Thứ sáu, 29/03/2024,


Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi vẫn là… tôi! (01/10/2008) 

     Nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa đảm nhận chức Giám đốc Hệ Phát thanh có hình - Đài Tiếng nói Việt Nam - VOVTV. Lại còn nghe một vài tin đồn giật gân về anh nữa (Người ta nghiện rượu, anh nghiện nước mắm, sụt 3kg. Về nhà vợ chạy ra đón, gạt vợ ra, nhảy vào chạn tu nửa chai nước mắm rồi mới ra mừng vợ. Đúng là chuyện ly kỳ của người ngoài hành tinh).

     Thôi thì, đành đến tận nhà Đài ở 43 Bà Triệu, làm một cuộc trò chuyện... cuối giờ. Nhưng mà hơi bất ngờ, vì thấy anh không còn tếu như xưa, như hồi còn độc thân và chưa dính vào quản lý...

     'Tự tin thì tôi mới dám làm'
     - Nghe nói, anh đang làm công việc mới: Làm phát thanh có hình? Cụ thể, phát thanh có hình có nghĩa là gì vậy? Điều gì khiến anh lại tự tin bước sang lĩnh vực mới mẻ như vậy?
     - Đó là công sức của cả tập thể anh em, là cái sân chung của toàn Đài, chứ tôi chỉ là cái bóng mờ, làm gì được. Đấy là sáng kiến của Lãnh đạo Đài. Đúng như tên gọi. Đây là chương trình Phát thanh... có hình. Chủ yếu đưa nhanh các tin tức, đây là sở trường của Đài qua hệ VOV1 (Hệ tin tức cập nhật suốt 24 giờ). Ở đây còn thêm hình. Những chương trình đan xen Văn nghệ, Phim truyện, Phim Tài liệu, Ca nhạc, chuyên đề thì có lẽ cũng giống truyền hình thôi.

     - Mô hình phát thanh có hình hiện đã có ở nước nào rồi?
     - Có ở Hàn Quốc và họ rất thành công. Việt Nam cũng có đài phát thanh Sóc Trăng. Nhưng một tuần họ chỉ phát có nửa tiếng vào 5h30 chiều Thứ tư. Còn ba kênh khác họ đều là truyền hình.
     - Anh sẽ tính như thế nào về nhân lực đây khi mà hiện nay nhiều loại hình truyền thông đang phát triển mạnh mẽ và các cơ quan truyền thông, đặc biệt là nhà đài phải cạnh tranh khốc liệt để được sở hữu những nhân lực giỏi?
     - Những người giỏi chuyên môn của Đài TNVN đã được chọn về đây. Sắp tới, sẽ bổ sung thêm những người có kinh nghiệm làm truyền hình. Đúng là, hiện nay, các hãng truyền thông phát triển rất mạnh, và đều điêu luyện cả, đặt chúng tôi trước một thách thức, nếu không hấp dẫn, không có đặc thù riêng thì không thể tồn tại được...
     - Anh có tự tin không khi thêm một lần nữa thay đổi tính chất công việc?
     - Tất nhiên tự tin thì tôi mới dám làm. Chưa làm thì sao đã biết thành công hay thất bại. Cứ làm đã rồi vừa làm vừa học. Ông Lỗ Tấn bảo: Trên mặt đất vốn không có đường. Cứ đi rồi thành đường. Nhưng rồi người ta cũng nói: Trên mặt đất đã có đường, nhưng cứ đi mãi thì lại không thành đường. Đường chỉ có ở những bước đi có tính khám phá.


     'Chuyển chỗ như bước từ phòng nọ sang phòng kia'
     - Có sự khác biệt nào từ khi anh rời ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế-trụ sở của Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ) để nhận chức trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam cách đây 5 năm?
     - Tôi ở VNQĐ 10 năm. Đấy là vùng đất thiêng. Còn bây giờ, tôi là người lính mặc thường phục. Có lẽ vì thế, quần áo tôi mặc vẫn may theo kiểu quân phục (Cười).
     - Nhưng tôi nghĩ vẫn có cái khác đấy chứ. Nếu nói về nghề báo, ở tạp chí VNQĐ, anh tung hoành như một phóng viên, còn về Đài TNVN, anh lại làm quản lý. Tác nghiệp báo chí cũng khác, gắn với công nghệ nhiều hơn. Chẳng lẽ lại không bỡ ngỡ, không thấy khác gì?
     - Chẳng khác gì, vì tôi vốn mê công nghệ. Tôi dùng máy tính, ghi âm, quay phim từ mấy chục năm nay rồi. Ở nhà, cả tầng 3 tôi để dành làm những công việc thuộc về kỹ thuật công nghệ. Tôi đã làm rất nhiều phim mà sau này, Đài truyền hình Việt Nam cũng đã sử dụng khá nhiều. Cuối phim các bạn ấy cũng đề: 'Trong phim có sử dụng tư liệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa'. Nói chung, báo viết, báo hình, báo nói với tôi đều không có gì xa lạ.
     - Đài tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí có thâm niên, trọng vọng và đôi khi cả sự xưa cũ. Ở đó, có những cây đa cây đề đã trong nghề và đã cắm rễ rất lâu ở đây. Vậy họ đã đón nhận nhà thơ Trần Đăng Khoa như thế nào? Có dễ dàng không?
     - Bạn có cảm giác Đài xưa cũ có lẽ vì thói quen của chính bạn đấy. Năm 3 tuổi, bạn nghe nhạc hiệu của Đài như thế. Và bây giờ đã chớm sang cái tuổi làm bà, bạn vẫn thấy nó... như thế. Thế nên bạn cứ tưởng nó thế. Nhưng nếu bạn nghe thực sự thì sẽ không thấy thế đâu... Tôi là cộng tác viên của Đài từ năm 1966. Vì thế anh em trong Ban văn nghệ đón tôi như đón người nhà. Và tôi về Đài cũng giống như đi từ căn phòng này sang căn phòng kia của chính ngôi nhà mình vậy.


     Chuyển về Đài chỉ vì một câu nói...
     - Làm quản lý báo chí, dù chỉ là trưởng ban, anh thấy có khó không?
     - Làm gì cũng khó nhưng không phải khó đến mức không làm được. Miễn là mình cần sống chân thành, biết chăm lo cho anh em, tạo môi trường trong lành ấm áp để anh em làm việc. Tạo điều kiện để anh em phát huy được sở trường, hạn chế sở đoản. Làm sao để ai đến cơ quan cũng thấy vui. Đơn giản thế thôi mà!
     - Hồi ở VNQĐ, anh rất được yêu mến, nhưng không làm công tác quản lý, tự anh hay ai phát hiện tố chất người làm quản lý của anh để 'giao' chức trưởng Ban văn nghệ?
     - Đó là Tổng giám đốc Vũ Hiền. Thoạt đầu, tôi cũng băn khoăn lắm, vì không muốn thay đổi thói quen. Nhưng rồi, anh ấy có nói một câu, chỉ một câu thôi, tôi quyết định ngay.
     - Đó là câu...?
     - Rất tiếc, tôi chưa thể tiết lộ. Có lẽ, tôi sẽ nói trong một cuốn hồi ký viết riêng cho hai cô con gái.
     - Nghe tò mò quá! Vì một câu nói mà anh bỏ một nơi thân thương như ngôi nhà Lý Nam Đế ra đi thì có vẻ nhà thơ Trần Đăng Khoa cả tin quá?
     - (Cười hóm hỉnh). Không. Tôi chưa bao giờ bỏ VNQĐ. Đấy là căn nhà rất thiêng của tôi. Chỉ biết rằng, sau câu nói đó, tôi thấy, anh ấy rất hiểu mình vì không phải ai cũng hiểu Trần Đăng Khoa, dù tôi có nhiều bạn thân. Kể cả vợ tôi cũng chẳng hiểu gì tôi cả. Thế nên mới có chuyện, ngay bạn thân của Khoa cũng dựng lên hình ảnh Khoa chẳng Khoa một mảy may nào.

     Một Trần Đăng Khoa đúng nghĩa?
     - Thế một Trần Đăng Khoa đúng nghĩa là như thế nào?
     - Đó là một người rất bình thường trong đời sống. Thế thôi.
     - Thực ra, dưới con mắt của nhiều người, anh là người nổi tiếng, có tài vậy mà anh tự nhận mình bình thường thì anh cũng có tài để biến mình thành bình thường đấy chứ?
     - Tôi có phải là nhà ảo thuật đâu. Bạn bảo tôi tài, nhưng biết đâu có người lại thấy tôi dở hơi. Thôi tốt nhất, mình cứ là mình thôi.
     - Sau nhiều năm không gặp lại, có vẻ như một Trần Đăng Khoa tếu táo, được thay bằng một 'sếp' Khoa nghiêm túc, nói năng chỉn chu? Tôi nghĩ không phải do tuổi tác đâu...
     - Tôi chỉ là người giúp việc thôi, giúp việc trong một bộ phận nhỏ của Đài chứ sếp sủng gì. Con người ta có rất nhiều khúc chứ. Tại hôm nay bạn đâu có đùa với cái khúc tếu của tôi...
     May mà vợ không coi tôi là nhà thơ.


     - Trong nhiều năm, đã từng có rất nhiều tin đồn xung quanh anh. Vậy mỗi lần đối mặt với tin đồn nào đó, cảm giác của anh như thế nào?
     - Nói chung rất buồn cười, tôi luôn coi chuyện tầm phào nên cho qua luôn, không nói lại làm gì. Gần đây trên mạng có rất nhiều bài phỏng vấn tôi nhưng đa số là bịa. Mới nhất là bài của một anh cùng cơ quan đã nghỉ hưu.
     Phần sau bài thì chuẩn, vì anh ấy cóp từ các bài báo lặt vặt của tôi đã công bố, nhưng phần đầu thì bịa rất ngớ ngẩn và rất buồn cười. Kinh khiếp nhất là anh ấy còn phóng tôi lên chức phó chủ tịch Hội nhà văn. Có người còn vống chuyện ông Trần Đăng Khoa nghiện mắm tôm đến mức lấy mắm tôm pha loãng với nước rồi uống. Nghe mà buồn nôn...
     - Vậy bà xã anh phản ứng gì trước những tin đồn kiểu quái dị như vậy về chồng mình?
     - May quá, bà xã tôi vốn không quan tâm đến những tin đồn. May hơn nữa, bà ấy không bao giờ coi tôi là  nhà thơ. Tôi cảm thấy rất yên ổn.
     - Anh là người thành danh bởi văn chương, sống được bằng văn chương sao lại có cách nhìn có vẻ hơi cực đoan thế về những người yêu văn chương?
     - Nghề văn rất cao đẹp. Nhưng yêu văn chương đến mức mụ mị thì lại không bình thường. Ngoài đời, tôi chẳng thấy có ai như thế cả. Tôi quan niệm lao động văn chương cũng như người cuốc đất. Tôi vẫn cày cuốc rất chăm chỉ, mỗi ngày một ít. Vì nếu không viết thì tôi không còn là tôi. Mỗi ngày tôi tự đặt chỉ tiêu là viết 3 trang. Tôi hay dậy lúc 3h sáng để viết đến mức người dân khu phố tôi cũng biết thói quen này. Nhưng, chưa bao giờ tôi thần thánh hóa công việc viết văn.
     - Xin cảm ơn anh và chúc anh thành công trong công việc sắp tới!

 

            Theo Lương Bích Ngọc- Lê Hạnh (KH&ĐS)

 

 

_____________________

Chú thích ảnh trong bài:

- Chân dung nhà thơ Trần Đăng Khoa qua hí hoạ của họa sĩ Còm.

- Nhà thơ Trần Đăng Khoa giây phút đăm chiêu khi là Giám đốc

- Thần đồng Trần Đăng Khoa khi còn ở tuổi cắp sách tới trường.

- Nhà thơ Trần Đăng Khoa hạnh phúc bên vợ và con.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: