Thứ sáu, 29/03/2024,


Đồng vọng Lâm Xuân Vi (Nguyễn Thị Phương) (09/03/2019) 

 
Bìa sách "Những chuyến đò thơ - NXB Văn Học" của nhà thơ Lâm Xuân Vi

 

          Mải miết trên dòng sông thơ hơn bốn mươi năm, một ngày ta bỗng thấy nhà thơ Lâm Xuân Vi “bồng bềnh” trên con thuyền chở những ân tình của bằng hữu văn chương sang sông. Bên kia bến bờ ấy là bạn đọc, là người yêu thơ. Cuộc chuyển vai này ngoạn mục lắm thay nhưng không quá bất ngờ, bởi giữa hai vai ấy với ông gần như không có sự lệch nhịp…


          Xưa nay có bao nhiêu cách phản ánh đời sống này trong thơ thì có bấy nhiêu cách tiếp cận, thưởng thức, bình giá về thơ: khi thì diễn tả trực tiếp những ấn tượng, cảm xúc về tác phẩm, lúc phân tích dựa vào tiêu chuẩn giá trị nào đấy của nghệ thuật, hoặc bình giá dựa vào các quy luật tâm lý…Trong số những cách bình thơ thông thường ấy, Lâm Xuân Vi ưa thích lối viết tung tẩy mà vẫn không thiếu sự thận trọng, nghiêm cẩn. Đó là sự cân bằng giữa tư duy logic và xúc cảm. Đứng được thăng bằng trên ranh giới mỏng manh này nhà thơ vừa có khả năng “nhập đồng” vừa tỉnh táo trong một khoảng cách nhất định để chiêm nghiệm tác phẩm bằng vốn sống dày dặn, lịch lãm, và sự mẫn cảm với thơ.


          Bên cạnh số ít những bài giới thiệu các tập thơ mới ( Thức cùng bóng tối của Nguyễn Việt Anh Thức cùng miền xanh của Huệ Triệu, Những ngọn gió tỏa hương của Trần Mai Hường, Không xóa nổi lời hoa của Nguyễn Thị Mai, Những ngọn gió đồng của Bình Nguyên…) Lâm Xuân Vi chọn và bình những bài mà hầu hết chưa từng được viết về trước đó. Dù có thể đó chưa phải là những bài hay nhất của các tác giả hay đặc sắc nhất khi đặt “ chung chiếu” với thơ ca đương đại nước nhà nhưng rất mới mẻ. Có vẻ như cái chất “ Nẻo vòng tìm yêu” ( tên một tập thơ đã xuất bản của Lâm Xuân Vi) ngày nào vẫn đầy ắp trong ông, lây lan sang cả cách chọn và bình những bài thơ nghiêng về sự trắc trở, cái éo le dễ nhìn, khó cảm của đời người. Ông thường bắt được rất nhanh một hình ảnh, chi tiết, từ ngữ mang ý nghĩa “nhãn tự”, một cấu tứ đầy sáng tạo trong bài thơ. Ở đó có cái nâng niu, kiếm tìm, đồng vọng, cái vỡ òa phát hiện và “ đột nhập” không mấy khó khăn vào thế giới tư duy và tình cảm vốn không dễ nắm bắt, làm bật lên ý tưởng, thấy được chất thi sĩ và cái tâm của tác giả. Thế nên đôi khi người đọc sẽ khó tìm được một cách diễn đạt lớp lang, đầu cuối thông thường.


          Mỗi bài viết là một cuộc đối thoại thầm lặng, sáng tạo của Lâm Xuân Vi với văn bản thơ. Với một giọng điệu giản dị và sâu sắc, logic mà thấm đẫm chất trữ tình, ông gần như “ưu tiên” những thi phẩm chở nặng cái tâm của người viết, như một ngụ ý: Câu chữ có độc đáo thế nào cuối cùng phải có một thông điệp đó là cái nhìn thấu tình với đời sống, con người, ngay cả khi nó hiện diện ở những khúc quanh hay những hình hài khó thấy nhất. Đó cũng là mối giao cảm của người từng làm thơ, từng hiểu tường tận về câu chữ hay cấu tứ, cách vận dụng chúng thế nào cho đắc địa. Chính vì vậy rất nhiều bài bình của ông đã chạm đến ngưỡng tri kỷ, tri âm với tác giả qua văn bản ( Phơi áo của Hưng Hải, Có một chiếc lá vàng của Trần Mạnh Hảo, Lời thưa của Trương Nam Hương, Nói với con chồng của Nguyễn Thị Mai, Chợ Cát của Bình Nguyên, Đọc lại Nguyễn Du của Bằng Việt… )


          Trong nhịp câu chữ vừa vững chãi, khoan thai, vừa ngẫu hứng, bằng cách này hay cách khác Lâm Xuân Vi đã bắc được cây cầu giao duyên, đã đưa những chuyến đò thơ nối liền đôi bờ tình cảm giữa bạn đọc và thơ, để “làm nên giọt khát” như tên gọi trước đó ông đã đặt cho tập tiểu luận đầu tiên của mình, những giọt khát ấy cũng được góp mặt ở đây. Hi vọng những chuyến đò thơ lần này sẽ chạm bến đồng điệu và neo đậu lại với lòng người nơi nào nó có duyên ghé tới. Phải chăng đó cũng là khát khao lớn nhất được kín đáo gửi trong tập sách này của nhà thơ chuyên nghiệp, nhà phê bình tài tử Lâm Xuân Vi.

 

Nguyễn Thị Phương
(Đại học Hoa Lư)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: