Thứ bảy, 20/04/2024,


Thái Tuấn và Những bức tranh thơ Lục Bát (04/08/2008) 

Họa sĩ Thái Tuấn, một tên tuổi lớn trong nền hội họa Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Xuân Công, sinh năm 1918 tại Hà Nội, có theo học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội nhưng bỏ dở. Thời kháng chiến chống Pháp ông sống ở Thanh Hóa, vẽ tranh cổ động. Năm 1954 di cư vào Sài Gòn, sống bằng nghề vẽ quảng cáo và trang trí, vài năm sau mới thật sự đi vào sáng tác bằng tranh sơn dầu. Ông cũng viết rất nhiều bài khảo luận, nghiên cứu về hội họa.

Thanh Tâm Tuyền có viết một câu thơ về người thiếu nữ trong tranh của Thái Tuấn như sau: “Đoan trang nét hạnh, thâm trầm dáng thơ”. Câu thơ lột tả một cách thật tài tình mẫu người thiếu nữ trong tranh của người họa sĩ được nhiều người xưng tụng như là một họa sĩ tiêu biểu cho giới họa sĩ miền nam Việt nam thời 54-75. Đồng thời câu thơ này cũng là sự diễn tả khá chính xác cho cái khả năng hội họa của Thái Tuấn.

Ngoại trừ một số ít tranh vẽ phong cảnh và chân dung người khác cũng như chân dung tự họa, Thái Tuấn đã dành tất cả các tranh trong đời của ông để vẽ thiếu nữ, hay đúng hơn, ông vẽ cái duyên dáng, cái đẹp muôn vẻ, muôn thuở của người thiếu nữ. Chưa bao giờ Thái Tuấn chủ ý thể hiện rõ ràng cái đẹp trên khuôn mặt của người thiếu nữ cả, mà chỉ là những nét chấm phá, gợi nên một khuôn mặt mơ hồ để người xem tha hồ liên tưởng đến một nét đẹp nào đó sâu đậm trong đối tượng của từng mỗi người. Chúng ta cũng thấy được cách tạo dáng , thế của những thiếu nữ trong tranh của Thái Tuấn luôn thay đổi, nhưng lúc nào nó cũng mượt mà, dịu dàng, ẻo lả đến độ khiến người xem phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn trọng để nhìn theo cái nghiêng người chênh vênh như muốn ngã, cái thế ngồi khẽ khàng, sẽ lén như muốn trôi tuột về một nơi nào đó của cô ta. Nhìn người thiếu nữ dù ở trong tư thế nào,dù trong bối cảnh nào, ăn vận như thế nào chúng ta đều cảm thấy người thiếu nữ ấy thật đẹp. Thái Tuấn đã thành công trong việc tạo được sự sống động trong tranh của ông, cái sống động ấy không mạnh bạo, ồn ào hay quá tươi tắn mà nó trầm mặc, đâu đó thấp thoáng một chút buồn mong manh do cái game màu thật nhẹ nhàng như một giấc mơ. Tranh ông thường để nhiều khoảng trống, nhưng chính trong những khoảng trống đó lại tạo ra nhiều cảm xúc theo nhiều cách khác nhau cho từng người xem, riêng tôi, đó là sự không thành của những mơ ước, đó là cõi viễn mơ dịu dàng và có thể thấp thoáng đâu đó cái bi kịch của một con người nghệ sĩ.

Thái Tuấn xử dụng nhiều loại màu xanh để làm màu chủ trong hầu hết các tác phẩm giúp cho tranh của ông thật nhẹ nhàng, êm đềm và giàn trải dài rộng đến hút tầm mắt.. Có thể nói mỗi bức tranh của ông là một bài thơ lục bát thơ mộng ăm ắp tình dân tộc. Ông đã tạo cho tranh ông một nét hết sức riêng, dù thích hay không thích người xem tranh cũng dễ dàng nhìn ra một bức tranh của Thái Tuấn.

Hãy đọc những dòng tâm sự của Thái Tuấn trong Lời Nói Đầu của cuốn Câu Chuyện Hôi Họa xuất bản năm 1967: “Giữa dòng đêm tối của thời gian, sự vật vô tri ôm giấc ngủ dài chờ đợi. Bỗng từ cõi hư vô, hơi thở nào đã thổi bùng lên ngọn lửa đam mê và cài hoa rắc bướm vào tóc rừng ngực núi. Khi gót chân chàng nhẹ hôn lên vầng cát trắng, đuổi bắt mặt trời để chia cho bình minh hoang dại và hoàng hôn cô độc, là lúc phấn hương xao xuyến mừng đón gió về phổ vào đàn suối lời ca cho bầy Ngọc Nữ. Nhưng khi đàn bướm bay theo tiếng ca vừa tắt thì cũng là lúc gót chân lưu đày xót xa hơn bao giờ hết. Trước mặt hữu thế lõa lồ nhạo báng, chàng lặng lẽ cúi đầu cất cao bản kinh chiều để tiễn đưa phi lý vào cõi hư vô. Trong cơn xuất thần mầu nhiệm thì thầm: câu chuyện lưu đày chỉ là cuộc hành hương vô tận. Chàng ngửa mặt nhìn đêm để đếm xem có bao nhiêu vì sao rụng. Và nghệ thuật bắt đầu…”

Rõ ràng chúng ta vừa đọc những câu thơ lãng đãng khói sương, nhưng nó cũng vừa giới thiệu được hành trình và hành trang của một người dấn thân vào nghệ thuật. Trung thành với tư tưởng đã vạch sẵn , Thái Tuấn cứ thế mà đưa những nhát cọ dịu dàng và huê dạng của mình lên mảnh bố (canvas), cống hiến cho đời những tác phẩm “xuất thần mầu nhiệm.”

Câu Chuyện Hội Họa là một tác phẩm gồm nhiều bài nghiên cứu, khảo luận ,được ông viết bằng lối hành văn giản dị rõ ràng, ít dùng những từ ngữ có tính cách kỹ thuật chuyên môn nên rất dễ hiểu đã giúp ích rất nhiều người đến với nền hội họa còn rất non trẻ của miền Nam Việt Nam sau 1954. Tác phẩm gồm các chương:

1 Thái độ cần thiết khi xem tranh
2 Phê bình nghệ thuật
3 Thưởng ngoạn và phê bình nghệ thuật
4 Hội họa cổ điển
5 Ấn tượng và siêu thực
6 Trường biểu hiện
7 Nhận xét về hội họa trừu tượng
8 Thế giới của hội họa
9 Đường nét và màu sắc
10 Hình thể trong hội họa
11 Đời sống đồ vật trong danh
12 Cuộc phiêu lưu của hình thể trong hội họa
13 Loại tranh mộc bản Việt-nam
14 Đứng trước giá vẽ hôm nay
15 Tuổi của nghệ thuật
16 Sự đầu thai của một ý nghĩ trong hội họa

Người viết xin trích một đoạn thật ngắn trong chương 1, tiêu biểu cho cái nhìn của Thái Tuấn khi thưởng thức một bức tranh:

“ …
Đọc một tác phẩm văn chương hay nghe ngâm một bài thơ cũng vậy, ta phải tuần tự đi vào từng chương mục, từng chi tiết. Tất cả hợp lại cho ta một kết luận về toàn thể. Thưởng thức một tác phẩm hội họa bao giờ ta cũng thu cả toàn thể tác phẩm trong một thoáng nhìn ở giây phút đầu. Cảm xúc đưa lại tuy nhanh chóng nhưng rất rõ rệt, hoặc là bức họa cho ta một cảm giác ghê sợ, buồn bã hay vui vẻ tưng bừng, v.v... Giây phút đó hoàn toàn là của cảm xúc, nó đi qua mau hay chậm tùy theo từng người. Sau đó, ta bình tĩnh và ta bắt đầu để ý đến từng chi tiết, ta băn khoăn về chỗ này, ta thú vị ở chỗ kia. Lúc đó là lúc lý trí đã bắt đầu góp phần vào cái việc xem tranh. Khi đã xem xong, ta quay lưng đi, nếu có ai hỏi chúng ta tả lại cảnh trong bức họa, chúng ta sẽ kể rằng đó là một bãi biển, hoặc là một cảnh rừng núi. Nhưng có một điều rất chắc chắn là không có thể nào chúng ta nhớ hết được tất cả mọi chi tiết trong bức họa. Nhưng thử hỏi : chúng ta nhớ hết tất cả chi tiết để làm gì, và có cần thiết hay không? Khi quay lưng khỏi bức tranh thì trong đầu ta có một bức tranh khác ít chi tiết hơn, nhưng chẳng kém phần linh động và cũng là một cảnh núi rừng âm u, hoặc là biển cả mông mênh. Ở địa hạt văn chương há chẳng như vậy sao ? Vài dòng chữ có thể gợi lên cho bạn cả một đại dương mênh mông, náo nhiệt, nào có cần gì đến năm bảy trang giấy đầy đủ mọi chi tiết . Tại sao khi xem một bức tranh ta cứ đòi hỏi phải có chi tiết này, chi tiết kia. Chi tiết ví như những đồ nữ trang, có thể làm tăng vẻ đẹp cho người đeo và cũng có thể làm giảm vẻ đẹp đi, nếu không nói là có hại. Ngắm một người đẹp, mà chỉ chú ý đến đồ nữ trang thì kể cũng khả nghi. Bởi vậy khi thưởng thức một họa phẩm, chúng ta nên dẹp hết mọi thành kiến, mọi băn khoăn của lý trí. Để cho phần cảm xúc của ta làm việc tự do hơn. Thưởng thức một bức tranh không đòi hỏi đến sự hiểu biết kỹ thuật hội họa.

Việc nghiên cứu một bức họa là phần của các người chuyên môn. Khi nghe máy vô tuyến truyền thanh, nếu bạn hiểu rõ những máy móc bộ phận trong máy đó thì càng hay, nhưng nếu bạn không hiểu rõ thì không phải vì thế mà bạn không nghe được, hay là nghe kém phần thú vị đi. Một tác phẩm họa có thể tả lại một đồ vật, một phong cảnh, cũng có thể để diễn tả một tư tưởng, diễn đạt một tình cảm, nhưng cũng rất có thể không diễn tả một cái gì khác, ngoài sự băn khoăn về cái đẹp, mục đích duy nhất của nghệ thuật hội họa…”

 (Theo tác giả Đặng Phú Phong)

 

Tài liệu tham khảo

- Câu Chuyện Hội Họa. Thái Tuấn, Cảo Thơm xuất bản 1967
- Thái Tuấn, 1918-2007. Đặng Tiến, Cảo Thơm forum.
- Hà Nội thanh lịch, mộng mơ trong tranh Thái Tuấn. Anh Vân, VN Epress

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: