Thứ năm, 12/12/2024,


Thi phẩm lục bát (01/05/2009) 

Tác giả Hoàng Gia Cương

 


 

 

NGÕ TẠM THƯƠNG

 

Sao em vội rẽ Tạm Thương

Để anh hẫng hụt ngược đường Hàng Gai

Gió đêm se buốt phố dài

Thuyền trăng neo tận cuối trời chờ mong!

 

 

 

VỀ QUÊ

(Thân tặng các bạn trẻ xa quê)

 

Quanh năm bươn bả theo đời

Lâu lâu về với mặn mòi quê xa ...

 

Vẫn là bến nước, gốc đa

Hàng cau, khóm chuối, vạt cà, ruộng khoai

Ngày thì ngắn, đêm thì dài

Chuyện làng, chuyện phố, lai rai chuyện đời ...

 

Phên thưa gió lộng sao trời

Chõng tre cót két đượm lời tri âm

Dài lưng nửa tựa, nửa nằm

Xuýt xoa tiếng mẹ lầm rầm giọng cha

 

Lơ mơ, chợt rộ tiếng gà

Í ơi xuống chợ, ới a ra đồng

Dậy cũng dở, nằm khó trông

Cấy cày chẳng thạo gieo trồng chẳng quen!

 

Ngẫm từ bùn đất mà nên

Sao thành lạc lõng, vô duyên lạ đời

Chân xa đất, cật xa trời (*)

   Phải đâu hạt thóc rụng rơi qua mùa?  

 

(*) Tục ngữ: “Chân không đến đất, cật không đến trời”

 

 

 

TRƯA HÈ

 

Trưa hè qua Ret tô răng (*)

Xe loang loáng nắng ken hàng vướng chân !

Gánh rau trĩu nặng, vai bầm

Mẹ đi - đi giữa đường trần nhấp nhô !

 

Lưng còng năm tháng âu lo

Rau xanh mấy vụ? Ấm no bao ngày?

Gánh đầy chua, chát, đắng, cay

Mớ rau, nắm củ ... vai gầy mẹ nâng

 

Nắng nung bỏng rát bàn chân

Áo phơi trắng bạc, ướt đầm mồ hôi.

Phòng ăn vênh váo ai ngồi

Quăng tiền mua lấy cuộc cười hớ hênh!

 

Trời xanh - xanh đến mông mênh

Giê Su, Đức Phật... lòng lành gửi đâu?

Ba trăm đồng một mớ rau

Ba trăm nghìn một món xào bông lông

 

Nắng hè loá chín tầng không

Chập chờn một áng tóc bồng bềnh mây !

Trong phòng dở cuộc tỉnh say

Rèm che máy lạnh, níu ngày vào đêm

 

Kính đen tối sẫm mắt nhìn

Lon bia sủi bọt đức tin vơi, tràn!

Nắng hè rót lửa chang chang

Áo thêm ướt đẫm rau càng héo khô!

 

Phố đông dáng mẹ bơ vơ

Dòng đời xuôi ngược hững hờ mẹ đi...

Nôn nao bức bối trưa hè

Chói chang cành phượng  tiếng ve kêu đàn!

 

(*) Restaurant: Nhà hàng ăn uống

 

 

CHIA XA

 

Dùng dằng thu chuyển sang đông

Giăng giăng đôi mảnh mây bông xe chiều

 

Chập chờn vạt nắng liêu xiêu

Dòng sông thiêm thiếp cánh chèo lơ ngơ ...

 

Chân đê lán rạ khép hờ

Thơm thơm bắp nướng thẩn thơ trao lời

 

Lối mòn níu ấm rơm phơi

Ngập ngừng chân bước bời bời sợi vương ...

 

Một thời thu khép sau lưng

Vài bông cúc muộn nhạt hương đưa thầm

 

Ráng chiều vàng cõi xa xăm

Dường như gió bấc căm căm đợi mùa!

                                  


GA VỌNG

 

Chờ ai, em ngóng chờ ai?

Tầu xa xa khuất, đường ray lặng dần …

Đá còn buốt gió căm căm

Trống trơ ga Vọng âm thầm lá bay!

 

 

TRÊN BẾN NINH KIỀU

  

Ngẩn ngơ với đất với trời

Giữa Cần Thơ biết ai người cần... thơ?

 

Mênh mang nước dợn, sa mờ

Ninh Kiều bến đợi, sông chờ... Không em!

 

Người đi Vĩnh Thuận, Long Xuyên

Trà Ôn, Long Mỹ... biết lên thuyền nào?

 

Nắng xiêu, chợt đổ mưa rào

Nửa đi, nửa đợi... lòng nao nao lòng!

 

Một nguồn sông mấy ngã sông?

Mấy ngã sông, mấy ngã lòng... ngờ đâu!

 

Hậu Giang lòng rộng nước sâu

Bâng quơ chiếc lá thả vào bâng quơ!

 

 

NÓI VỚI THẠCH SÙNG

 

Tiếc hoài chi nữa mối ơi (*)

Phù vân kiếp ấy đã vời vợi xa

Hãy thôi tặc lưỡi đi mà

Quyền cao bổng trọng cũng là hư không!

 

Hoá thân làm phận thạch sùng

Hết thời vênh váo còn mong ngóng gì?

Một thân một cõi đi về

Sớm trưa cũng mặc, tối khuya cũng đành!

 

Làm sao ngờ được mảnh sành

Xênh xang phút chốc biến thành chiêm bao.

Bây giờ đất thấp, trần cao

Thân trơ trụi trắng bám vào trắng vôi!

 

Tao đi khắp bốn phương trời

Cứ nghe mày tặc lưỡi hoài... đến thương

Thôi mà, nghiệp chướng tai ương…

Với mày trời chỉ... bằng vung... than gì?

____

 

(*) Con thạch sùng ở miền Bắc thường gọi

là con mối, miền nam gọi là con thằn lằn. 

  

Hoàng Gia Cương

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: