Thứ bảy, 20/04/2024,


Ân tình của nữ sĩ Hằng Phương (27/10/2008) 

                              

Tôi bắt đầu biết về nữ sĩ Hằng Phương qua một bài viết của nhà văn Nguyễn Tuân về cha tôi - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

 

     Năm 1961, một năm sau khi cha tôi qua đời, NXB Văn học cho ra mắt cuốn Sống mãi với Thủ đô, di cảo của ông.

     Kèm theo tác phẩm, cuốn sách còn in Lời bạt của Nguyễn Tuân nhằm giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về cuốn tiểu thuyết dở dang của cha tôi. Trong hàng chục trang Lời bạt man mác nỗi niềm, tôi đặc biệt ấn tượng với một ý thơ mà nhà văn Nguyễn Tuân trích dẫn. Đó là câu thơ của bà Hằng Phương trong bài Nhớ anh Nguyễn Huy Tưởng bà viết nhân đọc truyện phim Lũy Hoa của cha tôi, được xuất bản không lâu sau khi ông qua đời:

Trung đoàn in dấu “Lũy Hoa”
Hồ Gươm ngấn nước chưa nhòa bóng anh.

    Thú thật, cho đến khi ấy, tôi hầu như chưa biết gì về nữ sĩ Hằng Phương. Tôi không biết bà từng có thơ đăng báo ngay từ cuối những năm 20 của thế kỷ trước, đồng thời là một trong những nhà thơ nữ xuất bản tập thơ đầu tiên bằng chữ quốc ngữ hồi đầu những năm 1940, cùng với các bà Vân Đài, Anh Thơ, Mộng Tuyết. Tôi không biết bà là tác giả những bài thơ cảm động về Bác Hồ, trong đó có “Bài thơ dâng tặng Bác cam”, và là người được Bác tặng lại bài thơ nổi tiếng “Cảm ơn người tặng cam”, trong có câu:

Cảm ơn bà tặng gói cam
Nhận thì không đáng, từ làm sao đây
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.

      Tôi cũng không biết bà là ái nữ của nhà ái quốc Lê Dư trong phong trào Đông Du cùng cụ Phan Bội Châu, và là phu nhân của nhà văn nổi tiếng Vũ Ngọc Phan... Tất cả những gì tôi biết về bà, cho tới lúc ấy, chỉ là qua hai câu thơ về cha tôi nói trên!

      Nhưng chừng ấy cũng đủ để tôi muốn được tìm hiểu thêm về bà. May thay, tôi đã tìm được tập Mùa gặt của nữ thi sĩ, xuất bản đầu tháng 4 năm 1961, được mẹ tôi lưu giữ cùng với những cuốn sách được tặng khác của cha tôi. Sau khi cha tôi qua đời, nhiều bạn văn của người mỗi khi có sách vẫn nhớ tặng gia đình. Nhưng ít có ai chu đáo như bà Hằng Phương. Chỉ một tuần sau, bà tìm đến tặng mẹ tôi cuốn sách với lời đề: “Thân mến tặng chị Nguyễn Huy Tưởng và các cháu - Thủ đô 15-4-1961 - Hằng Phương”.

      Tôi thật cảm động được đọc toàn bài Nhớ anh Nguyễn Huy Tưởng in trong cuốn sách đó, với những câu thơ còn tươi nguyên những cảm xúc, kỷ niệm của nữ sĩ về cha tôi hồi kháng chiến:

... Đèn dầu, phên nứa, đêm dài
Bóng người mải viết, trăng cài rừng giang.
Truyện dài, ký sự, bao trang
Mồ hôi trên giấy còn loang vết dầu...

      Đó cũng là những câu thơ được nhà thơ Xuân Diệu trích dẫn về sau này, trong bài Nhớ chị Hằng Phương viết năm 1983 khi bà qua đời.

     Từ đó đến nay cũng đã 25 năm, tròn một phần tư thế kỷ. Còn nếu là ngày sinh, năm nay vừa đúng 100 năm, vừa trọn một thế kỷ bà hiện diện trên cõi đời này! Nhân dịp này, gia đình nhà thơ Hằng Phương và nhà văn Vũ Ngọc Phan cùng Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nữ thi sĩ một cách thật trọng thể và đầm ấm, quy tụ gần như đủ mặt giới văn nghệ sĩ và trí thức ở Thủ đô... Cũng nhân dịp này, Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản cuốn sách quý Nhà thơ Hằng Phương - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1908 - 2008). Cuốn sách có tuyển bài thơ của bà Hằng Phương về cha tôi, bài Nhớ anh Nguyễn Huy Tưởng mà tôi đọc lại với nguyên sự xúc động như ngày nào. Tôi cũng rất tâm đắc với nhận xét của nhà thơ Xuân Diệu về bà, in trong tập sách: “Chị Hằng Phương! Chị lưu lại cho chúng tôi những vần thơ nhân hậu, mang một tấm lòng tốt bụng, một tấm lòng luôn luôn yêu mến những con người, một trái tim yêu mến không tắt!”. Vâng, như người ta vẫn nói, văn là người. Những gì nhà thơ Xuân Diệu nói về bà cũng chính là nói về thơ bà, hay nói về thơ bà cũng chính là để nói về bà, nữ sĩ Hằng Phương. Riêng tôi xin được nói thêm về bác, như một người bạn lớn của gia đình chúng tôi (bác Hằng Phương hơn cha tôi 4 tuổi, hơn mẹ tôi 13 tuổi). Tết đầu sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi đưa chúng tôi đi thăm mộ cha tôi ở nghĩa trang Văn Điển. Cũng những ngày ấy, có một người phụ nữ làm thơ cũng đi thăm mộ cha tôi, người đồng nghiệp chẳng may mất sớm. Và bà đã ghi lại cảm xúc của mình qua một bài thơ cảm tác:

Tết, thăm mộ anh Nguyễn Huy Tưởng

Đất nước xuân về trên cánh hoa
Khói hương nhớ bạn ảnh hình xa
Truyện dài ký sự bao trang giấy
Còn gởi tình thương tới vạn nhà.

Chiêm mượt đồng xanh như trải thảm
Chân trời ngói đỏ khói mây qua
Con anh thơ dại rồi khôn lớn
Nét mực yêu đời nối nghiệp cha.

       Người làm thơ ấy là bác Hằng Phương, và bài thơ ấy, là của bác tặng gia đình chúng tôi mà mẹ tôi nâng niu gìn giữ. Mẹ tôi không hiểu gì nhiều về thơ, nhưng chắc chắn bà đã hiểu được tấm lòng của bác với cha tôi và sự động viên của bác đối với gia đình. Tết ấy, hẳn là mẹ tôi buồn lắm. Người chồng, người cha, người trụ cột của gia đình đã đi xa. Mẹ tôi chưa có công ăn việc làm, chưa biết trông vào gì để nuôi mình, nuôi con. Chúng tôi thì còn bé dại (tôi khi ấy mới 5-6 tuổi). Nhìn chúng tôi, hẳn mẹ tôi không ít lúc nao lòng. Hai câu kết trong bài thơ của bác Hằng Phương, không nghi ngờ gì nữa, đã là nguồn động viên to lớn đối với mẹ tôi những ngày vô vàn khó khăn ấy...

      Chúng tôi giờ đây đã khôn lớn. Tôi không dám nghĩ là mình đã “nối nghiệp cha” được như bác Hằng Phương từng trao gửi trong bài thơ, nhưng cũng xin phép cha tôi viết bài này để tưởng nhớ và cám ơn bác Hằng Phương, người bạn lớn của gia đình chúng tôi!

           

                                                     Nguyễn Huy Thắng

                                                         (Nguồn: Phụ Nữ)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: