Thứ năm, 18/04/2024,


Ai bán ai mua vườn cò? (28/09/2008) 

     Hình ảnh cánh cò và luỹ tre làng đã trở thành biểu tượng gắn liền với  ca dao và thơ lục bát. Do thiên nhiên ưu đãi, ở Việt Nam đã hình thành hàng chục vườn cò nổi tiếng. Nhưng mặt trái của cơ chế thị trường đã khiến các chủ vườn cò ngày càng lao đao…

    Chuyện về nhà giáo Đặng Đình Quyển - người từng nhận 'Giải thưởng Môi trường' (do Bộ KHCNMT trao tặng, năm 2001) và nhiều bằng khen do những thành tích đặc biệt trong việc bảo vệ đàn cò cư ngụ tại vườn đồi nhà ông, được báo chí coi là lớn nhất Việt Nam – đang rao bán vườn cò đã gây xôn xao dư luận.

 

 

     Gần 30 năm qua, hàng vạn con cò, vạc, giang đã được ông Quyển săn sóc tận tình suốt đêm ngày; ông còn đánh nhau với những kẻ săn bắn cò, vạc trộm; ông chấp nhận không canh tác, không thu hái gì từ mấy hécta vườn đồi nhà mình vì lo sợ các hoạt động trên sẽ khuấy động sự bình yên của cò, vạc trên 'đất lành'. Kho kiến thức của nhà 'cò học' Đặng Đình Quyển, qua 30 năm, đã 'khổng lồ' đến mức người ta từng nhiều lần mời ông đi diễn thuyết về chim hoang dã ở nhiều nơi.
     Thế nhưng, đến một ngày, kiệt quệ, tuyệt vọng, ông Quyển cay đắng nói lời rao bán vườn cò khổng lồ của mình cho bất kỳ ai có nhiều hơn 700 triệu đồng. Hình như, cay đắng kia mới chỉ là mở đầu cho những câu chuyện cay đắng khác...

     Một nhà 'cò học' và rất nhiều 'cò tặc'

     Tôi nhớ là khoảng năm 2001, khi ông Đặng Đình Quyển vào Huế nhận giải thưởng 'Vì môi trường', cánh báo chí chúng tôi đã xôn xao rất nhiều. Nhà ông Quyển ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang nườm nượp khách. Có khi, một lúc 6 chiếc ôtô cáu cạnh lò dò trên đường đất vào vườn cò giữa đồi hoang của Đào Mỹ, ông Quyển bảo vợ: Bà thấy chưa, tôi có vài đấu vàng trong nhà, cũng chả có khách quý đến thăm nhiều như thế. Một ông cán bộ có cỡ ở tỉnh đỡ lời: Bác ơi, em sẵn sàng bỏ cả trăm triệu ra, để đổi lấy việc vườn nhà em, cứ chiều chiều lại có ba chục con cò lượn tròn chào 'sân chim' rồi hạ cánh cư ngụ. Hàng xóm có người chia vui: Tự dưng bác được cả nước biết tên, được lĩnh 5 triệu bạc, đúng là tốt phúc quá. Ông Quyển bảo: Quả vải bây giờ 12 nghìn đồng/kg, nhà em 3 hécta cây cổ thụ không được đẵn, bạt ngàn vườn không được trồng vải, em thiệt thòi mấy chục năm rồi. Thế là giời có mắt. 

     Nhưng rồi, càng ngày tâm sức của ông Quyển với vườn cò càng bị... bội bạc. Ông bị dồn đến cái nước phải rao bán vườn cò, một việc làm đáng ngượng ngùng. Những người suốt đời đứng trên bục giảng là vậy, họ dễ có cảm giác ngượng ngùng lắm. Người ta bảo bán vé tham quan vườn cò, ông bảo, làm thế thì ngượng chết. Khi tiếp một lúc 13 vị khách ngoại quốc, ông tự hào phát run lên. Ông lập cập mời khách ngồi ngắm cò, mời mãi, bỗng dưng một ông Tây nói bằng tiếng Việt sõi sành: Có ghế đâu mà ngồi! Ông Quyển tái mặt, đúng, ông dựng lều giữa bạt ngàn đồi nương, cơm niêu nước lọ, chả có của nả gì. Bà Minh - vợ ông - thở dài nhấm nhẳng: 'Ông ấy chết trên vườn lúc nào cũng chả ai biết. Bán quách đi cho nhẹ nợ!'.

     Nhà nghèo, bốn đứa con trai. Khi chúng tôi có mặt, bà Minh vẫn phải đi bòn cóp từng quả nhãn, từng quả dứa, chất lên cái sọt chở xe đạp ra ngoài thị trấn Vôi (cách 10km) để bán kiếm đồng ra đồng vào. Gỗ cổ thụ trên mấy hécta đồi, cây nào cũng làm cột cái, khoá giang nhà được cả, đẵn một cái là có tiền triệu, nhưng thương lũ cò, ông Quyển kiên quyết không bán. Không bán thì nghèo. Việc bà Minh trằn truội với áo cơm như thế, là một nguyên nhân để ông Quyển quyết định bán vườn cò. Ông bà còn bàn tính, sẽ nhờ Báo Bắc Giang đăng tin bán vườn cò với giá 700 triệu đồng.
     Chúng tôi từng chụp ảnh người ta làm thịt cò bán tràn lan cho du khách tại vườn cò Ngọc Nhị (Ba Vì, Hà Tây). Và, bây giờ, bất nghĩa thay, một chủ vườn cò khác còn đi gần hai trăm cây số lên tận Đào Mỹ, vào gạ vợ chồng ông Quyển bắt cò, vạc bán buôn cho anh ta. Bà Minh mừng lắm, ông Quyển thì cay đắng: 'Nó bảo bắt cò bán cho nó. Tôi chửa bán 'đợt hàng' nào'.
     Giọng ông Quyển khi nhặt xác mấy trăm con cò bị bão quật chết đêm qua, nghe mòng mọng nước mắt: Cò, vạc, hàng vạn con, nó đã tin tưởng 'gửi thân' cho mình ba chục năm qua, sao mình không cứu được nó, thật đáng ngượng, anh nhỉ! Ông Quyển tuyệt đối không dám ăn thịt cò, vạc bao giờ. Lũ chim thân thuộc với ông như chân với tay. Ông ghi chép từng điều lạ của thế giới cò. Kỳ lạ. Cò chỉ ở vườn nhà ông, trắng toát mấy hécta rậm rì, không sang vườn nhà khác, dù cây nhà ông và cây nhà hàng xóm chạm lá đan cành vào nhau!


     Bán vườn cò - giọt nước đã tràn ly!

     Ông Quyển từng có nhiều đêm thức trắng để bảo vệ đàn cò. Thợ săn dùng súng bắn đạn ria, cứ nã bừa một phát lên trời, có khi năm bảy cánh cò rụng lấp lánh như diều... đứt dây. Có khi bọn chúng còn thả pháo sáng, pháo hoa vào giữa vườn, để cò bay lên đen kịt nền trời mà bắn!
     Thật khó để tìm được người yêu thương vườn cò như ông Quyển. Nhưng cũng thật khó để có hành động rao bán nào gây ức chế như 'thảm trạng' của vườn cò ông Quyển hiện nay. Nếu vườn cò rơi vào tay người khác, không biết chăm bẵm, không tận tụy, không biết trồng cây rồi ngửa cổ gọi cò về bằng cái giọng 'Cò... ò... ò' như ông Quyển... - thì đàn cò sẽ vỗ cánh ra đi.

     Bán vườn cò. Đằng sau cái thất bại của sự tử tế trong ông giáo già Đặng Đình Quyển là nỗi đắng đót của cơ quan hữu trách. Vấn đề nằm ở đó. Nếu cứ tình trạng bỏ quên ông giáo già cùng di sản vườn cò cho đám 'cò tặc' đủ các 'nhân dạng' như hiện nay, thì sẽ đến ngày nhiều vườn cò, sân chim quý báu khác bị rơi vào tan rã.
     Ông Quyển ngồi trong bóng tối nhí nhoá của căn nhà nhỏ giữa đồi hoang vắng, tâm sự: 
     'Tôi già rồi, tôi không đủ sức, đủ tiền trông cò nữa, cò sẽ bỏ đi thôi. Tôi đã kiến nghị lên tỉnh xin hỗ trợ kinh phí để chăm đàn cò mà các vị ấy đã có nghị quyết là cần bảo vệ, đã được cả nước biết tiếng rồi kéo về thăm. Tỉnh bảo, cái này hỏi bên tài nguyên - môi trường. Sang môi trường, thì 'chả có gì cả'. Về huyện, huyện bảo, có nhiều thứ cần phải lo lắm. Bao năm bị bỏ bẵng, vừa rồi, huyện có về, bảo có tiền rồi, lập dự án bảo tồn và phát triển đàn cò trị giá những 300 triệu đồng. Làm mãi, làm kỹ lắm, rồi lại... trượt vỏ chuối.
     Tôi lên gặp anh Cường - Bí thư Huyện uỷ, cũng là chỗ giáo học với nhau ngày xưa, nể lắm, huyện mới cho được 6 triệu đồng. Số tiền ấy, nói thật, để có được nó, cũng phải chạy ngược chạy xuôi, coi như... gần hết. Tổng số gần 30 năm qua, tôi được nhận những khoản tiền sau đây: Một tổ chức môi trường của Đức cho 45 triệu đồng sau khi tôi đi nhận giải 'Vì môi trường' về, huyện cho 6 triệu đồng, trước đó, tỉnh cho 8 triệu đồng. Số tiền này tôi không được ăn uống vào miệng một chinh cắc nào, mà làm bờ tường, đường đi, chòi ngắm cò, hàng rào bảo vệ, trồng thêm cây cối phục vụ cò, vạc.
     Trước khi quyết định rao bán vườn cò, tôi đã từng nói với cán bộ địa phương, rằng tôi hiến vườn cò này cho Nhà nước, các anh quản lý sao cho cò nó đông đàn dài lũ, phục vụ thế hệ sau. Chả ai dám nhận, chắc họ nghĩ 'ôm rơm làm gì cho nặng bụng', có ai thật sự yêu cò không nhỉ? Vừa rồi, có nhiều người hỏi mua vườn cò lắm, có anh tên H công tác ở lực lượng vũ trang dưới ở Hà Nội, được anh Thọ người xã Đào Mỹ này dẫn lối, lên đây trả vườn cò nhà tôi là gần 1 tỉ đồng. Tôi sẽ lấy tiền, đi khỏi nhà, khỏi đồi, khỏi vườn cò, bỏ lại cả ao cá, vườn cây và hàng vạn cò, vạc. Tôi đang tính, cũng đau đớn, rằng mình đi thì cò có sống được với chủ mới không? Như thế có phải mình tàn nhẫn với mình và với... cò quá không?'. 
     Giọng ông Quyển chùng xuống.
     Chiều, cò, vạc về bay loác choác loạc choạc, trắng toát cả một vùng trời. Cò, vạc bay hốt hoảng như có đám thợ săn mang gương mặt người đang tàn sát đồng loại của chúng ở rất gần, đâu đây...

 

                                                  Theo Đỗ Doãn Hoàng (LĐ)

                                                  Điện thoại: 0989783303

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: