Thứ bảy, 20/04/2024,


Chạy tốc độ và… làm thơ thế sự (05/10/2008) 

     Phan Trung Thành sinh ngày 10 tháng 8 năm 1973 tại làng Thế Chí, xã Điền Hải, huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế.Tốt nghiệp ĐHSP Huế - (Khoa Ngữ Văn) - năm 1996. Hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh

 

     - Mỗi lần xuất hiện là một lần mang đến sự mới lạ - đó là nhận xét của rất nhiều người khi đọc các tập thơ anh từng xuất bản như Vọng sông quê (2001), Mang (2004), Đồng hồ một kim (2008)... Anh đón nhận lời nhận xét này như thế nào?

     - Ồ, tôi rất vui về cuộc trò chuyện này. Khi nào cũng thế, sau khi phát hành mỗi tập thơ là thời gian nghe ngóng, mong đợi và cả hồi hộp nữa. Dù đã in tập thứ 4 nhưng mỗi lần sách ra đều có cảm giác như “thuở ban đầu”, chỉ có khác là tập này in xong chưa khô mực thì đã vào viện, có người nói thơ vận vào mình, thơ dự báo chính xác… Rất may, “sóng gió” đã qua, tôi đã bắt đầu viết cái khác. Thỉnh thoảng nhận được những nhận xét như thế từ những người bạn, đồng nghiệp và như lời của chị hôm nay, tôi thấy rất vui, vui vì ý thức làm mới mình trong sáng tạo đã có hiệu ứng tốt.

 

     - Thực ra người sáng tác nào cũng mong muốn sự xuất hiện nào của mình là một bước tiến mới, là một “chân dung” mới. Nhưng từ mong muốn đến kết quả thực hiện đôi khi là những đường chạy không gặp nhau. Anh – hạnh phúc là đã thực hiện được thành công điều đó. Và ở đây tôi biết không hề có chuyện may mắn…

     -  Tôi nghĩ, chỉ cố ý làm mới lạ thôi thì chưa đủ, người sáng tác nào mà chịu dừng lại ở đó thôi đâu. Phải làm hay nữa chứ, mong muốn là thế nhưng được tới đâu cũng tùy duyên, tùy phận và đặc biệt là tài năng nữa. Tôi luôn ước ao có được những câu hay, bài hay đứng được trong lòng độc giả, đó mới thực sự thành quả của sáng tạo, chẳng mơ gì xa xôi như là “khai phá”, “tiên phong” như những nhà thơ có tài khác.

     Khi hoàn thành bản thảo tập Đồng hồ một kim, tôi cũng đồng thời gửi một tập bản thảo có tựa “Những ngày nhớ em” cho một nhà xuất bản khác, tập thơ bao gồm những bài “vần điệu” viết về tình yêu về quê hương và những vùng đất tôi đã có dịp xuôi ngược nhưng sau đó thấy “nhàm” quá nên tạm thời thu lại để có thời gian chỉnh sửa và đầu tư thêm. Còn trên bàn thì đang viết dở tập thơ “Ăn xà bông”, con trai tôi tình cờ đọc được mấy trang đầu nó hét tóang lên, ba ơi ai lại đi ăn xà bông hở ba! (cười)

 

     - Đọc Đồng hồ một kim, tôi rất ấn tượng khi bắt gặp những “mảng miếng đối lập” (xin tạm đặt tên như vậy): một bên là thực tại dữ dội, khốc liệt một bên là sự chênh chao, thảng thốt của cảm xúc. Nó khiến người đọc ngơ ngẩn…

     - Bởi lao theo những đề tài có tính thời sự nên những sự kiện xuất hiện còn “nguyên đai nguyên kiện” mà chị gọi là “mảng miếng” ấy, thi pháp hiện đại còn gọi là “cắt dán”. Tuy nhiên, đưa những đề tài đã nhan nhản trên mặt báo vào thi ca đến thời điểm này không còn gì mới mẻ, tôi cố gắng đưa vào tập cái tinh thần, cái không khí thời tôi sống đó là những phức cảm, mê lộ mà không một người cầm bút nào không thấy. Hàng ngày tranh thở với ống khói xe máy, “mày thở ra tao hít vào” rồi những quăng quật “ổ voi khủng long”, “ngập ngụa hàng Tàu”… Những sự vụ ấy là tức thời nên phải viết nhanh như nhật kí hoặc ghi chép.

 

     -Trong tập thơ mới của anh, khá nhiều lần anh lên tiếng phản tỉnh về vai trò của nhà thơ – người nghệ sĩ trong cuộc sống. Xin hỏi quan niệm của anh về cái gọi là “trách nhiệm công dân” của người cầm bút?

     - Tôi quan niệm viết như một người đi bộ bình thường, khi thấy đất trời trong xanh thì đứng lại hít hà một tí, thấy những cô gái “đồng bằng phẳng” diện quần jean áo thun lấp la lấp ló một góc phố “dự tuyển” để trở thành cô dâu Đài trong một sớm mai thì thấy “nóng mặt” mà lủi nhanh, thấy miểng chai, cành nhọn thì không nề hà “dọn dẹp” một tí. Tôi tin từng tí, từng tí ấy mà tích tụ thành lớn lao, mang lại một điều gì đó dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn.

 

     - Mỗi lần tìm đường dịch chuyển sang hướng khác (trong cả đề tài, phong cách và giọng điệu) – rào cản nào khiến anh thấy khó vượt qua nhất?

     - Đồng nghiệp và bạn đọc. Tôi luôn lắng nghe từ hai phía ấy và tôi thấy đường biên của nó khá rạch ròi. Cho nên, trước khi công bố tác phẩm tôi đều chuyển đến dăm người bạn đọc trước và góp ý . Điều này có hai cái lợi nhãn tiền là họ sửa morat cho mình (người ngoài bao giờ cũng sáng hơn!), thứ nữa là có thể họ sẽ chung vai (kinh phí) trong việc in ấn tác phẩm (cười to). Nhân đây, tôi xin cám ơn nhà văn, họa sỹ Vũ Đình Giang đã trình bày vẽ bìa, thi sỹ Inrasara đã đọc và góp ý xác đáng cho tập Đồng hồ một kim và còn có “nhời” đầu sách nữa!

 

     - “Một thứ thơ dấn thân đựng chứa bao nhiêu đề tài nóng” (Inrasara nhận xét về Đồng hồ một kim) – Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng thơ thế sự dễ đứng trước nguy cơ tụt hậu khi cuộc sống vận động và thay đổi. Anh nghĩ sao?

     - Như trên đã nói, khi đã “ném” vài thứ gai góc khó chịu trên đường, người đi bộ       không còn quan tâm nữa, họ có thể thảnh thơi mà đi “nhặt” tiếp những thứ khác, như thế một người có ý thức sống trọn vẹn thì việc hít thở là điều đáng quan tâm nhất, dọn dẹp môi trường cho việc hít thở là việc làm khó có thể bị tụt hậu.

 

     - Vâng, rất tự tin! Một điều này nữa, tôi không hề gặp trong Đồng hồ một kim những câu thơ có vần. Anh khước từ các thể thơ truyền thống ư?

     - Tôi chịu ơn các thể thơ truyền thống, những vần điệu đã âm thầm dẫn dắt tôi vào đam mê thơ phú, để từ đó mà hình thành những bài thơ đầu tiên: Vạn chài giỗ tổ trên sông/ Khom lưng mà lạy ròng ròng nước trôi (Tam Giang) hoặc: Ngày như lá giấu sắc trà/ Ta như ngày giấu đêm qua tóc mình (Uống trà với sư). Trong tập Vọng sông quê rất nhiều thơ lục bát như thế nhưng đến tập Mang thì ít dần và tập mới này thì không còn nữa. Có lẽ do đề tài “nóng” mà tôi chọn lối viết nhanh chứ “khước từ” thì tôi không nghĩ tới.

 

     - Liệu có gì mâu thuẫn giữa một Phan Trung Thành – thơ người lớn, thế sự, gai góc với một Phan Trung Thành – thơ thiếu nhi trong sáng, dí dỏm?

     - Tôi viết cho thiếu nhi chưa nhiều nên chưa có kinh nghiệm gì đáng kể. Tôi chỉ quan niệm viết làm sao đừng để “lộ” cái tâm lí dạy bảo của người lớn. Hóa thân thành trẻ con khi quan sát và nghĩ lối nghĩ của chúng, đừng nhầm với những thứ ngô nghê áp đặt xa vời. Trẻ con thời nào cũng thông minh, ẩn chứa cả kho tàng vô tận về ý tưởng, tôi mừng khi phát hiện trẻ con cũng mê đọc thơ lắm, trẻ con đọc thơ nghe mới thích làm sao! In một tập cho thiếu nhi, đọc lại tôi chỉ hài lòng độ 3 bài. Nếu một đời người viết được một tập mà hài lòng hết thì thật là quý hóa.

 

     - Dám nói, dám viết, xông xáo – anh có tư chất, bản năng của một nhà báo nhưng lại chịu “ngồi” ghế biên tập. Vì sao vậy?

     - Tôi vẫn ước mong làm việc gì đó gắn bó với văn học để có điều kiện đọc và học hỏi, quan sát những sáng tác của anh em bạn bè. Bù lại mớ kiến thức ít ỏi đã học được thời phổ thông sau đó thì “đầu bù tóc rối” với việc mưu sinh còn đâu thời gian mà đọc và nghiên cứu sâu xa. Tuy nghiên, thời buổi cạnh tranh bây giờ không còn “ngồi” ghế biên tập nữa, mà muốn biên tập lâu bền, có hiệu quả thì phải “chạy”, có khi chạy vắt giò nữa chứ! Tôi luôn tự thấy mình quá chậm chạp vì thế tranh thủ giữa công việc và sáng tác là một việc khó khăn. Cũng may, bên cạnh mình anh em luôn giúp đỡ cảm thông thành thử không đơn độc lắm. Điều này thì tôi chịu ơn rất nhiều.

 

     - Có không một diện mạo thơ trẻ Sài gòn – trong cách cảm nhận của anh?

     - Thành phố đã hội tụ khá “xôm”  lực lượng sáng tác, nhiều thế hệ kế tiếp nhau làm nên diện mạo của thơ trẻ, phong phú đa dạng và nhiều góc cạnh, các giải thưởng thơ gần đây đều có đại diện của thành phố. Nhiều bút nhóm đã tạo được dấu ấn khi xuất hiện, thời gian gần đây thơ nữ có vẻ lất lướt hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng một vài cá nhân tạo được dấu ấn tốt trong thời hội nhập. Lợi thế của truyền thông và những biết tấu phức cảm của thời đại sẽ sản sinh những giọng điệu mới và độc đáo, ý tôi muốn nói đến sự riêng biệt của từng cá thể.

 

     - Anh có nhắc đến lợi thế của truyền thông. Tuy nhiên có vẻ như thời gian qua những tác phẩm có giá trị thì khá chìm khuất giữa “biển thông tin” trong khi những tác phẩm mang tính thị trường lại chiếm diễn đàn khá nhiều. Anh có bình luận gì?

     - Mặt tích cực của truyền thông tác động vào văn học là tốc độ lan tỏa của tác phẩm và hiệu ứng nhanh nhạy của nó. Kịp thời bổ sung, đáp ứng nhu cầu thông tin, kiến thức cho người sáng tác lẫn người đọc. Chính yếu tố nhanh nhạy ấy mà thị trường khai thác, quảng cáo (kể cả người sáng tác) tạo nên những cú “sốc” để bán sản phẩm, ấn phẩm (tác phẩm) khi ra đời cũng là một dạng hàng hóa nên ai bán giỏi hơn sẽ bán được nhiều hơn. (cười) Tuy nhiên, nếu không thực sự là sản phẩm tốt thì những cơn “sốt ảo”  ấy cũng nhanh chóng tan đi. Cái còn lại là những gì chất lượng, đích thực.

 

     - Sự xuất hiện của các giải thưởng thơ tư nhân thời gian qua có khiến anh quan tâm?

     - Có chứ! Tôi rất mừng về sự xuất hiện ấy. Tôi tin là sẽ có những kết quả tốt từ việc phát hiện những tập thơ hay, thuyết phục để trao giải. Có như vậy sẽ “kích” được sự hứng thú cho người sáng tác đồng thời cũng hướng sự quan tâm của bạn đọc, người yêu thơ đến những giá trị. Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của những giải thưởng tư nhân ấy đã phần nào hâm nóng tinh thần sáng tác của nhiều cây bút trẻ. Có nơi để gửi gắm tác phẩm rồi thấp thỏm đợi chờ có gì thú vị bằng.

 

     - Trở lại tập thơ đang viết dở của anh – nhan đề “Ăn xà bông” . Tôi hồi hộp tự  nghĩ: sẽ là một thể nghiệm mới khác hẳn với Đồng hồ một kim chứ?

      - Vâng, tinh thần của cả tập là “ăn” những thứ viển vông, những thứ không tiêu hóa được nhưng nó đã nằm lại trong một xó kí ức u buồn hoặc hiện thực đang phơi bày cay đắng. Lần này thì không đi lang thang “dọn” như kiểu “Sài Gòn tao dollars làm rác đường” nữa mà ngồi lại xem mình bao nhiêu năm đã “ăn” những gì của hiện thực, của tưởng tượng, của xô bồ hiện hữu…. cái gì làm cho ta xúc động mà nên….Thơ? 

 

     -Tôi chắc độc giả sẽ rất nóng lòng chờ “Ăn xà bông” đấy! Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện

 

 

Theo Phongdiep.net

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: