Thứ bảy, 20/04/2024,


THƠ LỤC BÁT - 6/8 VỪA LÀ DI SẢN NGÀN ĐỜI VỪA LÀ TÀI SẢN ĐỘC ĐÁO CỦA DÂN TÔC! (28/08/2019) 

 Trong "Thư ngỏ" của website lucbat.vn, tôi đã viết: Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là Hồn quê, là Văn hóa cội nguồn và Tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau.
Đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng Thơ Lục Bát. Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội.
Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du là một tác phẩm Thơ Lục Bát điển hình, là niềm tự hào của người Việt Nam với thế giới. Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Quỳnh - Chủ bút tạp chí Nam Phong đầu thế kỷ 20 – đã có một câu nói để đời: "Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, mà tiếng ta còn thì nước ta còn". Suy rộng ra: Thơ Lục Bát còn thì Văn hóa Việt Nam còn và Văn hóa Việt Nam còn thì dân tộc ta sẽ trường tồn! Bởi thế, Thơ Lục Bát – Sáu Tám rất xứng đáng được tôn vinh không chỉ quy mô một Quốc gia, mà trên cả thế giới!




Các nhà nghiên cứu cho biết: “Thơ Lục Bát - Sáu Tám kéo dài 3254 câu thơ trong kiệt tác “Truyện Kiều”; trong “Tống Trân Cúc Hoa”; trong “Phạm Tải Ngọc Hoa”; trong “Thạch Sanh”; trong “Hoàng Trìu”… Hàng ngàn câu, hàng trăm nhân vật, cảnh ngộ, nỗi niềm… mà chỉ cần “Sáu Tám” là gánh chịu được hết! Có thể nói, 14 chữ cộng lại trong 2 câu 6/8 là 14 phép thần thông biến hoá. Không có thể thơ nào, có phép vận trù nào huyền ảo, phong phú như thế !
Ấy là chưa kể đến một không gian dường như vô tận mà “sáu tám” đã dâng tràn lan toả là Dân ca: Hàng trăm làn điệu Chèo và dân ca Quan Họ ca từ đều là“sáu tám”. Rồi Trống Quân, Cò Lả, Ví, Dặm, Nam Ai, Nam Bình, Ả Đào, Chầu Văn, Ca Trù… Các nhạc sỹ dân gian xin cứ “phổ” cho “sáu tám” là ai cũng thuộc, cũng nhớ, cũng có thể hát được vài câu”.
Có lẽ bởi vậy, mà Tiến sĩ, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã khẳng định rằng:
“Nếu chọn loài cây Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn phải là cây tre.
Nếu chọn loài hoa Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là hoa sen.
Nếu chọn trang phục Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là chiếc áo dài.
Nếu chọn nhạc khí Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là cây đàn bầu…
Cũng như thế, nếu chọn trong nền thơ ca phong phú của ta một thể thơ làm đại diện đi dự cuộc giao lưu thơ toàn cầu, hẳn đó phải là Lục bát.
Người Âu Tây tự hào về thể Sonnê, người Trung Quốc tự hào về thơ Đường luật, người Nhật Bản tự hào về thơ Haiku…, thì người Việt Nam có quyền tự hào về thể Lục bát. Lục bát là niềm kiêu hãnh của thơ Việt. Nếu tâm hồn một dân tộc thường gửi trọn vào thi ca của dân tộc mình, thì lục bát là thể thơ mà phần hồn của dân Việt đã nương náu ở đó nhiều nhất, sâu nhất. Có thể nói, người Việt sống trong bầu thi quyển lục bát. Dân ta nói vần nói vè chủ yếu bằng lục bát. Dân ta đối đáp giao duyên, than thân trách phận, tranh đấu tuyên truyền, trào lộng giải trí chủ yếu bằng lục bát. Và dân ta hát ru các thế hệ, truyền nguồn sữa tinh thần của giống nòi cho lớp lớp cháu con cũng chủ yếu bằng lục bát… Lục bát là phương tiện phổ dụng để người Việt giải toả tâm sự, kí thác tâm trạng, thăng hoa tâm hồn. Gắn với tiếng Việt, gắn với hồn Việt, thơ lục bát đã thuộc về bản sắc dân tộc này”…
*
Từ ngày mùng 6 tháng 8 năm Mậu Tý (2008) - Thời khắc thiêng liêng hiếm hoi, bởi "âm dương đồng nhất lý" (lịch âm và lịch dương trùng nhau), 60 năm mới có một ngày như thế - chúng tôi đã cho “trình làng” và hòa mạng internet toàn cầu website Lục Bát Việt Nam; với địa chỉ tên miền chính thức ngày nay là www.lucbat.vn.
Lục Bát Việt Nam (với tên miền chính thức www.lucbat.vn và các tên miền khác đều có thể truy cập: ww.lucbat.com – www.lucbat.net) là trang web cộng đồng, phi lợi nhuận, nhằm tôn vinh hồn quê và quảng bá di sản văn hóa; kết nối Ngoại giao nhân dân và tình Hữu nghị giữa các dân tộc dân tộc. Chúng ta đang vận động để Thơ Lục Bát được tôn vinh là "Quốc Thi"; và hơn thế nữa: Thơ Lục Bát sẽ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của Quốc gia và nhân loại.
Chúng tôi cho rằng: Thơ Lục Bát không chỉ là Di sản của cha ông từ ngàn đời truyền lại cho con cháu; mà còn là Tài sản đang tiếp tục sinh sôi và nảy nở cho hôm nay và mai sau.
Qua hơn 11 năm hoạt động, Website Lục Bát Việt Nam đã thiết lập được một thư viện độc đáo và đặc sắc về Lục Bát, với hàng ngàn tác giả và hàng vạn sáng tác mới. Đặc biệt, Ban Biên tập đã sưu tầm, biên soạn và lưu giữ hàng trăm bài viết mang tính nghiên cứu, bảo tồn và phát huy Thơ Lục Bát! Hàng chục bài viết có giá trị trong số đó đã được Ban Tổ chức Hội thảo biên soạn và đưa vào tập Kỷ yếu này mà quý vị và các bạn đang có trong tay.
Hơn 40 bài viết và tham luận đã đăng ký của hơn 40 Tác giả là những Nhà nghiên cứu, Nhà thơ có uy tín về thể loại Lục Bát, nhiều người hiện đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài. Tuy nhiên, những bài viết có trong tập Kỷ yếu và tham luận đã đăng ký trong Hội thảo lần này, chỉ là một phần tiêu biểu, chưa phản ánh hết những điều Ban Tổ chức Hội thảo muốn chuyển tải về giá trị Di sản và Tài sản của Thơ Lục Bát trong dòng chảy ngàn năm của Thi ca Việt Nam.

Chỉ cần lướt qua danh mục các bài viết và tham luận cũng đủ thấy sự dụng công của nhiều tác giả: Đi tìm nguồn gốc của thể thơ Lục Bát Việt Nam; Phát hiện lại “Việt nhân ca” từ cổ ngữ và Thơ Lục bát; Biến tấu hay khả năng tạo sinh của nhạc điệu Thơ Lục Bát từ nền tảng của ca dao; Những điểm tương đồng giữa Thơ Lục bát và Quẻ Dịch; Thơ Lục Bát với Âm Dương và Chẵn Lẻ; Lục bát lưu giữ và chuyển tải kho tàng kinh nghiệm sống từ hàng ngàn đời; Lục bát là một cõi trời mênh mông nơi thể hiện bản lĩnh của nhà thơ Việt; Thơ Lục Bát và vấn đề Nhịp điệu Thơ; Câu Lục phá cách trong Truyện Kiều; Bàn về Lục bát và ca khúc Việt Nam; Cảm thức Lục Bát; Dòng chảy ngàn năm chưa bao giờ vơi cạn; Hai điểm sống còn trong Thơ Lục bát; Lục Bát là thể thơ Quý tộc của người Việt; Thơ Lục Bát và những biến thể trong Truyện Nôm Việt Nam; Sức sống mãnh liệt của Lục Bát trong dòng chảy Văn hóa Việt; Lục Bát Ca dao và Lục Bát Thơ; Website Lục Bát Việt Nam như một Thư viện oanline lưu giữ không chỉ Lục Bát và hồn dân tộc; Vẻ đẹp mới trong Thơ Lục Bát Việt Nam hiện đại; Tìm hiểu Lục Bát thể thơ đặc thù của dân tộc; Tính thống nhất và sắc thái riêng của thể thơ Lục Bát trong ca dao ba miền Bắc-Trung-Nam; Quá trình hình thành, phát triển và đặc điểm của Thơ Lục bát trong nền văn học nước nhà; Thơ Lục Bát thời “Kinh tế thị trường”; Thơ Lục Bát với việc duy trì bản sắc Văn hóa Dân tộc trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài; Vị thế đặc biệt của Thơ Lục Bát trong Di sản Văn hóa dân tộc…
Trên tinh thần vì cộng đồng và phi lợi nhuận; nhằm góp phần xây dựng Môi trường sống Văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Website Lục Bát Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam… tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc”, vào đúng ngày 6/8 âm lịch, cũng là dịp kỷ niệm 11 năm sinh nhật của webiste Lục Bát Việt Nam, bằng kinh phí xã hội hóa.
Cảm ơn các cơ quan đơn vị và các tác giả đã ủng hộ, giúp đỡ và đồng hành cùng chúng tôi trong nhiều năm qua, để Hội thảo Khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc” nói riêng và “Ngày Hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019” thành công tốt đẹp!
Cảm ơn các cơ quan Báo chí – Truyền thông, cảm ơn các quý vị và các bạn yêu thơ Lục Bát đang hoạt động trên mạng xã hội, đã giúp đỡ Ban Tổ chức chuyển tải những thông tin, hình ảnh về cuộc Hội thảo và Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019, đến với bạn đọc và những người yêu thơ khắp mọi miền Tổ quốc và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Trân trọng!
Hà Nội, mùa Lộc Phát năm Kỷ Hợi - 2019
Đặng Vương Hưng
(Người Sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát VN
Thường trực Ban Tổ chức Hội thảo)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: