Thứ năm, 28/03/2024,


Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi quá già để nhảy cẫng trước niềm vui” (13/09/2008) 

     Việc nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng Văn học Asean 2008 dường như đã chắc chắn khi chị cho biết mình chuẩn bị tư thế sang Thái Lan nhận giải. Nguyễn Ngọc Tư trò chuyện cùng VnExpress.net về tin vui này.

 

- Là nhà văn trẻ tuổi nhất của Việt Nam được đề cử giải Văn học Đông Nam Á, cảm xúc của chị như thế nào?

 

- Quá già để nhảy cẫng lên. Quá trẻ để thản nhiên ngồi đó uống trà. Tôi nhắn tin cho vài người bạn mình, với câu hỏi: "Bữa đó tui không biết mặc gì đi… nhận giải?".

 

- Chị đã chuẩn bị cho chuyến sang Thái Lan nhận giải như thế nào rồi?

 

- Tôi mua một… cái váy. Công việc này hệ trọng quá sức, vì trước nay tôi chỉ bụi phủi thôi.

 

- Tập truyện ngắn "Cánh đồng bất tận" đã mang đến cho chị nhiều niềm vui cũng như những bất an. Đến giờ chị xem tập truyện này giữ vai trò như thế nào trên con đường theo nghiệp viết lách của mình?

 

- Một chỗ dừng chân sau khi trèo lên mấy cái dốc dài. Một điểm quan sát tốt để nhìn những thứ mình bỏ lại đằng sau và chọn lựa một lối đi (hy vọng là) thấy thích. Một cái rào. Một cú tạt ngang, nghiêng ngó rồi đi. Hay đơn giản chỉ là một cuốn sách trong nhiều cuốn sách của một đời người viết.

 

- Những trang viết của chị trong những ngày đầu đến với làng văn mang không khí nhẹ nhàng, man mác buồn, nhưng càng về sau thì chất buồn càng đậm, càng thê thảm hơn, vì sao thế?

 

- À, già rồi mà.

 

- Chị sáng tác nhiều về nông thôn, nhân vật của chị là những người lao động nghèo, những thân phận trôi giạt, đó là những khoảng tối của nông thôn. Vậy còn những khoảng sáng, những biến đổi và những cái mới của nông thôn vì sao vẫn còn ít xuất hiện trên trang viết của chị?

 

- Trời, những cái đó mấy anh nhà báo làm rồi. Tôi không có năng khiếu viết phóng sự. Trong không gian tưởng tượng của tôi, thế giới mà tôi hình dung ra, cho đến bây giờ chỉ là những nhân vật đó, những số phận đó. Tất nhiên, rồi thì tôi sẽ dung nạp những người mới, câu chuyện mới vào thế giới của mình, nhưng bây giờ cổng làng tôi tạm thời chưa mở.

 

- Sau những chuyến xuất ngoại, trở về với quê nhà, chị sống trong tâm trạng như thế nào?

 

- Ờ, thì cũng giống như đi Tây Bắc, hay Hà Giang về. Ở đó có nhiều món ăn mình không quen, có những ngôn ngữ mình chẳng hiểu, có những phong tục mình thấy rất lạ…

 

- Gần đây chị đọc những cuốn sách nào và chúng gây cho chị cảm hứng gì?

 

Giải thưởng ASEAN - Southeast Asian Writers Award - do Hoàng gia Thái Lan thành lập năm 1979 và trao thường niên cho các tác giả Đông Nam Á.

Giải thưởng không có ban xét giải đọc và thẩm định tác phẩm riêng, mỗi quốc gia trong khối Asean tự thẩm định và gửi danh sách ứng cử viên về cho ban tổ chức. Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn trẻ nhất từng được Hội Nhà văn VN đề cử, kể từ năm 1996 đến nay.

Những nhà văn Việt Nam từng đoạt giải thưởng này gồm có: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004), Inrasara (2005), Lê Văn Thảo (2006), Trần Văn Tuấn (2007).

Giải thưởng trị giá khoảng 2.200 USD. Vào cuối tháng 9, Nguyễn Ngọc Tư sẽ bay sang Thái để nhận giải.

 

- Tôi đọc các cuốn sách về… Che Guevara. Cuốn “Nhật ký hành trình xuyên châu Mỹ Latin bằng xe gắn máy” của Che. Và tôi nghĩ, hay là mình viết một truyện về những chuyến đi bất tận…

 

- Trên văn đàn Việt hiện nay, chị vẫn đang được xem là một gương mặt trẻ và "hot". Chị suy nghĩ gì về việc tự đầu tư cho bản thân để có thể tiến thêm những bước dài hơn trong văn chương sau này?

 

- Bỗng dưng trong lúc hứng khởi tôi làm được thứ bánh cũng tạm gọi là ngon. Tự hỏi, không biết công thức chính xác là gì? Nhưng những cái bánh tôi làm trong lúc ngẫu hứng có lúc mặn lúc ngọt, lại khiến tôi hứng khởi hơn là cứ nhào nặn theo một thứ công thức nào đó. Tôi không quan tâm chuyện bánh mình làm ngày nào đó không còn ngon. Tôi sẽ chuyển qua làm… mứt.

 

- Văn của chị, yếu tố cảm xúc luôn giữ phần chủ đạo, nhưng hỏi thật, chị viết văn bằng kỹ thuật nhiều hơn hay cảm xúc nhiều hơn?

 

- Cảm xúc. Tôi viết rất nghiệp dư. Đến nỗi có tháng chẳng viết được chữ nào vì thiếu cảm xúc.

 

- Chị làm thế nào để luôn giữ được cảm xúc trong tâm hồn?

 

- À, cảm xúc là thứ không phải tôi cố gắng mà nuôi dưỡng được. Tôi còn vì nghề viết luôn có chút nhạy cảm. Tôi còn vì va đập, trải đời vẫn chưa nhiều. Rất có thể mai kia, khi tuổi tác chất chồng, cảm xúc cũng theo đó mà cạn. Rửa tay gác… bút, đành thôi.

 

- Nhiều nhà văn thường than phiền cuộc sống hôm nay không có nhiều thời gian dành cho việc viết lách và họ dễ bị phân tâm, hoặc là sự mệt mỏi đến từ trong tâm hồn khiến cho ngòi bút đôi khi tắc tị. Chị đã bao giờ rơi vào tình trạng như thế?

 

- Nhiều lần. Công việc sáng tạo nào cũng vậy, cũng sẽ gặp đôi lúc thấy mụ mị và trống rỗng. Chuyện đó không quan trọng bằng việc tôi thoát ra khỏi nó như thế nào.

 

- Dù có ai đó nói rằng thế giới sáng tạo của ngôn từ là mênh mông vô cùng tận, nhưng thực tế "xa lộ" đó đôi khi cũng khá chật chội, vì thế nhiều ý tưởng đã gặp nhau. Sau vụ việc "Dòng sông tật nguyền" và "Cánh đồng bất tận", bây giờ mỗi khi đặt bút viết, chị có tự khuyên răn mình điều gì?

 

- Tôi luôn cảnh giác mình, ngay khi bắt đầu tập tành viết lách. Riêng sự cố đó, tôi không nghĩ tôi là người phải "tự khuyên răn".

 

- Nếu sau này con trai muốn theo nghiệp văn chương như mẹ, lời khuyên đầu tiên mà chị dành cho con sẽ là gì?

 

- Sẽ có vài cái bẫy trên con đường không có điểm cuối, nổi tiếng hay vô danh, vinh quang hay sự mòn mỏi đều có cách giết người viết. Mấy ông nhậu hay nói, yếu đừng ra gió.

 

- Trong truyện ngắn "Gió lẻ" của chị đầy những thân phận con người éo le và ngang trái, mang tình cảm u uất… Với những nhân vật như thế, chị có thể nói ở họ có bao nhiêu phần trăm là phản ánh hiện thực của cuộc sống xung quanh chị và bao nhiêu phần trăm là hư cấu?

 

- Tất cả là hư cấu. Tôi nói dóc đó, đừng có tin.

 

- Mỗi khi ra mắt một tác phẩm mới với phong cách mới, chị mong chờ điều gì?

 

- Nếu cuốn này bán được thì mình sẽ có… tiền mua mấy cái máy về vọc phá chơi. Nhưng để bán được thì phải viết cho nghiêm túc, tử tế, ít nhất thì cũng có gì khác hơn mấy cái cũ.

 

- Với chị, sự làm mới ngòi bút là do áp lực từ độc giả hay nhu cầu tự thân của một nhà văn?

 

- Cả hai. Đến tôi đọc tôi còn chán, thì biết độc giả chịu đựng cỡ nào…

Thoại Hà thực hiện

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: