Thứ bảy, 20/04/2024,


Lê Hoài Nam với “Danh tiếng và bóng tối” (02/10/2008) 

 

    

     Rất ngẫu nhiên và thật may mắn, vào đúng dịp sinh nhật của mình, tôi được nhà văn Lê Hoài Nam, đồng hương Nam Định, trực tiếp ký tặng cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông:“Danh tiếng và Bóng tối”.

     Bức tranh minh họa của bìa sách đã gây chú ý và ấn tượng, tôi bắt đầu giở từng trang và cuối cùng thì… ngốn ngấu đọc bằng hết cuốn sách dày hơn 300 trang in ấy…

 

     Câu chuyện xuyên suốt tác phẩm xoay quanh nhân vật chính có một số phận thật  thương cảm và bất trắc nhưng cũng đầy can đảm của nữ phóng viên trẻ Hài Lan. Tôi có cảm giác những sự việc, những tình tiết của cuốn sách được tác giả viết hầu hết là sự thật, phần hư cấu là rất ít. Đó là cuốn tiểu thuyết đầy ắp hiện thực. Hiện thực trên từng trang, từng trang viết. Hiện thực trong từng cá thể nhân vật và hiện thực trong từng số phận con người.

     Bằng bút pháp rất giản dị, tả thực theo lối truyền thống, Lê Hoài Nam đã khắc họa được những nhân vật “Danh tiếng” cùng với những âm mưu thủ đoạn để ngoi lên địa vị cao nhất trong ngành văn hóa của tỉnh “Hải Thành” từ một tên lưu manh chuyên móc túi hay từ một tay thợ gò hàn thất học. Những mánh khóe để tiêu diệt đối thủ của những nhân vật này được nhà văn lột tả ghê tởm đến mức rùng mình. Nhưng ghê sợ hơn, là người đọc có cảm giác hình như mình đã gặp đâu đó quanh đời sống thực của mình cũng có một nhân vật như thế.

     Xen kẽ với những sự kiện liên tục của câu chuyện về “Danh tiếng và Bóng tối” là một tình yêu thật đẹp của nữ nhân vật chính với người đàn ông bị nhiễm chất độc màu da cam được nhà văn miêu tả bằng những giây phút ái ân, tuy rất ngắn nhưng lại vô cùng mê hoặc gợi cảm, có thể nói tác giả đã thành công trong cái cách dẫn dắt  độc giả nhất là những độc giả nữ như tôi thật tài tình. Sex trong tác phẩm “Danh tiếng và Bóng tối” khiến cho người đọc cảm thấy đam mê, nhưng không thô tục.

                 

     Những chi tiết như bộ xương cá voi được người dân phát hiện, nhưng lại được ông “Đầu ngành văn hóa du lịch” của tỉnh dùng bao nhiêu thủ đoạn vòng vo và cuối cùng được cho lên xe tải và chở vào Nha Trang trong một đêm bí mật, rồi lại được trưng bày ở Viện Hải Dương học làm người ta ngạc nhiên. Thì ra cái bộ xương cá voi ấy, cái bộ xương mà tôi đã có lần đứng chụp ảnh bên cạnh lại có lịch sử  như vậy sao? Rồi lăng mộ môt nhà thơ nổi tiếng bị người ta đưa nhau lên đó làm tình. (Hồi tôi còn sống ở quê hương cũng đôi lần cùng người yêu qua đó, nhìn thấy và nghe thấy - những việc giống y như nhà văn đã miêu tả trong cuốn sách). Đó là sự thật chứ không phải chỉ là trong  truyện. Tôi như thấy lại môt thời đã sống trên quê hương trên từng trang viết của ông.

     Cuốn sách có những trang viết về sự ăn chơi sa đọa của một số người. Sự quái đản đó khiến cho người ta liên tưởng tới một sự tha hóa biến chất của một số ít cán bộ có chức quyền, giống như một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về sự băng hoại đạo đức con người…

     Tuy nhiên, không chỉ có những chi tiết ám ảnh ta theo chiều hướng tiêu cực, mà dưới ngòi bút của Lê Hoài Nam, tôi còn thấy những dòng sông, những con đường nhỏ với hàng cây, mảnh vườn thật là thơ mộng. Những ngôi nhà nhỏ ở thị trấn đã đôi lần tôi đã đi qua… Và cả những cơn gió thoảng mang theo hương lúa nữa… Và cũng như cuộc sống vốn dĩ vẫn luôn có 2 mặt tôt và xấu, “Danh tiếng và Bóng tối” không chỉ cho chúng ta biết xấu xa tội lỗi mà nó còn  cho chúng ta hiểu thêm về những con người rất bình dị, nhưng lại có tấm lòng bao la của biển…

     Gấp lại cuốn sách ở trang cuối cùng, tôi như bừng tỉnh sau một cơn ác mộng. Lẽ nào một thành phố văn hiến, đã từng sinh ra những danh nhân vĩ đại giờ vẫn còn có những kẻ nhếch nhác trong tâm hồn đến vậy? Tại sao những con người như Hài Lan, như Đinh Thành Thép- cho dù cuộc sống con bon chen thế nào cũng vẫn giữ được phầm chất nho nhã - lại càng ngày càng hiếm hoi? “Danh tiếng  và Bóng tối” như thức tỉnh chúng ta… hãy nhìn thẳng vào cuộc sống. Mong muốn cho chúng ta xây dựng một xã hội đẹp hơn, như lẽ ra nó phải được như thế.

     Nhà văn Lê Hoài Nam từng nhiều năm làm Lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật tỉnh Nam Đinh, gắn bó máu thịt và quá hiểu vùng đất này. Ông là tác giả của hàng chục cuốn văn xuôi, có những tác phẩm đã được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh và… lên phim.

     “Danh tiếng và bóng tối” sẽ được đón nhận và đánh giá. Nếu muốn biết sự hay dở đến đâu, thì độc giả sẽ là những người công tâm nhất! Nhưng chắc chắn cuốn sách của nhà văn Lê Hoài Nam sẽ gây được sự chú ý của dư luận.

 

Hà Nội, tháng 10-2008

Thuỷ Hướng Dương

 

 

 

___________________ 

Chú thich ảnh trong bài:

- Chân dung nhà văn Lê Hoài Nam

- Nhà văn Lê Hoài Nam (thứ 2 từ trái sang) và ê-kíp làm phim 'Thày giáo dạy văn' chuyển thể từ tác phẩm của ông.

- Bìa 1 của cuốn tiểu thuyết 'Danh tiếng và bóng tối' - Tác giả Lê Hoài Nam, NXB Phụ nữ, Công ty VH&TT Võ Thị phát hành.

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: