đặng Vương Hưng và đại diện NXB Công an nhân dân đến để cho chúng tôi được nói lên ý kiến của mình? Rõ ràng là họ đã không khách quan và công bằng khi tránh mặt tôi như vậy. Tôi xin khẳng định thế này: Ngày 21-8-1958, tôi từ Pháp trở về nước, nhận được lệnh giết tên Khưu Văn Ba- một tên ác ôn ở Vĩnh Long từ đồng chí Phó Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và tôi đã tiến hành vụ đó vào ngày 3-9-1958 cùng với anh Phạm Ngọc Thảo- Đại uý bảo an. Chính tay tôi đã dùng súng giảm thanh kết liễu hắn và bày ra hiện trường là một vụ nổ súng tự vệ khi bị cưỡng hiếp. Còn tên Khưu Văn Ba mà hội thảo ở tỉnh Vĩnh Long đề cập đến thì bị ám sát vào ngày 16-6-1960. Tôi sẽ không giải trình lại với Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long, nếu những người có trách nhiêm của Đảng, của Chính phủ hỏi đến tôi thì tôi sẽ trả lời như vậy”.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: