Thứ sáu, 19/04/2024,


"Tận cùng xa thẳm của hư vô" (18/08/2008) 

 

          

 

 

            Sáng ngày 19-8-2008, Làng Thơ Việt Nam cùng lúc vĩnh biệt hai nhà thơ tài hoa: Ngô Quân Miện và Trần Hoà Bình. Họ cùng quê Xứ Đoài. Ra đi chỉ cách nhau đôi ngày.

             Lucbat.com đã có bài của bạn thơ Hoài Khánh viết về Trần Hoà Bình. Còn dưới đây là bài và ảnh của tác giả Vân Đình Hùng vừa gửi đến trang web, để thay một nén tâm nhang vĩnh biệt Ngô Quân Miện...

 

 

'Tận cùng xa thẳm của hư vô' là một câu thơ trích trong bài thơ Cánh chim của nhà thơ Ngô Quân Miện, được nhà thơ Vân Long chọn in trong tập Thơ thu đất Việt. Tập thơ có gần hai trăm bài, cảm nhận về thu mỗi người một vẻ. Thu với nhà thơ Ngô Quân Miện là đường bay về hư vô của cánh chim mải miết.

Năm nay, những người yêu thơ vừa kỷ niệm năm chẵn sinh nhật của Nhà thơ Ngô Quân Miện. Hơn sáu mươi năm cầm bút, tiêu hết tám mươi giọt mực thu và ngần ấy mùa trăng thu đã lùi lại phía sau. Mây vừa qua, trăng đã thu.

Khát vọng mà người yêu thơ đi tìm vẫn luôn ở phía chân trời xa lắm. Có lẽ nơi ấy tồn tại một cộng đồng hồn của những người du lãng phiêu bồng trên đôi cánh của con chữ. Nơi ấy không có đường đi, chỉ có những đường bay. Đường bay dựa vào hơi thở của Đường thi. Tự do nghĩ, tự do viết những gì cảm nhận không một dàng buộc. Nơi ấy là miền riêng của những đôi cánh từ mọi ngả xoải vội nhắm đích mong được vào trong trước tiết giao mùa. Chỉ để được tan hoà trong dòng sông nhân ái.

Chẳng phải người thơ Ngô Quân Miện bàng quan với việc đời, sự đời trong vội thế không hay biết mà đơn giản là ông đang nhìn và lắng nghe phía trước. Bằng giác quan của một nhà thơ, tiết giao mùa đã dội ngược cánh gió một thông điệp ngắn mà đủ: trái đất sau lưng đã trở mùa! Trong lúc bay, cuộc sống đời thường vẫn hồi quang phản chiếu, luôn như thế suốt quãng đời văn nghiệp của những ai chót đa mang. Tiếng gọi bạn vẫn đâu đấy phía xa, cánh thu gấp ruổi, nhịp nhàng.

Cánh thu trên cánh chim. Những con gáy xanh nhớ mây trắng núi Ba Vì. Tiết giao mùa, chim từng đàn bay qua đất hai Vua, lượn trở lại trời Ba Vì mờ cao (chữ của nhà thơ  Quang Dũng) sau chuyến bay bất tận. Mây trắng, núi mờ cao từng là cái mớn phải vượt qua từ thuở ấu thơ cho cánh chim dời tổ. Loài cá có cửa mưa, loài chim có cửa gió. Vượt cửa gió là cuộc kiểm tra để những cánh chim tự đánh giá chính mình.

Bây giờ, nhà thơ Ngô Quân Miện đã như Cánh chim đang bay vào hư vô đúng lúc phía sau lưng đã trở mùa cũng là cuộc sát hạch như vậy. Cái níu kéo mọi cánh chim lại là trái đất sau lưng, chẳng ai có thể dứt bỏ dân mình, nước mình, nơi mình sinh ra mà phiêu bồng cả đời như thế. Nhất là sau lưng người thơ là mây trắng Ba Vì soi cái hùng vĩ xuống dòng sông Đà trầm tư.

 

                                                     Xứ Đoài mây trắng, 19-8-2008

                                      Vân Đình Hùng

 


 

 

            Một số tư liệu về nhà thơ Ngô Quân Miện:

Tên khai sinh: Ngô Quân Miện, đồng thời là bút danh, sinh ngày 27-9-1925, tại Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Thủ đô Hà Nội). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1979).

Sau một thời gian bị lâm bệnh, do tuổi già sức yếu, nhà thơ Ngô Quân Miện đã từ trần hồi 16 giờ 50 ngày 15-8-2008 (tức ngày 15 tháng bảy mậu Tý), hưởng thọ 84 tuổi.

Lễ viếng Nhà văn Ngô Quân Miện vào hồi 7h30 đến 9h30 ngày Thứ Ba, 19 tháng 8 (19 tháng Bảy Mậu Tý) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Trước Cách mạng tháng 8-1945, nhà thơ Ngô Quân Miện học trung học canh nông, cán bộ kỹ thuật canh nông. Sau hòa bình 1954, ông học tại chức khoa Ngữ văn. Ông thường viết báo, viết văn từ trong kháng chiến chống Pháp. Từng làm Tổng biên tập báo Độc lập (Cơ quan của Đảng Dân chủ Việt Nam), Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa IV. Có thơ và truyện ngắn in trên báo Tin Mới từ năm 1939, lúc mới 14 tuổi (bài thơ Ngoài vườn lan và truyện ngắn Hy sinh, viết cho thiếu nhi). Ngoài thơ, ông còn viết truyện ngắn, dịch văn học qua tiếng Pháp.

Tác phẩm đã xuất bản của Ngô Quân MIện: Ngày cưới (truyện ngắn, 1961); Bông hoa cỏ - mặt gương soi (thơ, in chung, 1981); Đất ngọn nguồn (thơ, in chung, 1982); Bóng núi (thơ, 1993); Gương mặt Hồ Tây (bút ký, in chung với Quang Dũng, Trần Lê Văn, 1979); Hoa đồng (truyện thiếu nhi, 1978); Bay chuyền (thơ thiếu nhi, 1976); Bông hoa lạ (truyện ngắn, 1982); Chú bé nhặt bông gạo (1994); Đôi cánh sẻ đồng (1989); Mưa nắng tình yêu (dịch của André Maurois, 1990); Maria tới Paris (dịch chung với Tô Tưởng, 1993); Con mèo ú tim (dịch chung với Bùi Hiển, Ngô Văn Phú, 1996).

- Nhà thơ đã được nhận Giải Ba thơ Tạp chí Văn nghệ (1960 - 1961), với chùm bài Qua cầu sông Đuống và Tặng anh công nhân xây dựng; Giải ba văn học thiếu nhi Hội Nhà văn (1994); với tập truyện Chú bé nhặt bông gạo. (Nguồn: Văn Nghệ)

Ngô Quân Miện nhiều năm gắn bó với Hà Tây quê hương, với CLB Văn Nghệ sỹ Xứ Đoài tại Hà Nội. Ông là một con người khiêm nhường và luôn yêu người hơn cả yêu bản thân mình. Nay ông đã vĩnh biệt trần gian, đoàn tụ với Tản Đà và những văn nghệ sĩ tiền bối khác của Xứ Đoài mây trắng...

Lucbat.com xin vĩnh biệt nhà thơ Ngô Quân Miện

Và xin gửi tới gia đình ông lời chia buồn sâu sắc!

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: