Thứ sáu, 29/03/2024,


Người “lục sĩ” đa tài và đa tình (01/09/2008) 

      

Người ta vẫn gọi ông là Nhà văn, nhưng cũng có thể gọi ông là “Lục sĩ”, bởi ông còn là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà soạn kịch, nhà lý luận phê bình, nhà văn hóa... Hình như trong lĩnh vực nào ông cũng thành công, cũng có những dấu ấn được khắc ghi lại cho đời. Nhưng trước hết, ông là một Con Người theo đúng nghĩa viết hoa của hai từ này. Một nghệ sĩ đa tài, lịch lãm và hào hoa đến kỳ lạ!

      Nhân ngày Quốc khánh 2-9, Lụcbát.com muốn trân trọng giới thiệu với quý bạn đọc một tên tuổi lớn, một cố ‘Trưởng lão” trong Làng Văn nghệ sĩ Việt Nam: nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003).

 

    Học giỏi và thông minh đến kinh ngạc

     Sinh ngày Hai mươi tháng Mười hai năm 1924 tại Luang Prabang (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), nhưng ông quê gốc tại làng Vũ Thạch (Hà Nội), tên khai sinh và đồng thời cũng là bút danh chính: Nguyễn Đình Thi.

     Một số niên biểu quan trọng trong cuộc đời của Nguyễn Đình Thi: năm tuổi, theo cha mẹ từ Lào trở về nước và đi học ở Hà Nội, Hải Phòng; mười lăm tuổi, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Mười chín tuổi, có “chân” trong Hội Văn hóa Cứu quốc; hai mươi mốt tuổi, tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và được cử vào Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Đình Thi từng làm Tổng thư ký Hội văn hóa Cứu quốc, Uỷ viên Tiểu ban dự thảo Hiến pháp và Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc hội (khóa I)...

 

      Nguyễn Đình Thi là một trong những Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957); là người giữ “kỷ lục” về nhiều năm liền làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (từ khóa I đến khóa III). Khi tôi lấy tư liệu để viết những dòng này (2001), ông đang đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

      Trong gần 60 năm cầm bút, Nguyễn Đình Thi đã cho xuất bản tám tập văn xuôi (tiểu thuyết, truyện, truyện ngắn, truyện thiếu nhi), bốn tập thơ, năm tập kịch và ba tập tiểu luận phê bình... Ông là một trong số rất ít văn nghệ sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt đầu tiên (1996).

      Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi được hình thành sau Cách mạng tháng Tám. Ông không được xếp cùng “chiếu” với lớp nhà văn “tiền chiến” đi theo kháng chiến như Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, hay Nam Cao, Tô Hoài… mặc dù hồi đó ông đã từng viết một số sách phổ thông và văn chính luận.

      Nhà văn Tô Hoài kể: Hồi nhỏ, Nguyễn Đình Thi là người học cực giỏi, nổi tiếng là thông minh ở đất Hải Phòng và Hà Nội. Anh học giỏi tới mức, ngay từ thời học sinh, khi học tới phần triết học - một môn học rất khó mà đa phần các sinh viên đều ngại - Nguyễn Đình Thi đã vừa học vừa viết sách triết học. Anh đã diễn đạt các ý tưởng cao siêu của các nhà triết học lớn như Can, Nít, Đề Các… thành những điều giản dị dễ hiểu, và đã được Nhà xuất bản Tân Việt ấn hành rộng rãi. Sau này, trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, hầu như thể loại nào cũng ít nhiều mang tính triết học một cách tự nhiên vậy.

 

     Một người đàn ông đa tài

     Nguyễn Đình Thi cho biết: ông bắt đầu làm nhạc trước khi làm thơ, viết truyện và sau nữa là viết kịch.

     Cả đời nhạc sĩ Nguyễn Đình chỉ sáng tác có vài bài hát, nhưng Hội nhạc sĩ Việt Nam không thể thiếu tên ông khi nói tới Diệt phát xít Người Hà Nội. Hai ca khúc này, một trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và một trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Nguyễn Đình Thi tự nhận rằng ông chỉ là người viết nhạc “nghiệp dư”. Các ca khúc nổi tiếng ấy ra đời là nhờ năng khiếu tự nhiên, sự “ăn may” và nó giống như “anh mù chữ học đòi viết văn” (chữ dùng của Nguyễn Đình Thi) vậy. Thế nhưng thật kỳ lạ là chính cái sự “nghiệp dư đó đã khiến cho nhiều nhạc sĩ phải phát ghen, vì suốt đời họ cũng không dễ có được những ca khúc tuyệt vời như thế!

      Nhà văn Tô Hoài, một người có quan hệ thân thiết, từng nhiều năm gắn bó và làm việc cùng Nguyễn Đình Thi cho biết:

      – Nguyễn Đình Thi viết văn rất chật vật và khó nhọc. Anh ấy cứ viết rồi dập xóa, sửa chữa vất vả lắm. Chữ viết của Nguyễn Đình Thi lại nhỏ “lắt tắt” (từ dùng của Nguyễn Công Hoan) đẹp mà rất khó đọc. Nhưng anh ấy có tài là đưa đời sống vào trang viết rất nhanh. Vốn sống đến đâu, “tiêu hóa” được ngay đến đó. Chỉ tiếc là vốn của anh Thi mỏng, không như Nguyên Hồng. Trong Kháng chiến, anh ấy cũng thâm nhập lăn lộn thực tế, nhưng mà là theo sự phân công của tổ chức… Khi viết “Vỡ bờ”, Nguyễn Đình Thi đã rất giỏi về tư tưởng và triết lý; nhưng khi động tới những trang viết về nông thôn, nhiều chi tiết của anh ấy cứ lôi thôi và buồn cười lắm! Ví như đoạn Nguyễn Đình Thi tả về sãi trong chùa. Nhưng mà chùa thì chỉ có , làm gì có sãi, bởi sãi thì không ở chùa mà chỉ đến phục vụ (cười)…

 

       Khi được hỏi “Ông có nhận xét gì về thơ của Nguyễn Đình Thi?” Tô Hoài không giấu giếm:

 

      – Riêng với thơ, tôi là “dân ngoại đạo”, nhưng theo tôi Nguyễn Đình Thi cũng giống như các anh Văn Cao, Nguyên Hồng… là những “Nhà thơ của một bài”. Nói cụ thể hơn, đời thơ của Nguyễn Đình Thi chỉ có mỗi bài Đất nước, còn các bài khác là phát triển từ Đất nước mà ra. Nhiều người như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận… suốt đời chỉ có làm thơ và họ có nghề làm thơ. Còn Nguyễn Đình Thi thì không thế. Anh ấy chỉ “chơi” thơ theo năng khiếu trời cho... Thế thôi.

       Nhiều người cho rằng mấy năm cuối đời Nguyễn Đình Thi rất thành công trong lĩnh vực sáng tác kịch bản sân khấu. Vở Rừng trúc của ông đã được Huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cuối thế kỷ Hai mươi. Tuy nhiên, rất ít người biết điều này: kịch bản Rừng trúc đã được Nguyễn Đình Thi viết từ năm 1980. Nghĩa là suốt hai mươi mốt năm qua nó vẫn chỉ là bản thảo gần như bị bỏ quên, bỗng sống lại nhờ bàn tay dàn dựng tài ba của Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang. Nguyễn Đình Thi tâm sự rằng ông rất tâm đắc với kịch, nhưng không hiểu sao vở nào ông viết ra cũng không suôn sẻ, ít nhiều đều có “trục trặc”. Ví dụ kịch bản Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1980) chỉ được diễn một đợt rồi thôi, mà có quá nhiều ý kiến. Số phận vở Hoa và Ngần (1974) còn “bi đát” hơn: được công phu dàn dựng xong rồi, nhưng không được diễn. Vở Con nai đen viết từ 1960, mãi ba mươi năm sau (1990) mới được dàn dựng và diễn lần đầu, nhưng dưới hình thức… chuyển thể cải lương! Và còn điều quan trọng hơn mà “dân trong nghề” nhiều người vẫn nói: Mặc dù Nguyễn Đình Thi có giải thưởng “vàng” về kịch, nhưng kịch bản ông viết ra chỉ hay khi nó được… đọc như văn xuôi. Nếu dàn dựng để biểu diễn thì rất ít công chúng và phải lựa khách xem…

      Nhà văn Tô Hoài rất phục Nguyễn Đình Thi về chuyện diễn thuyết và hùng biện. Có người cho rằng Nguyễn Đình Thi đã được trời phú cho giọng nói để làm mê hoặc người khác. Khi ông đã cất tiếng nói, thì hình như những người xung quanh chỉ còn mỗi việc… im lặng mà ngồi nghe.

      Chẳng những là người đàn ông nhiều tài hoa, thời trẻ Nguyễn Đình Thi còn nổi tiếng là “quá đẹp trai”. Tô Hoài nhớ lại: Nếu nói về chuyện “đẹp trai” thì ở Hội Nhà văn Việt Nam hồi ấy có các nhà văn Đào Vũ và Nguyễn Khải rất to cao và trắng trẻo. Nhưng không “ăn thua” so với anh Thi: da hơi ngăm đen, lông mày rậm và phong thái thì rất là… đàn ông!

      Đời văn của Nguyễn Đình Thi có rất nhiều người khen, nhưng cũng không ít kẻ chê. Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng ông là người đa tài.

 

      ... Và Nguyễn Đ ình Thi rất đa tình

      Nguyễn Đình Thi đa tài trong văn chương chữ nghĩa bao nhiêu thì cũng đa tình và “đa đoan” trong đời bấy nhiêu.

      Người ta đồn rằng Nguyễn Đình Thi có rất nhiều mối tình. Có bao nhiều phụ nữ đã yêu ông và ông đã yêu bao nhiêu người đẹp thì chỉ có… Nguyễn Đình Thi mới biết.

      Người ta còn nói rằng đã có không ít phụ nữ xinh đẹp, tài năng chỉ vì quá yêu đã tôn thờ Nguyễn Đình Thi như một vị thánh, họ có thể sẵn sàng chết vì ông. Có những nữ sĩ đã đơn phương yêu Nguyễn Đình Thi, coi ông là thần tượng của mình. Và khi không được Nguyễn Đình Thi đáp lại, thì cũng vì quá yêu, mà họ đã trở thành người thù ghét ông đến suốt đời.

     Nhà văn Tô Hoài bảo:

      – Tài hoa cộng với đẹp trai, điều ấy đã khiến cho nhiều phụ nữ đã mê anh Thi như điếu đổ! Và cũng chính điều đó đã làm khổ chẳng những cho anh ấy mà còn rất nhiều người khác nữa, trong đó có tôi…

      Và Tô Hoài đã cười rất thoải mái khi kể lại những “bí mật” giữa ông với Nguyễn Đình Thi:

      – Trai gái yêu nhau nào có tội tình gì, nhưng hồi ấy người ta quan niệm chuyện “trăng gió” còn nặng nề lắm. Trong cơ quan, tôi lại phụ trách công tác Đảng, thế là nhiều lần người ta buộc tôi phải đưa ông bạn mình ra kiểm điểm... Mệt quá, có lần tôi nửa đùa nửa thật bảo ông Thi:

      – Này, nếu lần sau có đi với cô nào, ông cứ nói trước với mình một câu, để khỏi làm mất thời gian của nhau!

      Nói vậy, chứ Nguyễn Đình Thi đã có những mối tình thật sự cảm động như Mađơlen Rípphô (Madeleine Riffaud) là một ví dụ...

      Mùa hè năm 1951, nhà văn Nguyễn Đình Thi mới Hai mươi bẩy tuổi, vừa in xong cuốn tiểu thuyết đầu tay “Xung kích” rất nổi tiếng, thì được cử đi dự Đại hội Thanh niên quốc tế tại Béclin (Cộng hòa dân chủ Đức). Mađơlen Rípphô là một đại biểu đến từ Pháp, một nữ nhà báo, nhà thơ trẻ, duyên dáng và cương nghị. Chị cũng là một chiến sĩ chống phát xít dũng cảm trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, từng bị bắt, bị tù đày, từng được tặng Huân chương “Bắc đẩu bội tinh”...

      Trong giờ giải lao, nhận thấy Nguyễn Đình Thi và Mađơlen Rípphô là đôi bạn trẻ nhất, nên các nhà thơ Nazim Hikmet và Paplo Neruda đã gán ghép hai người với nhau. Vốn giỏi tiếng Pháp, Nguyễn Đình Thi đã chuyện trò với Mađơlen Rípphô thật “ý hợp tâm đầu”. Năm ấy Nguyễn Đình Thi đã có vợ và ba con, còn  Mađơlen Rípphô cũng từng có chồng và một con gái. Họ không giấu giếm nhau điều gì, khi kể cho nhau nghe về gia đình và đất nước mình.

      Trong những ngày diễn ra đại hội, Mađơlen Rípphô đã nhờ Nguyễn Đình Thi dịch nghĩa một số bài thơ kháng chiến của Việt Nam, để chị dịch thơ và cho in trên các báo chí của Pháp. Hai người đã “bén duyên” nhau thật nhanh. Khi Đại hội kết thúc, phút chia tay, Mađơlen Rípphô đã khóc và thổ lộ tình cảm của mình với Nguyễn Đình Thi. Trong hoàn cảnh Việt Nam đang kháng chiến gian khổ, nhiều thiếu thốn, chị đã viết cho anh rất nhiều lá thư dài, với một tình yêu tha thiết. Nguyễn Đình Thi viết tặng Mađơlen Ripphô những câu thơ: “Chúng ta như hai ngôi sao Hai đầu chân trời lấp lánh Trong không gian mênh mông xa nhau. Chiều chiều cùng sáng lên ánh sáng, Không tắt bao giờ”.

            Mađơlen Rípphô và Nguyễn Đình Thi.

 

      Khi nhận được tin người vợ đầu của Nguyễn Đình Thi qua đời, Mađơlen Rípphô đã chủ động đặt vấn đề hôn nhân với Nguyễn Đình Thi. Thậm chí, hai người đã bàn đến chuyện làm đám cưới như thế nào…

      Kết hợp công việc làm báo, Mađơlen Rípphô đã sang Việt Nam nhiều lần, có lần lâu đến vài tháng cũng chỉ vì Nguyễn Đình Thi. Nghe nói, Đảng bạn đã đồng ý, đại diện tổ chức phía ta cũng nhất trí… Nhưng hồi đó đang chiến tranh, cán bộ Nhà nước đều sống bao cấp bằng tem phiếu và sổ gạo, khổ lắm. Nguyễn Đình Thi chỉ có một nguyện vọng: Trước khi cưới, đề nghị Chính phủ ta cho phép Mađơlen Rípphô được làm chuyên gia để có tiêu chuẩn sinh hoạt cho đỡ khổ. Nhưng điều ấy là không tưởng, xin mãi chẳng được, thế là họ đành phải chia tay nhau…

       Sau này, người ta mới biết trong di cảo của nhà văn Nguyễn Đình Thi có tới hơn 1.000 bức thư tình của ông và nữ thi sĩ Mađơlen Ripphô gửi cho nhau. Đó là những bức thư viết hoàn toàn theo lối cổ điển, bằng bút mực. Và mối tình ấy đã làm Nguyễn Đình Thi day dứt cho tới cuối đời...

                                                           (Còn tiếp)

                                                     Đặng Vương Hưng

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: