Thứ sáu, 29/03/2024,


Người đẹp viết văn (10/09/2008) 

     Vũ Quỳnh Hương được coi là tác giả trẻ nhất hội bút Hương Đầu Mùa, báo Hoa Học Trò. Chị có nhiều phóng sự, tản văn, thơ, truyện ngắn đăng trên nhiều báo. Các tác phẩm đã xuất bản: Con bò treo cửa, Trang trại kiến (truyện tranh). Có tác phẩm đăng báo từ năm 12 tuổi, Vũ Quỳnh Hương là một trong những cây bút đầu tiên thành danh từ Hội bút Hương Đầu Mùa. “Trái tim của Sói” (NXB Hội Nhà văn) là tiểu thuyết đầu tay của chị, trong ngày ra mắt đã bán được hàng trăm bản

     Vũ Quỳnh Hương là người kể chuyện cổ tích của Đài tiếng nói VN và Á khôi cuộc thi Vẻ đẹp học đường học sinh - sinh viên toàn quốc 2000. Hiện chị là phóng viên báo Lao Động.

     Chúng tôi vừa có cuộc chuyện trò với người đẹp viết văn Vũ Quỳnh Hương.

     - Chị từng có nhiều tác phẩm đăng trên báo Hoa Học Trò, thế nhưng lửa viết trong chị bị bỏ bẵng khá lâu trước khi đột ngột quay lại với tiểu thuyết “Trái tim của Sói”. Chị theo đuổi văn chương hay văn chương đeo đuổi chị?

     - Văn chương đối với tôi không phải là một đối tác làm ăn để có thể mang lại ích lợi về kinh tế. Văn chương với tôi chỉ đơn giản là một tri kỷ, một người bạn giúp tôi cân bằng cảm giác và thổ lộ nỗi niềm. Cái “duyên” làm bạn với văn chương cũng giống như một món quà rất ngẫu hứng của tạo hoá ban tặng, đến và đi lúc nào không thể biết trước được. "Hai chúng tôi” không ai đeo đuổi ai, mà song hành như một tình bạn tự nhiên nhất. Người ta có thể thay đổi công việc, từ bỏ đức tin, cáu giận người tình chứ mấy ai chẳng vì mâu thuẫn gì mà chia tay bạn bè vĩnh viễn.

     - Đàn bà viết văn hay đa đoan, và viết văn mà còn đẹp nữa thì phận số thường trắc trở. Cái “tội giời” ấy có vận vào Vũ Quỳnh Hương?

     - Sẽ là lý thuyết nếu nói một câu dường như muôn năm cũ: không có ai hoàn hảo và không có hạnh phúc hoàn hảo. Chỉ có điều là có đủ tỉnh táo để xác định đâu là những thứ có có không không ở đời. Điều đầu tiên mà một sinh thể không có quyền lựa chọn khi được làm người: đó là bố mẹ - thì tôi đã may mắn hơn người khác rồi. Bố mẹ tôi là hình ảnh lý tưởng và toàn mỹ trong tôi về một tình yêu tuyệt đối, dành cho nhau và cho con cái.

     Điều may mắn thứ hai của một người phụ nữ khi trưởng thành là được làm mẹ. Góc khuyết cuối cùng trong trái tim tôi là tình yêu đôi lứa. Với những người ruột thịt, tôi có thể mặc sức thể hiện tình cảm và vun xới cho nó, nhưng với một nửa chưa biết đang ở đâu của mình, thì tôi chỉ biết cười mà chờ hai chữ “tuỳ duyên” thôi vậy. Chẳng hay đó có thể coi là đa đoan không?

     - Làm mẹ độc thân đang trở thành xu hướng chung của rất nhiều phụ nữ thành đạt. Theo chị thì tại sao?

     - Khi một tổ ấm tan vỡ, đó chắc chắn có lỗi của sự ích kỷ, nhưng là sự ích kỷ từ cả hai phía, khi tình yêu không đủ lớn để dung hoà những mâu thuẫn đời thường. Ở góc độ của một phụ nữ, tôi nghĩ không một người phụ nữ nào vì “cái tôi vĩ cuồng” mà đánh đổi hạnh phúc đôi lứa của cả cuộc đời. Đành rằng khả năng sinh tồn và khả năng nuôi dạy con cái của những phụ nữ thành đạt và độc lập về kinh tế có thể tốt hơn hẳn những người khác, nhưng mọi vật tồn tại đều cần có cân bằng, như vũ trụ có âm dương, ngày đêm, đen trắng. Không ai muốn và cũng không nên làm kẻ lữ hành cô độc trên đường đời.

     - Không muốn cô độc, vậy tại sao chị lại chọn cuộc sống độc thân như hiện giờ?

     - “Không muốn cô độc” không có nghĩa “không phải cô độc”. Rõ ràng là không khó khăn gì để đặt một người đàn ông bên cạnh mình cho đủ một cặp, nhưng tôi không muốn phung phí bản thân cho những thứ chỉ để “diễn” cho thiên hạ xem.

     Với tôi, trong tình yêu không có chỗ cho sự “kiêu hãnh” hay “sĩ diện”. Nếu yêu một người, tôi có thể quỳ xuống chân người ấy trước mắt hàng nghìn người cũng chẳng sao. Nhưng đã không có cảm tình thì dù chỉ hai người với nhau tôi cũng sẽ không có một động thái nào. Tôi tin tưởng và mong chờ vào cái gọi là tình yêu tuyệt đối, một tri kỷ thực sự yêu thương tôi như tôi yêu thương người đó. Giá trị của một người phụ nữ không nhất thiết phải được đo bằng một (hoặc vài) người đàn ông bên cạnh cô ấy, nên nếu đã đủ bản lĩnh để hoàn thiện mình và không dựa vào ai, thì cũng sẽ “dám cô đơn” để chờ con tim thực sự rung động.

     - Ít người nghĩ chủ nhân của những câu thơ rất lãng mạn lại là của nữ nhà báo xông xáo, dám lênh đênh cả chục tiếng trên biển đêm bằng tàu cứu hộ ọp ẹp tới những điểm nóng, nguy hiểm... Liệu có gì mâu thuẫn ở đó?

     - Trong mỗi con người đều tồn tại hàng chục con người khác nhau, quan trọng là lúc nào thì đánh thức (vô tình hoặc cố ý) con người nào dậy để phù hợp với từng tình huống và hoàn cảnh cuộc sống. Có “những con người” sống một cách rất tự nhiên, nhưng có “những con người” buộc phải dùng lý trí để vực dậy. Con người của cảm hứng, của sáng tác thì có thể ngẫu hứng, chứ con người của công việc mà lãng đãng thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người liên đới.

     Tôi rất ghét sự lờ vờ, trong mọi lĩnh vực, nên làm gì cũng cần phải có nhiệt huyết, ngay cả trong lĩnh vực dễ yếu đuối nhất là tình cảm. Sống, làm việc, chơi, yêu... đến cùng. Cho nên, những con người êm dịu và máu lửa đó, nhìn thoáng thì tưởng đối lập, nhưng về bản chất lại rất đồng nhất đấy chứ.

     - “Trái tim của Sói” là một tiểu thuyết không có sex. Chị nghĩ sao khi giới trẻ ngày nay cho rằng tình yêu không sex trong thời đại này chỉ có trong tiểu thuyết, chỉ là hoang tưởng?

     - Không sai. Nhưng cũng không đúng. Về bản chất, hành vi tình dục lành mạnh là diễn biến tất yếu và phù hợp tự nhiên của quá trình hình thành một mối quan hệ tình cảm đôi lứa. “Sống thử” hay không “sống thử”; “quan hệ” hay không “quan hệ”, không có một đáp án đúng nào cho tất cả mọi người. Nhưng điều quan trọng nhất là mọi hành động, mọi quyết định đều phải xuất phát từ sự hiểu biết. Biết mình làm gì, cần gì, muốn gì, và phải có bản lĩnh chấp nhận và đương đầu với những bất trắc mà quyết định hoặc hành động đó mang lại.

Mặc dù lối sống và yêu thực dụng đã lan tràn vào một số đông giới trẻ, nhưng bằng chính cảm nhận của mình, tôi tin rằng trên đời vẫn thực sự tồn tại một thứ tình cảm không chỉ là “không sex” mà còn có thể tồn tại mãnh liệt bất chấp không gian và thời gian. Và chắc chắn có nhiều người đồng cảm với tôi, nếu không thì sách của tôi đâu có bán chạy đến vậy.

     - Từng tuyên bố không xác định văn chương là cái nghiệp phải mang, nhưng với thành công của “Trái tim của Sói”, chị nghĩ thế nào về việc dành nhiều thời gian hơn cho văn chương?

     - Nếu có một thứ con người khó có thể khẳng định được nhất, thì đó là những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Chỉ có thể chắc chắn rằng: hôm nay là ngày mai của hôm qua, vì thế nên cứ sống, làm việc và yêu thương đến hết mình, đúng là mình để đến ngày mai không phải hối hận. Tôi chỉ viết khi yêu, và chắc hẳn nếu được sống và yêu như mình muốn thế - dù có thể sự lựa chọn ấy sẽ mang lại cho mình nỗi buồn nhiều hơn niềm vui - nhưng sự lạc quan và niềm tin sẽ luôn luôn rộ nở. Mà như vậy, lo gì không có chỗ cho văn chương.

                                                                        Theo Nam Phương

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: