Thứ bảy, 20/04/2024,


Lễ sinh nhật cho... người đã khuất (22/09/2008) 

     Có lẽ ở nước ta hiếm có danh nhân nào hạnh phúc như nhà thơ Hàn Mặc Tử: Dù đã qua đời cả nửa thế kỷ rồi, vẫn được tổ chức mừng sinh nhật!

     Gần chục năm nay, đều đặn cứ đến ngày 22 tháng 9, Dzũ Kha lại tổ chức một lễ sinh nhật nhỏ cho Hàn Mặc Tử, với đầy đủ bánh ga tô, nến, rượu trắng, trái cây; tham dự lễ sinh nhật là một số nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhạc sỹ, sinh viên... họ khác nhau về nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính nhưng đều có một điểm chung là trân trọng và yêu thơ Hàn Mặc Tử! Đã đến đấy thì ai cũng muốn được uống chén rượu, được đàm đạo văn chương và nhất là được nghe thơ Hàn Mặc Tử.

 

     Trở thành 'Ẩn sĩ' trên đồi Ghềnh Ráng

     Năm 1987, một biến cố lớn đã đến với Dzũ Kha: Anh bán ngôi nhà do cha mẹ để lại ở xóm Ga được một khoản tiền hai mươi triệu đồng, rồi mua một căn nhà nhỏ ở chân đồi Ghềnh Ráng. Nhưng vì không tìm hiểu kỹ, nên tới năm 1999 mảnh đất đó bị “giải tỏa”. Dzũ Kha bỗng thành kẻ bơ vơ, không nhà cửa, phải tá túc nhờ bạn bè.

     Một trong những người có công giúp đỡ Dzũ Kha trong thời gian đó là anh Phạm Văn Diện, cán bộ Công an tỉnh Bình Định, cùng quê Phù Cát. Một lần gặp Dzũ Kha, thấy anh uống rượu nhiều, nói năng giọng chán đời:

     - Tôi đang buồn muốn chết đây, nợ người ta một triệu đồng, đã khất nợ mấy bận, mai đến ngày trả rồi mà vẫn chưa lo được tiền...

     Diện hiểu rằng với những người như Dzũ Kha thì luôn lấy chữ tín làm trọng và danh dự là trên hết! Anh đã không phân vân, tháo ngay chiếc nhẫn hai chỉ đang đeo trên tay đưa cho bạn:

      - Cầm lấy mà trả nợ!

      Dzũ Kha tròn mắt nhìn:

      - Anh tin tôi sao?

      - Tin chứ! Cái quan trọng là cậu có nghề, lại ham làm việc. Lo gì không có tiền và không sống được!

     Kể từ đó, Dzũ Kha phục Phạm Văn Diện lắm, coi Diện như người anh kết nghĩa của mình. Và cũng chính Phạm Văn Diện đã kể cho tôi nghe quãng đời chìm nổi của Dzũ Kha…

     Tháng Tư năm 2000, Dzũ Kha nảy ra sáng kiến dựng “lều thơ” để vẽ tranh ngay bên cạnh mộ Hàn Mặc Tử. Căn nhà rộng khoảng mười lăm mét vuông, được bài trí đơn giản và khá nghệ thuật. Người ta gọi đây là “lều thơ” của Dzũ Kha vì xung quanh và trên tường chỉ bày toàn thơ Hàn Mặc Tử và những câu danh ngôn nổi tiếng thế giới. Hình như cuộc bon chen cơm áo gạo tiền của đời sống hiện nay không làm cho “Chàng bút lửa” quá bận tâm. Anh chẳng màng một danh vọng cao xa mà từ nguyện gắn mình với thơ Hàn, chấp nhận làm một nghệ sĩ nghèo. Nhờ có anh, du khách đã hiểu thêm những điều Hàn Mặc Tử muốn giãi bày cùng nhân thế.

     Hằng ngày, nắng cũng như mưa Dzũ Kha có mặt để mở cửa lều thơ của mình trước năm giờ sáng. Bởi năm giờ ba mươi, các đoàn khách du lịch từ các khách sạn trong thành phố đi theo “tua” đã có thể lên Ghềnh Ráng viếng mộ Hàn Mặc Tử. Những khi có khách, Dzũ Kha bỗng bận rộn và trở thành một con người hoạt ngôn, năng động khác hẳn. Anh sẵn sàng hàn huyên cả ngày với một khách thập phương xa lạ về thơ và đời Hàn Mặc Tử. Cũng có khi suốt tuần gặp trời mưa, cả khu di tích vắng tanh, “Chàng bút lửa” ngồi buồn ngắm biển Ghềnh Ráng đang ì oạp sóng vỗ, cặm cụi từ sáng tới tối với những miếng gỗ thơm chép thơ Hàn Mặc Tử.

 

     Làm sống động khu mộ Hàn Mặc Tử

     Có một điều thú vị là cơ quan quản lý và khai thác khu di tích mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử ở thành phố Quy Nhơn không phải là Sở Văn hóa - Thông tin, cũng không phải là Hội Văn học nghệ thuật, hay Công ty Du lịch... như người ta thường nghĩ; mà là Công ty... Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị đảm nhiệm. Tuy nhiên, họ đã làm rất tốt công việc này. Mãi gần đây, khu di tích này mới được chuyển giao cho Công ty Du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn.

     Nghề làm báo đã giúp tôi có điều kiện đến nhiều nơi, thăm nhiều di tích danh nhân, nhưng hiếm có khu di tích nào lại sống động như khu mộ Hàn Mặc Tử  -  một điểm du lịch văn hóa độc đáo không chỉ riêng của Bình Định.

     Sống ở cõi người chỉ vẻn vẹn hai mươi tám năm, nhưng Hàn Mặc Tử đã sớm hoàn thành sứ mệnh của một thi nhân. Bây giờ ở cõi vô biên kia, Hàn Mặc Tử có thể mỉm cười mãn nguyện. Người đời đã và sẽ không bao giờ quên Hàn Mặc Tử, khi ngọn lửa thơ ông vẫn được những người như Dzũ Kha nâng niu gìn giữ cho tới muôn sau.

     Tối ngày 22 tháng 9, Dzũ Kha đã điện cho tôi từ số máy điện thoại di động 0905208958, thông báo: Trong ngày, anh đã tổ chức sinh nhật cho thi sĩ Hàn Mặc Tử năm 2008 thật vui!

     Thay cho đoạn kết

     Tôi quen biết chàng nghệ sĩ bút lửa Dzũ Kha từ tháng 4 năm 2003, trong một chuyến tình cờ ghé qua thành phố Quy Nhơn. Sau khi viết một bài báo về anh và cho công bố, tôi đã nhận được khá nhiều hồi âm từ bạn đọc. Cũng nhờ vậy mà tôi với Dzũ Kha ngày càng thân quý nhau hơn.

     Tết năm trước, theo lời mời của Ban tổ chức Triển lãm Văn hóa ở Vân Hồ (Hà Nội), Dzũ Kha đã 'khăn gói' ra Thủ đô, trước khi phối hợp với nhà thư pháp trẻ Trịnh Tuấn làm một cuộc trình diễn ngoạn mục và ấn tượng, Dzũ Kha đã về nhà tôi ngủ một đêm, để anh em tha hồ hàn huyên tâm sự. Tiếp đó, tôi nghe tin Dzũ Kha đã thực hiện những chuyến đi vào TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt... và tháng 9 năm 2008 này, anh lại vừa có chuyến đi Đà Nẵng, để biểu diễn nghệ thuật 'bút lửa'...

     Tôi cũng đã giúp Dzũ Kha biên tập và xuất bản tập sách 'Hành trình đến với Hàn Mặc Tử', do anh đứng tên sưu tầm và biên soạn. Với cuốn sách này, Dzũ Kha đã tái bản nhiều lần, với lượng in hàng vạn cuốn, để phục vụ cho du khách đến thăm Ghềnh Ráng. Lần tái gần đây nhất, Dzũ Kha đã đưa thêm một bài lục bát tôi viết tặng anh mang tựa đề 'Tặng người giữ lửa thơ Hàn' vào bìa 4 của cuốn sách nêu trên. Nghe nói, bài thơ đã được một nhạc sĩ tại TP. Hồ Chí Minh khi ghé thăm Quy Nhơn đã đồng cảm và phỏng theo để phổ nhạc. Nhân đây, một lần nữa, xin được chép lại để tặng bạn đọc lucbat.com:

 

Một ngày phố biển không anh

Chiều mưa Ghềnh Ráng vắng tanh bóng người

Mộ Hàn lạnh giữa đất trời

Thơ không cháy đỏ trên Đồi Thi Nhân

 

Một ngày quên kiếp phong trần

Là đêm phố biển buồn tênh trăng vàng

Bao nhiêu mây gió lang thang

Cho tình yêu đến muộn màng biển xanh

 

Mải mê bút lửa vẽ tranh

Chép thơ Hàn để mong thành... Người Thơ

Người Thơ trọn kiếp bây giờ

Thế gian quên cả hững hờ ngày nay...

 

                       Hà Nội, tháng 9 năm 2008

                      Đặng Vương Hưng

 

 

 

                                      

                                                                                    

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: