Thứ sáu, 26/04/2024,


Con chữ nhọc nhằn, tài hoa lấp lánh (09/08/2008) 

Một thanh niên hơn 20 năm sống trong tật nguyền luôn ấp ủ khát vọng mang đến sức sống mới cho điện ảnh Việt Nam. Đằng sau những con chữ nhọc nhằn của một SV khoa Quản trị Du lịch – Đại học Yersin, Đà Lạt, là lấp lánh tài hoa cùng nghị lực phi thường.

 

Ước mơ

 

    Đặng Đình Quý nói và viết đều rất khó khăn. Bị bại não từ năm 4 tuổi, cánh cửa tương lai tưởng như khép lại với Quý. Từ nhỏ, Quý đã thèm muốn được chơi đùa như các bạn, nhưng tuổi thơ của Quý ở Hưng Yên là những tháng ngày sống trong mặc cảm xen lẫn ước ao, khao khát của đứa trẻ tật nguyền. Quý chật vật lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó, còn cha mẹ của anh đã gạt nước mắt vì những cuộc chạy chữa bệnh cho con không thành.

    Năm 6 tuổi, Quý bắt đầu đi học thì cũng là lúc cùng em trai phải rời xa gia đình về sống với bà và người cô vì cha mẹ di cư vào huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) để kiếm sống. Lúc đó, Quý không thể cầm bút và không thể viết được. Cô giáo cũng như bạn bè đều nhìn Quý bằng ánh mắt ái ngại và nghĩ rằng việc học của Quý chỉ là tạm bợ. Cho đến bây giờ cũng vậy, việc cầm bút đối với Quý thật khó khăn mặc dù đã trải qua một thời gian dài miệt mài tập luyện. Quý vẫn thường nói rằng, “Nếu chữ của tôi đẹp thì có lẽ tương lai của tôi còn tươi đẹp hơn bây giờ”. Anh nói và cười hồn nhiên, như tự an ủi và tiếc nuối.

    Chính tuổi thơ không ngọt ngào ấy là động lực thôi thúc Quý học, tự tin đi tới và bước vào giảng đường đại học như ngày nay. Hiện tại, Quý là SV năm thứ ba, khoa Quản trị Du lịch - Trường Đại học Yersin, Đà Lạt. “Việc vào được đại học với tôi là một niềm tự hào” - Quý kể. Ước mơ của anh là trở thành luật sư của những người nghèo, nhưng 2 lần thi đều thiếu một điểm nên đành chấp nhận một ngành học với kết quả không cao và cũng chưa xác định ra trường sẽ làm gì với tấm bằng đại học, học tiếp bằng 2 để trở thành luật sư hay nếu có việc sẽ đi làm. Nhưng hiện tại, một công việc đang cuốn hút Quý: viết kịch bản phim.

 

Chỉ có một cuộc đời

 

     “Tôi viết chỉ vì lòng say mê hứng thú, muốn mang đến sự mới lạ cho khán giả và điện ảnh Việt Nam như một luồng gió mới, đồng thời viết vì tức, vì sao phim của Việt Nam luôn bị phim của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan “ăn hiếp” ngay trên sân nhà? Họ mang hình ảnh, văn hóa của nước họ sang nước mình, còn mình không có được một chỗ đứng đường hoàng cho điện ảnh Việt Nam ngay ở trong nước và cũng không có một chiến lược để đưa điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài”. Trong thư gửi cho Hãng phim truyện Việt Nam mà Quý gọi là “bức thư quan trọng” kèm theo kịch bản phim “Những mùa hè đã qua”, Quý đã viết hùng hồn như thế.

      Với 1.026 trang bản thảo, hơn 40 nhân vật đa chiều, “Những mùa hè đã qua” là kịch bản đang được Hãng phim truyện Việt Nam đưa vào sản xuất. Đó là câu chuyện về 3 người bạn cùng lớn lên dưới một mái trường và rồi phải đối diện với biết bao biến cố xảy ra. Những gì mà các nhân vật trải qua cũng chính là nỗi niềm, sự khát khao vượt lên số phận trong hành trình hướng đến tương lai của Quý.

      Bắt đầu viết “Những mùa hè đã qua” từ năm 19 tuổi, lúc đó Quý chỉ muốn thử sức mình sau khi đọc kịch bản “Bao giờ cho đến tháng Mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Quý muốn khám phá xem kịch bản phim khác với các thể loại văn học khác như thế nào. Quý suy ngẫm nhiều đến thực trạng của phim Việt. Thế là anh say sưa viết. Những con chữ được viết ra dẫu nhọc nhằn trên những trang giấy nhưng Quý được trải lòng mình, được giải bày và gửi gắm tâm sự qua chính các nhân vật. Anh ấp ủ tham vọng: “Nếu kịch bản này được dựng thành phim thì rất có thể đây sẽ là lời tuyên chiến đầu tiên của điện ảnh Việt Nam nói chung và thế hệ 8X của Việt Nam đối với phim Hàn”.

      Trong “bức thư quan trọng” ấy, Quý bày tỏ nguyện vọng rằng, nếu kịch bản được sử dụng, toàn bộ trang phục cho diễn viên khi ra trước ống kính đều phải do các công ty của Việt Nam sản xuất, chọn những khách sạn sang trọng và những điểm du lịch đẹp nhằm quảng bá hình ảnh của du lịch Việt Nam. Quý còn đề nghị trích lại từ 5-10% nhuận bút từ kịch bản này để Hãng phim truyện Việt Nam cử chính anh đi đào tạo biên kịch vì anh luôn khao khát được đào tạo bài bản ở lĩnh vực nghệ thuật này. Và nếu kịch bản không đạt, Quý không những sẵn sàng bỏ nó mà còn đề xuất với Hãng phim một số đề tài tâm đắc như bạo lực gia đình, nạn nhân chất độc da cam, nỗi đau dai dẳng của người phụ nữ sau cuộc chiến, những chiến sĩ hy sinh bên bờ sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị hay một bộ phim về tình yêu thơ mộng ở Đà Lạt. Quý đã gọi tên những đề tài của mình là “Hòa bình trên quê tôi”, “Những đứa con của Rồng”, “Những cánh hoa cuối cùng”…

       Kịch bản thứ hai là “Con đường mới” khoảng 20 tập, Quý đang viết tập thứ 15 và anh dự định sẽ viết tiếp kịch bản phim “Bướm đêm”. Chàng trai 24 tuổi này còn mang khát vọng hướng đến một mô hình phát triển du lịch bền vững, trong đó có việc sử dụng du lịch để chống lại nghèo đói. Không những thế, Quý còn mong muốn kết hợp giữa điện ảnh và du lịch, lấy điện ảnh để quảng bá du lịch và nguồn thu từ du lịch sẽ được trích lại để phục vụ cho việc phát triển điện ảnh.

     Đặng Đình Quý luôn muốn làm việc hết mình với những công việc yêu thích, để có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Hằng ngày, Quý dành từ 6-8 tiếng đồng hồ để vào mạng và nhờ có internet, khoảng cách giữa một người bước đi khó nhọc như anh với thế giới bên ngoài trở nên gần hơn.

     Quý nói và cười trong trẻo, như chính những ước vọng của anh: “Tôi chỉ có một cuộc đời và sẽ không có cơ hội để có cuộc đời thứ hai. Tôi đã làm được nhiều việc hữu ích bởi tôi đã sử dụng thời gian một cách hữu ích”.                                                

      TÚ PHƯƠNG

(ĐT: 0985009490)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: