Thứ sáu, 19/04/2024,


Muôn nẻo Blog Việt (16/09/2008) 

      Giới trẻ bây giờ đang có xu hướng muốn sống thật với chính mình thông qua một phương tiện gián tiếp là màn hình máy tính. Ở đó họ không cần phải giấu giếm, che đậy những suy nghĩ thật của bản thân vì họ có những bạn trẻ khác cùng những luồng suy nghĩ, có thể chia sẻ, cảm thông những điều mà ngoài đời thực không thể làm được. Chính vì vậy, họ tìm đến Blog - một dạng nhật ký trên mạng, lần đầu tiên xuất hiện ở Mỹ và nhanh chóng trở thành hiện tượng mang tính toàn cầu…

     Lụcbát.com xin giới thiệu bài viết của bạn Trần Đặng Thanh Hiền (TP. Nha Trang) về vấn đề trên.

 

     Thử vào một số “blog đỉnh” được chọn làm “mặt tiền” của thế giới blog ở giao diện chính của yahoo Việt Nam, ta sẽ nhanh chóng nhận ra đối tượng chủ yếu của blog là giới trẻ với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Có blog chuyên về nhật ký riêng tư, chuyên về quảng bá du lịch, văn hóa hay diễn đàn trao đổi về nghệ thuật, âm nhạc, về sở thích, kinh doanh… Nhiều blog có tải các đường link đến các trang web khác hoặc một nội dung khác giúp cho người sử dụng internet dễ dàng tra cứu, tìm hiểu, thậm chí có thể xây dựng được mối quan hệ mới trên mạng.

     Chính xác thì các blog này là gì? Không có định nghĩa đơn giản nào cả, nhưng phần lớn đều cho rằng blog cần phải hội tụ ít nhất 3 yếu tố: được cấu trúc dưới dạng các bài văn ngắn; được trình bày theo thứ tự thời gian ngược (có nghĩa là những sự kiện mới xảy ra sẽ được đặt lên đầu) và chúng phải được kết nối với các trang web khác.

     Như vậy, Blog được hiểu là một dạng nhật ký trên mạng mà ở đó, các bloger (người chơi blog) có thể viết hoặc cập nhật tất cả những gì họ thích cũng như chia sẻ bất kỳ điều gì trong cuộc sống như niềm vui, nỗi buồn hoặc kêu gọi cho một hoạt động nào đó. Nhiều blog hay đã dẫn người đọc đến việc tự đưa ra những bình luận của mình và những blog này trở thành tâm điểm để mọi người cùng tranh luận và trao đổi ý kiến với nhau. Chính vì tính cộng đồng cao mà Blog đã có sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ, kéo theo đó nhiều vấn đề đã và đang được nhắc đến như những tiếng chuông cảnh báo, dù vẫn còn rời rạc…

 

     Đi lạc vào mê cung của thế giới blog

     Ở Việt Nam, Blog dù mới chỉ xuất hiện nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Nhất là khi Yahoo đưa ra dịch vụ Yahoo 360 độ rồi Yahoo Plus với nhiều tiện ích, giao diện phong phú thì phong trào viết blog càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Chưa có con số thống kê cụ thể nào cho biết ở Việt Nam có bao nhiêu người sử dụng blog nhưng rõ ràng nó đang là diễn dàn “hot” nhất của cư dân mạng.

     Các blog đã không dừng lại ở mức độ nhật ký cá nhân mà còn là nơi cập nhật và bình luận những tin tức về kinh tế, chính trị, xã hội; chào hàng, giao dịch hàng hóa, thậm chí là diễn đàn gây ra một số tranh cãi đáng nể về một vấn đề nổi cộm nào đó… Tiêu chí để đánh giá một blog đẹp, hấp dẫn, có sức thu hút thì rất nhiều (hình ảnh, thông tin, tính năng…), trong đó việc thống kê số lượng người comment vào trang blog là một tiêu chí được đặt ra hàng đầu vì nó như động lực để người viết blog tiếp tục nuôi sống “nhật ký mở” và khẳng định “đẳng cấp” của mình.

     Bên cạnh những blog “sạch”, mang ý nghĩa tích cực với những hoạt động từ thiện ủng hộ người nghèo, đồng bào lũ lụt, giúp đỡ những em nhỏ khuyết tật, xoa dịu nỗi đau chất độc màu Da Cam; hoặc đề ra những sáng kiến, ý tưởng nhằm xây dựng cộng đồng tốt đẹp hơn, một Việt Nam thân thiện hơn… thì vẫn còn đó rất nhiều blog “bẩn” đáng lưu tâm.

     Không ít người đã viện vào lý lẽ vì sự riêng tư hoặc tự do cá nhân để cho rằng mình có mọi quyền hành xử trên blog mà không cần tuân thủ bất cứ một quy tắc chuẩn mực nào nên không mấy ngạc nhiên khi hàng ngày ta vẫn nhìn thấy trên thế giới blog vẫn còn những cái nhìn lệch lạc về con người hay một hiện tượng nào đó mà không cần biết thực tế ra sao. Thậm chí, có nhiều blog xây dựng lên chỉ chuyên bình luận, nhận xét, nói xấu về đồng nghiệp, các diễn viên, ca sĩ, đạo diễn; có blog chỉ chuyên đăng tải những turyện ngắn kể chuyện quan hệ tình dục một cách kỹ lưỡng và trơ trẽn… Chưa kể đến việc blog trở thành nơi giải tỏa những bức xúc về chế độ, chính sách của Nhà nước với những quan điểm phiến diện, một chiều; nơi chào hàng, mua bán, ngã giá về tình dục…

     Tình cờ lick vào một blog trang trí khá đẹp mắt của nickname Girlsexy, tôi thực sự bị sốc khi nhìn thấy mấy tấm hình (avatar) mát mẻ của chủ nhân. Đó là tấm hình chụp khuôn mặt cô gái với tóc tai kiểu rễ tre, khoe bộ ngực trắng bóc. Một tấm hình khác chụp cánh tay trần xăm hình chữ X rướm máu. Hầu hết các entry (bài viết) trong blog này chỉ đăng tải những thông tin lá cải, giật gân trong thế giới giải trí như vụ một diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc tung hình sex hay vụ cô giáo bán dâm nuôi học sinh ở Trung Quốc…

     Hỏi một số fiends (những người bạn hiển thị trên trang blog) thì được biết cô gái này có tài sưu tầm những “hàng độc” như thế. Mỗi khi có một sự kiện nổi bật, vụ scandal mới, họ chỉ cần vô blog này thì “Okê hết!”, khỏi phải nhọc công tìm trên các web khác.

     Nổi đình nổi đám nhất vẫn là vụ tung phim sex VA trên mạng. Nhiều bạn trẻ không cần phải nhờ đến các công vụ tìm kiếm google hoặc yahoo search để tìm mà post các đường link hoặc tạo videoclip riêng trên blog của mình nhằm thu hút sự quan tâm của các bloger khác. Và thế là, tốc độ truy cập (rate) và lượt truy cập (page views) vào blog đã tăng lên đột biến, tức thời.

     Có nên ban hành Luật Blog?

     Vừa qua, nhiều cư dân mạng xôn xao về vụ cô ca sĩ P.T kiện nhà báo HT vì đã bôi nhọ danh dự trên blog. Sự việc này mới chỉ dừng ở mức độ dân sự nên thực sự cũng chưa mang tính cảnh báo lớn, song đã thu hút sự quan tâm của giới báo chí và giới làm luật, nảy sinh ra nhiều tranh cãi về việc có nên ban hành Luật Blog hay không?

     Nhiều ý kiến cho rằng blog tạo ra một cộng đồng ảo nhưng bloger lại là con người thật nên cũng phải chịu sự điều chỉnh của đạo đức và pháp luật. Tuy nhiên một số người vẫn tỏ ra lo lắng vì blog mang tính chất như một trang web riêng do cá nhân sáng lập và có thể tùy ý phát triển nội dung và hình thức của mình nên rất khó quản lý và kiểm soát.

     Mặc dù hiện nay trong Bộ luật Hình sự và Dân sự của Việt Nam có rải rác một số điều để cơ quan quản lý Nhà nước có thể áp dụng chế tài đối với các bloger có hành vi vi phạm pháp luật như quy định về trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi, tội làm nhục người khác… Hoặc Luật Giao dịch điển tử, Luật Công nghệ thông tin. Song do blog có tính cộng đồng cao, có sức hút lớn đối với nhiều tầng lớp người trong xã hội nên việc sớm ban hành những quy tắc, chuẩn mực cho những người viết blog là một điều hết sức cần thiết.

     Và điều quan trọng cuối cùng là những bloger nên sớm tạo cho mình những thói quen ứng xử văn hóa trên mạng, tạo những bức tường lửa bảo vệ sự riêng tư của cá nhân (cài đặt chế độ private), tạo nên một thế giới blog Việt ngày càng “sạch” và đẹp hơn.

 

                                                                   Trần Đặng Thanh Hiền

 

-------------

Địa chỉ: Trần Đặng Thanh Hiền

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa

06 - Trần Hưng Đạo – Nha Trang, Khánh Hòa

ĐTCQ: 058.811059 - ĐTDĐ: 0904.403621

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: