Thứ bảy, 20/04/2024,


Bảo tàng Phòng chống Thiên tai Việt Nam? Tại sao không! (29/08/2008) 

 

Nguyễn Ngọc Sơn (Đại diện của lucbat.com tại Phú Thọ, người vừa nhận Giải Mãi mãi tuổi hai mươi – 2008) đã nêu một ý tưởng độc đáo: Cần thành lập “Bảo tàng Phòng chống Thiên tai Việt Nam”!

 

Thiên tai lũ lụt và hậu quả khôn lường (Nguồn ảnh: VietnamNet)

 

Về lý do thành lập bảo tàng nêu trên, theo tác giả Nguyễn Ngọc Sơn, thì lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam là dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử đó có hai yếu tố cơ bản dẫn đến sự phát triển bền vững là đoàn kết để chống giặc ngoại xâm và chống thiên tai.

Về công cuộc đoàn kết dân tộc để chống giặc ngoại xâm, chúng ta đã có một hệ thống các kho tàng sử sách, ghi lại những chiến công hiển hách của cha ông ta. Cụ thể chỉ tính riêng hệ thống bảo tàng trưng bày các hiện vật chiến tranh, chúng ta đã có rất nhiều các bảo tàng có quy mô từ quốc gia tới tỉnh thành, các Quân khu, Quân đoàn… trong đó tiêu biểu nhất là Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Tất cả những hiện vật đó đã và đang góp phần nâng cao vị thế của dân tộc ta, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đặc biệt là lòng tự hào dân tộc và lý tưởng sống cao đẹp.

Trong khi đó, thiên tai (động đất, sóng thần, bão, lũ, lở đất, lở núi, lụt, nắng hạn, rét đậm, rét hại,…) ở một góc độ nào đó, về khả năng tàn phá và hủy diệt, có phần còn hơn cả địch họa.

Trên thế giới, mỗi năm xảy ra hàng ngàn thiên tai, cướp đi mạng hàng chục vạn người, gây thiện hại nhiều tỉ đôla. Còn ở Việt Nam, ông cha ta đã vất vả hàng hàng năm để trị thuỷ đê điều. Nhưng thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là vấn đề bão lụt, đã và đang gây cho nhân dân ta rất nhiều tổn thất nặng nề, lại chưa hề có một bảo tàng được xây dựng để ghi lại dấu ấn của chúng cũng như quá trình đương đầu với thiên tai của dân tộc ta.

Cha ông ta xưa đã có câu ca rằng: “Lũ lụt thì lút cả làng / Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo” để nói lên tinh thần đoàn kết, cố kết cộg đồng đương đầu với giặc thủy, bảo vệ tính mạng và những thành quả lao động của mình.

Chinh phục thiên nhiên và chiến thắng thiên tai đã là ước mơ cháy bỏng, ước vọng tự ngàn đời nay của cha ông ta, là công việc có sự kế thừa từ đời này sang đời khác với một dân tộc có hình thức tổ chức sản xuất là nghề nông trồng lúa nước. Chẳng thế mà trong kho tàng các câu chuyện thần thoại và cổ tích của dân tộc ta đã có các câu chuyện nó về quá trình chiến đấu với thiên tai như Sơn Tinh Thủy Tinh, Đẻ đất đẻ nước…

Hơn nữa với một đất nước đứng ở “nơi đầu sóng, ngọn gió” như nước ta, một đất nước có 3260 ki lô mét bờ biển, với hàng trăm con sông ngòi lớn nhỏ, hàng năm hứng chịu hàng chục cơn bão thì việc làm này thiết nghĩ thật sự cần thiết. Không ai trong chúng ta mong muốn bão lũ, lụt lội xảy ra nhưng giá như chúng ta có thể lưu giữ lại những hình ảnh tang thương của bão Chan Chu ở các tỉnh ven biển miền Trung mấy năm trước; của cơn bão số 4 vừa qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc và của tất cả những thảm họa thiên tai khác… thì ý nghĩa biết bao. Để cho những mất mát về người và của được hạn chế, để cho mỗi chúng ta ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống của mình thì việc ra đời bảo tàng này là một việc cần làm ngay.

Mục đích, ý nghĩa của viêc thành lập bảo tàng Lịch sử phòng chống thiên tai là nhằm giáo dục ý thức bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường sống, đề cao tinh thần tương thân tương ái trong nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời thông qua hệ thống trưng bày các hiện vật, các văn bản, chỉ thị của các cấp chính quyền qua các thời kỳ giúp người xem thấy được lịch sử hào hùng đấu tranh với thiên tai của đất nước ta; những kinh nghiệm đương đầu với thiên tai của nhân dân ta; giúp chúng ta có ý thức chủ động và sẵn sàng đối phó với thiên tai, thảm họa; là một trường học sống động về các thảm họa của thiên nhiên; là nơi gắn kết, sẻ chia những nỗi đau mất của mọi người…

Về cách thức trưng bày hiện vật: Bảo tàng sẽ tổ chức trưng bày hiện vật cả ở không gian trong phòng và ngoài trời. Riêng đối với không gian ngoài trời bước đầu có thể tái tạo lại các trận lũ lịch sử, các con sông bị vỡ, các trận lở núi, cảnh màn trời chiếu đất của nhân dân…

Các hiện vật trưng bày bao gồm: Các số liệu về các cơn bão hàng năm, về lượng mưa, số giờ nắng…; các số liệu về mực nước; các hình ảnh và số liệu về tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn; các hình ảnh về sự tàn phá của thiên tai: Người chết, nhà cửa, ruộng nương bị tàn phá, gia súc chết…; các thước phim tư liệu về sự tàn phá của thiên tai; các văn bản, thư tịch, chiếu cổ qua các thời kỳ của các triều đình về đắp đê, chống lụt lội, hạn hán…; các công văn, chỉ thị của Nhà nước ta về công tác phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả; các phong trào và số liệu quyên góp ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và tập thể; các số liệu thống kê về hệ thống sống ngòi, đường bờ biển...; các hình ảnh cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả và kinh nghiệm phòng chống thiên tai của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử.

Cùng với Bảo tàng nêu trên, cần xây dựng một Nhà tưởng niệm để tưởng nhớ những nạn nhân của thiên tai.

Xây dựng một Website về Phòng chống thiên tai, trước tiên là để giới thiệu về bảo tàng; sau là để cảnh báo thiên tai; phổ biến kinh nghiệm phòng chống thiên tai; vận động quyên góp ủng hộ, chia sẻ với đồng bào mỗi khi gặp thiên tai…

Về kinh phí xây dựng, sưu tầm hiện vật: trước mắt sẽ tổ chức vận động quyên góp rộng rãi từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm.

Riêng đối với việc sưu tầm hiện vật chủ yếu là sự tự nguyện bằng việc gửi tặng, giới thiệu của tất cả mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là các bạn trẻ...

Chúng tôi cho rằng “Bảo tàng Phòng chống Thiên tai Việt Nam là một ý tưởng mang tính xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Vậy còn quý vị và các bạn nghĩ sao?

Và ai sẽ giúp Nguyễn Ngọc Sơn để ý tưởng nêu trên trở thành hiện thực?

                                                                 Hà Nội, 29.8.2008

                                                              Đặng Vương Hưng

__________________________________

Liên hệ: Nguyễn Ngọc Sơn

Điện thoại: 094.552.2268

Email: Son_dantoc@yahoo.com

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: